Lam Sơn
Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự kỳ bí của con đường này chính là chủng loại đất được sử dụng để xây dựng con đường. Đó chính là đất nén. Lượng đất được sử dụng ban đầu được nghiền nát, sau đó được nung lên và nén lại. Bằng cách này, nguyên liệu đất nén trở nên rắn chắc như là bê tông. Chính vì lẽ đó nên cỏ dại hoặc các hạt giống cây không thể phát triển và phá vỡ con đường này.
Nhắc đến Tần Thủy Hoàng, người ta sẽ nghĩ ngay đến những chiến tích lẫy lừng còn vang vọng đến ngày nay của ông. Quả thực là như vậy, nếu không nhờ ông thống nhất lục quốc và thiết lập chế độ vương triều, thì lịch sử Trung Quốc sẽ không thể nhanh chóng chấm dứt cục diện các nơi cát cứ như vậy. Sau khi thực hiện được đại thống nhất, ông đã thực hiện nhiều cải cách mang tính bước ngoặt, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các thế hệ sau này. Về đối nội, ông thống nhất đo lường, văn tự… Về đối ngoại, ông cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành để chống lại quân Hung Nô. Ngoài Trường thành còn có một công trình khác là con đường xa lộ có tên là Tần Trực Đạo, mà chỉ mất một thời gian trong vòng vài ba năm (212 đến 210 TCN), con đường này đã được hoàn thành. Điều này gây không ít kinh ngạc cho các kiến trúc sư cầu đường trên thế giới.
Con đường “cao tốc” này có tổng chiều dài khoảng 900km nhưng nếu chỉ tính đoạn gấp khúc vòng qua núi qua sông thì là khoảng 700 km (vì thế có sử sách chỉ ghi lại phần qua núi sông là dài 700 km), hơn một nửa kiến trúc xà cầu là ở trên đỉnh núi, một phần nhỏ còn lại là xây dựng trên thảo nguyên và sa mạc. Mặt đường ở nơi rộng nhất khoảng 100 mét, trung bình rộng 20 mét.Tại trục đường chính có thể xếp 12 chiếc xe tải lớn thành hàng ngang hoặc 50 ôtô con cùng đi một lúc. Vị trí mặt đường rộng nhất có thể làm sân đỗ và cất cánh của một chiếc máy bay cỡ trung thời hiện đại. Con đường chạy qua cả những địa hình đa dạng như đồng bằng, núi, đồng cỏ và sa mạc.
Theo ghi chép trong cuốn “Sử ký” nổi tiếng thời nhà Hán, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh xây dựng một con đường cao tốc trải dài từ Thuần Hóa (Hàm Dương) ở phía nam lên thành phố Bao Đầu (Nội Mông) ở phía Bắc. Đường đi qua 14 huyện Tuần Ấp, Hoàng Lăng, Phúc Huyện, Cam Tuyền, An Tắc… gặp núi phá núi, gặp hồ lấp hồ, xuyên qua cao nguyên Hoàng Thổ cho tới quận Cửu Nguyên, một mạch thẳng tắp vì thế được gọi là “Trực Đạo”.
Tần Thủy Hoàng quyết định xây dựng con đường này, mục đích chính là một mặt giao lưu với các nước khác, một mặt là để chống lại sự xâm lược của người Hung Nô. Vì vậy nó được xây dựng ngay từ những năm đầu thống nhất Trung Quốc thời cổ đại.
Tần Thủy Hoàng đặt ra yêu cầu rất cao khi xây dựng con đường này, ngoài việc phải rộng rãi và bằng phẳng, thì khi trời mưa không được mềm, và cỏ không mọc lên được. Lúc mới bắt đầu thi công rất lúng túng, dù sao thì lúc đó chưa có bê tông. Nhưng sau khi nghiên cứu sách cổ và thử nghiệm nhiều lần, những người thợ thủ công đã nghĩ ra một phương pháp, đó là đất xây dựng được sàng từng lớp, nung ở nhiệt độ cao rồi trộn với vôi trắng để tạo tác dụng kiềm hóa mạnh.
