Trung Quốc vẫn gia tăng sản xuất than mặc dù đã cam kết đạt trung hòa carbon
Thanh Phương
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không đích thân đến dự hội nghị khí hậu COP 26 ở Glasgow. Nếu có mặt ở hội nghị, hôm nay chắc là ông sẽ bị vặn hỏi: Vì sao đã cam kết sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2060, Trung Quốc vẫn cứ gia tăng sản xuất than đá, nguồn năng lượng “bẩn” nhất?
Theo hãng tin AFP, đúng vào lúc các lãnh đạo thế giới đang nỗ lực tìm ra một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu để tránh một thảm họa cho hành tinh của chúng ta, Trung Quốc, quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, lại tăng mức sản xuất than thêm hơn một triệu tấn mỗi ngày.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục dần dần từ cơn đại dịch Covid-19, cũng như nhiều nước khác, Trung Quốc đang phải đối đầu với tình trạng giá nguyên liệu tăng vọt, nhất là than đá, chiếm đến 60% các nguồn nghiên liệu cung cấp cho những nhà máy nhiệt điện của nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới.
Tình trạng này khiến các nhà máy điện phải hoạt động cầm chừng, trong khi nhu cầu điện năng ở Trung Quốc lại đang tăng cao, khiến chính phủ Bắc Kinh đã buộc khống chế lượng điện tiêu thụ. Giá nguyên liệu tăng cao còn làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.
Để giảm nhẹ áp lực đó, chính quyền Trung Quốc trong những tuần qua đã cho phép mở lại các mỏ than, một quyết định trái ngược với cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình là nước này sẽ bắt đầu giảm lượng khí phát thải CO2 trước năm 2030.
Kể từ giữa tháng 10, sản lượng than trung bình mỗi ngày của Trung Quốc đã vượt quá 11,5 triệu tấn, theo số liệu chính thức do Ủy Ban Cải Cách và Phát Triển Quốc Gia công bố hôm Chủ Nhật vừa qua, tức là tăng 1,1 triệu tấn so với cuối tháng 9. Vào tháng trước, ủy ban này cũng đã tuyên bố không loại trừ khả năng can thiệp để làm giảm giá than xuống mức “hợp lý”, nhưng không nói rõ sẽ làm cách nào.
Theo nhà nghiên cứu Francis Perrin, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, được trang TV5Monde trích dẫn ngày 11/08/2021, phải tính đến trọng lượng của than đá trong sự cân đối kinh tế của Trung Quốc. Ông Perrin cho biết, năm ngoái, than đá đã chiếm tới 56% tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc và đóng góp đến 63% khối lượng nguyên liệu dùng trong sản xuất điện. Với một tỷ trọng lớn như vậy, rất khó cho các lãnh đạo của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới chuyển ngay sang một nguồn năng lượng khác.
Là nước sản xuất than hàng đầu thế giới và là quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, tuy vậy Trung Quốc là nước đầu tư nhiều nhất vào việc phát triển các năng lượng sạch. Nhưng vấn đề đang được đặt ra đó là Bắc Kinh phải đưa ra những cam kết cụ thể về việc nâng tỷ trọng của các năng lượng sạch trong sản xuất điện.
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, nếu muốn đạt được các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, từ đây đến năm 2050, thì 90% sản xuất năng lượng của Trung Quốc phải từ hạt nhân và các nguồn năng lượng sạch, nhưng hiện giờ tỷ lệ này chỉ mới là 15%.
Chính vì vậy mà trước khi diễn ra hội nghị COP26, thủ tướng Boris Johnson của nước chủ nhà Anh Quốc đã thúc giục chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là cần phải có những biện pháp cụ thể để giảm lượng khí phát thải cũng như đẩy nhanh việc chuyển tiếp sang các năng lượng sạch, nhất là qua việc từ bỏ dần dần sử dụng than đá.
Đánh cá: Pháp tạm hoãn trừng phạt Anh, bắt đầu đối thoại
Thụy My
Sau thời gian căng thẳng cao độ về quyền đánh cá sau Brexit, Pháp và Anh từ tối qua 01/11/2021 chừng như đã ưu tiên cho đối thoại. Tổng thống Emmanuel Macron bên lề hội nghị COP26 cho biết đôi bên tiếp tục thương thảo, tuy trước đó Pháp dự kiến áp đặt trừng phạt kể từ 0 giờ hôm nay, còn Anh dọa kiện.
