Ngọc Mai
Sau khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), rõ ràng là kinh tế Trung Quốc thiếu khả năng cạnh tranh với Hoa Kỳ hoặc Liên Xô trong việc sản xuất công nghệ quân đội tiên tiến. Trong những năm 1950, việc chuyển giao công nghệ từ Liên Xô sang Trung Quốc đã giúp thu hẹp khoảng cách này. Trong những năm 1970 và 1980, chuyển giao công nghệ từ Hoa Kỳ và Châu Âu cũng đã cải thiện công nghệ vũ khí của quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đã kìm hãm sự phát triển công nghệ và nghiên cứu khoa học của quốc gia này. Ngay cả khi Quân đội của ĐCSTQ có được công nghệ, lực lượng này vẫn bị tụt hậu về khả năng phát triển và đổi mới. Do đó, ĐCSTQ từ lâu đã dựa vào hoạt động gián điệp công nghiệp để bù đắp cho việc thiếu chuyển giao công nghệ hợp pháp và đổi mới trong nước.
Nói tóm lại, Trung Quốc đã có thói quen ăn cắp vũ khí và công nghệ từ Nga và Hoa Kỳ. Theo thời gian, các điệp viên ở Bắc Kinh càng trở nên lão luyện và linh hoạt hơn. Trên tờ National interest, Robert Farley, một chuyên gia an ninh quân sự tại Trường Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson thuộc Đại học Kentucky, đã chỉ ra 5 hệ thống vũ khí đã bị ĐCSTQ đánh cắp, sao chép toàn bộ hoặc một phần.
Sao chép máy bay tiêm kích của Nga để sản xuất “J-7”
Năm 1961, căng thẳng giữa Liên Xô và Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm. Vì lý do này, Liên Xô đã chuyển giao cho Trung Quốc bản thiết kế và vật liệu chế tạo máy bay tiêm kích MiG-21 mới để xoa dịu mối quan hệ. Đồng thời, khuyến khích hợp tác giữa ĐCSTQ và Liên Xô.
Nhưng nỗ lực này không hiệu quả và căng thẳng giữa Trung Quốc và Liên Xô vẫn gia tăng, gần đến mức chiến tranh vào cuối những năm 1960.
Dựa trên các bản thiết kế và tài liệu do Liên Xô cung cấp, Trung Quốc cuối cùng đã copy mẫu máy bay MiG-21 để sản xuất mẫu máy bay J-7. ĐCSTQ đã bán mẫu J-7 để cạnh tranh với các máy bay dòng MiG của Liên Xô. Sau khi quan hệ Mỹ-Trung bớt căng thẳng vào những năm 1970, Trung Quốc đã bán J-7 cho quân đội Mỹ . Người Mỹ đã sử dụng nó như một phần của phi đội xâm lược, đào tạo các phi công Mỹ để chiến đấu với Liên Xô.
Sao chép máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-27 để tạo ra “J-11”
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga không còn đủ lý do để che giấu công nghệ quân sự tiên tiến của mình với Trung Quốc. Quan trọng hơn, ngành công nghiệp quân sự khổng lồ của Liên Xô rất cần khách hàng, nhưng quân đội Nga không còn đủ khả năng mua thiết bị mới. Trong khi đó, ĐCSTQ cần các nguồn thiết bị quân sự công nghệ cao mới sau khi châu Âu và Hoa Kỳ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989.
Vì vậy, trong những năm 1990, đã có một số hợp đồng mua bán vũ khí lớn giữa Moscow và Bắc Kinh. Một trong những hạng mục quan trọng nhất liên quan đến việc mua bán, cấp phép và chuyển giao công nghệ của máy bay Su-27. Đây là loại máy bay chiến đấu đa chức năng. Máy bay chiến đấu một chỗ ngồi này do Liên Xô phát triển. Thỏa thuận này đã mang lại cho Trung Quốc một trong những loại máy bay chiến đấu trên không nguy hiểm nhất thế giới, đồng thời mang lại cho ngành hàng không Nga một cứu cánh.
