Bà Thiệu

Lê Học Lãnh Vân

13-11-2021

Thời chúng tôi còn là học sinh, sinh viên tại Sài Gòn, chúng tôi gọi tổng thống Thiệu là ông Thiệu hay bằng biệt danh (nickname) do báo chí đặt là “tông-tông” và gọi phu nhân ông là bà Thiệu. Bà Thiệu vừa thất lộc tại Hoa Kỳ hôm qua, 15 tháng 10 năm 2021!

Nhiều người lớn tuổi tôi quen biết đều có cùng nhận xét: bà Thiệu hiền, khiêm tốn, giản dị.

Giáo sư Mai Trần Ngọc Tiếng, thầy của tôi, trưởng khoa Sinh Lý Thực Vật trường Đại Học Khoa Học thập niên 1970, 1980… người nếu còn tại thế đã vào tuổi 104, cho biết hiền và khiêm tốn là hai tính cách tự nhiên có nơi bà Thiệu. Là đệ nhất phu nhân, bà Thiệu chủ trì các hoạt động từ thiện và cô Tiếng tham gia tích cực các hoạt động từ thiện đó. Ban đâu bà Thiệu không muốn xuất đầu lộ diện trước công chúng. Các người cộng tác khuyên rằng sự có mặt và lên tiếng của bà xiển dương, khích lệ hoạt động từ thiện, bà nghe theo nhưng cũng chỉ trong chừng mực phục vụ cho mục tiêu đó. Có những thước phim, hình chụp bà yêu cầu cắt đi vì chúng tập trung vào bà nhiều quá!

Giáo sư Mai Trần Ngọc Tiếng nói với các học trò cũng là các bộ giảng dạy trong bộ môn Sinh Lý Thực Vật:

Các em có biết, vợ tổng thống mà bà luôn xưng em với tôi và nói chị ơi chỉ cho em chuyện này, chị ơi chỉ cho em chuyện nọ… Có những chuyến làm từ thiện, thấy người ta khổ mặt bả buồn thiu. Bả buồn thiệt tình! Thằng cha Thiệu có phước kiếm được vợ hiền!

– Lâu lâu bả đãi khách. Hễ mời các nhà hảo tâm, bả lấy tiền phủ tổng thống. Hễ mời nhóm bạn riêng, bả lấy tiền riêng ổng bả!

Ông Phạm Xuân Ẩn có lần đề cập tới bà, bà tổng thống đó hiền quá trời, ông Thiệu bị đồn lùm xùm với phụ nữ, bả chớ nói bên ngoài một tiếng!

Nha sĩ Tô Huệ Mỹ, chị của giáo sư Tô Ngọc Anh, trưởng chứng chỉ Sinh Lý Thực Vật trường Đại học Khoa Học, nói với tôi bên Pháp, năm 1990:

Cô chưa nghe ai trong các người thân cận với bà Thiệu nói bà giỏi. Bà đâu có xuất đầu lộ diện trong lãnh vực chánh trị, quản trị quốc gia hay lên sân khấu diễn thuyết trước công chúng mà biết bà giỏi hay dở!

Cô Tô Huệ Mỹ, vốn là người nghiêng về ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chống lại chế độ ông Thiệu, nhận xét thêm…

Bà Thiệu chọn cách sống đứng xa công việc chính trị của chồng. Bà không để vị trí và quyền lực làm thay đổi cách sống. Nội chuyện đó cũng cho thấy bà giỏi, đáng quý trọng. Chuyện đó coi vậy mà rất khó làm cháu ơi!

Công trình để đời của bà Thiệu là bệnh viện Vì Dân, một bệnh viện dành cho người nghèo, một nhà thương thí đúng nghĩa, nhà thương thí mà tươm tất và đậm nhân tình của các nhà thương thí Việt Nam Cộng Hoà như Chợ Rẫy, Bình Dân… Hệ thống các nhà thương này để chữa bệnh miễn phí cho người, do chính quyền Miền Nam quản lý. Chắc các bạn vào đời sau năm 1975 không biết những nhà thương thí của Miền Nam sạch sẽ, mỗi bệnh nhân một giường, được bác sĩ chăm sóc chu đáo. Bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân, không có cò y tế, không vòi tiền bệnh nhân, theo nhận xét của người viết các bệnh viện nhà nước hiện nay không thể so sánh được!

