Kelly Song
Đặc phái viên khí hậu của Tổng thống Joe Biden, ông John Kerry, đã đến Trung Quốc hai lần trong 6 tháng qua nhưng đã không thuyết phục được Bắc Kinh hợp tác về các vấn đề khí hậu.
Trong cuộc họp của họ hôm 01/09, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với ông Kerry, “Hợp tác khí hậu Trung Quốc-Hoa Kỳ không thể tách rời khỏi môi trường rộng lớn hơn của quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, vào cuối tháng đó, Bắc Kinh bất ngờ ra lệnh cắt điện hàng loạt được cho là nhằm “giảm lượng khí thải carbon.”
Nhà kinh tế Đài Loan Ngô Gia Long (Wu Jialong) cho rằng động cơ thực sự đằng sau việc cắt giảm điện là mang tính chính trị hơn là vì môi trường.
Ông Ngô cho biết quan điểm của ông có thể được nhìn thấy từ hai sự kiện. Lần đầu tiên là hôm 09/09 khi Tổng thống Biden gọi điện thoại cho lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình. Mặc dù nội dung của cuộc gọi phần lớn vẫn được giấu kín với công chúng, nhưng được biết rằng việc thả tự do bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) của Huawei đã được thảo luận. Bà Mạnh, con gái của người sáng lập Huawei, đã bị bắt tại Canada hôm 01/12/2018, vì có thể đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran.
Hai tuần sau cuộc điện thoại, hai sự việc đã xảy ra: bà Mạnh được trả tự do; Bắc Kinh đã ra lệnh cắt điện.
Ông Ngô nói với The Epoch Times rằng, “việc cắt điện chỉ là tạm thời. Đó là sự trao đổi lấy bà Mạnh. Ông Tập muốn gây ấn tượng với Tổng thống Biden, “thấy chưa, tôi có thể giữ lời hứa của mình.” Nhưng nó không thể giải quyết các vấn đề khí hậu và khí thải. Bắc Kinh cũng không thể sử dụng việc cắt điện để đổi lấy việc giảm thuế quan.”
Cơ quan tư vấn chính sách ủng hộ Trung Cộng lạc quan một cách thận trọng
Hôm 25/10, một tổ chức tư vấn chính sách ủng hộ Trung Cộng có trụ sở tại Trung Quốc, Intellisia, đã phát hành một báo cáo nói rằng mối quan hệ Trung-Mỹ đang đi theo hướng có lợi cho Trung Cộng.
Ngoài việc gia tăng giao tiếp giữa các quan chức cấp cao, báo cáo đã liệt kê hai chỉ số, đó là việc thả tự do bà Mạnh và cuộc điều tra chưa kết luận về nguồn gốc coronavirus.
Báo cáo của Intellisia nói rằng Trung Cộng coi nguồn gốc virus là “chủ đề nhạy cảm nhất về mặt chính trị, nhưng kết quả điều tra đáng ngạc nhiên là không chỉ ra nguồn gốc của Trung Quốc, thay vào đó việc điều tra này chỉ yêu cầu sự minh bạch và chia sẻ nhiều dữ liệu hơn từ Trung Quốc.
Báo cáo kết luận, “Có lẽ chính phủ của Tổng thống Biden đã nhận ra sự quá mẫn cảm của Bắc Kinh và lập trường mạnh mẽ chống lại vấn đề này.”
Một sự kiện khác được tổ chức tư vấn này xác nhận là vào cùng ngày bà Meng được trả tự do, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo nói với The Wall Street Journal rằng bà đang tìm cách cải thiện mối quan hệ kinh doanh của Hoa Kỳ với Trung Quốc và bà có kế hoạch đưa các giám đốc điều hành Hoa Kỳ đến Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Cotton nhận xét rằng bà Raimondo “không chỉ tiếp tay vận động hành lang cho Trung Quốc, bà ấy đang tích cực tuyển dụng giúp cho họ.”
Cam kết đổi mới về khí hậu của Trung Cộng là ‘nhiệm vụ bất khả thi’
Hôm 28/10, Trung Quốc đã đệ trình “Những đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về chống biến đổi khí hậu” cập nhật lên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu trước cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow.
Trong NDC, Trung Quốc cam kết sẽ tăng công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió và không còn khí thải carbon vào năm 2060. Cả ông Ngô và nhà phân tích tài chính Hoàng Thế Thông (Huang Shicong) đều nói với The Epoch Times rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Theo ông Ngô, nhiệt điện chiếm 77% sản lượng điện của Trung Quốc, trong khi thủy điện chiếm 17%.
Ông Ngô nói: “Để giảm lượng khí thải carbon, người ta phải thay đổi cấu trúc năng lượng, điều này rất tốn kém nhưng Bắc Kinh thà chi tiền cho các tổ chức quốc tế và các chính trị gia Mỹ.”
Ông Hoàng giải thích: “Ngoài ra, miền tây Trung Quốc là nơi có thể xây dựng thêm nhiều nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời, và khu vực ven biển phía đông là nơi tiêu thụ nhiều điện năng nhất. Vì vậy, việc lưu trữ điện năng và truyền tải điện đường dài là có vấn đề. Mạng lưới điện của họ lại là một vấn đề lớn khác.”
Cả hai chuyên gia đều đồng ý rằng gió, năng lượng mặt trời, và thủy điện phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và không thể lường trước được.
Ông Hoàng nói rằng Trung Quốc gần như không thể đạt được các mục tiêu đã cam kết.
Ông Hoàng nói: “Cả thế giới đang nghi ngờ vì Trung Cộng đã mở lại khá nhiều mỏ than do tiêu thụ điện ngày càng tăng. Điều đó cho thấy rằng những gì họ đã làm cho đến nay là một thất bại toàn diện. Ai sẽ tin những gì họ nói trong NDC?”
Bà Kelly Song viết bài cho The Epoch Times, tập trung vào tất cả các chủ đề liên quan đến Trung Quốc.
Chánh Tín biên dịch