Tối qua, quốc vụ khanh phụ trách châu Âu Clément Beaune thông báo Pháp tạm ngưng các biện pháp trả đũa. Ông cho biết đã nhận được những dấu hiệu đầu tiên từ chính quyền Anh để đẩy nhanh thương lượng, và đồng nhiệm Anh David Frost được mời đến Paris ngày thứ Năm 04/11 để thảo luận. Reuters dẫn lời ông Clément Beaune khẳng định, các biện pháp mà Pháp đã loan báo và chuẩn bị sẽ không được áp dụng trước cuộc họp này.
Thông báo trên đây được chính phủ Anh hoan nghênh, và cho biết ông David Frost đã nhận lời mời.
Tuần trước Paris cảnh báo kể từ hôm nay sẽ có những biện pháp trả đũa, như cấm tàu đánh cá Anh vào cảng Pháp, gia tăng kiểm soát biên giới và về dịch tễ đối với hàng nhập từ Anh. Thứ Tư 28/10, Pháp bắt giữ tàu Cornelisis Gert Jan của Anh, mà theo Paris đã đánh cá bất hợp pháp ngoài khơi Havre. Về phía Anh, ngoại trưởng Liz Truss tuyên bố hành động của Pháp hoàn toàn vô lý, đe dọa vận dụng cơ chế trong thỏa thuận thương mại với Liên Hiệp Châu Âu (EU) và đòi bồi thường.
Bất đồng giữa Anh và Pháp về khu vực đánh cá gần duyên hải đã tồn tại từ nhiều thập niên. Nhưng tình hình trở nên gay gắt từ tháng Chín, khi Paris tố cáo Luân Đôn không cấp đủ giấy phép cho tàu Pháp để đánh cá trong khu vực cách vùng duyên hải Anh từ 6 đến 12 hải lý. Theo thỏa thuận Brexit, ngư dân châu Âu có thể tiếp tục hành nghề tại một số vùng biển của Anh, với điều kiện chứng minh được đã đánh cá tại đó từ trước. Nhưng Pháp và Anh tranh cãi về tính chất và số lượng chứng từ phải cung cấp.
Cho dù đánh cá không phải là hoạt động kinh tế chủ chốt của cả hai nước, xung đột này diễn ra vào lúc quan hệ ngoại giao giữa đôi bên đang xấu đi.
Trung Quốc kêu gọi người dân tích trữ lương thực
Thụy My
Chính quyền Trung Quốc từ tối qua 01/11/2021 kêu gọi người dân tích trữ thực phẩm để phòng ngừa trong trường hợp khẩn cấp. Giá rau quả tăng vọt do Covid quay lại và mưa lớn gây lo ngại khan hiếm lương thực, trong lúc đang căng thẳng với nhiều nước cung cấp.
AFP dẫn một thông cáo trên trang web của bộ Thương Mại tối qua, yêu cầu « các hộ gia đình tích trữ một số lượng hàng thiết yếu cho nhu cầu hàng ngày, để dùng trong trường hợp khẩn cấp ». Thông cáo không nêu lý do, cũng không nói Trung Quốc có bị khan hiếm thực phẩm hay không. Bộ Thương Mại cũng kêu gọi chính quyền các địa phương tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp và hoạt động cung ứng, giám sát việc dự trữ thịt, rau quả, đồng thời ổn định giá cả.
Trung Quốc là nước nhập khẩu thực phẩm nhiều nhất thế giới, dễ bị ảnh hưởng trước những xung đột. Hiện nay Bắc Kinh đang căng thẳng với các nước xuất khẩu lương thực lớn như Hoa Kỳ, Canada, Úc. Chỉ thị của bộ Thương Mại khiến cư dân mạng cho rằng có liên quan đến căng thẳng với Đài Loan, nhưng tờ báo Nhà nước Economic Daily phê phán họ “tưởng tượng quá nhiều”.
Vào lúc đỉnh dịch đầu năm 2020, các chuỗi cung ứng đã bị rối loạn do nhiều địa phương và tuyến đường bị phong tỏa. Thế Vận Hội mùa đông sắp diễn ra ở Bắc Kinh tháng Hai tới, chính quyền lo ngại dịch Covid lại bùng lên. Ít nhất 6 triệu người đã bị phong tỏa, chủ yếu ở Lan Châu (Lanzhou) thuộc tỉnh Cam Túc cách Bắc Kinh 1.700 kilomet, tuy số ca dương tính mới tại Trung Quốc vẫn còn rất thấp so với tình hình chung trên thế giới – hôm nay có 71 ca.
