Lê Tây Sơn
Cô nào muốn làm điệp viên?
Khi săn tìm điệp viên, sau khi kiểm tra đầy đủ sức khoẻ, các cơ quan tình báo thường nhắc đến bốn yếu tố chính: kiên định, thông minh, có tinh thần yêu nước và biết cách giữ bí mật quốc gia với bất cứ giá nào. Mạng xã hội Mumsnet dành cho những bà mẹ tại Vương quốc Anh cũng quảng cáo như thế để tìm những phụ nữ hội đủ điều kiện làm việc cho ba cơ quan tình báo Anh MI5, MI6 và GCHQ. Quảng cáo nhận được phản hồi khá tích cực. Trong khi nhiều phụ nữ, đa số ở độ tuổi trung niên bộc bạch là họ có cuộc sống quá “lộ liễu” nên không thể “bí mật” trở lại thì số ít khác như tài khoản ShatnersBassoon khẳng định: “Tôi thích ngồi cà phê và quan sát mọi người nên tôi thấy nghề điệp viên rất phù hợp với mình”.
Theo thời gian, các cơ quan tình báo thấy việc khuyến khích phụ nữ tham gia vào cộng đồng tình báo là yêu cầu bức bách để giúp đất nước của họ an toàn hơn. Một trang web điện ảnh còn đề nghị nên thay James Bond bằng… Jane Bond và trang mạng Rolling Stone đưa hẳn một đoạn phim Jane Bond do diễn viên Emilia Clarke đóng vai chính! Nhưng dù là nữ hay nam thì những tiêu chuẩn để trở thành điệp viên cũng gần giống nhau. Cựu điệp viên Annie Machon từng làm việc cho MI5 (cơ quan tình báo nội địa Anh) vào những năm đầu thập niên 1990 cho biết các tiêu chuẩn của nữ điệp viên có thay đổi chút ít tuỳ cơ quan tuyển họ.
MI5 (còn gọi là Box), MI6 (nay là Sở Mật vụ-SIS) chuyên thu thập thông tin tình báo bên ngoài nước Anh và GCHQ (cơ quan phụ trách các hoạt động nghe lén điện tử) đều có các yêu cầu tuyển dụng riêng. Theo Machon, tiêu chuẩn của MI5 là có khả năng lãnh đạo đội đặc nhiệm và biết cách giao tế để lấy lòng tin mọi người. Còn MI6 đánh giá cao những ai có thể hoạt động đơn độc trong các môi sinh thù địch và chấp nhận “linh hoạt” trong quan hệ (nếu cần, có thể bỏ sang bên đạo đức cá nhân). GCHQ không đòi hỏi nhân viên có kỹ năng thích nghi với đám đông mà chỉ cần họ làm tốt công việc của mình trên chiếc máy gài mã hay giải mã, đồng thời biết cách ngăn chặn và chống lại những hacker nguy hiểm xâm nhập từ bên ngoài.
Sau khi Machon và đồng nghiệp cũ David Shayler của chị từ nhiệm, năm 1996 họ bắt đầu tiết lộ các bí mật “vô đạo đức” của MI5. Vì cung cấp trái phép thông tin mật cho báo chí, vi phạm luật Official Secrets Act về các hoạt động mật, Shayler bị kết án sáu tháng tù. Machon cho biết chị gửi đơn xin việc tại Bộ Ngoại giao nhưng người ta lại giới thiệu với chị một công việc khác “lý thú và phù hợp” hơn. “Họ không cho tôi biết cơ quan mới nhưng tôi đoán đó là một cơ quan mật vụ vì quá trình phỏng vấn rất gian nan. Đợt phỏng vấn đầu tiên dài khoảng ba tiếng buộc bạn phải tường trình tất cả những gì đã làm từ năm 12 tuổi. Sau đó là màn đấu loại trực tiếp giữa các ứng viên trong đó bạn phải phân tích một tài liệu viết tay và đóng vai chính trong một tình huống ngắn.
