Tin thế giới chiều thứ Sáu: Phái đoàn EU nói với Đài Loan trong chuyến thăm đầu tiên: “Các bạn không đơn độc”

Phái đoàn EU nói với Đài Loan trong chuyến thăm đầu tiên: “Các bạn không đơn độc”

Minh Nhật

Taiwan’s President Tsai Ing-wen and Raphael Glucksmann, head of the European Parliament’s special committee on foreign interference, attend a meeting in Taipei, Taiwan November 4, 2021. Taiwan Presidential Office/Handout via REUTERS

Hôm thứ Năm (4/11), phái đoàn chính thức đầu tiên của Nghị viện châu Âu đến thăm Đài Loan cho biết đảo quốc “sẽ không đơn độc” và kêu gọi các hành động mạnh mẽ hơn để tăng cường quan hệ EU – Đài Loan trước áp lực gia tăng từ Bắc Kinh.

Đài Loan, quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức với bất kỳ quốc gia châu Âu nào ngoại trừ Thành phố Vatican, đang muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các thành viên của Liên minh châu Âu.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang tăng cường áp lực quân sự lên hòn đảo, bao gồm việc hầu như mỗi ngày đều đưa máy bay chiến đấu tới gần Đài Loan.

“Chúng tôi đến đây với một thông điệp rất đơn giản, rất rõ ràng: Các bạn không đơn độc. Châu Âu đang sát cánh cùng bạn”, Raphael Glucksmann, thành viên người Pháp của Nghị viện châu Âu, đồng thời cũng là người dẫn đầu phái đoàn, nói với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong một cuộc họp được phát trực tiếp trên Facebook.

“Chuyến thăm của chúng tôi nên được coi là bước đầu tiên quan trọng,” ông Glucksmann cho biết. “Nhưng tiếp theo, chúng tôi cần một chương trình nghị sự rất cụ thể, bao gồm các cuộc họp cấp cao và các bước cụ thể ở cấp cao để xây dựng quan hệ đối tác EU – Đài Loan mạnh mẽ hơn nữa.”

Chuyến thăm ba ngày của phái đoàn Nghị viện châu Âu sẽ bao gồm các cuộc trao đổi với quan chức Đài Loan về các mối đe dọa như thông tin sai lệch và tấn công mạng.

Bà Thái đã cảnh báo về những nỗ lực ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng ở Đài Loan, đồng thời yêu cầu các cơ quan an ninh chống lại các nỗ lực này của Bắc Kinh.

“Chúng tôi hy vọng sẽ thiết lập một liên minh dân chủ chống lại những thông tin sai lệch”, bà Thái nói với phái đoàn tại Văn phòng Tổng thống.

“Chúng tôi tin rằng Đài Loan và EU chắc chắn có thể tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác giữa chúng ta trong tất cả các lĩnh vực.”

Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu đã có chuyến công du hiếm hoi tới châu Âu vào tháng trước khiến Bắc Kinh tức giận, đồng thời cảnh báo các nước chủ nhà không nên phá hoại quan hệ với Trung Quốc.

Tháng trước, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Đài Loan.

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.

Singapore: Công chức sẽ nghỉ không lương nếu từ chối tiêm vắc-xin COVID-19

Phan Anh

Các công chức ở Singapore từ chối tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 (dù đủ điều kiện tiêm chủng) có thể sẽ bị cho nghỉ việc không lương hoặc không được gia hạn khi kết thúc hợp đồng lao động, theo tờ Channel News Asia đưa tin.

Tình hình dịch bệnh ở “đảo quốc sư tử” đang diễn biến hết sức phức tạp, có thời điểm Singapore chỉ còn 60 giường ICU (chăm sóc đặc biệt) và ghi nhận 2.000 ca mắc mới trong ngày. Theo Bộ trưởng cấp cao Janil Puthucheary, quốc gia này có thể chứng kiến khoảng 2.000 người tử vong mỗi năm do COVID-19. Hiện Singapore, quốc gia với gần 6 triệu dân, đã tiêm chủng đầy đủ cho 84% dân số và 14% đã tiêm liều bổ sung.

