Chủ từ trong trái tim – Tamar Lê

Chủ từ trong trái tim

Trong giáo dục và văn hóa nước mình có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, vì trong xã hội, quan trọng nhất là cách cư xử với người và với đời, vượt trên cả kiến thức và phú quý.

Khi bắt đầu bước vào trung học, thầy giáo Anh Văn của tôi dặn dò học trò vào giờ đầu “Tiên học văn phạm, hậu viết văn.” Thế là những bài học Anh Văn phần đông là ‘English grammar’ vì theo Thầy, nếu thiếu văn phạm chỉ nói được ‘tiếng bồi’, rồi ba xí ba tú khi nói chuyện với người Anh.

Chắc nhiều người thời ấy còn nhớ, khi học văn phạm Anh, hai điều quan trọng là cách dùng ‘thì’ với động từ (using different tenses) và cấu trúc của câu (sentence structure).

– Thí dụ về tenses: I sing, I am singing, I have sung, I have been singing, I had been singing, I will sing, I would have sung, v.v…

– Thí dụ về cấu trúc của câu (sentence structure), căn bản nhất là: Chủ từ + động từ (+ túc từ) , subject + verb (+ object) :

    Tim (subject) drives (verb)  a car  (object).

Khi học tiếng Anh và tiếng Pháp nhuần nhuyễn rồi, có người ‘phũ phàng’ tuyên bố: Tiếng Việt không có thì tương lai (future),  vì trong tiếng Việt thì (tenses) và cấu trúc của câu (sentence structure) loạn xà ngầu.

Thật ra, tiếng Việt mình rất phong phú, tế nhị và nhẹ nhàng phản ánh tâm hồn Việt Nam. Trong ngữ học, có hiện tượng ‘tránh dư thừa’ (linguistic redundancy) vì không muốn  “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”:

– “Hôm qua tôi mua một con chó.” Trạng từ thời gian ‘Hôm qua’ xác định rõ thời gian nào, nên đâu phải cần các lăng nhăng khác như trong tiếng Anh: go, went, gone, going…

– “Tuần tới tôi đi Canberra.” Đâu cần phải will/shall/going như trong tiếng Anh vì ‘tuần tới’ là tương lai rồi.

Một hiện tượng ngữ học trong tiếng Việt mà tôi yêu thích nhất là những câu không có chủ từ, hay có một cách mơ hồ trong trái tim người nói (a sentence with a vague subject). Thật ra ‘chủ từ’ nằm đâu đó trong khóe mắt của người đọc và người viết – Một sự đồng cảm mà chỉ người Việt mình mới thấu hiểu được sự thâm thúy tế nhị của nó trong ngôn ngữ của mẹ (mother-tongue):

“Sáng dậy, cảm thấy đời như một mùa xuân, cây lá và vạn vật như đang trong tuổi biết yêu…”

“Thôi đành ngậm ngùi chứ trách đời làm gì cho đời thêm khổ đau.”

oooOooo

Chúc một ngày vui – Thương nhiều

Related posts