Sau khi ông Tập Cận Bình đưa ra các biện pháp mới để phân phối lại của cải, mối lo của những người giàu ở Trung Quốc đã chuyển từ kiếm tiền như thế nào sang việc làm sao giữ được nó.
Theo Fox News, những người giàu có ở Trung Quốc cảm thấy cần phải che giấu tiền khỏi tầm mắt của chính phủ, đối phó với phong trào “thịnh vượng chung” gần đây càng khiến họ lo lắng hơn. Phong trào này được nói là nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc, nhưng các quy định pháp luật liên quan vẫn còn rất mơ hồ.
Bắc Kinh đã đưa ra các biện pháp trấn áp chống độc quyền và bảo mật dữ liệu để tăng cường kiểm soát các gã khổng lồ Internet, các công ty bị đàn áp bao gồm nền tảng thương mại điện tử Alibaba cùng nhà điều hành trò chơi và truyền thông xã hội Tencent. Trong mắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), những gã khổng lồ Internet này trông quá lớn và có khả năng hoạt động độc lập với chính phủ.
Bắc Kinh thường áp dụng một số chính sách để hù dọa giới tài phiệt ở Trung Quốc. Một số luật mới do ĐCSTQ ban hành vào khoảng năm 2012 đã khiến giới nhà giàu Trung Quốc đi mua các tác phẩm nghệ thuật – một thủ đoạn rửa tiền ở nước ngoài. Còn giờ đây, Tập Cận Bình đã đề xuất chính sách phân phối lại của cải.
Việc phong tỏa biên giới do đại dịch COVID-19 đã khiến những người giàu ở Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài. Chính quyền ĐCSTQ cũng đã cấm giao dịch tiền điện tử – một phương thức chuyển tiền phổ biến. Vậy nên giới nhà giàu bắt đầu tìm kiếm những biện pháp mới để bảo vệ sự giàu có của mình.
“Vài năm trước, người ta chỉ quan tâm đến cách đầu tư như thế nào”. Echo Zhao, một đối tác của Công ty Luật Shanghai SF, nói với Bloomberg rằng, “Giờ đây, họ không còn nhiệt tình với việc mạo hiểm nữa”.
Bài báo nói rằng, giữ mồm miệng là điều then chốt: Những người giàu bắt đầu xóa mạng xã hội, ly khai quan hệ với nó và từ chối phỏng vấn. Làm như thế có thể ngăn chính phủ sử dụng những lời bình luận của họ như một cái cớ để đối phó với họ, hay coi họ là lực lượng ngầm phản chính phủ.
Ngoài ra, người giàu ở Trung Quốc đã áp dụng ba phương pháp chính để chuyển tiền ra ngoại quốc: đầu tư nhiều hơn vào các quỹ tín thác ra nước ngoài; chia sẻ cổ phiếu cho các công ty công nghệ xanh và công ty ngoài nước; thuê những người đổi tiền ngầm để chuyển tiền khi thực sự cần.
Mỗi cách này đều có những thách thức nhất định. Ví dụ, quỹ tín thác dường như là một cách hấp dẫn để bảo vệ đương sự khỏi bất kỳ loại thuế thừa kế nào mà chính phủ có thể đưa ra, nhưng do không biết những luật nào có thể được đưa ra để quản lý chính quỹ tín thác, các chuyên gia tư vấn đã nói với khách hàng rằng hãy giữ quyền kiểm soát càng ít càng tốt đối với tài sản.
Ông Tập Cận Bình đã sử dụng thuật ngữ “thịnh vượng chung” khi bàn đến vấn đề phân phối lại của cải. Thuật ngữ này có một bối cảnh lịch sử lớn ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông cũng đã sử dụng thuật ngữ này vào giữa thế kỷ trước. Vào thời điểm đó, Mao Trạch Đông đã thực hiện một phong trào gọi là giành chính quyền từ các địa chủ giàu có và giới tinh hoa nông thôn.
Đài Á Châu Tự Do đưa tin, nhà phê bình người Úc Hoàng Phủ Tĩnh tin rằng chính quyền Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với các biện pháp đáp trả từ các nước phương Tây, nếu ông ta tung ra một đợt “đả địa chủ chia ruộng đất” mới để vận động người dân tiếp tục ủng hộ chế độ của mình.
Ông Hoàng Phủ Tĩnh cho biết, Trung Quốc đã có một bài giáo huấn lịch sử rằng kiểu “thịnh vượng chung” này sẽ làm suy yếu rất nhiều khả năng sáng tạo của xã hội. Nếu Trung Quốc quay trở lại mô hình “đóng cửa cài then” của thời Mao Trạch Đông, nó sẽ mang lại tai họa lớn cho người dân trong nước.
Trương Đình, Lí Khung
Xuân Hoàng biên dịch