Office workers at Raffles Place on Jul 22, 2021. (File photo: Marcus Mark Ramos)

Cơ quan Dịch vụ Công (PSD) của Singapore cho biết đây sẽ là giải pháp cuối cùng nếu các công chức vẫn không chịu tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Hiện tại, PSD sẽ “cố gắng hết sức” để có thể sắp xếp cho các nhân viên chưa tiêm chủng làm việc tại nhà từ ngày 1/1/2022 nếu công việc cho phép. Những người chưa tiêm vắc-xin cũng có thể sẽ được điều chuyển sang các bộ phận có thể làm việc tại nhà. Dẫu vậy, PSD nhấn mạnh rằng nếu họ đủ điều kiện tiêm chủng mà vẫn kiên quyết không tiêm thì sẽ không đủ tiêu chuẩn để điều chuyển, và sẽ bị buộc phải nghỉ việc không lương.

Ngành dịch vụ công của Singapore hiện có khoảng 153.000 công chức làm việc tại 16 bộ và hơn 50 cơ quan, ban ngành khác nhau. Khoảng 98% số này đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. PSD đang khuyến khích 2% số công chức còn lại (khoảng 3.000 người) sớm đi tiêm chủng.

Theo quy định của Bộ Y tế Singapore đưa ra hôm 23/10, chỉ những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, hoặc những người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 trong vòng 270 ngày trước đó, mới được phép trở lại nơi làm việc từ đầu năm 2022.

Hồi tháng 10 vừa qua, Bộ Nhân lực Singapore đã ban hành hướng dẫn, trong đó cho phép các công ty được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng có thông báo trước với các nhân viên từ chối tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 dù đủ điều kiện tiêm chủng.

Hải quân Mỹ sa thải 3 chỉ huy sau vụ tàu ngầm đâm vào núi ngầm ở Biển Đông

Minh Dũng

Hải quân Mỹ sa thải 3 chỉ huy sau vụ tàu ngầm đâm vào núi ngầm ở Biển Đông
Tàu ngầm tấn công nhanh lớp Seawolf USS Connecticut (SSN 22) rời Xưởng hải quân Puget Sound để thử nghiệm trên biển sau khi được bảo trì vào ngày 15 tháng 12 năm 2016. (Ảnh Hải quân Hoa Kỳ)

Hải quân Hoa Kỳ đã sa thải ba chỉ huy trên tàu ngầm tấn công USS Connecticut khi nó va phải một ngọn núi ngầm ở Biển Đông vào hồi đầu tháng 10, theo thông tin từ ABC News.

Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đã cho nghỉ việc sỹ quan chỉ huy tàu ngầm, Cameron Aljilani, sỹ quan điều hành kiêm phó chỉ huy Patrick Cashin, và thủy thủ kỹ thuật viên trưởng Sonar Cory Rodgers, “do mất lòng tin”, theo một tuyên bố của Hải quân.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, tàu ngầm này đang di chuyển qua một khu vực trên Biển Đông, theo một quan chức Mỹ. Tuy con tàu va phải một ngọn núi ngầm, nhưng Phó đô đốc Karl Thomas, chỉ huy của Hạm đội 7, xác định rằng sự cố này lẽ ra có thể đã được ngăn chặn.

Quan chức trên cho biết tàu ngầm này đã bất cẩn và di chuyển nhanh hơn mức cần thiết trong một khu vực mà bản đồ gầm không được rõ ràng như những khu vực khác.

“Phán đoán hợp lý, ra quyết định thận trọng và tuân thủ các quy trình bắt buộc trong lập kế hoạch điều khiển, theo dõi việc thực hiện của thủy thủ đoàn và quản lý rủi ro hẳn có thể đã ngăn chặn được sự cố”, theo tuyên bố.

