Tiểu thuyết “Bố già” (The Godfather) của Mario Puzo ra mắt vào năm 1969 và sau đó được đạo diễn Francis Ford Coppola chuyển thể lên màn ảnh qua ba tập phim kéo dài từ năm 1972 đến 1990.
Trong suốt 50 năm qua, “Bố già” luôn được xem là một hiện tượng văn hóa và giải trí, thống trị cả văn chương lẫn điện ảnh Mỹ.
Với tiểu thuyết, Maria Puzo đã tạo ra một di sản không thể chối cãi và đầy cảm hứng.
Với điện ảnh, phần I & II (phần III có giảm sút phong độ) qua tài năng kể chuyện và ngôn ngữ bậc thầy của F.F. Coppola đã biến nó thành hai bộ phim kinh điển và luôn nằm trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất mọi thời đại.
Cho dù có nhiều ý kiến cho rằng “Bố già” của phim hay hơn sách; nhưng chắc chắn một điều, nếu không có Mario Puzo đã tạo dựng nên một thế giới mafia ngập tràn cảm hứng, F.F.Coppola cũng không có những nguyên liệu và ý tưởng vô song để tạo dựng nên bộ phim xuất chúng của ông.
Cần phải nhắc lại bối cảnh ra đời của “Bố già” để hiểu tại sao nó gây được sức hấp dẫn trên văn đàn Mỹ đến vậy.
Ra đời vào năm 1969, thời điểm cuộc chiến tranh Việt Nam đang leo thang và phong trào phản chiến diễn ra khắp nước Mỹ; những trò mị dân và thao túng chính trị của Tổng thống Mỹ Nixon và giới chính trị gia không qua mắt được dân chúng.
Trong bối cảnh mất lòng tin vào chính trị và xã hội như vậy, cuốn tiểu thuyết của Mario Puzo ra đời như một cú nổ lớn. Người ta thà tin vào câu chuyện hư cấu về một gia đình mafia, về một “Bố già” đầy nghĩa khí và hết lòng phụng sự gia đình còn hơn tin vào những lời mị dân và giả dối của giới chính khách Mỹ.
“Bố già” khai thác chủ đề mafia và liên quan đến một nhóm dân nhập cư rất đặc biệt (thế hệ thứ nhất và thứ hai của người Mỹ gốc Ý) mà bản thân tác giả Maria Puzo là một người trong cuộc. Ông đã tạo ra một cuốn tiểu thuyết vô song về nguồn gốc của tội ác và trả giá, một trong những biên niên sử tàn bạo nhưng cũng cảm động nhất về nước Mỹ và giấc mơ Mỹ của thế kỷ 20!
Tiểu thuyết bắt đầu vào năm 1946, với bối cảnh nước Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Tác phẩm bắt đầu bằng một đám cưới của cô con gái út của gia đình Corleone. Ở đó, không chỉ là một người cha tỏa cái bóng lớn lên mọi thành viên của gia đình mà Bố già Vito Corleone còn xuất hiện như một ông Trùm đầy nghĩa khí, một đức Chúa quyền năng ra tay giúp đỡ những kẻ mất lòng tin vào công lý, pháp luật hay thậm chí là một ngôi sao Hollywood bị thất sủng.
Suốt cả tác phẩm, ta được chứng kiến những cảm xúc ngọt ngào như vậy của cuộc sống gia đình song hành với một thế giới tăm tối của tội ác: hôn nhân, lễ rửa tội, sum họp gia đình bên cạnh những vụ giết người tàn bạo bằng súng ngắn hay những vụ gài bẫy để dọa nạt hoặc thanh trừng rùng rợn diễn ra trong nhà hàng, xe hơi và thậm chí trên giường ngủ.
Linh hồn trong số hàng chục nhân vật được xây dựng tính cách độc đáo và khó quên là Bố già Vito Corleone, một nhân vật đang ở bên kia dốc của cuộc đời và vẫn đang kiểm soát đế chế mà ông ta đã tạo dựng từ một kẻ nhập cư gốc Sicile tay trắng và cả một quá khứ đau thương bỏ lại ở quê hương.
Quyền năng nhưng nghĩa khí, đầy bản lĩnh nhưng thâm trầm, quyết liệt nhưng mềm dẻo, Bố già Vito Corleone nói như ngôi sao Tom Hanks là “tổng hòa của mọi hiểu biết, đáp án cho mọi câu hỏi” và là một pho triết lý sống được tạo nên từ đường phố, từ máu, nước mắt và không ít lần trả giá.
Những người con của Bố già Vito Corleone lại là những tính cách khác nhau, không ai giống ai. Santino (hay được gọi thân mật là Sonny) – đứa con trai cả là một kẻ hết mình vì gia tộc nhưng lại liều lĩnh và nóng tính – và chính điều đó đã khiến anh ta phải trả giá quá đắt. Fredo, đứa con thứ hai, lại yếu đuối và bạc nhược. Cô con gái út Connie lại đỏng đảnh và phù phiếm, kẻ cũng gây không ít tai họa cho gia đình.
