Trung Quốc: Những bê bối của cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ bị ‘đào bới’ lại

Cao Tĩnh
Minh Phương biên dịch

Cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ vướng vào bê bối tình ái. Ảnh chụp ông Trương Cao Lệ. (Ảnh: Feng Li/Getty Images) Trung Quốc

Vào ngày 2/11, ngôi sao quần vợt 35 tuổi Bành Suý đã đăng bài cáo buộc cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ về tội tấn công tình dục. Hiện mạng xã hội Trung Quốc đã phong tỏa toàn bộ tin tức liên quan. Tuy nhiên những bê bối khác của Trương Cao Lệ cũng lần lượt được đào bới trở lại và lan truyền rộng rãi ở ngoài nước.

Trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào ngày 3/11, một phóng viên của Hãng tin Bloomberg đã hỏi Bộ ngoại giao Trung Quốc bày tỏ quan điểm về bê bối liên quan đến Bành Suý. Sau khi nghe xong, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Uông Văn Bân khá lúng túng và trả lời rằng “Tôi chưa từng nghe nói đến. Đây cũng không phải thuộc vấn đề ngoại giao”.

Mặc dù bài gốc trên Weibo đã bị xóa, nhưng phóng viên Epoch Times đã nhanh chóng chụp lại màn hình vào lúc 12 giờ ngày 3/11 theo giờ Bắc Kinh. Nick Weibo của Bành Suý với thân phận là ngôi sao thể thao: Vào hôm qua đã đăng 1 bài viết với hơn 100,000 lượt đọc và 3,760 lượt tương tác.

Ảnh chụp màn hình nick Weibo của Bành Suý. (Ảnh chụp màn hình Internet)

Vụ bê bối đã nhanh chóng lan truyền khắp các trang mạng Trung Quốc. Có thể vì vụ việc này mà mạng xã hội Douban nổi tiếng của Trung Quốc đã xóa toàn bộ phần giới thiệu, bình luận và các nội dung khác liên quan đến bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Thủ tướng và Tôi”.

Hiện các phóng viên cũng không thể liên lạc được với Bành Suý.

Ông Trương Cao Lệ từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, Bí thư Thành ủy Thâm Quyến, Tỉnh trưởng tỉnh Sơn Đông, Bí thư Thành ủy Thiên Tân. Vào tháng 10/2012, ông nhậm chức Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 và đứng thứ 7. Năm 2013, ông lên chức Phó Thủ tướng của Quốc vụ viện và nghỉ hưu sau khi hết nhiệm kỳ năm năm. Ông luôn được cho là thành viên phe Giang Trạch Dân.

Câu nói “Khoa Phụ là một đồng chí tốt” của ông Trương trở thành trò cười

Sau khi Bành Suý phanh phui vụ bê bối tình ái, nhà kinh tế học nổi tiếng Hà Thanh Liên cũng đăng tweet về lai lịch đen tối của ông Trương: “Còn nhớ hồi tôi xem bộ phim kịch nói Câu chuyện Thâm Quyến, đoạn mở đầu là cảnh Khoa Phụ đuổi theo mặt trời, Trương Cao Lệ hỏi “Khoa Phụ là ai? Đại diện cho điều gì?” Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Vu Ấu Quân trả lời: ‘Khoa Phụ đại diện cho tinh thần phấn đấu của Thâm Quyến.’ Sau đó, Trương Cao Lệ gật đầu khen ngợi: ‘Khoa Phụ là đồng chí tốt, cần kêu gọi mọi người học tập theo anh ta.’ Lúc đó, hai người ngồi trên ghế lãnh đạo ở hàng đầu tiên, còn phóng viên ngồi ghế hàng thứ ba nên họ đều nghe rõ mồn một đoạn trò chuyện. Từ đó nó trở thành trò cười trong giới báo chí Thâm Quyến”.