Ba người đã bị sa thải sẽ được thay thế bởi một đội ngũ lãnh đạo mới trong khi tàu ngầm vẫn ở Guam trước khi nó lên đường đến Bremerton, Washington, để sửa chữa thân và nội thất.

Vào ngày 2/10, tàu ngầm tấn công nhanh lớp Seawolf đã va phải một vật thể không xác định khi ở dưới nước, nhưng Hải quân không công khai sự việc cho đến khi tàu gần đến căn cứ hải quân ở Guam để đánh giá thiệt hại.

Một quan chức Hải quân cho biết vào thời điểm tai nạn, hai thủy thủ bị thương ở mức độ nhẹ và đã được điều trị trên tàu. Các thủy thủ khác bị va đập, bầm tím. Không có thiệt hại nào đối với lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm.

Tuần trước, một cuộc điều tra của Hải quân Hoa Kỳ về vụ việc đã xác định rằng chiếc tàu ngầm đã va phải một ngọn núi ngầm và chỉ huy Hạm đội 7 sẽ xác định xem liệu các hành động giải trình có phù hợp hay không.

‘Quân đội Đài Loan sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng nếu bị xâm lược’

Triệu Hằng

Thiếu tướng Đài Loan Dư Kiến Phong (ảnh: Youtube/DKN.TV).

Tờ Politico của Mỹ hôm thứ Tư (3/11) đưa tin, Ủy viên Quốc phòng của Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Washington, Thiếu tướng Dư Kiến Phong tuyên bố rằng, nếu Trung Quốc xâm lược, quân đội Đài Loan sẽ chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.

Cuộc phỏng vấn này được thực hiện khi có nhiều người lo lắng rằng Trung Quốc sẽ cưỡng chiếm Đài Loan trong vòng một vài năm và sự hoảng sợ bao trùm Washington.

Thiếu tướng Dư Kiến Phong không bỏ qua những nguy cơ này, nhưng ông đánh giá rằng ý định hiện tại của Trung Quốc không phải là tăng tốc độ khiêu khích và chuẩn bị cho chiến tranh với Đài Loan. 

Ông tin rằng Trung Quốc chủ yếu tiến hành bay thử nghiệm để xem các phi công của họ có thể bay xa bờ biển của đất liền và tiến hành điều hướng bao xa, bởi vì họ đã dần dần mở rộng ra bên ngoài và dần dần mở rộng ra biển.

Ông nói rằng miễn là Đài Loan không phản ứng thái quá với những hành động như vậy của ĐCSTQ, thì Trung Quốc “không có lý do gì để tấn công”.

Thiếu tướng Dư bày tỏ sự không hài lòng với báo cáo trước đó của The Wall Street Journal khi đặt câu hỏi về khả năng của Đài Loan trong việc chống chọi với các cuộc tấn công từ đại lục – và thậm chí còn gọi báo cáo này là “thông tin giả”. Ông nói rằng các học viên được phỏng vấn chỉ trải qua bốn tháng trong trại huấn luyện cơ bản, điều này không đại diện cho tình hình chung của các lực lượng vũ trang ở Đài Loan.

Ông Dư nói rằng nếu chỉ phỏng vấn những sinh viên đào tạo cơ bản, có thể rút ra kết luận tương tự với điều kiện của quân đội Mỹ, “họ nên phỏng vấn những quân tinh nhuệ hơn”.

Thiếu tướng Đài Loan nói rằng con đường chính để Trung Quốc chinh phục Đài Bắc là đi qua eo biển và quân đội Đài Loan đã nhiều lần huấn luyện cách phòng thủ; và đây cũng là lúc kho vũ khí của Đài Loan trước tiên không ngăn được quân Trung Quốc đổ bộ vào Đài Loan. Ông nói, “Chúng tôi sẽ không để chúng yên vị trên bãi biển của chúng tôi. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng trong khẩu súng và đến giọt máu cuối cùng trong cơ thể chúng tôi”.

