Lá thư Canada: Gương Sáng Cụ Tường

Trà Lũ

Canada đang bước vào những ngày cuối thu, tiết trời se se lạnh, cái lạnh mong manh làm ta nghĩ tới áo ấm. Đây là thời gian trái cây chín muồi. Nhớ những năm xưa khi dịch Cô Vít chưa lan tràn thì các khu chợ đã tràn ngập trái cây. Này trái dứa vàng ươm, trái dâu đỏ ánh, này trái mận tím hồng, này nhãn Hưng Yên ngọt hơn đường, này vải Đài Loan ngọt hơn mật. Cụ Bà B.95 trong làng tôi thì tiếc nhớ hoa quả miền Bắc : lúc này là mùa nếp mới, cốm xanh, hồng mọng, trái kỳ đà, chanh yên, phật thủ…

Tháng 11 này cũng là thời gian tưởng nhớ những người đã khuất, tháng ‘Các Linh Hồn’của người Công Giáo, tháng nhớ Tổng Thống Diệm và Tổng Thống Kennedy. Và người Việt khắp nơi, cả hải ngoại cả trong nước, hiện đang nói tới và thương nhớ ca sĩ Phi Nhung. Cô ca sĩ này ngoài tài ca hát còn có một tấm lòng bác ái thương người, cô có 23 con nuôi, cô xả thân đi giúp đỡ những người bệnh dịch, và cô đã nằm xuống vì lây bệnh.

Làng tôi ai cũng ao ước giá mà trong mùa dịch dữ tợn này có ai làm ra được một bài ca kêu gọi mọi người góp sức nhiều hơn nữa cho việc cứu trợ, như xưa có 2 bài ca nổi tiếng khắp thế giới về việc xin cứu đói Ethiopia mà cho tới bây giờ nhiều người còn nhắc tới: bài ‘We Are The World’ của Bob Geldof và Michael Jackson ở Hoa Kỳ năm 1984, và bài ‘Tears Are Not Enough’ của ban Northern Lights ở Canada năm 1985.’

Các cụ nhạc sĩ ơi, mong các cụ sáng tác nha. Tôi mới chỉ thấy nhạc sĩ Phạm Đức Huyến ở California và nhạc sĩ Phạm Trung ở Toronto làm nhạc cầu xin Chúa rất sốt sắng trong nhà thờ mà thôi. Tôi muốn nhạc ngoài đời và cho cả thế giới hát nữa cơ.

Về thời sự, tôi nhớ tới Bà Nguyễn Thị Mai Anh, tức phu nhân của TT Nguyễn Văn Thiệu mới qua đời. Bà được ghi nhớ trong nhiều công tác bác ái từ thiện đáng ca ngợi. GS Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng vừa viết một bài rất hay và cảm động về ông bà Thiệu. GS Hưng là người duy nhất được cả ông cả bà Thiệu qúy mến cho đến khi ông bà nhắm mắt.

Và ngôi sao của Đài VOA, ông Lê Văn cũng vừa nằm xuống, 84 tuổi vàng. Và cựu đại sứ VNCH Bùi Diễm cũng vừa nằm xuống, 99 tuổi ngọc.

Ngoài ra, từ đầu tháng 11, Canada và Hoa kỳ cùng mở cửa cho hai bên đi lại thông thương với nhau. Mời các cụ sang Canada du lịch nha, đặc biệt xem những đồi phong đổi màu đẹp lắm. Lá phong đang từ màu xanh biến sang màu vàng rồi mầu hồng rồi mầu đỏ, rồi đỏ rực. Cây phong ở đây đa số có đường ngọt, Canada đã lấy đường này làm ra rất nhiều thực phẩm, nhiều nước uống, nhiều rượu ngon. Lá phong đỏ rực đẹp như thế nên Canada đã chọn đặt vào giữa quốc kỳ. Cụ B.95 trong làng tôi khi mới sang Canada thấy lá phong trên quốc kỳ thì hỏi : Sao Canada lại vẽ lá đu đủ VN ỡ giữa giữa quốc kỳ vậy? Cụ già này quả có lý, lá phong có hình dạng rất giống lá đu đủ, chỉ nhỏ hơn thôi, các cụ ạ.

