Ngải Vị Vị, cái gai trong mắt ĐCSTQ và những ký ức đau buồn về tuổi thơ

Triệu Hằng

Ông Ngải Vị Vị (ảnh: Youtube/八度空间华语新闻).

“Tôi vẫn là một công dân Trung Quốc…Tôi nói tiếng Trung và tôi là một người Trung Quốc điển hình – nhưng tôi chưa bao giờ có nhà ở đó…”.

Ngải Vị Vị, một trong những nghệ sĩ gốc Hoa, đã trở thành một cái tên quen thuộc ở phương Tây sau khi ông giúp hình thành sân vận động “tổ chim” ở Bắc Kinh cho Thế vận hội Olympic 2008, nhưng ông đã không chấp nhận việc sân vận động này được sử dụng cho mục đích “sử dụng văn hóa làm tuyên truyền” và từ chối tham dự lễ khai mạc. Nhiều dự án của ông kể từ đó đã tiếp tục chỉ trích nhà nước Trung Quốc, bao gồm cả bộ phim “Đăng quang” (Coronation), bộ phim tài liệu năm 2020 của ông nói về sự bùng phát virus Corona ở Vũ Hán.

Ông cho biết với báo Guardian: “Tôi vẫn là một công dân Trung Quốc, một người mang hộ chiếu Trung Quốc. Nhưng tôi không cảm thấy đó là quê hương của mình. Tôi nói tiếng Trung và tôi là một người Trung Quốc điển hình – nhưng tôi chưa bao giờ có nhà ở đó. Năm tôi sinh ra, cha tôi bị đày ải. Vì vậy, câu chuyện của tôi bắt đầu với việc không có nhà, chỉ bị đẩy đến một khu vực rất xa như một kẻ thù của nhà nước.”

Người cha quá cố của Ngải Vị Vị là Ngải Thanh, người được coi là một trong những nhà thơ cách mạng xuất sắc của Trung Quốc hiện đại, và bị bỏ tù vào năm 1932. Ngải Thanh là bạn và là cộng sự trí thức của lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông, trước khi thất sủng và rơi vào mạng lưới của một cuộc thanh trừng những người trí thức có xu hướng hữu khuynh. Trong cuốn tự truyện “1000 năm đồng cam cộng khổ” của Ngải Vị Vị đã tô đậm câu chuyện của cha mình với 150 trang đầu tiên. Điều bật ra từ những đoạn văn đó là sự tàn nhẫn tuyệt đối của chế độ thực thi ý thức hệ của Mao, và những điều kiện tồi tệ mà Ngải đã trải qua khi còn nhỏ. 

Thời kỳ ảm đạm nhất là khi Ngải Thanh và hai con trai của mình sống trong một cái hầm đất nhỏ ở “Tiểu Siberia”, một khu vực ở nơi xa xôi phía tây bắc của Trung Quốc. Giường của họ là một cái nền đất nhô cao và phủ lên trên đó là thân cây lúa mì, trên nóc hầm có lỗ vuông để lấy ánh sáng. Chiếc đèn dầu mà họ sử dụng bên trong hầm đã làm cho lỗ mũi của họ đen đi vì muội than. Họ thường xuyên gặp chuột cũng như chấy. Công việc của Ngải Thanh trong phần lớn thời gian này là dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng. Vào mùa đông, họ phải chia nhỏ phân đông lạnh thành những phần để có thể vận chuyển được và chuyển chúng ra khỏi nhà tiêu. Cuối cùng, sau những ngày tháng cải tạo đó, Ngải Thanh được trả tự do và gia đình chuyển đến Bắc Kinh.

Khi còn nhỏ, Ngải Vị Vị nói, ông không có ước mơ cho tương lai của mình, bởi vì những điều như vậy đi ngược lại với hệ tư tưởng cộng sản. Hoài bão khát vọng lúc đó được xem là từ ngữ bẩn thỉu. Vào khi chớm 20 tuổi, ông đã trốn đến New York, và ghi danh vào một trường thiết kế ở Mỹ. 

Và ngày nay, Ngải Vị Vị trở thành một nghệ sĩ kiêm một nhà hoạt động với nhiều dự án nhiếp ảnh, điêu khắc, các dự án phim, và các dự án xã hội khác, và ông cũng trở thành một cái gai trong mắt chính quyền Trung Quốc.

Mỗi năm ông tổ chức một số triển lãm cá nhân lớn, từ California đến New York tới Turin và tới Athens, và các dự án cộng đồng khác, trong đó có dự án mang hơi hướng báo chí khi ông với sự giúp sức của nhiều nhóm nhỏ đã cố gắng ghi lại tên của những đứa trẻ thiệt mạng trong trận động đất ở Tứ Xuyên khi mà nhà chức trách Trung Quốc không ghi lại được.

Related posts