Theo báo cáo, ít nhà phân tích nghi ngờ quyết tâm của các máy bay chiến đấu Đài Loan, nhưng đồng thuận là nếu Đài Loan bị xâm lược, họ sẽ phải vật lộn để chống lại các cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc.

Về việc liệu Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan hay không, ông Dư Kiến Phong nói rằng Đài Loan, với tư cách là một nước dân chủ ly khai, Đài Loan phải phải tự lực chứ không thể trông chờ vào Hoa Kỳ hay nước khác. Nhưng việc huấn luyện viên quân sự Mỹ đang có mặt ở Đài Loan là một thông điệp mạnh mẽ mà Washington gửi tới Trung Quốc. Ngoài ra, các thành viên Quốc hội Mỹ cũng ngày càng thể hiện sự quan tâm đến việc giúp Đài Loan củng cố kho vũ khí của mình.

Chuyên gia nói cuộc tấn công mạng NL là tồi tệ nhất trong lịch sử Canada, xứng tầm phản ứng liên bang

Cẩm An biên dịch

Một sinh viên kỹ thuật tham gia một thử thách đánh cắp dữ liệu gần Paris vào ngày 16/03/2013. (Ảnh: AFP/Getty Images/Thomas Samson) Tây Dương

NS. JOHN’S, N.L. — Một chuyên gia Canada cho biết cuộc tấn công mạng đánh sập các trung tâm dữ liệu chăm sóc sức khỏe của Newfoundland và Labrador hôm thứ Bảy (30/10) là một vấn đề an ninh quốc gia và Ottawa nên đối đãi với nó như vậy.

Ông David Shipley, người đứng đầu Bộ phận An ninh Beauceron, nói rằng đây là vụ tấn công tồi tệ nhất trong lịch sử Canada.

Ông Shipley cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng các cuộc tấn công tương tự đã nhắm vào các bệnh viện riêng lẻ hoặc nhiều dịch vụ chung của chính phủ hơn ở quốc gia này, nhưng mức độ và các hậu quả đối với sức khỏe con người khiến tình hình Newfoundland và Labrador trở nên nổi bật.

Vụ tấn công đã khiến hàng ngàn cuộc hẹn bị hủy bỏ và buộc cơ quan y tế lớn nhất của tỉnh này phải quay trở lại với giấy bút.

Một cuộc tấn công tương tự đã xoá sạch hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ireland hồi tháng Năm, và chuyên gia bảo mật Brian Honan ở Dublin cho biết hệ thống này vẫn chưa khôi phục hoàn toàn.

Ông Honan đồng ý rằng chính phủ Canada nên đi đầu và là trung tâm trong việc ứng phó với cuộc tấn công ở Newfoundland và Labrador, đồng thời nói rằng tần suất ngày càng tăng và mức độ nghiêm trọng của những vụ việc này là một tín hiệu cho thấy các quốc gia cần phải coi trọng rủi ro an ninh.

Tướng Milley nói Trung Quốc không thể chiếm Đài Loan bằng quân sự trong tương lai gần

Huệ Giao biên dịch

Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, trình bày trong một phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Vũ trang Thượng viện về việc kết thúc các hoạt động quân sự ở Afghanistan và các kế hoạch cho các hoạt động chống khủng bố trong tương lai tại Điện Capitol ở Hoa Thịnh Đốn vào hôm 28/09/2021. (Ảnh: Patrick Semansky /Pool/Getty Images) Đông Dương

Hôm 03/11, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết Trung Quốc không có khả năng sử dụng vũ trang quân sự để chiếm Đài Loan trong tương lai gần, nhưng chế độ cộng sản đó thực sự gây ra mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với hòn đảo tự trị này mà còn đối với Hoa Kỳ.

“Dựa trên phân tích của tôi về Trung Quốc, tôi không nghĩ rằng điều đó có khả năng xảy ra trong tương lai gần – được xác định là 6, 12, có thể là 24 tháng, khung thời gian đó,” tướng Milley cho biết khi trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc sẽ chuẩn bị có hành động đối với Đài Loan trong thời gian tới hay không.