Đợt phỏng vấn thứ hai căng thẳng hơn với sự tham gia của một nhà tâm lý để đánh giá sự bình tĩnh và thần kinh thép của bạn. Nếu bạn cứ nghĩ mình đã là James Bond và xử sự giống như ông ta thì chắc chắn bạn sẽ bị đánh rớt” – Machon nhớ lại. Giáo sư Anthony Glees, chuyên nghiên cứu về thế giới tình báo hiện giảng dạy tại Đại học Buckingham bổ sung: “Các phẩm chất quan trọng nhất của nghề tình báo là sự minh bạch, trung kiên và có khả năng đọc, phân tích và hiểu nội dung một văn bản thu thập được trước khi đưa ra kết luận. Nóng vội chứng tỏ mình là điệp viên năng nổ sẽ thất bại – ông nói – Dĩ nhiên bạn cũng phải giỏi trong việc giải quyết những gì vừa kết luận”. Theo ông, các điệp viên thời hiện đại còn phải biết tuân thủ luật pháp và biết kiềm chế các hành vi có hại cho mình trước một thế giới có nhiều thay đổi. “Một điều quan trọng nữa là đừng nói dối trước người tuyển dụng. Khai thật từng vi phạm pháp luật, từng chơi mà tuý cũng không sao, nhưng che giấu những khuyết điểm để tạo cơ hội cho đối phương “tống tiền” sau này là điều cấm kỵ. Nói chung là ai cũng có lúc phạm sai lầm nhưng nên nói thật” – ông nhấn mạnh.
Ứng viên phải thỏa mãn yêu cầu gì?
Trở lại với việc phụ nữ tham gia hoạt động tình báo. Loạt phim truyền hình ăn khách Spooks chiếu tại Anh từ 2002-2011 mô tả những gian khổ và nguy hiểm của nghề này có thể đã làm cho nhiều ứng viên nữ tiềm năng phải suy nghĩ lại. “Thế giới tình báo thường được hiểu là thế giới của đàn ông. Khi các cơ quan tình báo được thành lập vào đầu thế kỷ 20, họ chỉ sử dụng những người trong quân ngũ. Sau đó đến Thế chiến thứ hai, ứng viên là các sinh viên xuất sắc tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng. Tuy nhiên, đàn ông vẫn chiếm đa số, nhất là số nhân viên “thực địa”.
Thế giới tình báo cũng thay đổi theo thời gian. Nữ giới lấp dần khoảng cách với nam giới. Một báo cáo mới đây của chính phủ Anh cho thấy năm ngoái cho thấy có đến 41,6% nhân sự của MI5 là nữ và dự báo sẽ tăng lên 45% vào năm 2021. Machon nói: “Tỉ lệ này chưa phải là cao. Khi tôi còn làm việc tại MI5, có đến 51% nhân sự là nữ và 49% là nam”. Muốn thi tuyển vào MI5, bạn phải có cha hay mẹ là người Anh và có quan hệ thực sự với nước Anh. Ứng viên phải sống tại Anh chín trong 10 năm gần nhất. Quá trình thanh lọc có thể mất đến chín tháng. Ứng viên không được thảo luận về đơn xin việc của mình với bất cứ ai ngoài vợ (chồng), và họ cũng phải là công dân Anh. Ứng viên không được “khoe” công việc đang xin trên mạng xã hội.
Tất cả cơ quan tình báo Anh đều cho phép nhân viên linh hoạt bổn phận gia đình, nhưng nhiệm vụ sẽ khó hoàn thành nếu bạn bận con cái, đặc biệt là khi phải “thực địa” 24/24 giờ. Một năm chỉ có vài lần đòi hỏi như thế nhưng nó có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào nên có con là một bất tiện lớn. Mạng xã hội như Facebook, Twitter cũng tạo ra nhiều thay đổi. Có những thứ (ví dụ xu hướng chính trị và mối quan hệ của đối tượng) mà các điệp viên nam thường phải mấy hàng tháng mới thu thập được trong thời chiến tranh lạnh thì nay nhờ mạng xã hội họ chỉ mất vài chục phút. Chính vì vậy, các nhân viên tình báo không được tham gia mạng xã hội một cách tích cực, công khai. Chồng hay vợ của họ cũng thế.
(Tham khảo The Guardian và The Independent)