Về mặt văn hóa thì đầu tháng 10 vừa qua, một kinh tế gia Canada được tặng giải Nobel 2021. Ông là 1 trong 3 giáo sư đang dạy học tại Stanford bên Hoa Kỳ. Tôi xem danh sách thì Hoa Kỳ đã có 356 giải, nay trong danh sách 13 giải Nobel 2021, Hoa Kỳ có thêm 8 giải mới. Canada đã có 22 giải, nay thêm 1 giải mới. Tôi tìm tên Việt Nam thấy không hề có tên và thấy chưa hề có giải nào. Lạ quá nhỉ. VN có mấy mươi ngàn tiến sĩ cơ mà. CSVN luôn xưng mình là đỉnh cao trí tuệ loài người cơ mà.

Ông Từ Hòe nghe đến đây thì nói ngay: Cái hạng người có tội đốt sách thì làm sao đẻ ra được giải Nobel. Sử còn ghi rõ ràng khi CSVN vào Hà Nội năm 1954 và vào Saigon năm 1975 đã hạ lệnh tịch thu sách và đốt sách. Ông Nguyễn Hùng Trương chủ nhà sách lớn Khai Trí ở Saigon đã khóc hết nước mắt khi kho sách mấy mươi ngàn cuốn của ông bị VC lôi ra đốt. Ngày xưa bên Tàu có Tần Thủy Hoàng đốt sách, ngày nay con cháu Hồ Chí Minh cũng đốt sách. Chúng ta nhớ kỹ việc này nha.

Nhân nói tới CSVN, tôi bèn nhớ tới vụ kiện của doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình ở Hà Lan hiện nay. Trước đây ông Bình ‘Vua chả giò’ ở Hà lan nghe theo lời mật ngọt của CSVN đã mang về VN bao nhiêu tỷ đồng để kinh doanh từ đầu thập niên 1990. Nhưng rồi ông đã bị CS lừa gạt tài sản. Ông đem vụ này ra tòa án quốc tế ở Paris. Tòa đã xử và CSVN đã thua. Hiện nay ông Bình và Hà Nội đang điều đình. Ông Bình cho biết nếu vụ này không xong thì ông còn 2-3 vụ nữa cũng sẽ đem ra tòa. Phen này ‘Đỉnh cao trí tuệ loài người’ gặp rắc rối to đây. Ông Từ Hòe trong làng tôi thêm ý này: Đây là một tiền lệ rất tốt, cụ VN nào ở hải ngoại bị CSVN lừa gạt thì hãy sẵn sàng đem sự việc ra tòa án quốc tế ở Paris nha.

Xin tạm ngưng chuyện VC vì bà cụ B.95 kêu nhức đầu.

Lúc này Chị Ba Biên Hòa lên tiếng : Cụ ơi, bác Từ Hòe vừa nói xấu đàn bà VN đây nè. Ông bồ chữ liền hỏi : Tôi nói hồi nào? Chị Ba kể ngay : Lúc nãy trong bếp bác cho em xem bài thơ Sợ Đàn bà. Bài thơ còn đây, em xin đọc để cả làng nghe nha :

Thế giới đều sợ đàn bà Mỹ

vì đàn bà Mỹ nói là làm.

Đàn bà Mỹ sợ đàn bà Nhật

vì đàn bà Nhật làm xong mới nói.

Đàn bà Nhật lại sợ đàn bà Trung quốc

vì đàn bà Trung Quốc không nói mà làm

Nhưng đàn bà Trung Quốc lại sợ đàn bà Việt Nam

vì đàn bà Việt Nam làm một đàng nói một nẻo…

Nghe xong bài này thì cả làng tôi phá ra cười. Ông từ Hòe vừa cười vừa trách : Tại sao chị bỏ quên mấy câu chót? Các chị khoan trách tôi khinh rẻ đàn bà VN nha. Bài thơ có đoạn kết như sau:

Đàn bà Việt Nam lại sợ đàn ông Việt Nam

Vì đàn ông Việt Nam không nói thì không làm

Mà khi làm thì lại làm chuyện không nói…

Lần này thì cả phe đàn bà cả phe đàn ông trong làng đều cười, ai cũng gật đầu bảo đúng quá. Anh H.O. thấy không khí làng hết căng thẳng về các tin bệnh dịch, anh cũng xin góp một chuyện vui về liền ông và liền bà. Rằng có một anh con trai kia mới lấy vợ. Vợ anh là một nữ cảnh sát công lộ. Sau tuần trăng mật, có phóng viên hỏi anh con trai này: Xin anh cho biết có gì đặc biệt trong quan hệ tình yêu khi vợ làm nghề cảnh sát giao thông. Anh này cười hì hì rồi bảo : Vợ tôi hay nhắc tôi 3 điều này : không được lái xe nhanh quá, phải đội mũ an toàn, phải đậu xe đúng chỗ…

