Vào ngày 26/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một bản tuyên bố đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc ủng hộ “sự tham gia mạnh mẽ và có ý nghĩa của Đài Loan trong toàn bộ hệ thống của Liên Hợp Quốc”. Về điều này, học giả Vương Hữu Quần trong bài viết đăng trên trang Epoch Times đã nêu ra 6 tầng quan hệ giữa Đài Loan và Liên Hợp Quốc.
Dưới đây là nội dung bài viết của ông:
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn luôn tuyên bố đại diện cho 23 triệu người dân Đài Loan. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã liên tục từ chối sự tham gia của Đài Loan vào các hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới, vốn là 1 cơ quan chuyên môn trong hệ thống của Liên Hợp Quốc, gạt bỏ 23 triệu người Đài Loan khỏi mạng lưới y tế và phòng chống dịch bệnh toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới lập nên. Kết quả đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đến nỗi nhiều quốc gia phải nỗ lực thúc đẩy sự tham gia của Đài Loan vào các hoạt động của các tổ chức liên quan của Liên Hợp Quốc.
Hộ chiếu được 23 triệu dân Đài Loan mang theo là hộ chiếu của “Trung Hoa Dân Quốc”. Người dân Đài Loan mang hộ chiếu “Trung Hoa Dân Quốc” có thể đi du lịch ở các quốc gia khác ngoại trừ Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao. Nói cách khác, bên ngoài cánh cổng quốc gia của ĐCSTQ, chính phủ của các quốc gia khác trên thế giới đều thừa nhận rằng người dân Đài Loan là công dân của “Trung Hoa Dân Quốc” và có một “Trung Hoa Dân Quốc” tồn tại.
Tuy nhiên, hiện nay, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) lại không phải là thành viên của Liên Hợp Quốc, và có nhiều người trẻ biết rất ít về mối quan hệ giữa Trung Hoa Dân Quốc và Liên Hợp Quốc. Trên thực tế, mối quan hệ giữa Trung Hoa Dân Quốc và Liên Hợp Quốc sâu sắc hơn nhiều so với mối quan hệ giữa ĐCSTQ và Liên Hợp Quốc.
Thứ nhất, Trung Hoa Dân Quốc là một trong những quốc gia ký kết “Tuyên bố chung của Liên Hợp Quốc”
Vào tháng 12/1941, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt đã nghĩ ra một cái tên gọi là “Liên Hợp Quốc” cho Liên minh chống phát xít (tức là các nước Đồng minh) trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Điều này cùng với “Tuyên bố chung của Liên Hợp Quốc” đã trở thành cơ sở cho các quốc gia Liên hiệp hiện đại. Vào thời điểm đó, Liên Hợp Quốc đồng nghĩa với “Các nước Đồng minh trong Thế chiến thứ hai”.
Vào ngày 1/1/1942, Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô, Trung Hoa Dân Quốc, bốn lãnh thổ tự trị trong khối Liên hiệp Anh, Ấn Độ nằm dưới sự thống trị của Anh, và 17 quốc gia khác, tổng cộng là 26 quốc gia, đã ký một văn kiện “Tuyên bố chung của Liên Hợp Quốc ”ở Washington.
Văn kiện này xác nhận rằng các bên ký kết “phải đánh bại kẻ thù để bảo vệ cuộc sống, tự do, độc lập và tự do tôn giáo, bảo vệ quyền con người và công lý trên đất nước của họ và của người khác, họ đang tham gia vào một cuộc đối đầu chung và ngăn chặn các thế lực man rợ và tàn bạo đang chinh phục thế giới”.
Nói cách khác, mục đích ban đầu của việc thành lập Liên Hợp Quốc là vì để bảo vệ mạng sống, tự do, độc lập, tự do tôn giáo, nhân quyền và công lý.
Thứ hai, Trung Hoa Dân Quốc là thành viên sáng lập của Liên Hợp Quốc
Từ ngày 21/8 đến ngày 7/10/1944, đại diện của Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô và Trung Hoa Dân Quốc đã tổ chức một cuộc họp tại Công viên Dumbarton Oaks, một trang viên cổ kính gần Washington, và hoạch định phác thảo cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, giải quyết những vấn đề chính của việc thành lập Liên Hợp Quốc.
Ngày 5/3/1945, Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô và Trung Hoa Dân Quốc, với tư cách là bốn thành viên sáng lập của Liên Hợp Quốc, đã chính thức đưa ra lời mời 46 quốc gia tham gia “Hội nghị các tổ chức quốc tế của Liên Hợp Quốc” .
