Liệu Hoa Kỳ chắc chắn sẽ thất bại trong cuộc chiến tranh lạnh mới này?

John Mac Ghlionn

(Trái) Các binh sĩ thuộc Tiểu đoàn Vệ binh Danh dự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tuần hành bên ngoài Tử Cấm Thành, gần Quảng trường Thiên An Môn, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 20/05/2020. (Phải) Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ vào một ngày mùa đông lạnh giá và đầy nắng ở Hoa Thịnh Đốn hôm 29/12/2020. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images/Eric Baradat/AFP/Getty Images) Hoa Kỳ

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang dấn thân rất sâu vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Đáng lo ngại hơn, Trung Quốc dường như đang giành chiến thắng. Liệu có thể làm gì để giải quyết mối đe dọa ngày càng lớn này từ Trung Quốc? Phải chăng một cuộc chiến tranh toàn diện là điều không thể tránh khỏi?

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng thông tấn AP, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Trung Quốc và Hoa Kỳ cải thiện mối quan hệ “hoàn toàn không bình thường” của họ. Ông Guterres cảnh báo phải bằng mọi giá tránh để xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Trong bài diễn văn đầu tiên của mình tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Joe Biden rõ ràng nhận thức được những bình luận của ông Guterres. Ông Biden tuyên bố Hoa Kỳ đang chuyển từ “chiến tranh không ngừng” sang “ngoại giao không ngừng”. Ông Biden nhấn mạnh, Hoa Kỳ “không tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh mới”. Mặc dù ông Biden không muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới, nhưng nhà cầm quyền Trung Cộng chắc chắn muốn có.

Xét cho cùng, một cuộc chiến tranh lạnh là “một tình trạng thù địch chính trị giữa các quốc gia”, thường được đặc trưng bởi “những lời đe dọa, tuyên truyền và các biện pháp khác ngoại trừ chiến tranh công khai”. Cho dù ông Biden có thích hay không, thì hai quốc gia này đã đang ở trong một cuộc chiến tranh lạnh mới, và Trung Quốc có vẻ đang giành chiến thắng.

Các binh sĩ đứng gác bên ngoài Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm của Quân đội Hoa Kỳ tại Fort Detrick, Maryland, vào ngày 26/09/2002. (Ảnh: Olivier Douliery/AFP/Getty Images)

Hãy bắt đầu bằng việc [đề cập đến] các mối đe dọa. Vào tháng 07/2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) đã dứt khoát phủ nhận về việc đã trả tiền cho các nhóm tội phạm để thực hiện các cuộc tấn công mạng trên khắp thế giới. Mặc dù các bằng chứng rõ ràng đã chứng tỏ điều đó, nhưng ĐCSTQ đã gọi những tuyên bố này là “lố bịch”. Theo một bài báo của Reuters, một số công ty danh tiếng, trường đại học và cơ quan chính phủ ở Hoa Kỳ và nước ngoài đã bị [tin tặc] nhắm mục tiêu. Chính phủ ông Biden đã đưa ra một tuyên bố, cáo buộc Bắc Kinh đã khơi mào các vụ tấn công này. Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận được ĐCSTQ ưa chuộng nhất, đã nhanh chóng phản hồi, trong đó cảnh báo rằng “sự vu khống đối với Trung Quốc” đã trở nên “quá đáng”. Và nếu việc này tiếp diễn, thì Trung Quốc sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “trả đũa”. Chưa đầy một tháng sau lời đe dọa thẳng thừng này, chính phủ ông Biden đã công bố kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan. Rõ ràng là không bị ấn tượng bởi điều này, ĐCSTQ đã gọi hành động này là một “sự khiêu khích xấu xa”. Chưa dừng lại ở đó, Bắc Kinh thề sẽ trả đũa.

Bên cạnh việc thường xuyên đe dọa Hoa Kỳ, ĐCSTQ cũng ra sức tuyên truyền khắp nơi. Mặc dù Bắc Kinh đã bác bỏ một kế hoạch điều tra thêm của WHO về nguồn gốc của COVID-19, nhưng chỉ những người ngớ ngẩn nhất mới bác bỏ ý kiến ​​cho rằng loại virus này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Lý thuyết “rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán”, từng bị các kênh truyền thông thiên tả chế giễu, dường như chưa bao giờ hợp lý hơn [bây giờ]. Tại tỉnh Hà Bắc, việc mua các [thiết bị] xét nghiệm PCR đã tăng vọt trong nhiều tháng trước khi có báo cáo chính thức đầu tiên về một trường hợp nhiễm virus corona mới – rõ ràng ĐCSTQ có điều gì đó phải che giấu. Điều này giải thích vì sao ĐCSTQ mong muốn truyền bá thông tin sai lệch về nguồn gốc của virus.

