Hôm thứ Sáu (29/10), một nhà ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ muốn làm sâu sắc hơn mối bang giao với Đài Loan và sẽ làm việc để chống lại ảnh hưởng “xấu” của Bắc Kinh.
Trong cuộc họp báo công khai đầu tiên của mình, bà Sandra Oudkirk, giám đốc mới của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, trên thực tế là đại sứ quán Hoa Kỳ, nhắc lại rằng Hoa Kỳ vẫn có cam kết sâu sắc với Đài Loan và đang tích cực làm việc trong các lĩnh vực hợp tác mới như an ninh mạng và chuỗi cung ứng.
“Giá trị của liên kết đối tác của chúng tôi và sự hỗ trợ của chúng tôi đối với Đài Loan là vững như bàn thạch,” bà Oudkirk nói. “Chúng tôi cam kết làm sâu sắc hơn mối bang giao của chúng tôi với Đài Loan.”
Sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan diễn ra khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và hòn đảo này hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên, với việc chính quyền Trung Quốc tăng cường quấy rối quân sự bằng cách điều chiến đấu cơ bay về phía Đài Loan. Nhà cầm quyền cộng sản này tuyên bố hòn đảo tự trị là của riêng mình và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan.
Mặc dù Hoa Kỳ đã chấm dứt liên hệ ngoại giao với Đài Loan để ủng hộ Bắc Kinh vào năm 1979, họ vẫn tiếp tục duy trì mối bang giao không chính thức bền chặt với hòn đảo tự trị này.
Bà Oudkirk từ chối bình luận về bất kỳ sáng kiến an ninh nào hoặc tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trên hòn đảo, sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn xác nhận hôm thứ Năm (28/10) rằng dấu chân của binh lính Hoa Kỳ đã thực sự đã in hằn trên đất Đài Loan, mặc dù ít hơn những gì người ta nghĩ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu toàn cầu và khu vực của chính phủ Tổng thống Biden, bao gồm chống lại ảnh hưởng xấu của CHND Trung Hoa, phục hồi sau những tác động tàn phá của đại dịch và giải quyết mối đe dọa của biến đổi khí hậu,” bà Oudkirk nói, đề cập đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tên hiệu chính thức của chính quyền Trung Quốc.
Hoa Thịnh Đốn đã hỗ trợ Đài Loan bằng việc bán vũ khí để tăng cường khả năng tự bảo vệ của hòn đảo, đồng thời cũng thường xuyên ra khơi tại các vùng biển xung quanh hòn đảo trong các chuyến đi mà họ gọi là hoạt động tự do đi lại.
Bà Oudkirk, người đã trở thành giám đốc hồi hè, cũng tái khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Đài Loan trong vai trò của họ trên trường quốc tế, mà không cho biết chi tiết.
Hôm thứ Ba (26/10), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã kêu gọi các thành viên khác của Liên Hiệp Quốc ủng hộ sự tham gia độc lập của Đài Bắc vào các tổ chức quốc tế liên quan đến giao thông vận tải, y tế, biến đổi khí hậu, văn hóa, và giáo dục. Đài Loan, đơn cử như, không phải là thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới.
Bắc Kinh đã lập tức đáp trả tuyên bố của ông Blinken. Hôm thứ Sáu (29/10), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh có quyền “độc nhất” đại diện cho hòn đảo tự trị trên toàn cầu – một tuyên bố đã bị Đài Loan lên án.
Chính quyền Trung Quốc đã ráo riết tìm cách loại trừ sự tham gia của Đài Loan khỏi các cơ quan quốc tế. Kể từ năm 2017, Bắc Kinh đã cấm Đài Loan tham gia với tư cách là quan sát viên trong cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới, Đại hội đồng Y tế Thế giới.
Trong hai kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới được tổ chức vào tháng 05 và tháng 11/2020, những lời kêu gọi WHO chào đón Đài Loan đã đến từ các nhà lãnh đạo và quan chức chính phủ cao cấp của nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand, Pháp, Anh Quốc, Đức, Đan Mạch, Hà Lan, và Thụy Điển, cũng như hơn 1,700 nghị sĩ.
Một trọng tâm mới của mối bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan là chuỗi cung ứng, trong bối cảnh toàn cầu đang khủng hoảng về vi mạch máy điện toán, hay còn gọi là chất bán dẫn.
Đài Loan là quê hương của Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan, hay TSMC, nhà sản xuất vi mạch xử lý theo hợp đồng lớn nhất trên thế giới. Những vi mạch này được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh và thiết bị y tế cho đến máy điện toán dùng để chơi game.
Trong những tuần gần đây, truyền thông địa phương đưa tin rằng các công ty Đài Loan lo ngại về một yêu cầu cung cấp thông tin từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn về những thông tin nhạy cảm tiềm ẩn như hàng tồn kho, sản xuất, và các khách hàng hàng đầu của họ. Chẳng hạn như TSMC phục vụ khách hàng ở Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới.
“Tôi đã nhấn mạnh rằng yêu cầu cung cấp thông tin gần đây của Bộ Thương mại chỉ là như vậy, nó là một yêu cầu,” bà Oudkirk phản hồi về những lo ngại đó, đồng thời nói rằng yêu cầu cung cấp thông tin này là tự nguyện.
Bản tin có sự đóng góp của nhân viên Epoch Times
Minh Ngọc biên dịch