Nga điều oanh tạc cơ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đến tuần tra ở Belarus

Vladimir Isachenko

Trong bức ảnh được cung cấp làm tư liệu báo chí chụp từ video do Cơ quan Báo chí Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm thứ Tư ngày 10/11/2021 này, một oanh tạc cơ tầm xa Tu-22M3 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga cất cánh để tuần tra trong không phận Belarus. (Ảnh: Dịch vụ Báo chí Bộ Quốc phòng Nga phát hành qua AP)

MOSCOW — Hôm thứ Năm (11/11), Nga đã điều hai oanh tạc cơ chiến lược có khả năng mang đầu đạn hạt nhân thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ở Belarus trong ngày thứ hai liên tiếp để thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Moscow đối với đồng minh của nước này trong bối cảnh tranh cãi về vấn đề người di cư ở biên giới Ba Lan.

Bộ Quốc phòng Belarus cho biết hai oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 của Nga đã diễn tập ném bom tại trường bắn Ruzany, ở Belarus cách biên giới với Ba Lan khoảng 37 dặm về phía đông. Các chiến đấu cơ của Belarus đã mô phỏng một vụ đánh chặn với tư cách là một phần của cuộc huấn luyện chung, theo bộ này cho biết.

Sứ mệnh này đánh dấu lần thứ hai trong hai ngày Nga điều oanh tạc cơ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào trong không phận Belarus.

Hôm thứ Tư (10/11), một cặp oanh tạc cơ tầm xa Tu-22M3 của Nga đã bay tuần tra tương tự như thế và các thiết bị phòng không của Belarus đã thực hành đánh chặn hai oanh tạc cơ này.

Bộ Quốc phòng Belarus nói rằng các chuyến bay của oanh tạc cơ Nga như vậy sẽ được thực hiện một cách thường xuyên.

Quân đội Nga cho biết các oanh tạc cơ này đã dành hơn 4 giờ rưỡi trên không trong nhiệm vụ nhằm củng cố mối liên minh của hai quốc gia này. Họ lưu ý rằng cuộc tuần tra của các oanh tạc cơ “không nhằm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia thứ ba nào”.

Nga ủng hộ mạnh mẽ Belarus giữa bối cảnh bế tắc căng thẳng trong tuần này khi hàng nghìn người di cư và người tị nạn, phần lớn đến từ Trung Đông, quần tụ về phía biên giới Belarus giáp với Ba Lan với hy vọng sang được Tây Âu.

Liên minh Âu Châu (EU) đã cáo buộc vị Tổng thống độc tài của Belarus là ông Alexander Lukashenko vì đã khuyến khích việc vượt biên bất hợp pháp. Hành động này như là một “cuộc tấn công hỗn hợp” để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU đối với chính phủ của ông vì đã đàn áp bất đồng quan điểm nội bộ sau lần tái đắc cử năm 2020 đầy tranh cãi của ông Lukashenko.

Belarus phủ nhận các cáo buộc đó nhưng tuyên bố họ sẽ không còn ngăn cản những người tị nạn và người di cư khỏi việc cố gắng nhập cảnh vào EU nữa.

Cũng trong hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Belarus cáo buộc Ba Lan đã tăng cường quân sự “chưa từng có” ở biên giới, nói rằng việc kiểm soát người di cư không chứng thực cho việc tập trung 15,000 quân được hỗ trợ bởi xe tăng, khí tài phòng không, và các loại vũ khí khác.

“Trông có vẻ giống như là đang lập một nhóm lực lượng tác chiến hơn”, bộ này cho biết, đồng thời nói thêm rằng việc tăng cường quân đội Ba Lan đã thúc đẩy Belarus phản ứng bằng các hành động “vừa độc lập vừa nằm trong các thỏa thuận hiện có với đồng minh chiến lược của chúng tôi”, ý nói đến Nga.

