Vào ngày 30/10, tuần báo Tài Chính Thiên Hạ đã công bố một đoạn ghi âm tiết lộ dòng tiền của Công ty phát triển bất động sản Fantasia Holdings đã bị phòng quản lý cắt đứt. Giám đốc điều hành cao cấp của công ty hy vọng nhân viên có thể tự nguyện từ chức.
Trong đoạn ghi âm, giám đốc nhân sự của Fantasia cho biết doanh thu và vốn thu được từ khách hàng v.v đã bị cắt, các tổ chức tài chính thậm chí còn yêu cầu trả nợ trước hạn. Vị lãnh đạo này hy vọng nhân viên có thể tự nguyện từ chức, nếu họ ở lại thì sẽ phải đối mặt với việc không được trả lương. Được biết đoạn băng trên được ghi lại trong cuộc họp nội bộ khuyên nhân viên từ chức của Fantasia vào ngày 27/10.
Mặc dù Fantasia vào ngày 28/10 đã phủ nhận thông tin “khuyên tất cả nhân viên nghỉ việc” trên WeChat nhưng Tập đoàn cũng tuyên bố rằng “số lượng nhân viên chọn ở lại lớn hơn nhiều so với những người rời đi.”
Chính sách “ba lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào sóng gió. Hiện tại, gần 2/3 trong số 100 công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc đã bước vào ít nhất một “lằn ranh đỏ”, áp lực về tài chính ngày càng nặng nề. Trong số đó phải kể đến Công ty bất động sản Evergrande, v.v rớt vào hố nợ tài chính hàng trăm tỷ USD.
Một gã khổng lồ tài chính khác cũng đang lâm vào rắc rối là Tập đoàn Fantasia. Điều đáng nói là, Fantasia thuộc doanh nghiệp kinh doanh của gia tộc quyền lực Tăng Khánh Hồng.
Trong năm qua, chính quyền Tập Cận Bình đã mạnh tay trấn áp các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các tập đoàn hàng đầu thuộc phe cánh Giang Trạch Dân, chấn chỉnh doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, hỗ trợ và mở ra cánh cửa phát triển tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với doanh nghiệp nước ngoài, chấp thuận cho tập đoàn quốc tế BlackRock cung cấp các sản phẩm quỹ đại chúng cho các nhà đầu tư bán lẻ, cho phép Goldman Sachs tổ chức kinh doanh chứng khoán tại Trung Quốc v.v.
Các chuyên gia nhận định, mục đích của những chính sách “khiến người người khó hiểu” này của ông Tập Cận Bình là nhắm vào các đối thủ chính trị thuộc phe cánh Giang-Tăng, cắt đứt nguồn tài chính của họ và dọn đường cho cuộc bầu cử vào năm tới của mình.
Kể từ đầu năm nay, hãng đặt xe trực tuyến Didi niêm yết tại Hoa Kỳ đã bị chính quyền Tập Cận Bình giáng đòn khiến giá cổ phiếu của công ty này giảm mạnh. Một số công ty bất động sản lớn trong nước và các gã khổng lồ tư nhân như Alibaba cũng đã bị chính quyền Tập Cận Bình “ngắm bắn”.
Nhà kinh tế Đài Loan Ngô Huệ Lâm nói với Epoch Times rằng, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc không mấy lạc quan, nhưng ông Tập Cận Bình vẫn mạnh tay đàn áp các gã khổng lồ kinh tế là vì lý do chính trị.
Việc triệt hạ các gã khổng lồ kinh tế chắc chắn sẽ khiến kinh tế Trung Quốc mất máu. Chính quyền Tập Cận Bình đã “nhắm mục tiêu vào các ngành truyền thông, giáo dục, trò chơi và công nghệ của Trung Quốc và đánh mất hàng tỉ USD trong quá trình này”, Epoch Times bình luận.
Sau khi BlackRock và Goldman Sachs có được giấy phép kinh doanh tại Trung Quốc, vẫn còn một danh sách các tập đoàn đang chờ để thâm nhập thị trường Trung Quốc. Có thể khẳng định, dòng vốn nước ngoài mới mẻ này sẽ tiếp thêm máu cho nền kinh tế Trung Quốc.
Trái ngược với tình hình khốn đốn của các gã khổng lồ tư nhân, những doanh nghiệp vừa và nhỏ có chỗ dựa chính trị tương đối đơn giản lại được chính quyền Tập Cận Bình ưu ái.
Vào ngày 16/10, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Tiêu Á Khánh cho biết, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, “giảm thuế và phí, tăng tín dụng, phát triển doanh nghiệp và tối ưu hóa dịch vụ” là một phần trong đó.
Giới chức trách cho biết, Sở Giao dịch Chứng khoán Bắc Kinh dự kiến sẽ chính thức khai trương vào ngày 15/11, chủ yếu để phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải quyết vấn đề “khó khăn về tài chính và tài chính đắt đỏ” của họ.
Các nhà bình luận nhận định, hàng loạt các hành động “nhìn có vẻ mâu thuẫn” gồm đàn áp các ông lớn tư nhân để làm suy yếu khả năng tạo máu của họ, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chấp thuận vốn nước ngoài để tìm nguồn máu mới cho nền kinh tế Trung Quốc không hề xung đột với nhau vì đằng sau những hành động này là mang theo ý đồ chính trị.
