J.M. Phelps
Ấn Độ vừa phóng thử nghiệm một hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tiếp nối các vòng đàm phán ngoại giao và quân sự thất bại giữa Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như các báo cáo về vụ phóng thử hỏa tiễn siêu thanh của chính quyền Trung Quốc.
Nhưng các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng vụ phóng thử của Ấn Độ không phải là một hành động đáp trả đối với các hành động gần đây của nhà cầm quyền này.
Khả năng của Agni-5
Ông Animesh Roul, giám đốc điều hành của Hiệp hội Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột có trụ sở tại New Delhi, cho biết đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ bắn thử hỏa tiễn đạn đạo đất đối đất Agni-5. Trong các năm 2012, 2013 và 2018, Agni-5 đã được thử nghiệm nhiều lần.
Ông nói: “Tuy nhiên, vụ phóng thử ngày 27/10 tại đảo Abdul Kalam ở miền duyên hải Odisha là vụ phóng thử hỏa tiễn đầu tiên của Bộ Tư lệnh Hạt nhân Chiến lược điều động kho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ.”
Điều này khẳng định rằng hỏa tiễn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-5 có thể nhanh chóng được điều động từ các vị trí chiến lược ở Ấn Độ, ông Roul nói thêm.
Ông Mahesh Debata, một giáo sư phụ tá tại Đại học Jawaharlal Nehru của Ấn Độ cho biết, vụ phóng thử hỏa tiễn này cũng rất có ý nghĩa vì nó tái khẳng định “chính sách chính thức của Ấn Độ là sở hữu khả năng răn đe tối thiểu đáng tin cậy và cam kết không là bên sử dụng đầu tiên, đồng thời hỏa tiễn này cũng là hỏa tiễn đầu tiên sẽ được Bộ Tư lệnh Hạt nhân Chiến lược Ấn Độ sử dụng.”
Với trọng lượng phóng gần 100 nghìn pound (khoảng 45,360 kg), hỏa tiễn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân này có thể mang đầu đạn nặng tới 3,000 pound (1,360 kg). Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cho biết hỏa tiễn Agni-5 có tầm bắn tối đa lên tới 3,600 dặm (khoảng 5,793 km).
Những người khác, trong đó có ông Đỗ Văn Long (Du Wenlong), một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã gợi ý một tầm bắn gần 5,000 dặm. Nếu đúng như vậy, Agni-5 có khả năng tấn công gần như toàn bộ Trung Quốc đại lục, tới tận vùng cực bắc của nước này.
Khủng hoảng kéo dài
Tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã tồn tại trong nhiều thập niên, và những tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết này đã dẫn đến một số cuộc xung đột trong nhiều năm.
Ông Roul nói, một cuộc đụng độ bạo lực giữa quân đội hai nước Ấn Độ và Trung Quốc ở vùng Himalaya xa xôi, phía đông Ladakh vào đầu tháng 05/2020 đã đưa mọi cơ hội giải quyết tranh chấp xuống một mức thấp mới. Đã có hàng chục ca thương vong ở cả hai phía.
Phản ứng trước tình hình bế tắc không đội trời chung này, ông cho biết, “đôi bên đều đã tăng cường điều động lực lượng với hàng chục ngàn binh sĩ [và] khí giới kể từ đó.”
Sau nhiều vòng đàm phán quân sự và ngoại giao, ông Roul cho biết các dấu hiệu của đình chiến đã bắt đầu. Nhưng ông tiếp tục lưu ý rằng vòng đàm phán quân sự lần thứ 13 giữa Ấn Độ và Trung Quốc hồi tháng 10 đã kết thúc trong bế tắc mà không có thêm bước tiến nào. Ông nói: “Vì vậy, các vấn đề biên giới giữa hai nước vẫn còn nhiều biến động.”
Theo ông Roul, căng thẳng đang diễn ra giữa hai nước có thể khiến chính quyền Trung Quốc coi vụ phóng thử Agni-5 như một dấu hiệu cho thấy Ấn Độ có hành động gây hấn quân sự.
Không phải là phát súng cảnh báo
Một số chuyên gia đã miêu tả vụ phóng hỏa tiễn Agni-5 này như là một phát súng cảnh cáo mà Ấn Độ gửi tới Trung Quốc.
Ông Roul không đồng ý, nói rằng sẽ là không hợp lý để một quốc gia nào đó đi “phô diễn sức mạnh hỏa tiễn của mình như một phát súng cảnh cáo, hoặc như một phần của bất kỳ tư thế tấn công hoặc phòng thủ nào.”
Ông nói: “Ấn Độ nhận thức rất rõ về năng lực hỏa tiễn vượt trội hơn của Trung Quốc, và thể hiện sức mạnh [của chính họ] sẽ là vô ích và phản tác dụng [đối với các cuộc đàm phán ngoại giao và quân sự].”
Ông Debata cũng cho biết “không đúng khi cho rằng” vụ phóng thử thành công hỏa tiễn Agni-5 từ ngoài khơi bờ biển Odisha là “một lời cảnh báo cho bất kỳ quốc gia nào hoặc nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.”
Việc thử nghiệm hỏa tiễn không phải là hiếm ở Ấn Độ. Trước Agni-5, ông Roul cho biết bốn hỏa tiễn khác đã được bố trí hoạt động với các tầm bắn và khả năng tải trọng khác nhau. Ông nói, Ấn Độ có thể chỉ đơn giản là cho Trung Quốc thấy “sự phát triển không ngừng của họ đối với các lực lượng hỏa tiễn và hạt nhân mặt đất thông thường.”
Ông Debata cho biết, “Kể từ cuộc thử nghiệm hỏa tiễn loại Agni đầu tiên vào năm 1989, hỏa tiễn này đã là một lực lượng mạnh mẽ trong hệ thống phòng thủ của Ấn Độ và việc phóng hỏa tiễn này vào thời điểm hiện tại có thể được xem là một bước đi đúng đắn để cải tiến hơn nữa khả năng phòng thủ của Ấn Độ.”
Vào thời điểm mà chính quyền Trung Quốc đang phô diễn toàn bộ năng lực hạt nhân của mình, ông Roul cho biết “vụ phóng thử này có thể giúp Ấn Độ xây dựng sự đồng thuận và yên tâm trong nước về khả năng quân sự cũng như tinh thần của toàn thể lực lượng vũ trang của nước này.”
Ông nói thêm, hỏa tiễn Agni-5 “rõ ràng là một phần trong sự răn đe chiến lược của Ấn Độ đối với Trung Quốc.”
Ông J.M. Phelps là một nhà văn và nhà nghiên cứu về các mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và Trung Quốc.
Minh Ngọc biên dịch