Nhưng sau đó, người Nga tuyên bố rằng phía Trung Quốc đã bắt đầu vi phạm các điều khoản cấp phép gần như ngay lập tức bằng cách lắp đặt hệ thống điện tử hàng không của Trung Quốc trên chiếc J-11. Trung Quốc cũng đã bắt đầu phát triển một mẫu hàng không mẫu hạm, điều này vi phạm trực tiếp các điều khoản của thỏa thuận. Việc ĐCSTQ chiếm công nghệ của Nga đã làm gián đoạn quan hệ Nga-Trung và khiến người Nga cảnh giác hơn về việc chuyển giao quân sự với quân đội Trung Quốc.
Ăn cắp công nghệ “F-35” của Hoa Kỳ
Ngay cả trước khi vụ rò rỉ Snowden xác định Trung Quốc có hoạt động gián điệp công nghiệp trên diện rộng, các nhà phân tích Mỹ đã nghi ngờ rằng Trung Quốc đánh cắp thông tin liên quan đến máy bay F-35 của Mỹ. Khi thông tin về tiêm kích tàng hình J-31 của Trung Quốc xuất hiện, khả năng xảy ra vụ trộm đã quá rõ ràng. Chiếc “J-31″ của TQ trông rất giống F-35 hai động cơ của Mỹ, tuy nhiên máy bay Trung Quốc không có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng, bay lơ lửng và bay tới, lùi và bay ngang của F-35B.
Người ta đồn đoán rằng “J-31” cũng thiếu nhiều hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, những trang bị này có thể khiến F-35 trở thành một máy bay chiến đấu có sức tàn phá lớn. Tuy nhiên, “J-31” của TRung Quốc cuối cùng đã có thể cất cánh từ tàu sân bay và có thể cạnh tranh với chiếc máy bay của Mỹ trên thị trường xuất khẩu.
Máy bay không người lái
Năm 2010, Trung Quốc tụt hậu nghiêm trọng so với Mỹ về công nghệ máy bay không người lái (UAV). Nhưng giờ đây, Trung Quốc đã bắt kịp và có thể cạnh tranh với các mẫu máy bay không người lái của Mỹ trên thị trường vũ khí quốc tế. Làm thế nào mà người Trung Quốc có thể bắt kịp nhanh chóng như vậy?
Theo cơ quan tình báo Mỹ, tin tặc Trung Quốc đã thu thập công nghệ từ một số nguồn, bao gồm chính phủ Mỹ và các công ty tư nhân liên quan đến sản xuất máy bay không người lái (General Atomics). Các máy bay không người lái mới nhất của Trung Quốc có tầm nhìn và hiệu suất rất giống với máy bay Mỹ, đây là một chu kỳ phát triển đáng kinh ngạc của ngành hàng không Trung Quốc.
Công nghệ nhìn ban đêm
Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, quân đội Mỹ quyết định đầu tư mạnh vào công nghệ nhìn ban đêm, cho phép từng binh sĩ, xe bọc thép và máy bay quan sát và chiến đấu trong bóng tối. Kể từ những năm 1980, thiết bị này đã mang lại cho Hoa Kỳ một lợi thế to lớn trong một số cuộc xung đột.
Trung Quốc đang tìm cách chấm dứt lợi thế này của quân đội Mỹ , và các hoạt động gián điệp của Trung Quốc đều hướng tới việc chiếm và sao chép công nghệ của Mỹ trong lĩnh vực này. Điều này bao gồm một số hành vi trộm cắp trên mạng, nhưng Trung Quốc cũng sử dụng các hoạt động gián điệp kiểu cũ để cho phép các doanh nhân Trung Quốc có được công nghệ xuất khẩu từ các công ty Mỹ.
Hoa Kỳ ngày càng trở nên tích cực hơn trong việc làm chậm hoặc ngăn chặn các hoạt động gián điệp công nghiệp của Trung Quốc. Hoa Kỳ đã đệ đơn kiện các sĩ quan quân đội của ĐCSTQ, lên án rộng rãi các hoạt động gián điệp của Trung Quốc và thực hiện các hành động trả đũa có chủ đích nhằm vào một số công ty Trung Quốc.