Tiến sĩ Dương Tư thuộc Học viện Khoa học Quốc gia Trung Quốc nói với Epoch Times: “Ông Tập Cận Bình đang cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay thế các doanh nghiệp đứng đầu có thể gánh vác nền kinh tế Trung Quốc.”
“Có vẻ như những gì ông Tập Cận Bình giải quyết đều là các vấn đề trong lĩnh vực kinh tế, nhưng một số shark tank lại là huyết mạch kinh tế của phe Giang-Tăng”, ông nói thêm.
Phe Giang-Tăng là thế lực chính trị cường đại trong Đảng Cộng sản Trung Quôc (ĐCSTQ). Tập Cận Bình có thể trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng, đầu tiên là có sự tiến cử của Tăng Khánh Hồng, sau đó các lãnh đạo Đảng thoả hiệp với nhau để Tập Cận Bình trở thành người trung hoà giữa các phe phái. Tuy nhiên, Giang và Tăng vốn không định chọn ông vào vị trí lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ.
Trước khi Tập Cận Bình nhậm chức, “Sự cố Vương Lập Quân” xảy ra vào tháng 2/2012 đã làm bại lộ âm mưu đảo chính do Tăng Khánh Hồng đứng sau. Kể từ đó Tập Cận Bình đã ra đòn phản công chống lại Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.
Đầu năm 2013, Chu Vĩnh Khang, cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Đảng Cộng sản Trung Quốc, kiêm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, bị bắt về tội kinh tế. Chu vốn là cốt cán trong phe của Giang. Sau đó, hai Phó chủ tịch quân đội và một số ủy viên khác cũng thuộc phe Giang cũng bị chính quyền Tập Cận Bình bỏ tù. Tập Cận Bình đã trở thành kẻ thù không đội trời chung của phe Giang – Tăng. Hai bên đã hoàn toàn không còn đường lui.
Hai phe hiện đang đấu đá nhau về việc liệu Tập Cận Bình có thể tái đắc cử trong Đại hội toàn quốc lần thứ 20 trong năm tới hay không. Theo quy định, lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ chỉ được làm tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp trong 10 năm, nếu ông Tập Cận Bình tái đắc cử sẽ phá vỡ quy định này.
Theo ước tính về độ tuổi của các quan chức ĐCSTQ, vào thời điểm Đại hội toàn quốc lần thứ 20 tổ chức, các quan chức do Giang-Tăng đề bạt về cơ bản sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Điều này cũng có nghĩa là các cốt cán trong phe Giang sẽ rút khỏi bộ máy lãnh đạo của Đảng. Đây là điều rất nguy hiểm đối với Giang-Tăng.
Tương tự, nếu ông Tập Cận Bình thất cử thì ông cũng sẽ phải đối mắt với hoàn cảnh rất khôn lường. Vì trước đó ông đã đắc tội với không ít người, bắt một nhóm quan chức cấp cao, bao gồm cả các lãnh đạo Đảng vào tù trên danh nghĩa chống tham nhũng.
Nhiều nhà bình luận tin rằng trước khi Đại hội Đảng khóa 20 diễn ra vào năm sau, chắc chắn sẽ nổ ra cuộc đấu đá giữa ông Tập và phe Giang-Tăng.
Ông Ngô Huệ Lâm cho biết, bất chấp những thách thức to lớn mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt, ông Tập Cận Bình vẫn kiên quyết cắt đứt nguồn tài chính của đối thủ chính trị Giang-Tăng. Điều này cho thấy việc tái đắc cử mới là điều được ông đặt lên hàng đầu.
“Việc ông Tập Cận Bình đang làm là suy yếu sức mạnh của đối thủ bằng cách siết chặt nguồn tài chính của đối thủ”, ông Ngô nhấn mạnh.
Tập đoàn Fantasia đang vật lộn trong khủng hoảng. Đây vốn là doanh nghiệp của gia tộc Tăng Khánh Hồng và do Tăng Bảo Bảo (cháu gái của Tăng Khánh Hồng) sáng lập. Fantasia lâm vào khốn đốn cũng là minh chứng dễ thấy chứng minh cuộc chiến chính trị giữa hai bên đang diễn ra vô cùng gay gắt.
Tình hình kinh tế Trung Quốc đang không mấy lạc quan, những vấn đề trước mắt như thiếu than, thiếu điện, giá rau tăng cao, vấn đề sưởi ấm của người dân miền Bắc đều đang chờ chính quyền Tập Cận Bình đưa ra giải pháp hữu hiệu.
Cùng với đó, tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp BĐS quá cao, bong bóng tài chính đang phình to. Sau khi bất động sản Evergrande rơi vào khủng hoảng, nhiều người lo lắng rằng “Khoảnh khắc Lehman Brother” sẽ đến với Trung Quốc bất cứ lúc nào.
Bà Dương Tư tin rằng những hành động phá huỷ cơ cấu kinh tế Trung Quốc của Tập Cận Bình có thể dẫn đến sự sụp đổ ngày càng nhanh chóng của chế độ Cộng sản Trung Quốc.
Thiệu Diệc, Trương Minh Kiện, Vương Giai Nghi