Tướng Milley đưa ra các nhận xét khi có bài diễn văn tại Diễn đàn An ninh Aspen, một hội nghị chính sách ngoại giao và an ninh kéo dài ba ngày thường niên do Nhóm Chiến lược Aspen có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn thực hiện.

“Tuy nhiên, phải nói rằng Trung Quốc hẳn nhiên và rõ ràng là đang xây dựng khả năng cung cấp các lựa chọn đó cho giới lãnh đạo quốc gia, nếu họ chọn thế, vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng trong tương lai gần thì có lẽ là không. Nhưng điều gì cũng có thể xảy ra,” ông nói thêm.

Chế độ cộng sản ở Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ có thể sử dụng vũ lực để chiếm lấy, nếu cần thiết. Lãnh đạo Tập Cận Bình trước đây đã nói rằng ông muốn áp dụng mô hình quản trị của chế độ này ở Hồng Kông, được gọi là “một quốc gia, hai hệ thống”, tại Đài Loan, như một cách để đưa hòn đảo này về dưới sự thống trị của Bắc Kinh.

Đài Loan, một quốc gia độc lập trên thực tế với quân đội, các quan chức được bầu cử dân chủ, và hiến pháp của riêng họ, đã đang phải đối mặt với sức ép của Trung Quốc trong nhiều năm. Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở các vùng biển ven bờ và điều các phản lực cơ quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo như một cách để đe dọa Đài Loan.

Hồi tháng Mười, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan đã cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ có thể tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào hòn đảo này vào năm 2025.

Hiện tại, Hoa Thịnh Đốn và Đài Bắc không phải là đồng minh ngoại giao chính thức. Tuy nhiên, Đạo luật Quan hệ Đài Loan yêu cầu Hoa Thịnh Đốn cung cấp thiết bị quân sự để tự vệ cho hòn đảo này.

Tướng Milley cũng nói rằng Hoa Kỳ có năng lực để bảo vệ Đài Loan.

Ông nói, “Chúng ta hoàn toàn có khả năng làm mọi thứ trên khắp thế giới, bao gồm cả việc đó nếu cần thiết. Không có nghi ngờ gì về điều đó”.

Tướng Milley cho biết quân đội Trung Quốc đã thay đổi mạnh mẽ trong 40 năm qua và chế độ cộng sản đang không che giấu tham vọng của họ.

“Cách đây 40 năm, họ là một lực lượng bộ binh rất lớn có nền tảng là nông dân và chủ yếu là số đông. Ngày nay, họ có các năng lực trong không gian vũ trụ, không gian mạng, trên bộ, trên biển, trên không, dưới biển; và họ rõ ràng đang thách thức chúng ta trong khu vực,” ông nói.

“Họ đã rất rõ ràng về điều đó. Họ có một giấc mơ Trung Hoa, và họ muốn thách thức cái gọi là trật tự tự do dựa trên luật lệ có hiệu lực vào năm 1945 hồi cuối Đệ nhị Thế chiến. Họ muốn sửa lại nó.”

Nói cách khác, tướng Milley nói rằng nhà cầm quyền Trung Quốc “muốn sửa lại trật tự quốc tế để có lợi cho họ.”

“Đó sẽ là một thách thức thực sự trong những năm tới, trong 10 đến 20 năm tới. Điều đó sẽ thực sự quan trọng,” ông nói.

Anh Quốc trở thành nước đầu tiên chấp thuận thuốc viên kháng virus tại nhà để điều trị COVID-19

Hạo Văn biên dịch

Giám đốc Điều hành của Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA), bà June Raine, tham dự một cuộc họp báo với giới truyền thông về cập nhật thông tin COVID-19 mới nhất, tại Downing Street, trung tâm London hôm 14/09/2021. (Ảnh: Justin Tallis/Pool/AFP) Tây Dương

Anh Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên chấp thuận phương pháp điều trị COVID-19 kháng virus có thể uống tại nhà.

Cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia của Anh Quốc, MHRA, đã thông báo hôm 04/11 rằng thuốc kháng virus Lagevrio (molnupiravir) đã được phép sử dụng để điều trị COVID-19 từ nhẹ đến trung bình – ở những người có các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như béo phì, tiểu đường, hoặc những người trên 60 tuổi.

Bộ trưởng Y tế Anh Quốc Sajid Javid cho biết: “Hôm nay là một ngày lịch sử đối với đất nước chúng tôi, vì Anh Quốc hiện là quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp thuận một loại thuốc kháng virus có thể uống tại nhà đối với COVID-19.”

“Chúng tôi đang làm việc với tốc độ nhanh chóng trong toàn chính phủ và với NHS [Dịch vụ Y tế Quốc gia] để đặt ra kế hoạch khai triển molnupiravir cho bệnh nhân thông qua một nghiên cứu quốc gia càng sớm càng tốt.”

“Thuốc kháng virus này sẽ là một bổ sung tuyệt vời cho kho vũ khí chống lại COVID-19 của chúng tôi.”

Loại thuốc này đến từ Ridgeback Biotherapeutics và Merck Sharp & Dohme (MSD), hoạt động bằng cách can thiệp vào quá trình nhân lên của virus.

Thuốc ngăn chặn virus nhân lên, giữ cho tải lượng [virus] ở mức thấp trong cơ thể và do đó làm giảm mức độ nặng của bệnh.

MHRA cho biết loại thuốc này nên được dùng càng sớm càng tốt sau khi xét nghiệm COVID-19 dương tính và trong vòng năm ngày đầu tiên.

Bộ Y tế Anh Quốc cho biết trong một tuyên bố, “Molnupiravir đã được phép sử dụng cho những người mắc COVID-19 từ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh nặng. Các yếu tố nguy cơ này bao gồm béo phì, lớn tuổi (> 60 tuổi), đái tháo đường, hoặc bệnh tim.”

Tháng trước (10/2021), chính phủ công bố rằng họ đã mua được 480,000 liệu trình molnupiravir sau khi một nghiên cứu do nhà sản xuất công bố cho thấy loại thuốc này làm giảm 50% tỷ lệ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân bị bệnh nhẹ đến trung bình mà có ít nhất một yếu tố nguy cơ đối với căn bệnh này.

Nghiên cứu đó là một thử nghiệm lâm sàng tạm thời, chưa được bình duyệt, tiến hành trên 775 bệnh nhân mới nhiễm virus.

7.3% những người được sử dụng thuốc đã phải nhập viện, so với những người được sử dụng giả dược thì con số này là 14.1%, theo một tuyên bố báo chí từ MSD.

Trong số những người được cho dùng loại thuốc này trong cuộc thử nghiệm, không có trường hợp nào tử vong. Tám người trong số những người được dùng giả dược đã tử vong.

Người đứng đầu Ủy ban Dược phẩm cho Người của Anh Quốc cho biết ông đã xem xét dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận này theo quy định của MHRA.

MSD đã ký kết các thỏa thuận cung cấp 1.7 triệu liệu trình thuốc cho chính phủ Hoa Kỳ, hiện đang chờ EUA hoặc FDA chấp thuận, với chi phí khoảng 1.2 tỷ USD.

Mỗi liệu trình thuốc có giá khoảng 700 USD (513 bảng Anh).

Các quốc gia khác, bao gồm Singapore, Hàn Quốc, và Úc cũng đã ký kết các thỏa thuận mua bán tương tự.

MSD cho biết họ có kế hoạch sử dụng phương pháp định giá theo tầng dựa trên thu nhập của quốc gia.

Nhà sản xuất dược phẩm đối thủ Pfizer đã bắt đầu thử nghiệm hai viên thuốc kháng virus khác nhau. Công ty Roche của Thụy Sĩ cũng đang nghiên cứu một loại thuốc kháng virus.


Related posts