Khi được gia công theo cách này, con đường sẽ không bị cỏ mọc lên, đảm bảo được độ cứng, nền đường Tần Trực Đạo cũng rất rắn chắc. Đây là một công trình rất lớn vào thời điểm đó, hoàn toàn dựa vào sức người, với 200.000 nhân công được điều động và phải mất 4 năm để hoàn thành công trình. Sau khi hoàn thành, con đường này trở thành huyết mạch nối đồng bằng miền Trung với miền Bắc, đồng thời nó cũng trở thành “xa lộ cao tốc” thông suốt nhất lúc bấy giờ.
Một phần lớn của con đường này được xây dựng trên núi và để xây dựng một xa lộ trên địa hình phức tạp như vậy, các nhà xây dựng thời cổ đại sẽ phải vận dụng hình thức thiết kế rất khôn khéo với kỹ thuật đo lường, thăm dò địa chất, tính toán thời tiết một cách chính xác.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự kỳ bí của con đường này chính là chủng loại đất được sử dụng để xây dựng con đường. Đó chính là đất nén. Lượng đất được sử dụng ban đầu được nghiền nát, sau đó được nung lên và nén lại. Bằng cách này, nguyên liệu đất nén trở nên rắn chắc như là bê tông. Chính vì lẽ đó nên cỏ dại hoặc các hạt giống cây không thể phát triển và phá vỡ con đường này. Con đường trở nên sạch sẽ, quang đãng bất chấp thời gian. Con đường cao tốc được xây dựng trong một thời gian rất ngắn nhưng lại đạt được chất lượng rất tốt, khiến cho ngay cả những chuyên gia cầu đường ngày nay cũng phải ngạc nhiên.
Mục đích quân sự
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, ông không cam tâm bị động tiêu hao binh lực chỉ để phòng ngự quân Hung Nô mà muốn có sách lược phản công tích cực. Ông phái đại tướng Mông Điềm xuất 3 vạn đại quân một mặt chinh phạt phương bắc đánh đuổi quân Hung Nô tới phía bắc dãy núi Âm Sơn, di chuyển dân trong nội địa tới phía nam núi Âm Sơn rồi thành lập quận Cửu Nguyên.
Vào năm thứ hai của vương triều, để có thể lập tức di chuyển quân sĩ tới Âm Sơn chống quân Hung Nô và vận chuyển lương thảo cho quân đội, Tần Thủy Hoàng đã hạ lệnh cho xây dựng tuyến đường này. Và quả thật sau khi đường Trực Đạo hoàn thành, sử mô tả rằng: “Người Hồ không dám tiến xuống phía nam để chăn ngựa, người Thổ không dám giương cung mà oán hận”. Rõ ràng, tầm quan trọng và uy lực của tuyến đường này là rất lớn.
Theo phân tích của các chuyên gia, tuyến đường này thuận tiện tới mức nếu phía bắc biên cương xảy ra chiến loạn, kỵ binh tinh nhuệ của Tần Thủy Hoàng chỉ trong 3 ngày 3 đêm là có thể từ Hàm Dương vượt hơn ngàn dặm tới tận quận Cửu Nguyên. Cửu Nguyên là tuyến đường quân sự quan trọng, quân dụng vật chất đều từ đây phân phát đến các cứ điểm quân sự ở Trường Thành. Với tuyến đường Trực Đạo, chỉ trong vòng một tuần, quân Tần có thể điều động quân đội tới bất kỳ nơi đâu suốt dải trường thành phòng thủ mạn bắc chống Hung Nô.
