Nguyễn Thơ Sinh
Đề tài thời gian luôn hấp dẫn con người. Phàm là người cầm bút hẳn nhiên không tác giả nào (nếu lặn lội lâu đủ trong nghiệp viết lách) không đôi lần đả động đến thời gian. Còn người bình thường, không hiếm những lần trong đời chúng ta đã ý thức rõ những cung bậc khác nhau của thời gian.
Vâng. Thời gian. Hai tiếng đó thoạt chỉ tưởng là một đại lượng vật lý vốn không thể thiếu được trong các diễn biến sinh hoạt đời thường nhưng càng gẫm càng thấy nó mênh mông bề sở. Từ công thức tính vận tốc cho đến các bài toán tính theo quy tắc tam suất đơn thuận một dạo thời mài đũng quần trường tiểu học thời xa xôi ấy, kế đó là những niên lịch trải qua bao thời đại. Rồi lớn lên. Những va chạm đầu đời thuở ngỡ ngàng ngây ngô khái niệm thời gian không còn đứng im một chỗ, đóng khung đơn điệu trong một giới hạn nhất định; thay vào đó nó biến thành một vũ trụ rộng mở, bao la mênh mông ngút ngát đến tận cùng.
Cứ thế, thời gian dần dà ăn sâu vào mọi ngõ ngách trong đời sống. Từ khái niệm Phật tam thế lan tỏa, thấm dần vào những ngóc ngách bận bịu đời thường của kiếp trầm luân nơi mỗi người tùy theo căn duyên có thể tìm thấy ý nghĩa từ bi độ lượng của Phật trong ba cõi: Quá khứ, hiện tại, vị lai. Hay Đức Jesus đã từng dạy các môn đệ của mình chuẩn bị tốt cho phút lâm chung vì thời khắc mỗi người lìa đời luôn bất ngờ như kẻ trộm đến cạy cửa, nên không tỉnh thức sẽ khó tránh cảnh bị mất trộm. Hoặc sẽ là những khái niệm “nhất nhật tại tù”, “ngày vui chóng qua”, “thời gian như con thoi”… Cứ thế, thời gian bỗng trở thành một phần không thể thiếu được trong mọi hoàn cảnh, vui lẫn buồn, cũ lẫn mới, già lẫn trẻ…
Trên thực tế chức năng chính của thời gian luôn xoay quanh những cột mốc, những khoảnh khắc, những ký tự đơn vị đo đạc, phân biệt các trạng thái nhanh chậm, lâu mau, gần xa, sớm muộn… Có thể nói con người càng phát triển càng không thể sống thiếu các khái niệm thời gian ấy. Loài vật cũng thế, tuy nhiên chúng sống dựa theo đồng đồ sinh học cùng những cơ chế bản năng gắn liền với các sự kiện tự nhiên. Từ chuyện gà gáy theo canh, tiếng sói tru nửa khuya, mùa ve sầu, những đàn cá hồi vượt ghềnh sông tìm về cội nguồn chúng được sinh ra để hoàn thành nhiệm vụ nối tiếp hệ gien rồi từ giã cõi đời theo một lịch trình chính xác đến bất ngờ, rắn lột da, cọp săn mồi trùng khớp với khoảng thời gian đàn nai đi uống nước, thú hoang động tình, chim di trú… Chúng vận hành dựa trên cơ năng sinh học bẩm sinh để tồn tại và duy trì hệ gien của nòi giống. Riêng con người từ khi có trí khôn càng ngày càng nghĩ ra nhiều thứ mới mẻ (trong đó có những chiếc đồng hồ), đồng thời họ cũng đánh mất nhiều bản năng các thế hệ tổ tiên từng có. Thế mới biết Hóa Công thật công bằng, khi một loài được ban cho những khả năng này chúng sẽ mất những khả năng khác.
