Viễn ảnh chiến quốc từ bài học lịch sử

Phạm Phú Khải

Hoa Kỳ trở thành siêu cường quốc hơn ba thập niên qua, mà không có đối thủ nào có khả năng hay tham vọng để thách thức sức mạnh Hoa Kỳ. Cho đến khi sự trỗi dậy của Trung Quốc xuất hiện.

Sau Chiến tranh Lạnh, thế giới trở thành đơn cực (unipolarity) thay vì lưỡng cực (bipolarity) của thời hậu chiến (Thế Chiến II). Hoa Kỳ trở thành siêu cường quốc hơn ba thập niên qua, mà không có đối thủ nào có khả năng hay tham vọng để thách thức sức mạnh Hoa Kỳ. Cho đến khi sự trỗi dậy của Trung Quốc xuất hiện.

Trong khoảng hai thập niên qua, chúng ta đã nghe quá nhiều về Trung Quốc; từ mọi vấn đề và lĩnh vực. Nghe nhiều đến độ có thể bị bội thực. Chính cá nhân tôi cũng cảm thấy mình đã nói nhiều, trên Blog này. Nhưng dù muốn hay không, thái độ và hành động của Tập Cận Bình nói riêng, lãnh đạo Bắc Kinh nói chung, sẽ tạo ra những hành động và phản ứng dây chuyền của các quốc gia trong vùng, nhất là Việt Nam và Đài Loan. Một nước thật xa Trung Quốc như Úc cũng không thể né tránh được những thử thách này. Cả thế giới đều bị liên hệ đến kinh tế/thương mại của Trung Quốc, mà họ lại dùng nó để cưỡng bách nước khác về thái độ chính trị. Trên hết, mọi thái độ và hành động của Trung Quốc sẽ dẫn đến hành động, không hành động hay phản ứng (action, inaction or reaction) của Hoa Kỳ.

Trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 3, 4 năm 2021, Kevin Rudd biện luận rằng cuộc tranh giành quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ mang tính quyết định vào thập niên này 2020s. Rudd cho rằng sự căng thẳng ngày càng gia tăng, và đây là thập niên chung sống rất nguy hiểm. Tuy nhận định vậy, Rudd vẫn tin rằng chiến tranh sẽ chưa xảy ra, và nếu hai quốc gia cùng đưa ra khung sườn chung để có được “cạnh tranh chiến lược trong tầm kiểm soát” (managed strategic competition), thì có thể giảm thiểu rủi ro cạnh tranh leo thang trở thành xung đột mở rộng. Trước đó, Rudd cũng viết nhiều bài giá trị, như bài vào tháng 5 năm 2020, Rudd ví tình hình chính trị quốc tế hiện nay như Chiến tranh Lạnh 1.5, và trong một bài khác vào tháng 8 năm 2020, Rudd cho rằng lịch sử hiếm khi lặp lại y chang như từng xảy ra, nhưng chúng luôn là những bài học quý giá.

Nói về sử, và những bài học lịch sử, thì có một bài thật đáng suy ngẫm mới đây từ hai tác giả chính trị học và sử học nổi tiếng. Giáo sư Hal Brands và giáo sư John Lewis Gaddis cùng viết bài “Chiến tranh Lạnh Mới”, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Tiếng vọng của Lịch sử, (The New Cold War), phát hành trên số tháng 11, 12 của tạp chí Foreign Affairs. Gaddis viết rất nhiều sách sử, chủ yếu là về Chiến tranh Lạnh. Brands cũng vừa mới viết xong một bài khá hay với phó giáo sư Michael Beckley có tựa “Kết thúc sự Trỗi dậy của Trung Quốc”, Bắc Kinh sắp hết thời gian để tái tạo thế giới, vào ngày 1 tháng 10 năm 2021.

Bài viết “Chiến tranh Lạnh Mới” của Brands và Gaddis rất cô đọng. Bài chỉ khoảng 4,700 chữ, nhưng tóm lược những nguyên nhân quan yếu và sâu sắc dẫn đến xung đột lớn giữa các cường quốc xưa nay, từ thời cổ Hy Lạp, đến Thế Chiến I, II và Chiến tranh Lạnh.

