Khải Anh
Một số tỉnh và thành phố của Trung Quốc đã chính thức công bố chỉ dẫn về giá cả cho các cơ quan nội tạng quan trọng của cơ thể người, điển hình như gan, thận và tim. Đây là một trong những động thái được chính quyền địa phương thực hiện sau thông báo của chính quyền trung ương vào tháng 7, về chi phí và các biện pháp quản lý tài chính để đảm bảo [nguồn cung] nội tạng cho phẫu thuật cấy ghép.
Theo lời các chuyên gia y tế quen thuộc với thị trường cấy ghép nội tạng của Trung Quốc, các hành vi này cho thấy ĐCSTQ đang cố gắng bình thường hóa hệ thống cấy ghép nội tạng thiếu minh bạch của quốc gia này, vì họ liên tiếp đối mặt với áp lực phải tiết lộ nguồn cung nội tạng cấy ghép.
Trong một thông báo hồi tháng Bảy, ĐCSTQ đã ra lệnh cho các tỉnh, thành phố và các khu tự trị đề ra mức giá riêng cho các cơ quan nội tạng trong cơ thể người, có hiệu lực từ ngày 01/09.
Đơn cử như tại tỉnh Hà Nam, có đến sáu cơ sở liên quan, bao gồm Ủy ban Y tế, Sở Tài chính và Cơ quan Quản lý Giám sát Thị trường, đã cùng ban hành “mức giá tiêu chuẩn cho nội tạng được hiến tặng.”
Theo như danh sách, nội tạng để cấy ghép bao gồm gan có mức giá 260.000 nhân dân tệ – CNY (40.700 USD), thận có giá 160.000 CNY (25.000 USD), tim có giá 100.000 CNY (15.600 USD), phổi có giá 80.000 CNY (12.500 USD), giác mạc có giá 10.000 CNY (1.600 USD), tuyến tụy có giá 50.000 CNY (7.800 USD), ruột non có giá 50.000 CNY và các cơ quan nội tạng khác.
Bảng giá nội tạng người không phù hợp về mặt Y tế
Tiến sĩ Hoàng Thế Vĩ (Wayne Shih-wei Huang), một bác sĩ phẫu thuật kiêm giám đốc tại IRCAD Đài Loan, trung tâm đào tạo lớn nhất của châu Á về phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, cho biết ĐCSTQ hy vọng [động thái này] sẽ biện minh cho việc lạm dụng cấy ghép của mình bằng cách đề ra một mức giá cho nội tạng người.
Ông Hoàng bày tỏ với The Epoch Times rằng, tài liệu của ĐCSTQ công khai chi phí để có được những gì họ cho là nội tạng hiến tặng, được tính toán dựa trên mức tiêu thụ tài nguyên, công nghệ, giá trị lao động và sự chấp nhận của công chúng.
Tuy nhiên, trong bảng giá nội tạng do giới chức tỉnh niêm yết, một quả tim có mức giá khiêm tốn hơn nhiều so với một quả thận, điều này là bất hợp lý về mặt chi phí y tế. Chi phí cho phẫu cho một ca ghép tim phải cao hơn so với thận, vì tim phải được lấy ra [khỏi cơ thể người], bảo quản phù hợp và cấy ghép trong vài giờ.
Ông Hoàng tin rằng việc định giá nội tạng là để phản ánh giá thị trường và nhu cầu, chứ không liên quan gì đến chi phí y tế.
Thêm nữa, cả hai tỉnh Hồ Bắc và Hà Nam đều niêm yết mức giá cho nội tạng trẻ em khác với mức giá dành cho người lớn. Giá ở tỉnh Hà Nam là 100.000 NYC cho gan của trẻ em (15.600 USD), thấp hơn một nửa so với 260.000 NYC cho người lớn (41.000 USD). Mức giá cho một quả thận và một cặp thận dành cho trẻ em cũng thấp hơn mức giá thận dành cho người lớn, lần lượt là 60.000 NYC (9.400 USD) và 80.000 NYC (12.500 USD).
Tiến sĩ Trần Chí Vũ (Alex Chih-Yu Chen), giám đốc y tế của công ty Novartis Nhật Bản, nói với The Epoch Times rằng, xét về chi phí y tế, thì việc cung cấp và cấy ghép nội tạng cho trẻ em sẽ khó khăn hơn và sẽ đắt đỏ hơn so với người lớn.
Số liệu hiến tặng đầy nghi vấn
Tiến sĩ Hoàng tin rằng hệ thống cấy ghép nội tạng của ĐCSTQ, trong đó các cơ quan nội tạng được lấy, cung cấp và buôn bán, chỉ dành riêng cho các bệnh viện cấy ghép nội tạng. Hệ thống này không được công khai và không minh bạch, và là để các bệnh viện kiếm tiền.
Ông cho biết: “ĐCSTQ không thể làm cho hệ thống cấy ghép nội tạng của mình trở nên minh bạch như của các nước phương Tây,” nhưng ngoài mặt, họ cần phải có một hệ thống để những người bên ngoài trông thấy.