Bao thăng trầm lịch sử, thời gian luôn đồng hành và chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng của loài người qua những lần họ vô tình khám phá. Vâng. Họ vô tình phát hiện ra lửa. Vô tình phát hiện ra trái cây lên men và từ đó biết ủ rượu. Vô tình nghĩ chuyện lấy xương làm vũ khí và dụng cụ. Vô tình phát hiện ra phân thải là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho hạt giống mở ra những kỷ nguyên phôi thai nghề nông. Hoặc họ vô tình phát hiện thú hoang ăn cây nọ, quả kia an toàn rồi bắt chước. Rồi mùa màng. Đến một lúc nào đó họ nhận thấy không thể xem nhẹ sự hiện diện và các ứng dụng thời gian. Và họ thôi không vô tình nữa bởi quá nhiều thứ xảy ra tuân theo những tần số, những chu kỳ, những lần lập đi lập lại.
Thế là cách tính thời gian (hay đúng hơn là đo đạc thời gian) đã ra đời. Lọ phải tìm tòi đâu xa, lục lọi trong ký ức về những câu chuyện xưa, hẳn bạn đọc còn nhớ cách người xưa đã tính toán và đo đạc thời gian như thế nào. Vâng. Xa xưa nhất là họ biết lợi dụng bóng nắng trong ngày để định thời gian như mặt trời lên cao quá con sào, mặt trời đứng bóng lúc tầm trưa, hoặc lúc nào là bóng xế tà. Hoặc để diễn tả một khoảng thời gian kéo dài bao lâu người ta sẽ mượn những khái niệm trong sinh hoạt như “nhai giập bã trầu” hay “cháy hết một cây nhang”, “sau một tuần hương” vốn rất dễ thương. Hoặc người ta sẽ mượn tiếng gà gáy để xác định canh một, canh hai, canh ba, hoặc trời sắp sáng. Mặt trăng cũng được sử dụng như một cái đồng hồ treo lơ lửng trên cao: “Mười bảy sảy giường chiếu. Mười tám rám trấu. Mười chín đụn dịn. Hăm mươi giấc tốt. Hăm mốt nửa đêm”.
Rồi lớn lên, đọc sách, xem TV, thấy nói có nơi người ta làm ra đồng hồ đá, đồng hồ nước, đồng hồ cát, đồng hồ thủy triều. Đó là những đồng hồ được ứng dụng từ những vật thể, hiện tượng tìm thấy trong thiên nhiên chung quanh. Còn những hình thức đo đạc thời gian khác như đồng hồ quả quýt, đồng hồ đeo ngực, đeo tay, đồng hồ đứng, đồng hồ quả lắc treo tường, đồng hồ báo thức… mãi sau này mới có.
Một dạo con người đã quan sát vị trí các ngôi sao trên trời để đo đạc thời gian. Những đóng góp nghiên cứu tận tụy của các nhà thiên văn ngày ấy đã thầm lặng giúp văn minh nhân loại liên tục đạt được những bước phát triển liên quan đến lĩnh vực thời gian. Việc xác định các chu kỳ năm tháng, niên lịch, các chu kỳ biến cố, con giáp… càng hoàn thiện hơn. Từ từ con người càng đột phá vào những địa hạt mới. Người Ai Cập cổ chế tạo ra những chiếc đồng hồ bền bỉ sundials – sử dụng ánh nắng mặt trời khá tiện dụng hoặc đồng hồ nước. Sau đó hai loại đồng hồ này được người Babylon, người Hy Lạp và người Trung Hoa cổ khai thác. Sang thời Hồi giáo Trung Cổ những chiếc đồng hồ nước đã đạt đến trình độ chính xác nhất vào thế kỷ XIV. Trước đó, người Ấn Độ nghĩ ra đồng hồ nhang sau đó người Tàu du nhập đồng hồ nhang vào Trung Hoa (chứng cứ cho thấy đồng hồ nhang khá phổ biến tại đây vào thế kỷ VI). Tại các nước giáp biển của châu Âu nơi có những bãi cát vàng mênh mông người ta nghĩ ra đồng hồ cát. Mãi đến thế kỷ XVI đồng hồ cát mới có mặt tại Trung Hoa.