Bệnh viện Vì Dân do bà Thiệu vận động các nhà hảo tâm đóng góp, trong đó có những nhà hảo tâm nước ngoài, các toà đại sứ tại Sài Gòn, Việt Nam Cộng Hoà. Cương vị đệ nhất phu nhân giúp bà vận động hữu hiệu công trình giúp dân nổi tiếng đó, cũng là ước nguyện sâu sắc của bà. Trong mười năm ông Thiệu cầm quyền, bệnh viện Vì Dân được xây lên. Nếu so sánh với gần bốn chục năm sau ngày Thống Nhất, trong khi dân chúng ngày càng đông, hai người bệnh nằm chung một giường, thậm chí nằm trên băng ca ngoài hành lang trong điều kiện nhớp nháp, mà chưa có một bệnh viện được xây mới nào dành cho dân và có cùng tầm cỡ, chắc nhiều người nhớ bà Thiệu!

Xuất thân Miền Nam, tôi biết có nhiều người không cùng quan điểm chính trị với ông Thiệu. Có không ít người chê ông võ biền nếu so sánh với các ông Ngô Đình Nhu, Trần Văn Văn, Phan Quang Đán, Phan Huy Quát… Đúng là ông không khoa bảng như các trí thức kia, nhưng chê ông như vậy không khỏi có điều bất công vì dù sao ông cũng được huấn luyện bởi các trường quân sự nổi tiếng thế giới của Pháp, Mỹ! Bài viết này không bàn về khuynh hướng chánh trị của ông Thiệu, không bàn về năng lực lãnh đạo của ông, chỉ nhớ lại những tung tin xa gần rằng ông bà Thiệu tham nhũng! Những tung tin không có bằng chứng về các phi vụ gạo, ma tuý dính líu tới hai ông bà… Có người còn gọi bà là “con mẹ Thiệu”!

Thất bại, không giữ được Miền Nam, ông Thiệu ra nước ngoài sống đời lưu vong. Việt Nam được thống nhất, chế độ mới được thiết lập trên toàn đất nước, các học sinh, sinh viên, công chức lưu dụng được nghe chế độ mới xã hội chủ nghĩa truyền giảng trong những buổi học chính trị rằng ông Thiệu ra đi đem theo mười sáu tấn vàng làm nghèo đất nước khiến dân chúng phải ăn cơm độn bo-bo. Việc rao truyền kéo dài hàng chục năm cho tới khi sự thật lộ ra rằng chính nhà nước mới đã tiêu dùng mười sáu tấn vàng kia!

Không chỉ ông Thiệu, các nhân vật cao cấp trong chính quyền và quân đội cũ cũng chịu những lời buộc tội, trong đó có không ít lời không chứng cớ. Tham nhũng là tội dễ buộc nhất. Có ai so sánh tài sản của các vị xuất thân chế độ cũ đó với vô số biệt phủ của quan chức cấp cao và thấp dọc ngang khắp đất nước hôm nay? Có ai so sánh những lời tố cáo không bằng chứng ngày đó với những đại án lò củi hôm nay mà số tiền người dân bị đánh cắp đã quá mức nhẫn tâm?

Bài viết này không nhằm mục đích tôn vinh chế độ ông Thiệu, chỉ muốn trong dịp tiễn biệt bà lên tiếng ân hận đã từng dễ dãi chấp nhận những lời buộc tội năm xưa. Sự chấp nhận rất thiếu tính trí thức vì không hề đòi hỏi phải truy tìm chứng cớ cho dù trong thời tự do ngôn luận đó chứng cớ không khó tìm lắm đâu. Ôi, cứ nghe đồn thổi là tin!

Cùng với nỗi ân hận là lòng mong mỏi bệnh viện Vì Dân, món quà những nhà hảo tâm tặng cho Dân, sẽ có ngày trở lại Vì Dân…

Và một ngày không xa, người Việt bỏ hết hận thù, vui hoà cộng tác nhau xây dựng cả một quốc gia Vì Dân…

Ngày 16 tháng 10 năm 2021

Related posts