Trong bức ảnh được cung cấp làm tư liệu báo chí chụp từ video do Cơ quan Báo chí Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm thứ Tư ngày 10/11/2021 này, một oanh tạc cơ tầm xa Tu-22M3 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga bay tuần tra trong không phận Belarus. (Ảnh: Dịch vụ Báo chí Bộ Quốc phòng Nga phát hành qua AP)

Nga và Belarus có một hiệp định liên minh về các mối liên hệ chính trị và quân sự bền chặt. Ông Lukashenko nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quân sự khi đối mặt với điều mà ông mô tả là những hành động gây hấn của các đồng minh NATO.

Hôm thứ Năm, ông Lukashenko gọi các chuyến bay của oanh tạc cơ Nga là một phản ứng cần thiết đối với tình hình căng thẳng ở biên giới Belarus-Ba Lan.

“Hãy để họ la hét và thét lên. Đúng, đó là những oanh tạc cơ có khả năng mang hạt nhân, nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác,” vị tổng thống nắm quyền từ năm 1994 này cho biết.

Thượng tướng đã nghỉ hưu Leonid Ivashov, cựu lãnh đạo ban hợp tác ngoại giao của Bộ Quốc phòng Nga, cho biết các chuyến bay của oanh tạc cơ Nga trên bầu trời Belarus có mục đích thể hiện sự ủng hộ của Moscow đối với đồng minh của mình trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng.

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Ivashov nói rằng: “Các cuộc tập trận quân sự và các chuyến bay của oanh tạc cơ là một phần của quá trình huấn luyện hành động chung. Điều này là cần thiết để ngăn chặn một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh lớn. Cần phải chứng minh chúng ta đã sẵn sàng.” 

Trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới Belarus-Ba Lan, Nga đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho Belarus, cáo buộc rằng phương Tây gây bất ổn ở Trung Đông và do đó phải chịu trách nhiệm về những người di cư và người tị nạn đang tìm kiếm sự an toàn ở Âu Châu.

Đồng thời, Moscow giận dữ bác bỏ tuyên bố của Ba Lan về việc Nga đã giúp hâm nóng tình hình [căng thẳng] bằng các khía cạnh nhân đạo cũng như chính trị.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng hàng ngàn binh sĩ đã được điều động ở cả hai bên biên giới Ba Lan-Belarus và cho biết “đó là nguyên nhân dẫn đến mối lo ngại sâu sắc của tất cả những người tỉnh táo ở Âu Châu.” 

Khi được hỏi về việc Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin thể hiện ảnh hưởng của mình đối với Belarus, ông Peskov trả lời rằng “Nga, giống như tất cả các quốc gia khác, đang cố gắng giúp giải quyết tình hình này.” Ông cho biết ông Putin vẫn giữ liên lạc với ông Lukashenko, nhưng không nói thêm chi tiết.

Hãng hàng không mang quốc kỳ của Nga, Aeroflot, đã phản ứng trước các bản tin về việc EU đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với hãng này vì cáo buộc liên quan đến việc đưa người tị nạn và người di cư đến Belarus. Aeroflot bác bỏ mạnh mẽ tuyên bố này.

“Thông tin về việc Aeroflot tham gia hoặc hỗ trợ tổ chức vận chuyển người di cư trên quy mô lớn đến lãnh thổ Belarus không phù hợp với thực tế,” hãng hàng không này cho biết trong một tuyên bố.

Aeroflot lưu ý rằng họ không thực hiện bất kỳ chuyến bay thường lệ hoặc thuê bao nào đến Iraq hoặc Syria và không có bất kỳ chuyến bay nào giữa Istanbul và Minsk.

Khi được hỏi về các bản tin về các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra của EU đối với Aeroflot, phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov đã đề cập tới lời phủ nhận của hãng hàng không này về việc cố ý vận chuyển những người xin tị nạn ở biên giới Âu Châu.

“Hãy hy vọng rằng những ý tưởng điên rồ như vậy chỉ tồn tại trong những chiêu trò lừa bịp truyền thông đó,” ông nói trong một cuộc họp báo từ xa với các phóng viên.

Vladimir Isachenkov
Cẩm An biên dịch

Related posts