Trà Nguyễn
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, vì 8 tháng không nhận được lương, các tài xế xe bus ở thành phố Bình Đỉnh Sơn, tỉnh Hà Nam đã đình công hôm thứ Hai (01/11). Vấn đề này được cho là do tình trạng tài chính ở nhiều địa phương Trung Quốc có thể đã cạn kiệt.
“Lãnh đạo công ty: Mong mọi người hãy giải tán.
Người phụ nữ: Tổng giám đốc Lan, lời anh nói có tính không?
Lãnh đạo công ty: Tôi mà nói lời không giữ lời, lần sau cho cô tát tôi được không?
Người phụ nữ: Được, tôi không tát anh, chỉ cần giữ lời là được”.
Một đoạn video đang lan truyền trên mạng cho thấy một phụ nữ đứng trước đầu xe buýt, tranh cãi gay gắt với một nhóm lãnh đạo công ty. Một phụ nữ khác đang ghi hình và hỏi ý kiến một vị lãnh đạo và yêu cầu ông này thực hiện lời hứa [trả tiền lương].
Bằng cách so sánh hình ảnh trực tuyến, phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết vị lãnh đạo công ty được gọi là ‘Tổng giám đốc Lan’ trong video là ông Lan Hội (Lan Hui) – Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Công ty TNHH Giao thông Công cộng Bình Đỉnh Sơn.
Trong một đoạn video khác, một nhóm nhân viên ngồi xổm trước cổng bãi đậu xe của công ty, cố chặn xe buýt rời đi, một vài người trong số họ tỏ ra khá kích động.
Nợ lương công chức, viên chức kéo dài
Ấn phẩm ‘Tân Hoàng Hà’ của Nhật báo Tế Nam dẫn lời cư dân mạng tiết lộ, các tài xế xe buýt và nhân viên của công ty xe buýt công cộng Bình Đỉnh Sơn, một công ty 100% vốn nhà nước ở tỉnh Hà Nam, đã đình công tập thể và yêu cầu công ty phải trả lương cho người lao động.
Theo một tài xế đang đòi tiền lương trong cuộc đình công, công ty Bình Đỉnh Sơn đã nợ tiền lương lái xe buýt trong 8 tháng, nợ lương các nhân viên hậu cần khác hơn 1 năm, tiền an sinh xã hội của họ mới được trả đến năm 2017.
Công ty tuyên bố rằng họ sẽ thanh toán khoản lương 4 tháng cho tất cả cán bộ nhân viên trong vòng một tuần, nhưng chưa biết liệu các nhân viên có nhận được lương như cam kết hay không cũng như khoản lương được thanh toán này có thể chuyển thành tiền mặt hay không. Chuyển thành tiền mặt là ám chỉ công ty có thể thanh toán tiền lương bằng hiện vật, sản phẩm nào đó mà không phải là tiền nhân dân tệ (CNY).
Hôm thứ 3 (02/11), trang The Paper dẫn lời một nhân viên của Đường dây nóng Công dân thành phố Bình Đỉnh Sơn xác nhận rằng xe buýt tại địa phương này đã thực sự ngừng hoạt động vào thứ 2. Tuy nhiên, các tuyến xe buýt đã hoạt động trở lại vào thứ 3, sau một ngày. Văn phòng Giao thông Thành phố Bình Sơn đã vào cuộc và các vấn đề liên quan hiện đang được điều phối.
Thông tin công khai cho thấy Công ty Giao thông Công cộng Bình Đỉnh Sơn được thành lập vào năm 1958 và là một doanh nghiệp phúc lợi công cộng thuộc sở hữu nhà nước, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực vận tải công cộng đô thị. Năm 2012 và 2020, nhân viên của công ty này đã 19 lần báo cáo về “vấn đề nợ lương dai dẳng”.
Tại sao chính quyền lại chậm trễ như vậy?
Sau khi sự việc nổ ra, rất nhiều cư dân mạng tỏ ra tức giận. Hầu hết cư dân mạng đổ lỗi cho chính quyền địa phương về tình trạng này bởi đây là một doanh nghiệp của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, ông Trâu Đào (Zou Tao), một nhà bình luận tài chính ở Thâm Quyến, nói với RFA rằng chính quyền có lẽ không phải không muốn giúp đỡ mà là bản thân họ thực sự “thiếu tiền”. Ngân khố nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã trống rỗng. (Ảnh: Getty Images)
“Bình Đỉnh Sơn là thành phố sản xuất than. Than chiếm tỷ trọng cao trong thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên, nhà nước gần đây đã đưa ra các chính sách để kìm giá than… Nếu chính quyền địa phương không có tiền, họ chỉ có thể ưu tiên nguồn lực chi trả lương công chức hoặc một số dự án lớn”.
