Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu hôm 01/11, vài ngày sau khi đệ trình một kế hoạch đã được sửa đổi nhằm giảm lượng khí thải carbon dioxide khiến nhiều nhà quan sát khí hậu thất vọng.
Trong một tuyên bố bằng văn bản gửi tới Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26), ông Tập kêu gọi “các nước phát triển không chỉ làm nhiều hơn nữa mà còn hỗ trợ để giúp các quốc gia đang phát triển cùng làm tốt hơn.”
Ông thúc giục tất cả các quốc gia “lập các kế hoạch dựa trên hoàn cảnh của mình” và “tập trung vào các hành động”, theo thông tin đăng trên trang web của bộ ngoại giao Bắc Kinh.
Ông Tập, người lãnh đạo một quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, là nhà lãnh đạo duy nhất trình bày tại hội nghị thượng đỉnh Glasgow dưới dạng văn bản, mặc dù đặc phái viên khí hậu của Trung Quốc Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua) đã đích thân tham dự sự kiện này.
Trung Quốc là nước sử dụng và sản xuất than lớn nhất thế giới, một nguồn phát thải chính, nhưng cuộc khủng hoảng điện gần đây đã khiến chính quyền nước này phải ưu tiên bảo đảm nguồn cung năng lượng.
Trước hội nghị thượng đỉnh, Trung Quốc đã chính thức đệ trình kế hoạch phát thải nhà kính được mong đợi từ lâu, trong đó tái khẳng định các mục tiêu hiện có nhưng không bổ sung cam kết mới.
Trong kế hoạch này, Bắc Kinh nhắc lại một mục tiêu mà ông Tập đã công bố vào năm 2020 – rằng lượng khí thải carbon dioxide sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2030 và đạt mức 0 vào năm 2060. Họ cũng đã cam kết giảm cường độ carbon trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội hơn 65% so với mức năm 2005, tăng 5% so với kế hoạch năm 2016.
Họ cũng sẽ tăng tỷ trọng của các nhiên liệu không hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp từ 20% lên 25%, và nâng công suất lắp đặt của điện gió và mặt trời lên hơn 1,200 gigawatt. Mặc dù Bắc Kinh có kế hoạch đạt được những mục tiêu này vào năm 2030, nhưng họ không thay đổi thời điểm giảm dần việc sử dụng than, có nghĩa là tiêu lượn thụ than của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2025, và bắt đầu giảm sau đó.
Các cam kết này đã làm thất vọng những nhà quan sát khí hậu, những người đã mong đợi Bắc Kinh đưa ra lời hứa tham vọng hơn. Hôm Chủ nhật (31/10), Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ sự thất vọng trước việc Trung Quốc và Nga thiếu cam kết, nói rằng hai nước này “về căn bản không thể hiện bất kỳ cam kết nào để ứng phó với khí hậu.”
Mặc dù các nhà phê bình nói rằng kế hoạch của Bắc Kinh không đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, nhưng một nhà phân tích đã bày tỏ sự nghi ngờ việc Bắc Kinh có thể đạt được ngay cả với những cam kết này.
“Trung Quốc cam kết rất nhiều, nhưng liệu họ có thể thực hiện nó trong thực tế?” ông Edward Huang, một nhà phân tích kinh tế sinh sống tại Đài Loan cho biết.
Theo ông Huang, câu hỏi đặt ra đối với Trung Cộng là làm thế nào có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng để thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời giảm sự phụ thuộc lớn của đất nước vào than đá.
Trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, Trung Cộng đã đưa ra các quy định chặt chẽ để hạn chế tiêu thụ năng lượng và khí thải, điều này đã góp phần gây ra tình trạng thiếu than trên diện rộng. Trong những tuần gần đây, một cuộc khủng hoảng năng lượng đã bao trùm đất nước, buộc các nhà máy phải giảm sản xuất hoặc thậm chí đóng cửa, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và đe dọa tăng trưởng kinh tế.
Do đó, quốc gia này đã đổ xô đi khai thác và đốt nhiều than hơn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài trong mùa đông.
Theo ông Huang, không có gì có thể ngăn chặn chu kỳ dẫn đến tình trạng thiếu than tái diễn vào năm sau, và năm sau nữa.
“Vì vậy, tôi nghĩ… [các mục tiêu khí hậu của Bắc Kinh] chỉ là một mục tiêu, nhưng rất khó để biến nó thành hiện thực,” ông nói.
Cô Dorothy Li là phóng viên của The Epoch Times tại Châu Âu.
Thiện Lan biên dịch