Nhiều ngôi thánh đường uy nghiêm sừng sững mọc lên thời Trung Cổ tại Châu Âu. Những quả chuông đồng được đúc lên thả vào từng không trên cao những chuỗi âm thanh huyền thoại. Ứng dụng của trọng lực và sức nặng từ các quả chuông ấy đã giúp người ta nghĩ đến các mô hình đồng hồ cơ học (mechanical clock) chủ yếu vận hành nhờ ứng dụng kết hợp giữa trục ngang và trục dọc (verge and foliot); đây vốn là những khám phá khoa học tân tiến thời đó tại Châu Âu và tại các nước Hồi Giáo. Cha đẻ chiếc đồng hồ cơ học đầu tiên là Henry de Vick, thiết kế vào năm 1360, sau đó thống trị 300 năm. Về sau những mô hình cải biên mới đều dựa vào mô hình ban đầu của ông. Sang đến thế kỷ XV lò xo phẳng (mainspring) được phát minh cho phép những chiếc đồng hồ cỡ nhỏ được chế tạo.
Sang thế kỷ VXII, phát minh ứng dụng dao động điều hòa (harmonic oscillators) giúp mở toang cửa cho kỹ nghệ sản xuất đồng hồ. Nhắc lại, hai năm 1493-1494 Leonardo da Vinci vẽ phiên bản đồng hồ quả lắc đầu tiên. Qua năm 1582 Galileo Falilei nghiên cứu kỹ hơn và phát hiện ra quả lắc có khoảng rung ổn định trong đó tần số dao động phụ thuộc vào chiều dài của dây treo quả lắc. Năm 1656 nhà khoa học đa tài Christiaan Huygens người Hà Lan nghiên cứu chế tạo chiếc đồng hồ quả lắc đầu tiên, vừa chính xác vừa có độ bền cao so với đồng hồ cơ học trước đó trục ngang và trục dọc bị mòn rất nhanh.
Sau đó các thế hệ đồng hồ khác ra đời. Tuần tự, cái sau bền và chính xác hơn cái trước. Đồng hồ treo tường. Đồng hồ đeo tay. Đồng hồ điện tử. Đồng hồ thông minh. Vâng. Có thể nói những chặng đường dài cho phép các thế hệ đồng hồ thế hệ mới ra đời, trong đó phải kể đến những địa danh sản xuất ra những chiếc đồng hồ tốt, bền, đẹp, sang trọng.
Gõ vào mạng Google cụm từ “countries make good watch” – Các nước sản xuất đồng hồ nổi tiếng, lập tức xuất hiện danh sách những nước sản xuất đồng hồ xếp theo thứ hạng: Thụy sĩ đứng đầu, Đức đứng hạng hai, Nhật đứng thứ ba, Anh đứng thứ 4, Pháp đứng thứ 5, Trung Quốc đứng thứ 6, Nga thứ 7, và sau đó mới đến Mỹ.
Tất nhiên lịch sử những chiếc đồng hồ tính đến hôm nay vẫn không ngừng thay đổi. Tuồng như thiên hạ luôn chuộng những thứ mới và các nhà sản xuất sẽ tìm đủ mọi cách đáp ứng nhu cầu sính chuộng ấy. Đồng hồ vặn dây thiều rồi đến đồng hồ tự động. Rồi đồng hồ chạy pin. Mẫu mã sắc sảo vẫn chưa đủ, người ta cần đến những chức năng tiện nghi khác, điều này được chứng minh khá rõ khi các thế hệ đồng hồ thông minh như đồng hồ đeo tay android chúng ta đã thấy.
Gần đây, lịch sử kết hợp giữa đồng hồ và các sản phẩm điện tử gia dụng khác xuất hiện ồ ạt đại trà chưa từng có. Từ cái lò vi ba hâm thức ăn (microwave oven) cho đến bếp điện, máy vi tính cho đến hộp điều chỉnh nhiệt độ nóng lạnh trong nhà, từ tủ lạnh cho đến bồn cầu thông minh, máy giặt, máy tập thể dục, radio, TV, máy quay phim, máy chụp ảnh đến xe máy, xe hơi, điện thoại, các thiết bị y tế cá nhân… hầu như máy nào có điện là máy đó có đồng hồ.
