Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết phân phối lại tài sản mang lại ‘ký ức xấu’ cho các thương hiệu xa xỉ ở Trung Quốc

Triệu Hằng

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Shutterstock).

Theo trang CNN, chiến dịch quốc gia vì “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phủ bóng đen lên một ngành công nghiệp được coi là một trong những thị trường lớn nhất của đất nước: ngành hàng xa xỉ. 

Việc ông Tập thúc đẩy phân phối lại của cải ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã khiến một số nhà đầu tư thị trường xa xỉ bất an. Lĩnh vực này vẫn mang vết sẹo từ cuộc đàn áp sâu rộng của chính phủ đối với tham nhũng vài năm trước đây. Những người mua sắm ở Trung Quốc rất quan trọng đối với các thương hiệu như LVMH, Hermes và Gucci.

Sáng kiến mới nhất của chính phủ – trùng hợp với một cuộc đàn áp quy định đối với các ngành công nghiệp từ công nghệ và giáo dục đến trò chơi và giải trí – đã làm dấy lên những lo ngại. Và các chuyên gia đang phân vân về việc liệu “thịnh vượng chung” có làm tổn hại đến doanh số bán hàng xa xỉ, tổng cộng hàng trăm tỷ đô-la Mỹ mỗi năm hay không.

Trong khi các kế hoạch của ông Tập vẫn đang được thực hiện, chính phủ của ông đã nói rõ rằng cuối cùng họ muốn nâng cao thu nhập của nhiều hộ gia đình hơn và mở rộng tầng lớp trung lưu. Điều đó có thể giúp tăng sức mua và tiêu dùng. Tuy nhiên, các chuyên gia không loại trừ khả năng chính phủ kiềm chế các dấu hiệu cho thấy sự xa hoa hoặc tăng thuế đối với người giàu, điều này có thể làm mờ đi triển vọng của các nhà sản xuất túi xách, giày dép và đồ trang sức cao cấp.

“Ban đầu khi nó được công bố, mọi người đã hoảng sợ”, Zuzanna Pusz, một nhà phân tích của Ngân hàng Thụy Sĩ UBS, nói về cam kết “thịnh vượng chung”. “Và thị trường hoảng loạn. Bởi vì tất cả mọi người đều quay trở lại với ký ức của họ về chiến dịch chống tham nhũng, và nhu cầu hàng xa xỉ hồi đó đã bị ảnh hưởng như thế nào”.

Một số hãng thời trang xa xỉ đã chịu ảnh hưởng lớn. Cổ phiếu của LVMH giảm 7,9% từ tháng 8 đến tháng 9, trong khi Kering, chủ sở hữu của Gucci, giảm 19,4% so với cùng kỳ. 

Bắc Kinh đã siết chặt các ốc vít đối với doanh nghiệp tư nhân trong năm qua. Nhưng các động thái đó đã tăng mạnh vào tháng 8 năm nay, khi ông Tập nói với các lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ rằng chính phủ nên thiết lập một hệ thống phân phối lại của cải vì lợi ích công bằng xã hội.

Đã có những dấu hiệu của sự e ngại trong lĩnh vực hàng xa xỉ. Các nhà phân tích của ngân hàng UBS đã viết trong một báo cáo tháng 9 gần đây, lĩnh vực này đã không còn được sự ưu ái đối với một số nhà đầu tư do có sự bất ổn liên quan đến Trung Quốc trong thời gian ngắn hạn. 

Nhưng các nhà phân tích tại Ngân hàng Thụy Sỹ cũng lưu ý rằng “thịnh vượng chung” không phải là một khái niệm mới ở Trung Quốc. Việc sử dụng cụm từ này bắt nguồn từ thời Mao Trạch Đông, người đã kêu gọi “thịnh vượng chung” khi chủ trương cải cách kinh tế mạnh mẽ để tước bỏ quyền lực khỏi tay địa chủ giàu có, nông dân và tầng lớp thượng lưu ở nông thôn.

Vào năm 2012, tại một cuộc họp lớn của ĐCSTQ, “thịnh vượng chung” được coi là nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc, Tao Wang, nhà kinh tế của UBS lưu ý trong một báo cáo gửi khách hàng. 

Cách đây chưa đầy 10 năm, ngành công nghiệp hàng xa xỉ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một cuộc chiến chống tham nhũng lớn ở Trung Quốc. Chính phủ đã dập tắt bất kỳ dấu hiệu chi tiêu xa hoa nào của các quan chức. Chiến dịch được ông Tập triển khai vào năm 2012 đã có tác động đáng kể đến lĩnh vực này. 

Trong năm 2013, thị trường xa xỉ của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2%, so với 7% của năm trước đó. Trong cuộc thập tự chinh chống tham nhũng năm 2012, các khách sạn sang trọng cũng bị ảnh hưởng khi các quan chức ngừng tổ chức tiệc và hội nghị. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, một số khách sạn 5 sao vào thời điểm đó thậm chí còn được yêu cầu giảm một sao, với hy vọng xếp hạng thấp hơn sẽ cho phép họ trông bớt sang trọng hơn và được duy trì hoạt động kinh doanh.

Related posts