Trong những tháng gần đây, nhờ “các bậc thầy trong việc đổi trắng thay đen” ở Bắc Kinh, một chiến dịch tung thông tin sai lệch tuyên bố rằng virus có nguồn gốc từ Hoa Kỳ đã thu hút  được một vài sự chú ý. Nếu tin vào ĐCSTQ – mà thực tế thì không – thì virus đã thoát ra khỏi Fort Detrick, một căn cứ quân sự ở Maryland. Điều thú vị là “vụ rò rỉ từ phòng thí nghiệm Fort Detrick” đã được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc ngay trước khi tình báo Hoa Kỳ công bố báo cáo về nguồn gốc của virus. Sự trùng hợp ngẫu nhiên ư? Tôi nghĩ là không. Khá buồn cười là, do những lời xảo ngôn của ĐCSTQ, hơn 5 triệu cư dân mạng Trung Quốc đã ký một bức thư ngỏ gửi tới Tổ chức Y tế Thế giới, yêu cầu tổ chức này điều tra phòng thí nghiệm Fort Detrick.

Như văn hào Mỹ Mark Twain đã nhận xét, một lời xảo ngôn có thể chạy một vòng quanh thế giới trong khi sự thật vẫn đang dậm chân tại chỗ. ĐCSTQ đã ra sức bôi nhọ Hoa Kỳ và làm làm thế giới phân tâm trước sự thật. Trong nhiều năm, ĐCSTQ đã nỗ lực phối hợp để “báo cáo tin tức đứng từ quan điểm của Trung Quốc”. Như nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã nhiều lần lưu ý, “kể chuyện là hình thức tốt nhất để phổ biến thông tin ra quốc tế.” Đương nhiên, ý của ông Tập là thông qua việc “kể những câu chuyện” để phát tán tuyên truyền. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều “câu chuyện” trong số đó tập trung vào Hoa Kỳ.

Hãy nhớ rằng một cuộc chiến tranh lạnh bao gồm các lời đe dọa, tuyên truyền, và các hành động khác ngoại trừ chiến tranh công khai. Khi chúng ta nghĩ đến chiến tranh công khai, chúng ta nghĩ đến súng, hỏa tiễn, chiến đấu cơ, và bệ phóng ngư lôi. Tuy nhiên, chiến tranh hiện đại đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Ví dụ, vụ tin tặc tấn công nói trên là một cuộc tấn công quy mô lớn vào hơn 250,000 tổ chức trên toàn thế giới. Hafnium, nhóm đứng sau vụ tấn công này, là một nhóm gián điệp mạng có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh, đã xem trộm hàng trăm ngàn email cá nhân, và đánh cắp dữ liệu có giá trị trong quá trình này.

Mặc dù chế độ Trung Cộng không có khả năng tiến hành một cuộc chiến toàn diện chống lại Hoa Kỳ, nhưng họ đã thực hiện các cuộc tấn công “cấp thấp”. Như tôi đã từng viết ở đâu đó, những ứng dụng như WeChat và TikTok, hai trong số những ứng dụng Trung Quốc phổ biến nhất trên thế giới, được biết là đã bòn rút một lượng lớn dữ liệu. Năm ngoái, như trang tin DW của Đức đã đưa tin, các hình thức thu thập dữ liệu như vậy hoàn toàn “không liên quan gì đến chức năng thực sự” của các ứng dụng này. Các nhà phát triển đã cố tình “xây dựng các cửa hậu” và “các chức năng gián điệp” đồng thời gắng hết sức “để bảo đảm rằng không ai có thể nhận ra chúng”. TikTok, với hơn 80 triệu người dùng tính riêng tại Hoa Kỳ, hiện đang thu thập dữ liệu sinh trắc học của tất cả người dùng Mỹ. Điều thú vị là TikTok không thu thập dữ liệu sinh trắc học của người dùng ở bất kỳ quốc gia nào khác. Tại sao Hoa Kỳ lại là quốc gia duy nhất bị nhắm mục tiêu cho việc lấy thông tin sinh trắc học? Tôi sẽ để quý vị trả lời cho câu hỏi đó.

Cho dù ông Biden có nhận ra điều đó hay không, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tham gia vào một hình thức chiến tranh. Đối với tất cả những lời nói suông về một “thỏa thuận Đài Loan”, tổng thống phải đủ sáng suốt để xem xét những lời hứa hẹn của ông Tập bằng sự hoài nghi. Ông Tập sẽ không hài lòng cho đến khi đạt được “sự thống nhất”.

Trong cuộc Chiến tranh Lạnh đầu tiên, Hoa Kỳ đã kiên quyết đánh bại Liên Xô. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh lạnh mới này, Trung Quốc tỏ ra có ưu thế, phần lớn là do ông Biden, dưới áp lực to lớn, đã từ chối thừa nhận mức độ trầm trọng của tình hình. Mặc dù một cuộc chiến toàn diện là điều còn lâu mới xảy ra, và thậm chí có thể không xảy ra, nhưng chế độ Trung Cộng đã gây ra những tổn hại đáng kể cho Hoa Kỳ. Trong thế giới ngày nay, người ta có thể gây ra những mức độ tàn sát không thể tưởng tượng nổi, mà không cần dùng đến súng đạn.

John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và các tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một người đóng góp cho Đảng Bảo thủ ở Hoa Kỳ.

Yến Nhi biên dịch

Related posts