Người Mỹ Nổi Giận

Huy Lâm

Người Mỹ đang nổi giận. Câu hỏi ở đây là người ta làm gì với sự nổi giận đó? Nổi giận nhưng họ có đủ tỉnh táo, sáng suốt để biến sự nổi giận đó thành những hành động thiết thực đem lại lợi ích cho xã hội và cho chính cá nhân của họ hay không. Hay họ chỉ nổi giận trong nỗi u mê bất mãn để rồi sau đó đưa tới những vụ bạo động, đập phá khiến cho xã hội càng trở nên hỗn loạn hơn mà không giải quyết được gì.

Hãy nhìn toàn cảnh của nước Mỹ năm 2021. Một phúc trình của cơ quan FBI cho biết tội ác bạo lực đã gia tăng trong những tháng qua. Cơ quan Hàng Không Liên bang (FAA) ghi nhận con số hành khách có hành động gây rối trên máy bay cao chưa từng có từ trước tới nay. Hồi giữa tháng 10, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã công bố một cáo thị nhắc nhở về các mối đe dọa bạo lực đối với các thành viên của hội đồng trường học. Đây cũng là một năm được mở đầu bằng cuộc bạo động chết người xảy ra tại Điện Capitol ở thủ đô Washington, và trước đó nhiều tháng là những cuộc biểu tình rầm rộ vào mùa hè, có lúc đã bị hoen ố bởi những vụ đập phá và hôi của.

Đó chính là bức chân dung của một quốc gia đang nổi giận, mà không chỉ vậy, sự nổi giận còn được hỗ trợ qua kết quả của các cuộc thăm dò ý kiến. Vào đầu tháng 9, có gần 3 trong 4 người trả lời cuộc thăm dò của đài CNN cho biết họ cảm thấy ít nhất có phần nào tức giận trước “chiều hướng những gì đang xảy ra trong nước [Mỹ] hiện nay.” Vào tháng Giêng, 54% người tham gia cuộc thăm dò của chương trình tin tức CBS News nói rằng “mối đe doạ lớn nhất đối với cuộc sống của nước Mỹ” không phải là kinh tế hay những đe doạ từ bên ngoài hoặc những thảm hoạ thiên nhiên mà chính là “người khác”.

Đây không hẳn là lần đầu tiên mà thái độ giận dữ của người dân được bày tỏ một cách công khai ở Mỹ. Sự tức giận được xem như một thứ cảm xúc nhiều phức tạp. Nó có khả năng tạo đoàn kết nhưng cũng có khả năng gây chia rẽ. Nó sửa sai một số vấn đề trong xã hội nhưng cũng đưa đến những vấn đề khác. Nó là nguyên nhân đưa tới phong trào tranh đấu nhân quyền và đồng thời đã gây ra cuộc nội chiến Hoa Kỳ.

Nhưng khi sự thất vọng của người Mỹ đang ngày càng chồng chất – từ cuộc rút lui ra khỏi Afghanistan đầy thảm bại ở ngoại quốc cho đến trận đại dịch kéo dài ở quốc nội – thì sự cần thiết để biết cách đối phó với thái độ nổi giận đó cũng tăng lên. Người ta có thể tức giận vì nhiều lý do khác nhau, nhưng sự cần thiết để bày tỏ nỗi tức giận đó cho đúng chỗ mà không nhằm trút cơn giận vào người khác thì lại rất giống nhau.

Có người nói rằng thái độ nổi giận có truyền thống từ lâu đời ở Mỹ. Các nhà lập quốc trước đây đã từng sử dụng nó để kích động người dân thuộc địa nổi lên chống lại người Anh. Những phong trào tranh đấu xã hội nổi bật nhất ở Mỹ – từ phá bỏ chế độ kỳ thị tới đòi quyền bầu cử cho tới tranh đấu cho quyền công dân – đã đoàn kết người dân lại dựa trên ý nghĩa của sự phẫn nộ chính đáng. Cuộc nội chiến Hoa Kỳ phần nào chính là từ hậu quả của những hiềm khích mang tính cách địa phương.

Nhưng tốc độ của thái độ tức giận trong dân chúng đã tăng nhanh trong mấy thập niên gần đây. Sự phân chia đảng phái, hoặc xu hướng cử tri chỉ làm bạn với những người đồng quan điểm với họ, đã khiến cho nước Mỹ ngày càng trở nên chia rẽ. Tình trạng chia rẽ đã được nhiều người nói tới, mà nguyên do thì có nhiều, và nay những chương trình tin tức mang tính cách một chiều và các cuộc tranh luận với giọng điệu cực đoan trên mạng xã hội lại càng khiến cho tình trạng chia rẽ trở nên tồi tệ hơn. Hiện nay người ta rất dễ trở nên bực bội, tức giận và điều này lại càng khiến cho một số chính trị gia tìm cách lợi dụng để kích động sự tức giận đó hơn nữa.

Khi người ta tức giận thì điều đó thúc đẩy người ta hành động để thay đổi một cái gì đó, chẳng hạn như biểu tình đòi công lý. Hoặc bằng cách xông vào điện Capitol – là một ví dụ điển hình về sự tức giận không được kiểm soát, đưa tới hành động sai trái và hậu quả tai hại.

Theo định nghĩa của David Rosmarin, giáo sư tâm lý của Đại học Harvard, tức giận là cách để bày tỏ nỗi sợ hãi. Cảm xúc từ sự tức giận kích hoạt phản ứng để chống lại hoặc bỏ chạy, khiến người ta hành động theo bản năng. Cảm xúc trên còn khiến người ta dễ bị dao động mạnh, và trong trường hợp xấu nhất, trở thành một người nguy hiểm.