Bài phân tích này quả thật có quá nhiều điều để suy ngẫm. Xin tóm gọn bài này trong ba vấn đề, theo cách nhìn của tôi, mà hai tác giả Brands và Gaddis biện luận trong bài viết.

Một, tại sao có thể gọi tình hình hiện nay là “chiến tranh lạnh”? Tất nhiên, đây là vấn đề gây tranh cãi và khó kết luận. Theo hai tác giả Brands và Gaddis, nếu hiểu chiến tranh lạnh đơn thuần là những xung đột ngấm ngầm giữa hai thế lực, thì ngoài Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ kéo dài hơn bốn thập niên, lịch sử thế giới cũng có nhiều chiến tranh lạnh như thế. Nó lạnh, vì nó dừng lại ở chỗ xung đột chưa trở thành nóng, tức chiến tranh thực sự. Nhưng không có luật nào bảo đảm kết quả nóng hay lạnh sẽ diễn ra. Tuy nhiên, quan sát hành động của Tập Cận Bình, hai tác giả tỏ vẻ quan ngại về những gì đã và đang xảy ra tại Trung Quốc: từ Sáng kiến Vành đai Con đường, cho đến sự tập trung quyền hành trong tay, kể cả giới hạn nhiệm kỳ, cho đến việc bãi bỏ hay hạ thấp các cải cách về chính trị hay kinh tế trước đây, phương thức mà đã giúp cho Trung Quốc trỗi dậy.

Từ các quan ngại nêu trên, hai tác giả đặt câu hỏi về nhiều vấn đề liên hệ. Chẳng hạn, có phải vì Tập lo ngại rủi ro rằng khi mình về hưu, số phận của mình ra sao đối với những thành phần bị mình bỏ tù hay thủ tiêu trước đây. Hay Tập nhận ra rằng sáng kiến là quan trọng, nhưng chính nó cũng kích thích tính tự phát tại nước này. Hay Tập lo lắng rằng các đối thủ thù nghịch quốc tế ngày càng gia tăng nên Tập sẽ không có thời gian để theo đuổi mục tiêu của mình. Hay Tập nhìn trật tự thế giới hiện nay không thuận lợi gì cho giấc mộng ủy thác từ Thiên đàng, Các Mác hay Mao. Hay viễn kiến của Tập là một trật tự thế giới mà chủ nghĩa chuyên quyền là trung tâm và Trung Quốc là tâm điểm v.v… Ngoài ra, Tập sinh năm 1953, 8 năm sau Thế Chiến II, và Tập hay Trung Quốc từ đó đến nay, ngoại trừ chiến tranh với Việt Nam năm 1979, nên không từng trải nghiệm nhiều chiến tranh, thì làm sao cảm nhận được những giá phải trả thật sự của nó. Nên Tập càng tỏ vẻ hung hăng, háo chiến.

Không chỉ Tập, mà còn là bản chất của chuyên chế, điều mà Hoa Kỳ lo ngại. Vấn đề chính yếu là vì sự rời bỏ quyền lực một cách khoan hậu từ các lãnh tụ chuyên chế là điều rất hiếm trong lịch sử. Gorbachev là trường hợp khá hiếm. Khi nhìn thấy mâu thuẫn lớn giữa những điều hứa hẹn và những gì thực hiện, thì chúng ta cũng sẽ nhìn ra được tính nguỵ biện mà chuyên chế nương tựa cho chính nghĩa của mình. Trong khi đó, Hoa Kỳ, dưới thời cố Tổng thống Woodrow Wilson trong Thế Chiến I, hay Franklin Delano Roosevelt trong Thế Chiến II, đều hiểu rõ nguy cơ của các chính thể chuyên chế. Khi họ đủ mạnh, thì rồi họ cũng sẽ nhắm đến nước Mỹ, như Hitler đã từng nhắm đến sau khi chiếm ngự được châu Âu, mà giờ đây bằng chứng đủ để xác minh. Tương tự, George Kennan, kiến trúc sư của chính sách ngăn chặn của Hoa Kỳ, đã hiểu rõ lịch sử và đã thuyết phục được Mỹ áp dụng chính sách ngăn chặn đối với Liên Xô vào năm 1947.