Dĩ nhiên, các tài xế xe buýt và nhân viên ở đây không phải là công chức, và đây càng không phải là các dự án lớn có thể lập tức giúp địa phương có nguồn thu hoặc đơn giản là giải ngân tiền ngân sách nhằm tăng thành tích GDP cho chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, ông Trâu Đào phân tích rằng người dân thành thị Trung Quốc nói chung phụ thuộc nhiều vào phương tiện giao thông công cộng. Một khi hệ thống giao thông công cộng ngừng hoạt động, sản xuất và đời sống của nhiều người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, có nguy cơ bùng phát thành các sự cố hàng loạt, đe dọa đến các quan chức địa phương.
Vụ việc này chỉ là một lát cắt phản ánh tình trạng tài chính các địa phương ở Trung Quốc đang eo hẹp, căng thẳng. “Bảng xếp hạng tỷ lệ nợ thành phố” do kênh truyền thông mới ‘Databao’ thuộc Thời báo Chứng khoán (STCN) và Tencent Finance của Trung Quốc đồng công bố cho thấy, tỷ lệ nợ của hầu hết các thành phố lớn ở Trung Quốc đã vượt ngưỡng cảnh báo, trong khi tỷ lệ nợ của một số thành phố kém phát triển thậm chí còn gây sốc hơn.
Ngân khố trống rỗng, nợ của chính quyền địa phương thiết lập kỷ lục mới
Theo một số liệu mới đây, doanh thu tài chính của 31 tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong quý II của Trung Quốc là con số âm, duy chỉ có Thượng Hải là dương. Ngay cả các tỉnh có truyền thống thu nhập cao là Quảng Đông, Phúc Kiến, và Chiết Giang thì tình trạng cũng vô cùng bết bát. Không khó để có thể nhận ra rằng các tỉnh này đang được trung ương giải cứu.
Trên thực tế, việc chính quyền tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh không chi trả nổi lương cho công chức, viên chức, và lao động diễn ra khá nhiều. Đã có những chính quyền ở nhiều địa phương mắc nợ rất nhiều và thậm chí không thể trả nổi lương cho giáo viên. Gần đây, các giáo viên và công chức ở Liêu Ninh, Hà Nam, và An Huy đã xuống đường đòi được trả lương. Số lương còn thiếu từ năm 2007 đến nay chỉ là hơn 70 triệu CNY, vậy mà chính quyền cũng không thể chi nổi, thì nguyên nhân có thể là gì?
Trong trận lũ lụt ở Hà Nam vừa qua, chính phủ tuyên bố cấp 50 CNY cho mỗi nông dân “không có thu nhập”. ”Nếu trong gia đình nông dân nào có lợn chết, họ sẽ được bồi thường 80 CNY mỗi con”. Số tiền này nhỏ đến mức đáng thương so với thiệt hại mà người nông dân phải gánh chịu, và nhỏ đến mức nực cười đối với một quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới.
Cư dân mạng đã đưa ra rất nhiều bằng chứng và suy luận cho thấy: Chính chính quyền đã ra lệnh xả nước hồ chứa mà không hề thông báo với dân chúng. Nếu tai nạn là do cẩu thả trong thi hành công vụ, thì theo lẽ thường họ phải đứng ra đền bù theo giá thị trường. Nếu ngân khố đã đầy, tại sao chính quyền không thể một lần tỏ ra hào phóng, vừa giảm áp lực bị nước ngoài chỉ trích mà còn được lòng dân? Sự keo kiệt của ĐCSTQ ở đây phải chăng là bằng chứng cho thấy họ không đủ khả năng đền bù?
Trong khi đó, nợ địa phương từ phát hành trái phiếu đặc biệt vừa thiết lập kỷ lục mới. Trong 10 tháng năm 2021, quy mô phát hành nợ mới của các chính quyền địa phương đã vượt qua 6,48 nghìn tỷ CNY, cao hơn mức 6,44 nghìn tỷ CNY phát hành nợ trong cả năm 2020. Vay nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc đã chính thức thiết lập một kỷ lục lịch sử mới.
Trà Nguyễn