Thấy làng vỗ tay khen hay, anh H.O. được hứng bèn xin kể một chuyện nữa của cụ Vương Hồng Sển, nhà văn lão thành miền Nam (1902-1996). Cụ nói chuyện ngày xưa khi đi cắt tóc :

…Bữa ấy, tôi đi hớt tóc tại một tiệm ở Chợ Cũ. Vào tiệm thì đã có môt vị tu sĩ đến trước đang ngồi chờ. Vị khách kia hớt xong thì ngài tu sĩ bèn lên ghế ngồi ngay. Anh thợ hớt tóc vừa giũ khăn định choàng thì vị tu sĩ này liền mở lời, chắc có ý cho thấy mình là người có trí :

Nè anh Hai, có phải là cái gì mình không xài thì nó mọc dài ra, phải không hứ?

Ý ông muốn ám chỉ tóc trên đầu. Nhưng anh thợ lại nghĩ khác, nên một tay cầm khăn quên giũ, một tay ôm bụng cười dài ngặt nghẽo. Vị tu sĩ bị nhột, bèn hỏi :

Tôi nói có gì lạ mà anh cười dữ vậy? hớt tóc đi chứ.

Anh thợ lễ phép thưa rằng : Thưa ngài, nghe ngài nói thì con thấy các bậc tu hành đều có cái không xài, chắc cái ấy dài lắm.

Vị tu hành biết mình lỡ lời, liền đỏ mặt rồi nói để che sượng:

Ý cái anh này, khéo nghĩ tầm bậy tầm bạ mà không lo mần việc. Ai có cái ý ấy. Hớt lẹ đi không?

Nghe đến đây thì cả làng cười ầm, phe các ông cười dữ nhất. Chị Ba sợ chuyện tóc ở vùng cực bắc sẽ biến thể chạy xuống vùng cực nam nên Chị xin anh John kể sang chuyện khác, chuyện thời sự chẳng hạn. Anh John bản chất sợ vợ nên vâng lời vợ ngay.

Anh xin trở lại chuyện Canada.Về mặt kinh tế thì công ty điện lực tỉnh bang Quebec ở Canada vừa ký hợp đồng 20 tỷ đô la cung cấp thủy điện cho New York trong 25 năm kể từ 2025. Các cụ bên Hoa Kỳ nhớ kỹ : Canada đang chuẩn bị cung cấp điện cho Hoa Kỳ đấy nha.

Làng vừa ngưng chuyện điện lực thì một cô Huế lên tiếng : Bác Từ Hòe ơi, xưa nay cháu thấy chuyện gì bác cũng biết và cũng diễn giải được, hôm nay xin cho cháu tò mò hỏi một câu rất cá nhân : cái tên Từ Hòe là tên ba mạ bác đặt cho bác từ bé hay là tên bác chọn? Ông Từ Hòe chưa kịp lên tiếng thì ông bồ chữ ODP cười hà hà rồi nói ngay: Cô hỏi nhầm người rồi. Cô phải hỏi tôi mới đúng vì cái tên này do tôi đặt. Gốc cái tên đó như thế này :Tôi thân với bác ấy từ bên VN lận nên biết rõ đời bác. Tôi thấy bác giống một nhân vật nổi tiếng của truyện ‘108 Anh Hùng Lương Sơn Bạc’ trong cuốn Thủy Hử của Thị Nại Am (1296-1370) bên Tàu nên đã xin làng đặt cho bác. Trong làng ai cũng ái mộ ông Từ Hòe nên cả làng đều xin được nghe trọn truyện dài này. Thế là bồ chữ ODP thao thao ngay:

…Lương Sơn Bạc là một chiến khu gồm 108 hảo hán chống triều đình, họ quy tụ lại dưới quyền chỉ huy của Tống Giang. Ông này có mộng bá vương nên đã xí gạt các hảo hán rằng : chúng ta có chính nghĩa, mai này dẹp xong các nịnh thần trong triều thì sẽ về kinh đô xin ân xá vì chúng ta đã thay trời dẹp loạn, thế thiên hành đạo. Nhưng triều đình biết rõ cái mộng làm giặc của Tống Giang nên đã đem binh đi dẹp.

