Văn Thiện
Nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, TSMC của Đài Loan, đã bị Trung Quốc chỉ trích vì quyết định tuân thủ yêu cầu cung cấp thông tin của Hoa Kỳ. Những chỉ trích, đã xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc, xuất phát từ lo ngại rằng Mỹ có thể sử dụng những thông tin này để trừng phạt Bắc Kinh.
Theo Tech Wire Asia, sự tức giận của Bắc Kinh xảy ra bất chấp việc nhà sản xuất chip Đài Loan nói rằng họ sẽ không “tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng cho chính phủ Hoa Kỳ”.
TSMC của Đài Loan (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co) hiện được cho là công ty quan trọng nhất trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Công ty cũng cho biết trong một tuyên bố vào tuần trước rằng họ sẽ “đáp ứng” yêu cầu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về việc tìm kiếm thông tin từ các công ty chip trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Yêu cầu của Mỹ cũng bao gồm các nhà sản xuất chip khác như Samsung Electronics của Hàn Quốc và Intel của Hoa Kỳ.
Theo SCMP, hiện vẫn chưa rõ các thông tin cụ thể mà TSMC sẽ cung cấp cho Mỹ. Tuy nhiên, công ty cho biết họ sẽ không tiết lộ “thông tin bí mật” của khách hàng và “sẽ không làm tổn hại đến quyền lợi của khách hàng và cổ đông của chúng tôi”.
Theo chính phủ Mỹ, yêu cầu của họ nhằm giải quyết tận gốc tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu.
Tuy nhiên, bất chấp những đảm bảo nói trên, người Trung Quốc vẫn chưa nguôi ngoai.
Theo SCMP, Xi Chen, một thành viên ủy ban học thuật tại Viện Hợp tác và Hiểu biết Toàn cầu của Đại học Bắc Kinh, cho rằng dữ liệu có thể “có khả năng giúp Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc một cách chính xác hơn”.
Cho đến nay, thị trường bán dẫn ở Trung Quốc đang là lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 35% thị phần toàn cầu, vượt qua Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và thậm chí cả Đài Loan, nơi có nhà sản xuất TSMC.
Những lời chỉ trích nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan đã xuất hiện trên nhiều nền tảng truyền thông kỹ thuật số của Trung Quốc, chẳng hạn như Weibo, WeChat và nhiều trang web khác nhau.
Eric Tseng, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Isaiah Research có trụ sở tại Đài Loan cho biết: “Chúng tôi tin rằng TSMC, Samsung và các công ty bán dẫn khác có thể cung cấp thông tin tương đối thiếu nhạy cảm để đáp lại yêu cầu của chính phủ Mỹ”.
Ông nói thêm: “Tuy nhiên, những thông tin quan trọng liên quan đến quyền và bí mật thương mại của khách hàng, chẳng hạn như danh sách khách hàng, nội dung đơn hàng và số tiền, sẽ được giữ bí mật để duy trì sự tin tưởng lâu dài giữa TSMC và khách hàng”.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã yêu cầu các công ty trong nước và nước ngoài trong chuỗi giá trị chất bán dẫn “tự nguyện” cung cấp thông tin về doanh số, hàng tồn kho và chi tiết khách hàng để xác định rủi ro của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Là nhà máy đúc đĩa bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, TSMC đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực thỏa mãn nhu cầu về chip của Trung Quốc. Trước đó, xưởng đúc Đài Loan đã tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Huawei Technologies Co. Điều này đã phá nát vị thế khổng lồ một thời của nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc.
Ngoài ra, TSMC cũng đã ngừng sản xuất chip cho Phytium Information Technology Co, một trong bảy tổ chức liên quan đến siêu máy tính của Trung Quốc được thêm vào Danh sách Thực thể của Hoa Kỳ vào tháng 4, giáng một đòn mạnh vào tham vọng theo đuổi siêu máy tính của Bắc Kinh.
Vào tháng 9 năm nay, các nhà sản xuất chip hàng đầu ở Trung Quốc đã tăng tốc nỗ lực thúc đẩy sản xuất. Nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu của nước này, Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC), đang có kế hoạch xây dựng một cơ sở chế tạo mới sẽ trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất đất nước đối với các sản phẩm ngoài bộ nhớ.
Văn Thiện