Nạn lụt mùa hè vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho mùa màng. Reuters cho biết Sơn Đông, tỉnh sản xuất rau quả lớn nhất nước đã bị mất toàn bộ sản lượng, giá dưa leo, rau và bông cải xanh tăng gấp đôi. Theo số liệu chính thức, tháng trước giá 28 loại thực phẩm đã tăng 16%. Ông Tập Cận Bình năm ngoái đã kêu gọi người dân tiết kiệm, không lãng phí lương thực.
Trong quá khứ, tại Trung Quốc từng xảy ra những trận đói, nhất là chính sách Đại nhảy vọt của Mao cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 đã làm khoảng 36 triệu người chết đói.
Covid-19: Thiếu nghiêm trọng oxy y tế tại Nga
Trọng Thành
Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục hoành hành ở Nga, với 1.155 người chết trong vòng 24 giờ qua, và thêm 40 nghìn ca nhiễm mới, theo AFP ngày 01/11/2021. Điều trị người mắc bệnh Covid-19 đòi hỏi rất nhiều oxy. Hệ thống y tế Nga hiện thiếu oxy nghiêm trọng, đặc biệt tại các vùng xa.
Thông tín viên Anissa El Jabdri tường trình từ Moscow:
Oxy y tế khan hiếm và quý giá hơn bao giờ hết. Tất cả các bệnh viện ở khắp nước Nga đều thiếu oxy, và đôi khi phải chờ đợi trong vô vọng, theo nhận định của ông Dimitry Kuznetsov, tổng giám đốc Cryongenmash. Cryongenmash là một trong ba nhà sản xuất oxy y tế lớn nhất nước Nga.
“Các thành phố lớn ít bị ảnh hưởng nhất, bởi các cơ sở y tế được trang bị tốt hơn, tương đối có đủ phương tiện để dự trữ oxy. Tuy nhiên, tình hình hiện rất khó khăn tại các vùng xa xôi, nơi các cơ sở chăm sóc tích cực rất nhỏ, hoặc không có phòng mổ. Hiện nay, không có một cơ sở y tế nào là không ít nhiều bị thiếu oxy”.
Kể từ tháng 3/2020, sản lượng oxy y tế của công ty Cryongenmash đã tăng hơn 5 lần, và hiện giờ doanh nghiệp này khó có thể làm hơn được. Tổng giám đốc Dimitry Kuznetsov nói :
“Chúng tôi đã làm hết khả năng, bởi chúng tôi biết rằng chúng tôi có trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp có một thị phần quan trọng hơn trong lĩnh vực này, nơi tăng giá và thu được nhiều lợi nhuận hơn, cũng phải có trách nhiệm. Tất cả chúng ta đều giống nhau, chúng ta chứng kiến bao nhiêu người chết mỗi ngày, điều này thật không dễ dàng”.
Quân đội đã được huy động để phân phối oxy tại các khu vực cách thủ đô Matxcơva 5 hoặc 6 múi giờ, nhưng các cơ sở y tế vẫn thiếu oxy “.
Số người chết do Covid tại Nga liên tục ở con số hơn 1.000 người từ đầu tháng 10. Tổng thống Nga ban hành lệnh nghỉ làm một tuần trên quy mô toàn quốc với hy vọng hãm lại dịch (từ 30 đến 07/11). Tính cho đến nay mới có hơn 32% người Nga tiêm chủng đủ liều. Hôm qua, 01/11, tổng thống một lần nữa hối thúc người dân tiêm chủng. Cũng hôm qua, trên tờ công báo Rossiïskaïa Gazeta, cựu thủ tướng Nga Dmitri Medvedev dự báo tình hình “sẽ trở nên tồi tệ hơn trong thời gian tới”.
Trung Quốc và Nga thúc đẩy Hội Đồng Bảo An giảm nhẹ trừng phạt Bắc Triều Tiên
Trọng Thành
Bắc Kinh và Moscow cùng chuẩn bị một dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An với mục tiêu dỡ bỏ nhiều trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, bao gồm việc dỡ bỏ lệnh cấm một số hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này.