Ông giải thích rằng, trên thực tế, Hiệp hội Chữ thập đỏ Trung Quốc trực thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh, là một trong những tổ chức lập hồ sơ hiến tạng và đưa các dữ liệu này vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Họ nói rằng tại Trung Quốc, “việc hiến tạng là tự nguyện và miễn phí.”
Ông Hoàng cho biết, có vẻ như ĐCSTQ sẽ có được một số ca hiến tặng nội tạng [thật], được các kênh truyền thông sử dụng để tuyên truyền về những câu chuyện cảm động của bệnh nhân. Tuy nhiên, số liệu của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc là không thể tin cậy được.
Ông Hamid Sabi – một cố vấn độc lập của Tòa án về các vấn đề Trung Quốc có trụ sở tại London, nơi phát hiện ra rằng hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra “trên quy mô đáng kể” tại Trung Quốc – trình bày trước một cuộc họp báo tại Bỉ vào ngày 27/10 rằng, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng lời chứng nhận của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc nhằm chống lại áp lực từ châu Âu, Hoa Kỳ và các quốc gia khác, với mục đích [yêu cầu Trung Quốc] công khai sự minh bạch về chương trình hiến tặng nội tạng của họ.
Nhưng Hiệp hội Chữ thập đỏ Trung Quốc không có can hệ gì với Hiệp hội Chữ thập đỏ Quốc tế, ông Sabi cho biết – tổ chức này chỉ đơn thuần là một cơ sở nội bộ của ĐCSTQ, họ sẵn sàng chứng nhận bất cứ điều gì mà chính quyền nước này yêu cầu.
Xét về cơ sở dữ liệu chính thức về người hiến tặng nội tạng của ĐCSTQ, ông Sabi cho rằng những tuyên bố của Trung Quốc về việc có thể nhận được 2.8 cơ quan nội tạng trên mỗi người hiến tặng – nghĩa là cao hơn 180 lần so với tỷ lệ có thể đạt được bởi các hệ thống hiến tặng ở Châu Âu và Hoa Kỳ – [con số này] có khoảng cách rất xa so với khả năng cung cấp cho 10.000 ca cấy ghép chính thức được ghi nhận mỗi năm.
Nhiều chuyên gia cũng ước tính rằng số ca cấy ghép trên thực tế được tiến hành ở Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với số liệu chính thức.
ĐCSTQ thu hoạch nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công
Một báo cáo hồi tháng 06/2016 từ ông David Kilgour, cựu Ngoại trưởng Canada về các vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương; ông David Matas, một luật sư nhân quyền; và ông Ethan Guttmann, một phóng viên điều tra cấp cao của Hoa Kỳ, được ước tính dựa trên nhiều nguồn bằng chứng rằng Trung Quốc có thể thực hiện từ 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép mỗi năm. Nhiều chỉ số cho thấy nguồn [cung] chính của những nội tạng này đến từ các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác bị giam giữ trong hệ thống tư pháp chính trị hóa của Trung Quốc.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện thiền định tâm linh, đã trở nên phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc vào những năm 1990 cho đến khi [môn này] bị cấm vào năm 1999. Các học viên của môn này đã trở thành mục tiêu của các kênh truyền thông vu khống, bắt giữ và tra tấn bất hợp pháp.
Các báo cáo của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) cũng ám chỉ rằng, kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù đã trở thành một ngân hàng lớn [cung cấp] cơ quan nội tạng từ người sống cho phẫu thuật cấy ghép ở Trung Quốc.
WOIPFG đã tìm kiếm và phân tích hàng trăm nghìn báo cáo, các bài báo và cơ sở dữ liệu trên các kênh truyền thông đại chúng từ 891 bệnh viện cấy ghép và 9.515 bác sĩ phẫu thuật cấy ghép ở Trung Quốc trong vòng 15 năm qua, và nhận thấy rằng, từ năm 2000 đến năm 2006, số ca cấy ghép nội tạng được tiến hành ở Trung Quốc tăng trưởng theo cấp số nhân.
Trong cùng thời gian đó, có ít nhất một triệu học viên Pháp Luân Công đã bị bắt bớ và giam giữ tại các trại lao động, nhà tù, trung tâm giam giữ và trung tâm tẩy não của Trung Quốc.
Đáng lưu tâm là, ngoài các bệnh viện được xếp hạng hàng đầu ở Trung Quốc có đủ điều kiện để thực hiện các ca phẫu thuật cấy ghép, thì đã có rất nhiều bệnh viện không đủ tiêu chuẩn được chuyển đổi thành trung tâm cấy ghép hoặc bắt đầu cung cấp các thủ thuật cấy ghép nội tạng.
Lời khai của các nhân chứng, đoạn ghi âm từ các cuộc phỏng vấn với 45 giám đốc hoặc các bác sĩ tại 41 bệnh viện và trung tâm cấy ghép của Trung Quốc, cũng như các thông tin và bằng chứng khác do WOIPFG thu thập, đều cho thấy hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công đã diễn ra trên khắp các bệnh viện ở Trung Quốc.
Khải Anh