Bà Hà Thanh Liên từng là Phó Giám đốc bộ phận tin chuyên mục của tờ Tin tức pháp luật Thâm Quyến. Năm 2000, khi Trương Cao Lệ được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Thâm Quyến, bà Hà đã xuất bản cuốn “Cạm bẫy của các vấn đề kinh tế và xã hội hiện đại hóa ở Trung Quốc đương đại”. Cuốn sách này mau chóng nhận được hưởng ứng mạnh mẽ từ các tầng lớp xã hội, khiến Thâm Quyến phải vâng lệnh Ban Tuyên giáo ĐCSTQ mà “phong sát vô hình” bà Hà. Khi hạ lệnh phong sát cũng không có văn bản, không cho phép người tham gia ghi chép, ghi âm lại.

Bà Hà sau đó bị cách chức vô cớ và cũng không được phép xuất bản bất cứ bài viết nào. Sau một năm rưỡi bị giám sát 24/24, bà Hà đã đến Hoa Kỳ vào năm 2001 do không chịu nổi áp lực.

Theo bà Hà, Trương Cao Lệ có rất nhiều bê bối khi đứng đầu Thâm Quyến. Bởi vì ông ta có khuôn mặt bên to bên nhỏ nên báo chí chỉ có thể chụp một góc mặt của ông ta. Nếu phóng viên có lỡ chụp góc mặt khác và đăng tải lên mạng thì đến sáng hôm sau tổng biên tập của tờ báo sẽ bị thư ký của ông ta mắng té tát.

Vào năm 2012, sau khi công bố danh sách Ủy ban Thường vụ Đại hội Đảng lần thứ 18, bà Hà Thanh Liên đã vạch trần việc  ông ta đến Triều Tiên du học.

Bà Hà Thanh Liên đã đăng tweet rằng: “Tôi đã kiểm tra, lý lịch của Trương Cao Lệ chỉ ghi là học ở Đại học Hạ Môn, không hề ghi là đã đào tạo ngắn hạn tại Đại học Kim Nhật Thành (tương đương sau đại học hai năm). Điều này trở thành trò cười ở Thâm Quyến hồi đó. Nhưng bằng đại học của Trương Cao Lệ vẫn ghi là Đại học Kim Nhật Thành. Nếu không có giai đoạn du học này thì ông ta có thể còn không tốt nghiệp cả Đại học”.

Báo chí Hồng Kông: Trương Cao Lệ thăng chức nhờ “vuốt mông ngựa”

Vào những năm đầu, ông Trương công tác ở Mậu Danh, Quảng Đông. Ông làm trong Sở dầu khí thuộc phe phái Giang-Tăng. Năm 31 tuổi, Trương được bổ nhiệm làm Bí thư Chi bộ Phân xưởng I Nhà máy Lọc dầu Mậu Danh, sau đó được thăng chức trưởng phòng, phó giám đốc và tổng giám đốc của công ty. Năm 39 tuổi, ông trở thành Giám đốc Ủy ban Kinh tế tỉnh Quảng Đông. Năm 42 tuổi là Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông. Ông là một trong những quan chức cấp cao trẻ tuổi nhất ở Quảng Đông lúc bấy giờ. Sau đó, con đường công danh của ông Trương không có nhiều thay đổi.

Năm 1997, Trương nhậm chức Bí thư Thành ủy Thâm Quyến. Nhờ được Giang Trạch Dân ưu ái, con đường thăng quan tiến chức của Trương lên như diều gặp gió.

Trong thời gian Trương làm Bí thư Thành ủy Thâm Quyến, Giang đã đến thăm Thâm Quyến nhiều lần. Vào tháng 2/2000, Giang Trạch Dân đến thăm Quảng Đông và phát biểu “Thuyết ba đại diện” ở  Mậu Danh, nơi Trương Cao Lệ từng làm việc. Năm 2001, Trương được chuyển đến làm Tỉnh trưởng tỉnh Sơn Đông.

Theo Apple Daily, vào năm 2006, Giang Trạch Dân đã về hưu và muốn lên núi Thái Sơn. Trương Cao Lệ lúc đó làm tỉnh trưởng Sơn Đông đã bất chấp kỳ nghỉ ngày 1/5, yêu cầu lãnh đạo, cán bộ địa phương “xếp hàng nghênh đón”. Ông ra lệnh cấp dưới tập dượt kêu Giang là “vị lãnh tụ kính yêu nhất của toàn đảng, toàn quân và toàn dân”. Ông cũng chuẩn bị một chiếc ghế tám người khiêng, còn mình thì “hộ giá” phía sau. Khung cảnh chẳng khác nào cung nghênh một vị hoàng đế cổ đại đi du ngoạn.

