Việt Nam “hát” giai điệu nào tại các Thượng đỉnh?

Đinh Hoàng Thắng

1-11-2021

ASEAN vừa kết thúc các Hội nghị Cấp cao trực tuyến lịch sử. Lần đầu tiên, các nước Đông Nam Á thực hiện được công thức “10-X”. Tuyên bố về Biển Đông khá hơn các năm trước. Một số nước ASEAN bày tỏ lập trường về AUKUS…

Các Hội nghị Cấp cao ASEAN từ 26 – 28/10 là chưa có tiền lệ.

Thứ nhất, hơn nửa thế kỷ qua, lần đầu tiên, các nước Đông Nam Á thực hiện được công thức “10-X”, chín nhà lãnh đạo của khối vẫn quyết định nhóm họp sau khi “loại” một thành viên ra khỏi “cuộc chơi”.

Thứ hai, Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN năm nay về Biển Đông có nhiều tiến bộ hơn các năm trước đây.

Thứ ba, kể từ ngày “Liên minh tay ba” Úc-Anh-Mỹ thành lập (15/9/2021), lần đầu tiên một số nước ASEAN đã xác nhận lập trường công khai về Hiệp ước AUKUS.

Thứ tư, từ 2017 đến nay, đây cũng là lần đầu tiên, một Tổng thống Mỹ ngồi “face-to-face”, dù chỉ qua video, với chín nhà lãnh đạo ASEAN.

Tại cả bốn cột mốc này, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đều phát biểu trước các đồng nhiệm, thể hiện sự “đồng thuận” của Hà Nội về các chỉ dấu “bước chuyển” – cho dù chưa thể kết luận là đã “xoay trục” – của CSVN. Nếu không được “cấp phép”, ông Phạm Minh Chính đã không có các phát biểu tương đối mạch lạc như thế về Biển Đông và chủ động đề xuất hai trọng tâm.

Bước chuyển hay xoay trục?

Trên lý thuyết, công thức “10-X”, hay “ASEAN-X” không phải là điều chưa được biết tới bao giờ. Từ khá lâu, các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy trước các hạn chế của “phương cách ASEAN” và đề nghị thay thế phương cách ấy bằng nguyên tắc lấy quyết định theo đa số. Cuộc khủng hoảng Myanmar, qua các cuộc họp Cấp cao lần thứ 38 và 39, đã có tác động tích cực, củng cố sự nhất trí của ASEAN về Myanmar ở mức độ cần thiết. Nhiều nước thành viên đã nêu lên lập trường của mình mà trước đây chưa tuyên bố rõ ràng.

ASEAN đã thực thi được một “nhiệm vụ kép”. Vừa giải cứu Myanmar vừa giải cứu chính mình. Điều chưa có tiền lệ là “tẩy chay” được Myanmar (10-X), nhưng ASEAN đồng thời cũng tuyên bố chiếc ghế bỏ trống tại Hội nghị là do Myanmar từ chối, chứ không phải do ASEAN ngăn cản. Aaron Connelly, một nhà phân tích từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đã nhận định, động thái không mời thủ lĩnh nhóm đảo chính là một “bước đột phá thực sự đối với ASEAN”.

Vấn đề Biển Đông năm nay được Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày một cách thẳng thắn, thuyết phục, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam. Trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN năm 2019, cụm từ “các sự cố nghiêm trọng gần đây” ở khu vực Biển Đông đã không đưa được vào, do bị Campuchia phản đối. Năm nay, Biển Đông chiếm nhiều diện tích hơn trong các thảo luận cũng như các tuyên bố. Tuyên bố Chủ tịch ASEAN của Hội nghị Cấp cao lần 38 và 39 dài 27 trang, dành nguyên cả trang 25 để nói về Biển Đông.

Mặc dù không có nội dung mới trong thông cáo năm nay, ASEAN đã mạnh dạn thể hiện sự quan ngại về những hoạt động gây mất ổn định ở khu vực Biển Đông, như “các hoạt động cải tạo đất, sự cố nghiêm trọng trong khu vực, bao gồm cả thiệt hại đối với môi trường biển”, đề cao luật pháp quốc tế khi cụm từ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) được nhắc lại tới 4 lần chỉ trong trang này trong tổng số 7 lần trong toàn bộ Tuyên bố.

Từ khi các Nguyên thủ Úc, Anh và Mỹ tuyên bố sự ra đời của “tân Liên minh AUKUS”, đã có bình luận, đây là cái “lõi đầu tiên” của một cấu trúc an ninh tập thể ở châu Á. Ngay cả sự ra đời bất ngờ của Hiệp ước AUKUS đã khiến ASEAN “lao đao”, Indonesia và Malaysia phản ứng ra mặt, vì quan ngại về một cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực. Hai nước này còn có ý định lobby để ASEAN ra một tuyên bố về AUKUS, thậm chí Malaysia còn định tham vấn Trung Quốc, nhưng không thành.

Tuy nhiên, tại Cấp cao vừa rồi hầu như không có nước nào phản đối công khai AUKUS, ngoại trừ Trung Quốc. Singapore hoan nghênh “Liên minh Bộ Tam”. Philippines chúc mừng Úc nhân dịp nước này sẽ trở thành đối tác chiến lược toàn diện của ASEAN, hy vọng AUKUS sẽ khuyến khích vai trò trung tâm của khối. Việt Nam vẫn duy trì lập trường “trung dung” đối với “tân Liên minh Bộ Tam”, nhưng có thể tính đến sự ủng hộ ngầm của Hà Nội đối với Hiệp ước.