Nói tóm lại, chuyên chế thì hiện hữu khắp nơi, và Mỹ không thể, dù có quan tâm đi nữa, thay đổi mọi chính quyền độc tài như thế. Nhưng chuyên chế với mộng bá quyền, như đã thấy qua hành xử của Trung Quốc, là một nguy cơ đối với trật tự thế giới mà Mỹ quan tâm. Vì thế, xét theo tiêu chuẩn này thì Trung Quốc và Hoa Kỳ quả đang chiến tranh lạnh với nhau. Đó là điều không thể tránh được.

Hai, nguyên do nào làm cho Chiến tranh Lạnh trước đây không trở nên nóng, mà ngược lại, ngoài một số cuộc chiến tranh ủy nhiệm, phần lớn được hưởng nền hòa bình trên thế giới? Có vài nguyên do chính, như thời gian, và vũ khí hạt nhân, chẳng hạn.

Về vấn đề thời gian, thì vì từng chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của Thế Chiến II, những ai sống thời hậu chiến không muốn theo đuổi một thế chiến nữa. Hoa Kỳ và Liên Xô đều biết họ đối ngược về ý thức hệ chính trị và thang giá trị. Nhưng cả hai đều mong đợi thời gian để bên kia tự hủy. Cả hai đều muốn mua thời gian. Hoa Kỳ lẫn Liên Xô đều tin thời gian đứng về phía mình. Hoa Kỳ nhìn vậy vì tin rằng chiến lược ngăn chặn cần thời gian để đánh bại tham vọng của Liên Xô. Trong khi đó, Stalin mong đợi có thời gian để tạo ra các cuộc chiến tranh tư bản huynh đệ tương tàn để đảm bảo thắng lợi cách mạng vô sản. Sau khi Stalin chết thì lãnh đạo Liên Xô đã nhận ra điều này không hề xảy ra, nhưng đã quá trễ để bắt kịp Hoa Kỳ. Thời gian có khi lại là giải pháp cho các xung đột.

Về vũ khí hạt nhân, nó cũng có thể là một phần nguyên nhân không biến chiến tranh lạnh thành nóng. Hai tác giả cho rằng tuy không thể biết chắc chắn, bởi nó không xảy ra, nhưng rủi ro leo thang để trở thành chiến tranh toàn diện và sử dụng hạt nhân là có thật. Nhưng bởi vũ khí hạt nhân có nguy cơ hủy diệt mọi bên, cho nên sử dụng nó cũng không khác gì tự tử. Vì lẽ đó mà hai bên Hoa Kỳ và Liên Xô đều phải kiềm chế. Tương tự, tuy vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ là vượt trội so với Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa gì nếu cả hai bên đều sử dụng. Với Trung Quốc, nếu đánh chiếm Đài Loan, thì Hoa Kỳ sẽ tham chiến không, và sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân không? Mọi khả năng như thế chưa thể loại trừ hoàn toàn.

Ba, bài học lịch sử nào cho cuộc cạnh tranh và xung đột hiện nay? Theo hai tác giả Brands and Gaddis thì sự tổng hợp của những điều chúng ta biết, không biết/bất định, cũng như sự bất ngờ/ngạc nhiên, giúp chúng ta tiên đoán được một số điều, không thể tiên đoán những điều khác, do đó nói cho cùng thì chúng ta chỉ có thể biết được kết quả ra sao khi nó xảy ra.

Hai tác giả Brands và Gaddis chia sẻ các điều thú vị về sự bất ngờ xảy ra trong chính trị quốc tế. Chẳng hạn như Thế Chiến I xảy ra vì những chuyện không đáng kể bị leo thang để rồi vượt ngoài tầm kiểm soát của mọi quốc gia. Chính trị thế giới hiện nay có đầy những yếu tố bất ngờ như thế.