Ở di tích đường Trực Đạo trên cao nguyên Ordos có một khối đá lớn khắc dòng chữ “Thiên hạ đệ nhất đạo“. Nghiên cứu của rất nhiều nhà lịch sử học đều nhận định rằng đây có thể là đường bộ cao tốc được xây dựng sớm nhất thế giới. Để hoàn thành công trình có quy mô lớn trong một địa hình phức tạp, chưa có dấu tích con người như vậy từ hơn 2000 năm trước, chắc chắn cần phải có kỹ thuật đo lường vô cùng tinh xảo, chính xác.
Năm 1986, các nhà khảo cổ học đào được một số sơ đồ thăm dò địa chất bằng gỗ, được cho là những bản sơ đồ cổ nhất trong lịch sử. Qua đó họ cũng chứng thực được rằng từ thời Tần Thủy Hoàng người cổ đại đã có kỹ thuật đo lường, thăm dò địa chất rất ưu việt. Do đó họ hoàn toàn có thể hoàn thành một công trình kỳ tích như Trực Đạo.
Có người ví đường Trực Đạo và Vạn Lý Trường Thành cũng giống như cây mâu nhọn và cái thuẫn thuở xưa. Mâu là cây xà mâu, cây giáo, có cán dài, mũi nhọn, dùng để đâm. Thuẫn là cái khiên, cái mộc, có hình tròn hay bầu dục, bên trong có tay cầm, dùng để che đỡ. Mâu và thuẫn là hình tượng của sức mạnh quân sự, tinh thần tự cường. Cũng có lẽ bởi thế mà trải qua hơn 2.000 ngàn năm bị mưa gió bào mòn, xâm thực, Tần Trực Đạo vẫn không hề mất đi khí thế oai phong ban đầu.
Tuyến đường cổ chứng nhân của các thời kỳ lịch sử
Tần Trực Đạo là tuyến đường có vị trí địa lý rất hiểm yếu và là minh chứng của rất nhiều sự kiện lịch sử. Vào thời Hán Nguyên Đế (năm 33 TCN), Vương Chiêu Quân khi được gả cho người Hung Nô chính là đã xuất phát từ kinh đô Trường An đi qua đường Trực Đạo này để tiến về phương bắc. Ngày nay, dọc theo con đường này tới biên giới nội Mông Cổ vẫn còn ngôi mộ của Chiêu Quân và rất nhiều truyền thuyết tuyệt vời liên quan tới mỹ nhân này.
Cuối thời Đông Hán, trong chiến loạn, Thái Văn Cơ bị quân Hung Nô bắt giữ và sau đó được gả làm vợ của Tả Hiền Vương ở Hung Nô cũng đã đi qua con đường này. Vì nhớ quê nhà, Thái Văn Cơ muốn trở về đất Hán nhưng ngặt nỗi thân gái dặm trường, không thể quay về. Lúc đó Tào Tháo đã xuất 50 vạn đại quân đi dọc theo đường Trực Đạo tiến tới sát biên giới Hung Nô gây sức ép. Cuối cùng quân Hung Nô chỉ còn cách đồng ý để Thái Văn Cơ về nước.
Đến thời nhà Đường, khi tấn công người Đột Quyết, vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân cũng từng nhiều lần đi qua tuyến đường này. Vào thời đó, quả thực đường Trực Đạo có tác dụng vô cùng quan trọng trong các trận chiến.
Mãi đến thời cuối nhà Thanh, con đường này mới dần mất đi vai trò của nó. Nhưng trong gần suốt 2000 năm, Tần Trực Đạo đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển của lịch sử. Có thể thấy, Tần Thủy Hoàng đã có những nghiên cứu nhất định về việc điều hành đất nước, và mỗi công trình do ông xây dựng đều có ý nghĩa to lớn đối với tương lai. Chỉ cần Tần Trực Đạo không bị nhân tạo hủy diệt, thì nó vẫn kiên cố như mới. Quả thực, trí tuệ của người xưa thật đáng khâm phục.
Lam Sơn
(Tổng hợp)