Frank Fang
Bắc Kinh muốn Hoa Thịnh Đốn làm dịu các chính sách với Trung Quốc trước khi làm việc với Hoa Kỳ về vấn đề biến đổi khí hậu, khi Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tiếp tục diễn ra tại Glasgow.
Ông Uông Văn Bân, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong cuộc họp giao ban hàng ngày hôm 02/11: “Quý vị không thể một mặt yêu cầu Trung Quốc cắt giảm sản lượng than, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp quang điện của Trung Quốc.”
Vào tháng sáu, chính phủ của Tổng thống Biden đã thực hiện một số hành động để đối phó với cáo buộc lao động cưỡng bức của Bắc Kinh ở khu vực Tân Cương xa xôi phía tây Trung Quốc, nơi hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại lao động. Chính phủ Hoa Kỳ đã mô tả Trung Cộng đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là tội ác diệt chủng.
Bộ Lao động đã thêm polysilicon được sản xuất tại Trung Quốc vào “Danh sách hàng hóa do Lao động trẻ em hoặc Lao động cưỡng bức sản xuất”. Sau đó, Bộ Thương mại đã thêm 5 công ty Trung Quốc – trong số đó có nhà sản xuất silicon Hoshine Silicon Industry – vào danh sách đen thương mại của mình. Cuối cùng, Bộ An ninh Nội địa đã ban hành lệnh loại bỏ [hàng] thu giữ, cấm nhập cảng các vật liệu làm từ silica do Hoshine và các công ty con của Hoshine sản xuất, cũng như các sản phẩm được sản xuất bằng vật liệu Hoshine ở ngoại quốc.
Tấm pin quang điện hoặc tấm pin mặt trời được làm từ polysilicon, được sản xuất bằng cách tinh chế silica luyện kim.
Ông Uông Văn Bân không phải là quan chức đầu tiên của Trung Cộng nói rằng sẽ có ràng buộc nếu Hoa Thịnh Đốn muốn Bắc Kinh hợp tác chống biến đổi khí hậu.
Vào tháng Chín, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với đặc phái viên khí hậu của ông Biden là ông John Kerry rằng, “Hợp tác khí hậu Trung-Mỹ không thể tách rời khỏi môi trường rộng lớn hơn của quan hệ Trung-Mỹ.”
Ông Vương Nghị cũng nói với ông Kerry rằng Hoa Thịnh Đốn phải đáp ứng các yêu cầu của họ, và Hoa Kỳ nên “thực hiện các hành động thiết thực để cải thiện quan hệ Trung-Mỹ.”
Các hãng thông tấn của chính quyền Trung Quốc cũng đã rao giảng câu chuyện tương tự. Hôm 01/11, trong một báo cáo về hội nghị khí hậu, Global Times, tờ báo hiếu chiến của chính quyền Trung Quốc đã cáo buộc chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là “xấu xa và kiêu ngạo”, khiến “Trung Quốc không thể nhìn thấy bất kỳ tiềm năng nào để đàm phán công bằng giữa những căng thẳng.”
Theo bài báo, chính sách này bao gồm “các cuộc tấn công vào nhân quyền của Trung Quốc”, “đàn áp các công ty công nghệ Trung Quốc” và lên tiếng ủng hộ Đài Loan để “kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.”
Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới, đây là nguồn phát thải chính. Vào tháng 09/2020, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết về môi trường, tuyên bố rằng lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 và quốc gia này sẽ đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060.
Ông Tập, người đã chọn không tham dự COP26, đã kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn đối với biến đổi khí hậu, trong một tuyên bố bằng văn bản cho hội nghị khí hậu. Ông đã không đưa ra những cam kết mới về môi trường.
Sự vắng mặt của ông Tập đã gây ra nhiều chỉ trích. Hôm thứ Ba (2/11), Tổng thống Joe Biden đã nói trong một cuộc họp báo rằng việc ông Tập không xuất hiện tại hội nghị khí hậu là một “sai lầm lớn.”
Ông Biden nói, “Làm thế nào để quý vị không tham dự và vẫn tuyên bố mình có bất kỳ trách nhiệm lãnh đạo nào?”
Đồng thời, các quan chức Trung Quốc đã không ngừng chỉ trích Hoa Kỳ về hành động khí hậu của nước này.
Nhà đàm phán khí hậu Trung Quốc Xie Zhenhua nói với các phóng viên tại Glasgow: “Các nỗ lực chung giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã dẫn đến Thỏa thuận Paris… quý vị không thể từ bỏ, nhưng Hoa Kỳ đã từ bỏ. Năm năm đã bị lãng phí, nhưng giờ đây chúng ta lại cần phải làm việc chăm chỉ hơn và đẩy nhanh.”
Cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Thỏa thuận Paris 2015, nhưng ông Biden đã gia nhập lại thỏa thuận sau khi nhậm chức hôm 20/01.
Hôm thứ Tư (03/11), ông Zhang Jun, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, đã để chỉ trích Hoa Kỳ trên Twitter vì đã “đổ lỗi” và đã “rút lui các chính sách khí hậu của mình nhiều lần.”
Ông Anders Corr, thành viên chính của công ty tư vấn chính trị Corr Analytics có trụ sở tại New York, trong bài phân tích của mình cho The Epoch Times hôm 01/11, đã đặt câu hỏi về sự chân thành của Trung Cộng trong lời hứa phát thải carbon của họ.
Ông Corr viết: “Nhưng ngay cả khi chế độ ở Bắc Kinh hứa hẹn với thế giới, thì sự hứa hẹn sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có những thành tựu ngay lập tức và có thể kiểm chứng được trong việc đáp ứng các cột mốc quan trọng trong ngắn hạn,” ám chỉ đến cách mà Bắc Kinh phá vỡ lời hứa của mình sẽ bảo vệ quyền độc lập của Hong Kong theo Tuyên bố chung Trung- Anh năm 1984.
Ông kết luận: “Vì vậy, cho đến khi Trung Quốc dân chủ hóa hoặc thực sự hạn chế dứt điểm lượng khí thải của mình, các quốc gia có trách nhiệm hơn trên thế giới nên áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc dưới hình thức phối hợp thuế quan về khí hậu.”
Bộ Ngoại giao đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về nhận xét của ông Uông Văn Bân.
Ông Frank Fang là một nhà báo người Đài Loan. Ông đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Ông có bằng thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Chánh Tín biên dịch