Chuyên gia: Cưỡng bức kinh tế Úc, Bắc Kinh trái lại tự hại mình

Ngọc Mai

Thủ tướng Úc Scott Morrison và Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình (ảnh tổng hợp).

Trước đây, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để buộc Úc phải phục tùng, nhưng Úc chưa bao giờ nhượng bộ. Ngược lại, Bắc Kinh rơi vào vũng bùn khi phải cắt điện do thiếu than đá. 

Một tổ chức tư vấn của Úc nhận xét rằng, Bắc Kinh đã sử dụng các rào cản thương mại để bắt nạt Úc, ngoài ra còn sử dụng nó để cảnh cáo những nước khác rằng đừng cố gắng chống lại ĐCSTQ. Nhưng nỗ lực của họ đã thất bại. Với việc Úc đa dạng hóa thị trường, tác động các lệnh trừng phạt kinh tế của ĐCS Trung Quốc là cực kỳ nhỏ. Vì vậy, thế giới đã thấy rằng, Úc và Trung Quốc đang tách rời và nền kinh tế của Úc vẫn đang thịnh vượng. Dự kiến ​​sẽ có nhiều quốc gia làm theo xu hướng “thoát Trung” này, không cần phải cúi đầu trước Bắc Kinh.

Giám đốc nghiên cứu Jeffrey Wilson của Phòng trung tâm Mỹ – Châu Á (Center for Asian American Chambers) đã đăng tải bài viết phân tích về sự tách rời giữa Trung Quốc và Úc trên tờ “Foreign Policy”. Ông cho rằng, nỗ lực bắt nạt Canberra của Bắc Kinh là một thất bại thảm hại.

Ông Wilson cho rằng, mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã căng thẳng trong một thời gian dài. Về mặt kinh tế, hai bên dường như ngày càng xích lại gần nhau hơn, Úc cung cấp nhiều mặt hàng mà ngành công nghiệp Trung Quốc phụ thuộc vào. Tuy nhiên, về mặt chính trị, giữa Úc và Trung Quốc có sự khác biệt rất lớn, ngoài khác biệt về giá trị và nhân quyền, Úc còn khá lo lắng về sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Trên thực tế, lý do khiến quan hệ Úc-Trung đi xuống nhanh chóng bắt nguồn từ việc năm ngoái, Úc kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19. Điều này khiến Bắc Kinh tức giận và áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại chưa từng có, đóng băng nhiều hàng hoá xuất khẩu của Úc, dẫn đến quan hệ kinh tế giữa hai bên nhanh chóng tách rời.

Ông Wilson cũng trích dẫn lời đe dọa của Trung Quốc đối với các đối tác thương mại, ông cho rằng đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc cố gắng buộc các đối tác thương mại tuân theo mệnh lệnh của mình. Trước đây, cưỡng chế thương mại đã được ĐCSTQ sử dụng do tranh chấp ngoại giao với 8 quốc gia, bao gồm Na Uy, Canada, Litva, Mông Cổ, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt kinh tế của Trung Quốc đối với Úc là trên diện rộng. Nguyên nhân không gì khác hơn là do sự phụ thuộc của ngành thép Trung Quốc vào quặng sắt của Úc.

Ông Wilson đặt câu hỏi, nếu quy mô hành động ép buộc thương mại của Trung Quốc đối với Úc là chưa từng có, thì hành động này cũng cung cấp một thử nghiệm thú vị. Việc đột ngột tách rời khỏi nền kinh tế Trung Quốc sẽ như thế nào? Bởi vì Trung Quốc chiếm gần 40% sản lượng xuất khẩu của Úc, ngoại giới có thể nghĩ rằng, việc Canberra chống lại ĐCS Trung Quốc sẽ rất tốn kém.

Trên thực tế, cú sốc đối với nền kinh tế Úc do ĐCSTQ tạo nên lại nhẹ nhàng một cách đáng ngạc nhiên. Nguyên nhân là do sự chuyển hướng thương mại [của Úc]. Khi các rào cản thương mại được thiết lập, các công ty [Úc] sẽ tìm kiếm các kênh thay thế cho sản phẩm của họ [thay vì thị trường Trung Quốc].

Một ví dụ là than đá. Trung Quốc đã cấm nhập khẩu than của Úc vào giữa năm ngoái. Đồng thời, các công ty tiện ích của Trung Quốc chuyển sang các nhà cung cấp từ Nga và Indonesia. Điều này khiến than của Nga và Indonesia vắng bóng trên thị trường, tạo ra khan hiếm về nguồn cung than cho Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc và cho phép than Úc lấp đầy những khoảng trống này. Hơn nữa, sự siết chặt năng lượng toàn cầu đã đẩy giá than lên cao, kéo theo giá trị xuất khẩu của các công ty than Úc tăng lên trong năm nay, hoàn toàn khác với những gì Bắc Kinh tưởng tượng.

Nhiều công ty Úc cũng đã áp dụng thành công chiến lược này, chẳng hạn như lúa mạch được bán cho Ả Rập Xê-út và Đông Nam Á; đồng được bán cho châu Âu và Nhật Bản; bông được chuyển sang Bangladesh và Việt Nam; tôm hùm vào Trung Quốc thông qua Hồng Kông. Những chiến lược chuyển hướng thành công này đã làm giảm đáng kể tác động do sự đình trệ thương mại với Trung Quốc.

Ông Wilson nói rằng chi phí tách rời nền kinh tế Úc khỏi Trung Quốc thực sự thấp hơn nhiều so với dự kiến ​​mọi người. 

Theo ước tính của Bộ Tài chính Úc, các ngành bị ảnh hưởng bởi các hạn chế thương mại của Trung Quốc trong năm đầu tiên của lệnh trừng phạt đã mất 5,4 tỷ đô-la Úc kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng họ lại có được 4,4 tỷ đô-la Úc tại những thị trường khác. Mặc dù lỗ ròng 1 tỷ đô-la Úc, nhưng con số này chỉ chiếm 0,25% xuất khẩu của Úc. Ngoài ra, do giá quặng sắt tăng vọt, xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc đã thực sự tăng 10% kể từ khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực.

Ông Wilson cho rằng nếu Trung Quốc có ý định bịt miệng Úc, thì hành động trừng phạt này có thể nói là một thất bại chưa từng có. Trên thực tế, Bắc Kinh có thể là một đối tác kinh tế quan trọng, nhưng lại không phải là đối tác duy nhất trên thế giới. Mặc dù quá trình điều chỉnh rất khó khăn, nhưng chi phí [tách rời kinh tế với Trung Quốc] thấp hơn nhiều so với tưởng tượng của hầu hết mọi người, và tính răn đe chính trị [các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh với Úc] thậm chí còn thấp hơn.

Wilson tin rằng khả năng phục hồi của Úc ngày nay có thể là động lực thúc đẩy các nước khác, và cho thế giới thấy rằng, mặc dù Úc “nói không” với Bắc Kinh nhưng nền kinh tế của họ vẫn có thể phát triển mạnh.

Related posts