Từ Hòe là tướng được triều đình sai cầm quân đến dẹp giặc Lương Sơn Bạc. Từ Hòe là một tướng giỏi, văn võ toàn tài. Trước khi dùng võ thì ông dùng văn. Ông đã can trường một mình vào thẳng chiến khu đòi gặp chủ tướng. Vì Tống Giang đi vắng nên phó tướng là Lư Tuấn Nghĩa ra tiếp. Quan Từ Hòe đã đem việc sai quấy và ngụy biện của Tống Giang ra nói rồi khuyên Lư Tuấn Nghĩa nên đem quân đầu hàng. Lời quan Từ Hòe rất uy quyền và hùng biện như sau:

…Còn ngươi con nhà lương gia, văn võ toàn tài, sao lại đi theo bọn bội nghịch. Nay ta hỏi rút ngươi một điều: Từ nay cho đến ngàn năm, từ đây cho đến ngàn dậm thì ba chữ Lư Tuấn Nghĩa của ngươi biết tránh làm sao cho khỏi hai chữ ‘cường đạo’. Trong lúc đêm khuya, nếu ngươi gác tay lên trán mà suy nghĩ về mình, chắc là ngươi sẽ thẹn lắm. Nay ta vâng lệnh vua đến trấn nhậm huyện này, một ngọn cỏ một gốc cây ta muốn để thì để, ta muốn bỏ thì bỏ, ai nghe lời ta thì ta thương như con đỏ, nghịch lời ta thì ta chém như chém chuối.

Lư Tuấn Nghĩa không cãi lại được một lời.

Các tướng của Lư Tuấn Nghĩa đứng hầu hai bên nghe tức quá muốn rút gươm chém Từ Hòe, nhưng Lư Tuấn Nghĩa không cho, vì nghĩ rằng’ nếu Từ Hòe dở thì không dám vào đây, mà dám tới đây thì ắt là không dở’, bèn để Từ Hòe ra về thong thả… Đêm đó Lư Tuấn Nghĩa thức suốt đêm mà suy nghĩ về những điều quan Từ Hòe nói. Ông nửa muốn đi đầu Từ Hòe, nửa không, vì nếu đầu Từ Hòe thì ắt phải đánh Tống Giang, mà nếu đánh Tống Giang thì không còn mặt mũi nào nữa vì Tống Giang đã quá tốt với mình…

Tác giả không cho biết việc này diễn ra tiếp theo thế nào, chỉ biết rằng cuối cùng thì 36 tướng của Lương Sơn Bạc đã bị bắt sống và chém đầu trong đó có lãnh tụ Tống Giang.

Cả làng đã nín thở nghe chuyện này. Ông ODP nói tiếp : ông bạn của chúng ta đây cũng có những hành động khá giống quan Từ Hòe. Trước 1975, ông là vị chỉ huy một cuộc hành quân diệt VC, ông bắt được một tên chính ủy. Thấy tên này có học nên ông không giam trong tù mà đem anh ta tới văn phòng rồi giảng cho anh ta về lẽ chính tà của thuyết cộng sản và cái ác tâm của cuộc xâm lăng miền Nam. Ông cho anh ta tranh luận và cãi tự do với ông trong mấy ngày liền. Sau cùng khi thấy anh ta đuối lý thì ông thả anh ta vào rừng để anh ta tìm về đơn vị. Ông Từ Hòe nghĩ rằng anh chính ủy này khi đã mở mắt thì sẽ ảnh hưởng nhiều tới cấp chỉ huy và những quân sĩ chung quanh. Rồi biến cố 30/4, rồi ông Từ Hòe đi tù. Bị tù 1 năm thì ông được thả. Người cứu ông ra tù chính là anh chính ủy khi xưa vì anh đã mở mắt. Rồi anh bí mật rủ ông tìm cách vượt biên. Họ thành công. Họ kết nghĩa anh em. Ông Từ Hòe đến Canada trước và ở Toronto, anh chính ủy được Canada nhận và cho sang miền tây Canada định cư. Ông Từ Hòe đã đi sang miền tây Canada sống với người em kết nghĩa này nhiều năm. Rồi ông Từ Hòe rời miền tây vì ông cho là đã sống đúng lời hứa khi xưa, và ông trở về với làng chúng tôi. Chuyện ông Từ Hòe dài lắm, nhiều màu sắc lắm, tôi sẽ xin kể tiếp về sau.