Vâng. Cứ thế. Thoạt tưởng ứng dụng của khoa học kỹ thuật, trong đó có đồng hồ sẽ giúp con người nhiều hơn trong việc sử dụng quỹ thời gian của mình một cách hiệu quả nhất. Nhưng nhìn kỹ lại. Bạn thấy gì? Phải chăng những kỳ vọng tưởng chừng rất đỗi chính đáng ấy cuối cùng đã đi trật đường rày. Hay những chiếc đồng hồ ấy bị đổ oan? Chúng không giúp con người được vì đời sống hiện đại có quá nhiều thứ khiến người ta bị chi phối, bận tâm đến? Không ngoa. Mỗi ngày có 24 giờ như muôn thuở, nhưng đa số lúc nào con người cũng bị tụt hậu phía sau những lịch trình và thời khóa biểu.
Để rồi là thiếu ngủ. Là mệt nhoài. Là toàn thân cứ bã bượt. Ngày xưa thời được coi là khổ, thiếu thốn, vậy mà đêm ngủ giấc nào cũng ngon. Hồi xưa con người sống tha hồ chậm, điều mà thiên hạ thời nay luôn cảm thấy thiếu. Họ thèm khát được một lần sống chậm lại. Cứ thế, y như lũ chuột bạch chạy bên trong những quả cầu đủ màu xanh đỏ, rõ ràng là đang chạy rất hăng nhưng chẳng nhúc nhích được một cen-ti-mét nào. Đời sống con người hiện đại cũng thế, luôn bận bịu nhưng lượng công việc vẫn cứ ứ đọng, người vẫn mệt nhoài, vẫn thiếu ngủ…
Cuối cùng là phải nhờ vào đồng hồ báo thức.
Vâng. Gẫm lại thấy công lao của những chiếc đồng hồ báo thức thật to lớn. Bất luận anh là ai, đang sống trong thời kỳ Thế Chiến II hay những năm đầu thế kỷ 21, mùa phiếu 2016 hay 2020, vai trò những chiếc đồng hồ báo thức đã giúp ích rất nhiều trong cuộc sống. Quả thế. Ngoại trừ là người ngủ sớm, ngủ đầy đủ nên họ có thói quen dậy sớm không cần đến chúng. Còn người làm hai ba job, thức khuya, mất ngủ, thiếu ngủ… không có cái đồng hồ báo thức ngó bộ rất phiền toái.
Đêm mùng 07 tháng 11 nước Mỹ sẽ vặn đồng hồ lui ngược một giờ (tức bạn sẽ được ngủ nướng thêm một giờ). Nghe có vẻ hấp dẫn, đúng không? Nhưng vì quen ngủ theo đồng hồ sinh học, chuyện này hẳn là một đảo lộn trật tự với không ít người, họ sẽ thấy phiền toái nhiều hơn lợi ích. Sau đó ít tuần mọi cái đâu đóng đấy, không cài đồng hồ báo thức lại ngủ muộn, lại trễ giờ đi làm.
Vâng. Chức năng của thời gian vẫn là những cột mốc, những khoảnh khắc, những ký tự đơn vị đo đạc phân biệt nhanh chậm, lâu mau, gần xa, sớm muộn… Con người mãi mãi không thể sống thiếu chúng được.
Thế mới biết cuộc sống luôn luôn thay đổi. Sẽ có nhiều thứ mới ra đời song cũng có nhiều thứ trở nên lạc quẻ, bị bạc đãi, bị lãng quên. Nhưng cũng có những thứ mãi mãi tồn tại không hề bị bỏ rơi, tỷ như những chiếc đồng hồ, đặc biệt những chiếc đồng hồ báo thức vì chúng luôn liên quan đến những sinh hoạt của con người có dính dáng đến hai chữ thời gian.
Nguyễn Thơ Sinh