Ngày 25/4/1945, Hội nghị Tổ chức Quốc tế của Liên Hợp Quốc được tổ chức tại San Francisco, Hoa Kỳ. Đại diện của 46 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô và Trung Hoa Dân Quốc đã tham dự cuộc họp. Có 10 đại diện trong phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc, trong đó Tống Tử Văn là trưởng đại diện, 9 người còn lại gồm Cố Duy Quân, Vương Sủng Huệ, Hồ Thích,… là đại diện, riêng ông Thi Triệu Cơ là cố vấn cao cấp.
Thứ ba, Trung Hoa Dân Quốc là quốc gia đầu tiên ký kết “Hiến chương Liên Hợp Quốc”
Ngày 26/6/1945, Hội nghị San Francisco đã thông qua “Hiến chương Liên Hợp Quốc” Để ghi nhận những đóng góp to lớn của Trung Hoa Dân Quốc trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Hoa Dân Quốc vinh dự là nước đầu tiên ký “Hiến chương Liên Hợp Quốc”, và ông Cố Duy Quân đã đại biểu Trung Hoa Dân Quốc ký kết “Hiến chương Liên Hợp Quốc”.
Người phiên dịch tiếng Trung của “Hiến chương Liên Hợp Quốc” là ông Dương Triệu Long, nhà luật học quốc tế hàng đầu trong thời đại Trung Hoa Dân Quốc. Năm 1948, học viện Luật quốc tế La Hay ở Hà Lan đã chọn ra 50 nhà luật học xuất sắc trên toàn thế giới, và ông Dương Triệu Long là một trong số đó.
Thứ tư, Trung Hoa Dân Quốc là một trong năm thành viên thường trực đầu tiên của Liên Hợp Quốc
Điều 23 của Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định: “Trung Hoa Dân Quốc, Pháp, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, Vương quốc Liên hiệp Anh, Bắc Ireland, và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc. Hiến chương Liên Hợp Quốc được thông qua cách đây 76 năm chỉ được sửa đổi một lần vào năm 1965, và số ghế cho các thành viên không thường trực đã tăng từ 6 ghế lên 10 ghế. Cho đến nay, cách diễn đạt của 5 thành viên thường trực trong Điều 23 vẫn không thay đổi.
Thứ năm, Trung Hoa Dân Quốc là thành viên của Liên Hợp Quốc trong 26 năm
Ngày 15/8/1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ngày 24/8/1945, Tưởng Trung Chính, tức Tưởng Giới Thạch, Chủ tịch Chính phủ Quốc dân Trung Hoa Dân Quốc, đã ký thư phê chuẩn “Hiến chương Liên Hợp Quốc” tại Trùng Khánh.
Ngày 25/10/1971, phái đoàn của Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi phòng họp trước cuộc bỏ phiếu về “Khôi phục các quyền hợp pháp của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tức ĐCSTQ, tại Liên Hợp Quốc” tại Albania. Kể từ đó, Trung Hoa Dân Quốc chính thức rút khỏi Liên Hợp Quốc.
Từ năm 1945 đến năm 1971, Trung Hoa Dân Quốc là thành viên của Liên Hợp Quốc trong 26 năm. Trong 26 năm qua, “Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, không phải là thành viên của Liên Hợp Quốc.
Thứ sáu, lý do đặc biệt khiến Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi Liên Hợp Quốc
Ngày 26/10/1971, Tổng thống Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc công bố “Báo cáo cho đồng bào cả nước về việc Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi Liên Hợp Quốc”. Trong đó đặc biệt đề cập đến việc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 26 đã vi phạm Hiến chương và thông qua đề xuất của quốc gia Albania và các nước khác, dung túng cho ĐCSTQ cướp mất vị trí của Trung Hoa Dân Quốc tại Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an.
Trung Hoa Dân Quốc “ôm giữ lập trường không chung thuyền với bè lũ giặc cướp và đề cao phẩm giá của Hiến chương”. Trước khi vụ việc được đưa ra bỏ phiếu, Trung Hoa Dân Quốc đã tuyên bố rút khỏi Liên Hợp Quốc do mình góp công xây dựng. Đồng thời, tuyên bố rằng chính phủ Trung Hoa Dân Quốc “sẽ không bao giờ thừa nhận bất kỳ hiệu lực nào” đối với nghị quyết bất hợp pháp được thông qua bởi kỳ họp này của Đại hội đồng đã vi phạm các quy định của Hiến chương”.
Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi Liên Hợp Quốc là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử đặc biệt
Vào thời điểm đó, ĐCSTQ đang làm gì trong nước Trung Quốc? ĐCSTQ đã phát động phong trào Đại Cách mạng Văn hóa. Cách mạng Văn hóa nổ ra vào năm 1966 và kết thúc vào năm 1976. Ông La Vũ, con trai của Thượng tướng ĐCSTQ La Thụy Khanh, từng mô tả 10 năm Cách mạng Văn hóa là “một thập kỷ điên rồ đối với toàn đảng, toàn quân và toàn dân”.