Thêm về các điều bất định, thì hai tác giả cho rằng, trong các vấn đề chiến lược/an ninh, thì sự thành công nằm ở chỗ bất định. Không ai biết chắc chắn được mọi điều khi lấy quyết định, bởi khi đã biết thì đã trễ. [Xin mở ngoặc để trích công thức thật hay của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell, người đã qua đời cách đây một tuần, có một công thức hay, mà đã được áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực. Powell từng nói rằng, bất cứ khi nào gặp phải một quyết định khó khăn, bạn nên có ít nhất là 40% và nhiều nhất là 70% thông tin cần thiết để lấy quyết định. Nếu dưới 40% thông tin thì bạn chỉ đoán mò. Nếu chờ có thông tin hơn 70% thông tin thì đã quá trễ rồi. 40 đến 70 là điều kiện đủ để lấy quyết định quan trọng khi cần nhất.]

Về những gì chúng ta biết, chiến lược “ngăn chặn” (containment) đối với Liên Xô, tuy không hoàn hảo, và có lúc thất bại, nhưng sau cùng nó đã quản lý thành công những mâu thuẫn của chính nó. Điều quan trọng là biết kết hợp sự đơn giản của quan niệm với sự linh hoạt trong ứng dụng. Chẳng hạn như Hoa Kỳ từng cộng tác với Stalin để đánh bại Hitler, hoặc với Tito để chống lại Stalin, hoặc với Mao để đảo lộn Brezhnev. Bởi vì không phải mọi tà ác đều như nhau vào mọi lúc, hay việc xây dựng vũ khí cũng không phải lúc nào cũng xấu, hay các cuộc đàm phán đều luôn tốt. Các tổng thống Eisenhover, Kennedy, Nixon và Reagan đều biết áp dụng cả hai để bắt đầu chuyển hóa kể thù họ đối diện.

Hơn nữa, tính cách đa nguyên, tự bản thân, là vũ khí đối với những kẻ muốn tiêu diệt nó, bởi nó chính là sự phản kháng chống lại sự đồng nhất mà kẻ bá quyền muốn thực hiện. Ngoài ra, dân chủ, thể hiện qua bầu cử mỗi 4 năm, chính là tài sản của Hoa Kỳ. Hai tác giả cho rằng không có chiến lược dài hạn nào có thể thành công nếu nó cho phép những khát vọng vượt xa khả năng của mình, hoặc khả năng làm hỏng khát vọng của nó. Do đó, bầu cử/dân chủ sẽ là công cụ để các chiến lược gia nhận ra là chiến lược của mình không hiệu nghiệm, còn hơn là không có phương tiện để xét lại, trừ phi xảy ra sự sụp đổ của các nhà chuyên quyền độc đoán già cỗi. Cho nên chiến lược ngoại giao tại Mỹ không phải độc quyền bởi một ai. Nước Mỹ là mọi thứ phải minh bạch: Những thất bại trong nước như bất bình đẳng kinh tế, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, suy thoái môi trường, và sự thái quá của thể chế cấp cao nhất (extraconstitutional excess) đều được trưng bày cho thế giới xem. Tuy nước Mỹ có nhiều vấn đề như thế, nhưng để bảo vệ quyền lợi bên ngoài, thì theo chiến lược gia Chiến tranh Lạnh George Kennan, “Hoa Kỳ chỉ cần so sánh với những truyền thống hay nhất của mình và chứng minh mình xứng đáng bảo tồn như một quốc gia vĩ đại”.

Hai tác giả đã kết luận rằng, nghiên cứu lịch sử là la bàn tốt nhất chúng ta có để điều hướng tương lai. Ngay cả khi nó không như những gì chúng ta mong đợi và không giống với những gì chúng ta đã trải qua trước đây.

Đọc từng chữ trong bài viết này thấy thật thấm. Đây là những bài học tinh tuý về chiến quốc để nhân loại cùng nghiền ngẫm về địa chính trị hiện nay. Tính chất đa nguyên, hiện hữu trong các nền dân chủ cấp tiến, có khả năng tự giải quyết mâu thuẫn/xung đột trong nội bộ, và mâu thuẫn/xung đột ở tầm quốc tế.

Cho nên muốn loại trừ chiến tranh thì cần chấp nhận và đề cao tính đa nguyên, thay vì loại trừ nó.

P.P.K.

Related posts