Tom Hagen, dù chỉ là con nuôi lại không cùng nguồn gốc Sicile, nhưng được Bố già trọng dụng và coi như Consigliori – cố vấn kiêm phụ tá đắc lực, nghĩa là nhân vật tối quan trọng, chỉ đứng dưới một mình ông Trùm; nhưng anh ta chỉ là dân “văn” chứ không phải dân “võ”, là kẻ chỉ thừa hành chứ không thể quyết định, đặc biệt là trong những thời điểm sống còn.
Cuối cùng, chỉ có cậu con trai út – Michael Corleone, kẻ trước đó tìm cách thoát ra cái bóng của ông Trùm để gầy dựng một sự nghiệp riêng, nhưng trong giây phút sinh tử của gia đình, đặc biệt là người cha mà anh ta kính trọng – Michael đã trở thành kẻ kế nghiệp Bố già.
Sau Bố già Vito, có lẽ Michael là nhân vật được Mario Puzo chăm chút nhất. Anh ta là kẻ có một trái tim lạnh và một cái đầu còn lạnh hơn, kẻ “không bao giờ để cho người khác đọc được suy nghĩ của mình”.
Khi gia đình bị đẩy đến bên bờ vực của sự hiểm nguy, những tố chất của một người đàn ông vì gia đình mới được bộc lộ trọn vẹn ở trong con người của Michael. Và khi trái tim của anh ta rỉ máu vì thù hận, cái đầu của anh ta càng trở nên lạnh lẽo.
Sau vụ ám sát hụt Bố già Vito, cái chết đau thương của người anh cả Sonny và cô vợ trẻ người Sicile mà anh ta trúng tiếng sét ái tình ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên trong thời gian chạy trốn, Michael trở thành một con người khác hẳn. “Nếu kẻ nào đó không biết lo cho gia đình thì không bao giờ là người đàn ông thực thụ.” – Michael trở thành một phiên bản khác của Bố già, thậm chí còn ở một cấp độ cao hơn.
Hệ thống nhân vật phụ của Bố già cũng được xây dựng tính cách vô cùng tuyệt vời khiến người đọc khó mà quên được họ. Từ những caporegime – những phe cánh trong bộ sậu mafia của Bố già Vito đến những đối thủ sừng sỏ trong nhóm Ngũ đại gia đình New York đều hiện lên vô cùng sống động. Từ ngôi sao ca nhạc – điện ảnh Johnny Fontane đến những cô tình nhân, gái điếm, đào non ở Hollywood… đôi khi hơi lạc quẻ trong một cuốn tiểu thuyết về mafia nhưng không thể thiếu để mô tả một nước Mỹ hỗn loạn các giá trị xã hội và đạo đức.
Nhưng cuối cùng và trên tất cả, điều khiến cuốn tiểu thuyết “Bố già” trở nên hấp dẫn và có ý nghĩa với cánh đàn ông, đó là những thông điệp mà Mario Puzo truyền tới độc giả. “Phụ nữ và trẻ em có thể bất cẩn, nhưng đàn ông thì không thể”, hay, “Nếu kẻ nào đó không biết lo cho gia đình thì không bao giờ là người đàn ông thực thụ” – đó là những câu nói mà những kẻ “nghiện” Bố già, đặc biệt là đàn ông, không thể nào quên.
Bởi điều cuối cùng mà ta nhận ra ở Bố già Vito và Michael là những giá trị gia đình mà họ sẵn sàng trả giá để bảo vệ. Khi những màn thanh trừng đẫm máu và tiếng súng chấm dứt, ta lại thấy họ quay trở về để làm những người đàn ông thực thụ của gia đình.
Tài nghệ của dịch gia Ngọc Thứ Lang
Nhắc đến cuốn tiểu thuyết “Bố già”, không thể không nhắc tới bản dịch tuyệt vời của Ngọc Thứ Lang.
Bản dịch của Ngọc Thứ Lang không chỉ trung thành với nguyên bản, mà qua vốn liếng tiếng Việt của mình, ông đã biến “Bố già” thành một bản dịch trác tuyệt, tạo dựng được một không khí đẫm chất giang hồ đầy hào khí và ngạo nghễ. Dù đôi lúc, ông Việt hóa… hơi quá tay, với ngôn ngữ đường phố mang màu sắc miền Nam Việt Nam thời trước năm 1975 hơn là ta đang đọc một cuốn tiểu thuyết Mỹ, ví dụ: “Ông bạn trông cậy ở sự phán xét công minh của thằng cha chánh án sẵn sàng bán đứng lương tâm như đĩ bán trôn vậy.”
Nhưng trên tất thảy, sức hấp dẫn của “Bố già” với độc giả Việt Nam, qua gần năm thập niên không thể không kể đến tài nghệ chuyển ngữ của Ngọc Thứ Lang.
Nếu truyện chưởng của Kim Dung có Hàn Giang Nhạn chuyển ngữ “đúng điệu” sang tiếng Việt, thì tiểu thuyết mafia của Mario Puzo cũng có bản dịch “thứ thiệt” của Ngọc Thứ Lang vậy!.
Lê Hồng Lâm