Nó điên rồ đến mức độ nào? Hơn một tháng trước khi ĐCSTQ thay thế Trung Hoa Dân Quốc bước chân vào Liên Hiệp Quốc, vào ngày 13/9/1971, đã xảy ra “Sự kiện ngày 13/9” chấn động thế giới. Lâm Bưu, “người chiến hữu thân cận và là người kế nhiệm” của Mao Trạch Đông được viết vào Điều lệ ĐCSTQ trong Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 9, đã bị rơi máy bay thiệt mạng tại thị trấn Ôn-đu-khan, Mông Cổ. Điều lệ ĐCSTQ trong Đại hội lần thứ 9 từng khen ngợi Lâm Bưu “luôn giương cao ngọn cờ đỏ vĩ đại của Tư tưởng Mao Trạch Đông, thực hiện và bảo vệ đường lối cách mạng vô sản của Mao Trạch Đông một cách trung thành và vững chắc nhất”. Chỉ trong nháy mắt, Lâm Bưu đột nhiên trở thành “kẻ dã tâm của giai cấp tư sản, kẻ âm mưu, kẻ phản bội và kẻ bán nước”, rắp tâm “mưu hại Mao Chủ tịch” và “âm mưu soán đảng đoạt quyền”.
Trong 10 năm Cách mạng Văn hóa, những việc mà ĐCSTQ “điên rồ” làm ra hoàn toàn trái ngược với ý định ban đầu của Liên Hợp Quốc, đó là “bảo vệ mạng sống, tự do, độc lập, tự do tôn giáo, nhân quyền và công lý”.
Ngày 13/12/1978, Nguyên soái ĐCSTQ Diệp Kiếm Anh nói trong một bài phát biểu tại cuộc họp bế mạc Hội nghị Công tác Trung ương: “Đại Cách mạng Văn hóa” đã giết chết 20 triệu người, đấu tố 100 triệu người, và lãng phí 800 tỷ Nhân dân tệ.
Chỉ riêng một vụ án oan liên quan đến Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vân Nam Triệu Kiện Dân đã liên lụy hơn 1,38 triệu người, đánh chết hơn 17.000 người và hơn 60.000 người bị đánh đến tàn phế. Riêng tại Côn Minh, 1.493 người thiệt mạng và 9.661 người bị tra tấn đến tàn phế.
Trong 10 năm Đại Cách mạng Văn hóa, rốt cuộc có bao nhiêu người Trung Quốc đã bị bức hại đến tàn phế, điên loạn, mất đi tính mạng, người mất nhà tan, thật khó mà thống kê hết được.
Vào thời điểm đó, ĐCSTQ đã có thể được các nước nhỏ như Albania “đưa” vào Liên Hợp Quốc vì ĐCSTQ đã hào phóng “tiếp tế” cho các nước như Albania bất chấp việc Trung Quốc đang chết đói hàng chục triệu người.
Ví dụ, từ năm 1959 đến năm 1961, ĐCSTQ đã phát động phong trào Đại Nhảy Vọt khiến hơn 40 triệu người Trung Quốc chết đói. Tuy nhiên, vào năm 1961, đại diện đàm phán của Albania với ĐCSTQ, Pupo Shyti, cho biết: “Ở Trung Quốc, tất nhiên chúng ta có thể thấy nạn đói. Tuy nhiên, ĐCSTQ sẽ cho bất cứ điều gì chúng ta muốn. Chỉ cần chúng ta lên tiếng”.
Từ năm 1969 đến năm 1971, Cảnh Tiêu đã nhậm chức đại sứ của ĐCSTQ tại Albania.
Vào ngày 16/5/1969, Cảnh Tiêu bay đến Tirana. Ông biết rằng ĐCSTQ luôn sẵn lòng hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Albania. Kể từ năm 1954, viện trợ kinh tế và quân sự cho Albania đã lên tới gần 9 tỷ Nhân dân tệ, trong khi tổng dân số của Albania chỉ là 2 triệu người, tính trung bình ra là hơn 4.000 nhân dân tệ một người.
ĐCSTQ đã giúp Albania xây nhà máy dệt, nhưng Albania không có bông, thế là người dân Trung Quốc phải chia nhau ngoại hối để mua bông cho Albania. Albania dệt thành vải và chế tác quần áo, và họ nhất quyết bán chúng trở lại Trung Quốc.