Ta có thể lấy thí dụ tại một cuộc họp giữa nhà trường và phụ huynh tại một trường học ở Tennessee hồi tháng 8 vừa qua, với gần 2,500 phụ huynh đã tới để tranh luận về nội quy bắt buộc học sinh phải che mặt trong lớp học. Nhiều phụ huynh trong số đó chống lại nội quy trên, có người tranh luận một cách hoà nhã nhưng cũng có nhiều người rất to tiếng. Những tiếng hô chống lại nội quy che mặt ở bên ngoài lớn đến mức người ở bên trong có thể nghe thấy tiếng hô qua các bức tường dày của tòa nhà. Sau cuộc họp, hội đồng nhà trường đã nhận được một số lời hăm doạ và sự việc này đã khiến Bộ Tư pháp đưa ra cáo thị cảnh báo về nguy cơ bạo động chống lại hội đồng nhà trường và giáo viên.

Nội quy bắt buộc học sinh che mặt cuối cùng đã được thông qua. Nếu như mọi người chịu bình tâm nhìn kỹ vào vấn đề thì người ta có thể hiểu được cả hai bên đều có lý của họ: một bên muốn có được sự bảo vệ sức khoẻ cho mọi người, và một bên thì phụ huynh muốn có được quyền quyết định những gì phù hợp đối với con cái của họ. Tuy nhiên đây là một cuộc tranh luận với nhiều xúc động và người ta hiểu lý do vì sao có nhiều phụ huynh đã nổi giận.

Nhưng điều cần nói ở đây là sự nổi giận đó có mang lại ích lợi chung gì hay không. Trong những trường hợp như nói ở trên, khi người ta nổi giận và nói lên quan điểm của họ thì ít ra người ta cũng đã được lắng nghe cho dù người nghe có đồng ý hay không. Bày tỏ tức giận không có gì sai. Nhưng nếu người ta cứ khư khư giữ nó ở trong lòng thì tới một lúc nào đó có thể nó sẽ bùng nổ.

Gần một năm trước đó và cách ngôi trường học ở Tennessee mấy trăm dặm, cư dân của thành phố Richmond thuộc tiểu bang Virginia đã cho thấy điều gì xảy ra khi người ta kìm nén cơn giận quá lâu.

Rất nhiều người dân sống lâu năm tại Richmond đã tỏ ra thất vọng với chính quyền thành phố này từ lâu đã đối xử không công bằng đối với các sắc dân thiểu số. Tuy nhiên, họ vẫn thụ động và không làm gì khác. Thế rồi xảy ra cái chết của anh George Floyd, của cô Breonna Taylor, và anh Marcus David Peters ngay tại địa phương – tất cả đều có liên quan đến cảnh sát. Ngay sau đó người dân thành phố đã xuống đường biểu tình rất đông, một điều hiếm thấy tại Richmond.

Cuộc biểu tình đó là kết quả của nỗi tức giận ngấm ngầm đã quá lâu. Nhưng sự nổi giận ở đây mang ý nghĩa là sửa chữa lại cái sai trái, là rọi ánh sáng lên tất cả những cái tiêu cực của xã hội.

Trong nhóm người biểu tình ở Richmond có anh Hamilton Glass, một nghệ sĩ cũng mang những nỗi bực tức, thất vọng với nhà cầm quyền địa phương. Anh Glass hiểu được nỗi đau của những người đi biểu tình, nhưng muốn đi xa hơn là làm một cái gì đó để xoa dịu nỗi đau. Anh Glass và một số nghệ sĩ địa phương đã thành lập “Dự Án Những bức tường Hàn gắn” (Mending Walls Project), và kể từ đó đến nay họ đã vẽ được 20 bức tranh tường, thu âm những buổi đàm luận, và thu hình để dự định làm một cuốn phim tài liệu.

Trong khi đó thì tại thành phố Nashville thuộc tiểu bang Tennessee, hai nhạc sĩ của loại nhạc đồng quê là Jeffrey Steele và Aaron Lewis, từng soạn nhiều ca khúc về mùa hè và cuộc sống nơi thôn dã rất thành công, nhưng nay không muốn đi theo công thức cũ mà muốn viết một ca khúc mới có thể mang lại cho họ cảm giác được nối kết với một cộng đồng người nghe nhạc có cùng quan điểm. Và ca khúc “Chỉ riêng mình tôi sao?” (Am I the Only One?) được ra đời vào tháng 7 có nội dung nửa than thở, nửa trách cứ về một nước Mỹ đang có những thay đổi với chiều hướng xấu đi.

Ca khúc ngay lập tức được đưa vào danh sách của những bản nhạc đứng đầu bảng và chỉ trong tuần đầu tiên đã bán được 60,000 bản thâu âm – như một dấu hiệu cho thấy cũng có nhiều người khác có chung cảm giác thất vọng như họ.

Quan điểm chính trị của anh Glass và hai nhạc sĩ Steele và Lewis có thể không giống nhau nhưng những việc làm trên cho thấy nỗ lực bày tỏ nỗi tức giận của họ bằng những hành động đưa đến kết quả sáng tạo và có ý thức cộng đồng, thay vì chỉ đập phá cho hả giận tức thời, là điều đáng được khích lệ.

Vậy, sự nổi giận nếu được sử dụng đúng chỗ vẫn có thể mang lại những lợi ích thiết thực, như một viên thuốc đắng nhưng có thể xoa dịu được nỗi đau và mang lại sự đồng cảm giữa người với người.

Huy Lâm

Related posts