Lisa Bian
Cảnh phim bắt đầu với một người đàn ông toàn thân đẫm máu được nhấc ra khỏi một chiếc hòm và đặt lên bàn mổ. Không cần kiểm tra các dấu hiệu của sự sống, một bác sĩ phẫu thuật đã lập tức rạch cơ thể anh ta và trưng ra các cơ quan nội tạng. “Tóm lấy nó đi!” Một khẩu lệnh xuất hiện. Sau đó, một quả thận được kéo ra khỏi bụng, đặt trong một túi chứa đầy chất lỏng, và được đưa đi bán trên thị trường chợ đen.
Cảnh khủng khiếp này là từ phần một, tập năm của seri phim ăn khách toàn cầu của Netflix, “Squid Game” (Trò chơi Câu mực), một cuộc thi hư cấu gồm sáu phần diễn ra ở Nam Hàn.
Trong chương trình này, các nhà tuyển dụng tìm ra 456 thí sinh và mời họ thi đấu để giành lấy giải thưởng trị giá 38 triệu USD. Đối tượng được tìm kiếm cụ thể là những thí sinh đang gặp khó khăn về tài chính, nợ chồng chất những kẻ cho vay nặng lãi, hoặc đơn giản là thấy vận khí đi xuống và cảm thấy không còn gì để mất.
Sau khi trò chơi đầu tiên bắt đầu, các thí sinh ngây thơ này đã bị choáng ngợp khi biết rằng những người thua cuộc phải trả giá bằng mạng sống của họ. Trong trò chơi, các chỉ huy có vũ trang và đeo mặt nạ bắn bất kỳ thí sinh nào mắc lỗi hoặc không đến được màn chơi cuối. Tại thời điểm đó, những tử thi và người đang hấp hối được chở đi trong những chiếc quan tài gỗ và bị hỏa táng. Hòm của những người có nội tạng còn sử dụng được được đánh một dấu chấm đỏ và nhanh chóng được chuyển đến phòng phẫu thuật.
Seri phim Squid Game không phải là dự án đầu tiên hay duy nhất của Nam Hàn tập trung vào hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Nam Hàn đã phát hành một bộ phim có tựa đề “Traffickers” vào năm 2012. Bộ phim này dựa trên trải nghiệm thực tế của một phụ nữ Nam Hàn bị tổ chức tam điểm Nam Hàn phối hợp với cơ quan hải quan, bệnh viện, và cảnh sát Trung Quốc mổ lấy nội tạng để kiếm lời. Đài truyền hình Bắc Hàn cũng đã quay một bộ phim tài liệu có tựa đề “Kill to Live” (Sát hại để Tồn tại) vào năm 2017.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Lee Seung Won, chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép Tạng có Đạo đức Nam Hàn, cho biết cho đến nay chưa có số liệu thống kê chính xác xác nhận số người [được ghép tạng] này. Chính quyền Trung Cộng che giấu sự thật và người Nam Hàn sắp xếp các chuyến thăm khám tại bệnh viện của họ thông qua các kênh không chính thức. Chính phủ Nam Hàn đã không thể xác nhận số lượng người Nam Hàn nhận [dịch vụ] cấy ghép ở Trung Quốc.
Trong bộ phim tài liệu “Kill to Live”, được sản xuất bởi chương trình “Báo cáo điều tra 7” của đài truyền hình Hàn Quốc TV Chosun, nhóm điều tra đã đến thăm Bệnh viện Trung ương số 1 Thiên Tân. Chỉ một ngày trước khi nhóm này đến, tám người ngoại quốc đã được cấy ghép.
Theo bộ phim tài liệu này, thì người Nam Hàn đã đến Trung Quốc để cấy ghép từ năm 2000, và có hơn 2,000 người Nam Hàn thực hiện chuyến đi này mỗi năm. Cũng theo bộ phim tài liệu này, tính đến năm 2017 đã có 32,000 người Nam Hàn đang chờ đợi các ca cấy ghép nội tạng quan trọng và nhiều người sẽ sẵn sàng trả những khoản tiền khổng lồ.
Ông Lee cho biết: “Để có được con số chính xác về những người Nam Hàn đã được cấy ghép ở Trung Quốc, chúng tôi đang tiến tới việc hợp tác với chính phủ và có kế hoạch công bố kết quả cho cộng đồng quốc tế ngay khi các số liệu này được công khai”.
Hồi tháng Sáu, các chuyên gia từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một tuyên bố nói rằng họ “hết sức chấn động” trước các báo cáo về cáo buộc “thu hoạch nội tạng cưỡng bức” của Trung Cộng nhắm vào các nhóm thiểu số, “bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, những người theo đạo Hồi, và những người theo đạo Thiên chúa”.
Tuyên bố đó cho biết thông tin đáng tin cậy cho thấy các nạn nhân đang bị xét nghiệm máu và giám định nội tạng mà không có sự đồng ý của họ. Các kết quả xét nghiệm đang được ghi lại trong cơ sở dữ liệu về các nguồn tạng sống để phục vụ mục đích phân bổ tạng trong tương lai. Tham gia vào việc thu hoạch nội tạng có hệ thống này là các nhân viên y tế Trung Quốc, bao gồm bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, và các chuyên gia khu vực công.