Ông Cảnh Tiêu cũng thấy ở Albania: Các cột điện thoại bên đường đều được làm bằng ống thép chất lượng cao do Trung Quốc viện trợ. Họ đã sử dụng xi măng và thép do Trung Quốc viện trợ để xây dựng các tượng đài liệt sĩ ở khắp mọi nơi, và hơn 10.000 tượng đài đã được xây trên toàn quốc. Phân hóa học do Trung Quốc viện trợ chất thành đống ngổn ngang dưới đất, mặc cho mưa gió, hiện tượng lãng phí không sao nói hết.
Trên trường quốc tế mà nói, vào thời điểm đó, Trung Hoa Dân Quốc buộc phải rút khỏi Liên Hợp Quốc, điều này có liên quan trực tiếp đến việc Hoa Kỳ đưa ra đánh giá sai lầm nghiêm trọng về ĐCSTQ.
Chính phủ Hoa Kỳ vào thời điểm đó không hiểu được hậu quả thảm khốc của việc ĐCSTQ “đấu với trời, đấu với đất, và đấu với con người” dưới sự hướng dẫn của hệ tư tưởng Mác-Lênin, và đã có một đánh giá sai lầm nghiêm trọng đối với ĐCSTQ. Để đoàn kết ĐCSTQ chống lại Liên Xô và tìm cách bình thường hóa quan hệ với ĐCSTQ, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Richard Nixon đã cử Henry Kissinger bí mật thăm Trung Quốc vào ngày 9-11/7/1971.
Kết quả là, ĐCSTQ khi đó vừa chống Mỹ vừa chống Liên Xô, lại đang trong cuộc chiến sinh tử bên trong đảng mà rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn, nhờ vậy mà nó có được thời gian nghỉ ngơi, và sau đó ĐCSTQ đã thừa cơ hội thay thế Trung Quốc Dân Quốc tại Liên Hợp Quốc.
Kết luận
Sở dĩ Trung Hoa Dân Quốc có thể trở thành thành viên sáng lập của Liên Hợp Quốc là vì Trung Hoa Dân Quốc đã đóng góp đáng kể vào cuộc chiến chống phát xít của thế giới. Theo số liệu thống kê của Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc, cuộc kháng chiến chống Nhật kéo dài 8 năm đã trải qua 22 trận đánh quan trọng, 1.117 trận quy mô lớn và 38.931 trận đánh nhỏ, trong đó có 268 tướng lĩnh quân đội quốc gia đã tử trận, 3.218.125 quân sĩ đã hy sinh và bị thương.
Trong thời kỳ Kháng chiến chống Nhật, ĐCSTQ “một phần kháng chiến, mười phần tuyên truyền, trăm phần phát triển lực lượng”, thậm chí còn câu kết với Nhật Bản để chống lại quân đội Trung Hoa Dân Quốc. Cuốn sách “Sự thật về sự thông đồng của Mao Trạch Đông với quân đội Nhật Bản” do bà Homare Endō, Giáo sư danh dự của Đại học Tsukuba, Nhật Bản, viết đã trình bày chi tiết về sự hợp tác của ĐCSTQ với cơ quan gián điệp Nhật Bản ở Thượng Hải và Nam Kinh.
Sau thắng lợi của cuộc Kháng chiến chống Nhật, mật vụ ĐCSTQ đã xâm nhập vào các cơ quan chủ chốt, chính phủ và quân đội Trung Hoa Dân Quốc, đánh cắp thông tin tình báo quân sự tối mật khiến quân đội Trung Hoa Dân Quốc liên tiếp bại trận và phải rút về Đài Loan.
Vào ngày 25/10/1971, sau khi ĐCSTQ bất chấp thủ đoạn thay thế Trung Hoa Dân Quốc tại Liên Hợp Quốc, ĐCSTQ vẫn không ngừng đàn áp Đài Loan, nơi đã hoàn toàn kế thừa Hiến pháp, hệ thống nhà nước và chính phủ của Trung Hoa Dân Quốc. Đến năm 2021, các chính trị gia từ nhiều quốc gia không thể chịu đựng thêm nữa và đã công khai lên tiếng bênh vực Đài Loan.
Ngày 12/5, 1.084 nghị sĩ từ hàng chục quốc gia châu Âu đã cùng viết thư cho Tổng thư ký Tổ chức Y tế Thế giới Tedros, ủng hộ Đài Loan tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới và các sự kiện liên quan của WHO. Chính trị gia từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc,…cũng đều lên tiếng ủng hộ Đài Loan tham dự Hội nghị của WHO.
Có thể thấy trước rằng ĐCSTQ càng đàn áp Đài Loan, thì càng có nhiều quốc gia ủng hộ Đài Loan. Có lẽ một ngày nào đó, ĐCSTQ bản thân nó sẽ tự sụp đổ; Trung Hoa Dân Quốc quay trở lại Liên Hợp Quốc không phải là điều không thể.