Tuyên bố của Tổng thống Biden tại Cấp cao vừa qua là một sự hỗ trợ tinh thần và vật chất có ý nghĩa đối với ASEAN. Lần đầu tiên sau 4 năm, Washington tham gia ở cấp cao nhất với một khối mà Mỹ coi là chìa khóa trong chiến lược đẩy lùi Trung Quốc. Hoa Kỳ đã không gặp gỡ với ASEAN ở cấp Nguyên thủ kể từ lần cuối người tiền nhiệm của ông Biden, cựu Tổng thống Donald Trump, tham dự cuộc họp ASEAN – Hoa Kỳ ở Manila vào năm 2017. Từ thời điểm ấy, quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc ngày càng xấu đi và trở nên tồi tệ trong mấy năm gần đây.

Các nhà phân tích cho rằng, cuộc gặp của Tổng thống Biden với khối 10 quốc gia phản ánh nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm thu hút các đồng minh và đối tác trong nỗ lực chung nhằm đẩy lùi Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ đã tránh đề cập cụ thể đến Trung Quốc tại các cuộc họp khi họ đang chuẩn bị một hội nghị thượng đỉnh với Bắc Kinh (VOA 26/10).

Thay đổi tâm thức hay bị áp lực?

Một trong những vấn đề các quốc gia Đông Nam Á phải tiếp tục đối mặt sau các Hội nghị Thượng đỉnh, đó chính là cuộc khủng hoảng Myanmar. Việc nước này phóng thích một số nhà hoạt động hôm 19/10 thật ra là âm mưu của quân đội cầm quyền, nhằm cố gắng xây dựng lại uy tín quốc tế của mình sau khi bị ASEAN tẩy chay. Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, viết trên Twitter, hoan nghênh việc phóng thích này, nhưng nói rằng việc giam giữ họ ngay từ đầu là “quá vô lý”.

Ông Andrews bình luận: “Chính quyền thả các tù nhân chính trị ở Myanmar không phải vì thay đổi trong tâm can mà vì áp lực”. Phân tích này dường như cũng khớp với trường hợp của Việt Nam. Hà Nội tán thành “tẩy chay” Myannmar không phải vì thay đổi trong tâm thức, mà chẳng qua vì áp lực quốc tế, ngoài ASEAN còn là Mỹ và châu Âu. Việt Nam biết, lần này nếu hành động như ở ĐHĐ/LHQ, ngả theo quyền lợi của Trung Quốc và Nga thì sẽ rất nguy hiểm.

Mùa hè vừa qua, chính phủ Việt Nam cùng Trung Quốc, Nga, Ấn Độ bị báo chí quốc tế “điểm danh” và bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích là bốn quốc gia ngăn LHQ có tuyên bố cứng rắn về Myanmar sau cuộc đảo chính hồi tháng Hai. Về căn bản, bốn nước này phản đối việc đưa vào nghị quyết cụm từ “cuộc đảo chính quân sự” và ngăn cản LHQ đưa ra tuyên bố về bất kỳ khả năng hợp tác nào để tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Myanmar.

Mọi người cũng chưa quên lập trường của Việt Nam tại HĐBA/LHQ. Ngay cả phát biểu của Thủ tướng Chính cũng vẫn là tiếp cận “nước đôi” trong vấn đề Myanmar. Còn nhớ trước ngày 27/3/2021, ba thành viên ASEAN là Việt Nam, Lào và Thái Lan đã cử đại biểu dự Lễ duyệt binh tại Napydow do tướng Min Aung Hlaing chủ trì. Cũng trong ngày hôm ấy, quân đội đã bắn giết hơn một trăm dân thường, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.

Các nhà quan sát cho biết quan điểm khác nhau của các nước ASEAN về AUKUS có thể khiến nỗ lực của Bắc Kinh trong việc lôi kéo hiệp hội này trở nên phức tạp hơn. Trung Quốc lo ngại rằng sự cân bằng chiến lược giữa họ và Mỹ, vốn vẫn rất mong manh trong khu vực, có thể bị xáo trộn nếu Australia được phép mua công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, tạo tiền lệ cho các đồng minh khác của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á – có nguy cơ thành nạn nhân của Trung Quốc khi nước này tăng cường quân sự trong khu vực – sẽ chào đón AUKUS, coi đấy là nỗ lực để cân bằng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với một số thành viên ASEAN. Nhưng cách quân bình quyền lực này cũng đưa tới một rủi ro khi các cường quốc phô diễn sức mạnh ngày càng nhiều, có thể sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột.

“Bóng ma” Myanmar tiếp tục ám ảnh ASEAN. Việc loại kẻ cầm đầu đảo chính khỏi Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua đúng là một bước “chuyển mình” của ASEAN, nhưng quá trình đi đến quyết định ấy khá trầy trật và khó khăn. Dư luận còn nhớ sự chia rẽ trong khối ASEAN trong quá trình đạt “đồng thuận 5 điểm”, cũng như quyết định không mời thống tướng Min Aung Hlaing dự Hội nghị cấp cao.

Đấy là những quyết định rất khó khăn và rất nhạy cảm, “một quyết định chưa từng có được đưa ra trong một hoàn cảnh chưa từng có”, như lời Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, người đã có 7 năm đảm nhiệm vị trí Trưởng SOM ASAEN (Senior Oficial Meeting – Hội nghị quan chức cao cấp).

ASEAN một mặt vẫn muốn tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ Myanmar, nhưng mặt khác, ASEAN cũng nhận thức cuộc chính biến tại Myanmar đã và sẽ có có ảnh hưởng lâu dài tới khu vực. Điều này cho thấy ASEAN điều chỉnh là do bị áp lực, chứ chưa phải thay đổi thực sự trong não trạng. Do đó, nhìn về tương lai, ASEAN vẫn sẽ còn tiếp tục bị “phân thân”.

Related posts