Hãng tin Anh Reuters cho biết hôm qua, 01/11/2012, đã đọc được dự thảo, theo đó, Matxcơva và Bắc Kinh khẳng định mục tiêu xóa bỏ các trừng phạt này nhằm « cải thiện đời sống của thường dân » Bắc Triều Tiên, quốc gia đang bị cô lập trên trường quốc tế, do các chương trình hỏa tiễn và vũ khí hạt nhân. Nhiều biện pháp ngăn cấm hoặc hạn chế liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu của Bắc Triều Tiên được Liên Hiệp Quốc ấn định từ năm 2006 để trừng phạt các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Năm 2019, Trung Quốc và Nga từng chuẩn bị một dự thảo nghị quyết giảm nhẹ trừng phạt Bắc Triều Tiên tương tự, liên quan đến việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu hải sản, và sản phẩm dệt may, cũng như bãi bỏ hạn ngạch về nhập khẩu dầu mỏ. Dự thảo nghị quyết lần này bao gồm cả một số biện pháp đã được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2019, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm người lao động Bắc Triều Tiên ra nước ngoài làm việc, cũng như xóa bỏ toàn bộ các quy định trừng phạt đối với các dự án đường bộ và đường sắt Liên Triều.
Theo nhiều nguồn tin ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc, xin ẩn danh, dự thảo nghị quyết Nga – Trung đã được chuyển đến các thành viên Hội Đồng Bảo An, nếu đem ra bỏ phiếu, sẽ được rất ít thành viên Hội Đồng Bảo An ủng hộ. Hiện tại, cũng chưa có bất cứ kế hoạch thảo luận nào về văn bản này. Các phái bộ Nga và Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc không trả lời đề nghị bình luận của Reuters.
Mỹ – Hàn tìm cách nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng
Vẫn liên quan đến bán đảo Triều Tiên, theo Yonhap, hôm qua, 01/11/2021, một số giới chức ngoại giao cao cấp của Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã có cuộc thảo luận tại Washington, về các biện pháp nhằm tái khởi động đối thoại với Bắc Triều Tiên.
Cuộc họp Mỹ – Hàn nói trên diễn ra sau khi đặc phái viên của Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên Sung Kim hôm 24/10 tuyên bố các bên sẽ tiếp tục thảo luận về các biện pháp đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đối thoại, bao gồm việc tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, theo đề nghị của chính quyền Seoul.
Kêu gọi biểu tình ở Cuba : Đối lập và chính quyền tố cáo lẫn nhau
Thụy My
Nhóm các nhà đối lập Cuba từng kêu gọi biểu tình ngày 15/11, hôm 01/11/2021 tố cáo việc nhiều thành viên bị đàn áp, trong khi chính quyền cáo buộc họ là người của Mỹ.
Trong một thông cáo, nhóm thảo luận chính trị Archipiélago (Quần đảo) tố cáo “Các dạng đàn áp vẫn tiếp diễn kể từ ngày 11/07″. Đó là ngày diễn ra các cuộc biểu tình lịch sử làm rúng động Cuba, người dân ở 50 thành phố kêu đòi “Tự do”, “Chúng tôi đói”. Nhóm đối lập có 31.500 thành viên, hình thành trên Facebook từ tháng Bảy, đã lập ra một ủy ban để lưu giữ sự kiện.
Theo AFP, đàn áp gia tăng sau khi có thông báo sẽ xuống đường ngày 15/11 tại La Habana và sáu tỉnh khác, đòi trả tự do cho tù nhân chính trị. Chính quyền cấm cuộc biểu tình này và cáo buộc đó là hành động nhằm lật đổ chế độ với sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Từ ngày 25 đến 30/10, đã có 22 trường hợp thành viên Archipiélago bị đàn áp, gồm sa thải, hăm dọa, bắt bớ, cắt internet.
Về phía chính quyền trong bản tin thời sự truyền hình tố cáo Yunior Garcia, người sáng lập nhóm và tổ chức biểu tình, muốn tạo « không khí bất ổn » và « đảo chính êm ái », sau khi được huấn luyện ở nước ngoài, chủ yếu từ các tổ chức của Mỹ.
Trong một video, một bác sĩ thực ra là nhân viên an ninh đội lốt, nói rằng hồi tháng 9/2019 đã cùng với ông Garcia tham gia một sự kiện về vai trò của lực lượng vũ trang trong tiến trình chuyển đổi, trong đó có sự tham gia của hai vị tướng. Người này cáo buộc Yunior Garcia kêu gọi biểu tình ôn hòa nhưng lại « tìm cách để quân đội đối đầu với nhân dân ».
Chính quyền cảnh cáo sẽ khởi tố nếu các thủ lãnh của nhóm nhất quyết tổ chức xuống đường. Chủ tịch Miguel Diaz-Canel đe dọa: “Có đủ những người cách mạng ở Cuba để đối phó với mọi kiểu biểu tình”, trong khi đó trên mạng xã hội các hình ảnh và video cho thấy những người mặc thường phục trang bị gậy gộc thậm chí súng ống, đang tập luyện tấn công.