Ông Từ Hòe đáp ngay: Cám ơn Anh Cả đã chọn tên Từ Hòe đặt cho tôi ở miền đất hạnh phúc Canada này. Trên giấy tờ thì tên thật của tôi không phải là Hòe, nhưng tôi đã sung sướng nhận tên Anh đặt cho vì tên Từ Hòe ý nghĩa quá. Ngoài ra, tên Hòe làm tôi nhớ chuyện ông Nguyễn Hòe đời Lê năm xưa. Chuyện kể rằng năm đó triều đình mở khoa thi, Nguyễn Hòe ghi danh đi thi. Vị chánh chủ khảo cũng tên là Hòe nên khi xướng quyển để các thí sinh lần lượt vào trường thi, người ta kiêng tên Hòe mà đọc chệch ra là Huề. Xướng đi xướng lại mấy lần mà Nguyễn Hòe vẫn đứng yên. Người gọi loa mới chõ vào Nguyễn Hòe hỏi tên. Ông mới gào to lên : Tên tôi là thằng Hòe, nãy giờ chỉ nghe gọi thằng Huề chứ có gọi thằng Hòe đâu. Sau đó quan phải cho gọi đúng tên Hòe thì Nguyễn Hòe mới chịu vào. Thấy Hòe nhỏ tuổi mà có vẻ hỗn hào, quan chánh chủ khảo mới sai giữ lại và ra một câu đối, bảo rằng nếu đối được thì mới cho thi. Quan ra câu này :

‘ Lan Tương Như, Tư Mã Tương Như, danh tương như, thực bất tương như’ : Lan Tương Như ( nhân vật thời Chiến Quốc), Tư Mã Tương Như (nhân vật đời Hán), tên giống nhau mà thực chất chẳng giống nhau.

Nguyễn Hòe đối lại ngay:

‘Ngụy Vô Kỵ, Trương Tôn Vô Kỵ, bỉ vô kỵ, ngã diệc vô kỵ’ : Ngụy Vô Kỵ (nhân vật thời Chiến Quốc), Trương Tôn Vô Kỵ (nhân vật đời Đường), mày không sợ, tao cũng không sợ.

Quan Chánh Chủ Khảo thấy Nguyễn Hòe có ý hỗn xược nhưng phục tài nên không bắt lỗi nữa mà cho đem lều chõng vào thi.

Nghe xong hai chuyện này, cả làng tôi đều vỗ tay rất lâu, ai cũng thán phục sự thông thái của 2 bồ chử ODP và Từ Hòe.

Cụ Chánh tiên chỉ làng vỗ tay xong thì phát biểu thêm :

Trong câu đối của thí sinh Nguyễn Hòe trên đây có chữ Không Sợ

KHÔNG SỢ, hai chữ này làm lão nhớ tới cố Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997). Ông là người VN duy nhất đậu 2 bằng tiến sĩ Luật Khoa và Văn Khoa lúc mới 23 tuổi ở Đại Học Montpellier bên Pháp. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, đến khi có hòa bình năm 1954 thì ông trở về Hà Nội. Ông không phải đảng viên, ông bảo ông chỉ là một trí thức yêu nước, xin đem cái trí và cái lòng về giúp nước.Vừa hành nghề luật sư vừa dạy học tại Đại Học Văn Khoa. Vì tính cương trực và lòng ái quốc nên ông đã lên tiếng phê bình sâu sắc những sai lầm trong việc cải cách ruộng đất cùng vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, và ông đề ra những những phương hướng sửa chữa. Việc này làm mất lòng đảng, LS Tường đã bị đảng tước hết mọi chức vụ và danh vị nghề nghiệp, bị đuổi ra khỏi nơi đang ở. Ông sống lây lất như một người ăn mày. Cuối đời, đúng lúc VC tuyên bố mở cửa, ông được Pháp mời sang dự hội nghị về văn hóa xã hội trong 2 tháng. Ai cũng tưởng sau đó ông sẽ ở lại Pháp, nhưng không, ông vẫn anh dũng về lại VN và sống trong cơ hàn, ông không sợ CSVN. Ông là một cây văn hóa trí thức, một nhà quân tử, một triết gia gương mẫu cho mọi thế hệ Việt Nam.

Xin các cụ nhớ ghi chuyện cây đại thụ Nguyễn Mạnh Tường này và trao lại cho con cháu chúng ta.

TRÀ LŨ

Related posts