Điều này khiến Giang hết sức hài lòng. Một năm sau, Trương trở thành Bí thư thành ủy Thiên Tân và góp mặt vào Bộ Chính trị và giữ chức Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ 18.

Trương Cao Lệ bị cáo buộc liên quan đến nhiều vụ án lớn ở Thiên Tân

Tằng Lượng (bí danh) là nạn nhân của vụ lừa đảo cổ phần tư nhân bạc tỉ ở Thiên Tân. Anh nói với Epoch Times rằng vụ lừa đảo đã được các lãnh đạo ĐCSTQ lên kế hoạch sẵn. Trương Cao Lệ cũng có liên quan, ông ta đã tiếp tay cho con trai của Giang Trạch Dân để chuyển tiền ra nước ngoài khi ở Thâm Quyến.

Từ đầu năm 2010 đến năm 2012, sự cố gian lận cổ phần tư nhân ở Thiên Tân đã khiến hàng chục công ty phải đóng cửa, gây ra thảm họa kinh hoàng cho hàng trăm nghìn hộ gia đình. Mọi người từ khắp Trung Quốc liên tục đến Thiên Tân kêu oan, báo án, thậm chí còn có khẩu hiệu “Trương Cao Lệ trả lại tiền!”

Trong vụ nổ cảng Thiên Tân năm 2015, nhiều người nói Trương Cao Lệ cũng phải chịu trách nhiệm

Vào ngày 22/8/2015, nhà bình luận quân sự Ma Cao Hoàng Đông đã có bài viết trên tờ Oriental Daily News. Ông tin rằng vụ nổ Thiên Tân có liên quan chặt chẽ đến quy hoạch đô thị của Khu mới Tân Hải, Thiên Tân. Nếu lãnh đạo thực sự bật đèn xanh cho dự án, thì Trương Cao Lệ, cựu Bí thư Thành ủy Thiên Tân có thể cũng liên quan.

Vào thời điểm đó, Apple Daily đã đăng một bài báo bình luận rằng vụ nổ Thiên Tân chắc chắn liên quan đến “một thành viên hiện tại của Ủy ban thường vụ từng quản lý Thiên Tân và hiện đang phụ trách kế hoạch liên kết Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc”.

Vào ngày 18/8/2015, Dương Đống Lương, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà nước về An toàn Lao động Trung Quốc bị điều tra. Vào ngày 21/8, tờ Hoa Nam đưa tin, đó cũng là lúc Trương Cao Lệ và Dương Đống Lương có cùng nhiệm kỳ ở Thiên Tân, đang khai triển dự án mở rộng ngành công nghiệp hóa dầu của thành phố.

Trong vụ án triệt hạ đường dây buôn bán đa cấp của Tập đoàn Thiên Sư (TIENS) từng gây chấn động một thời, điều tra cho biết các vụ án hình sự do TIENS gây ra gồm giam giữ phi pháp, cố ý làm hại, cướp, sơ suất làm người khác tử vong, cố ý giết hại người khác. Tổng cộng có 155 người tử vong.

Lý Kim Nguyên, người sáng lập Tập đoàn TIENS, được biết đến là người đi đầu trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc, đã nhiều lần được Bí thư Thành ủy Thiên Tân Trương Cao Lệ nâng đỡ.

Chiều ngày 21/8/2008, Trương Cao Lệ đã đến TIENS thị sát và “hết lời khen ngợi” những “thành tích” mà Tập đoàn này đã đạt được trong mười năm qua. Ông cũng tuyên bố rằng, “Hạng mục bảo vệ sức khỏe của Thiên Sư là ưu thế phát triển mới của kinh tế Thiên Tân, đứng ở điểm khởi đầu cao, giành được vị trí cao, trở thành mẫu hình với trình độ cao”.

Gia tộc Trương Cao Lệ và Hồ sơ Panama

Vào ngày 17/3/2013, Tân Hoa Xã đã đăng một bài báo giới thiệu 4 Phó Thủ tướng và 5 Ủy viên Ban thường vụ mới được bổ nhiệm vào thời điểm đó. Đây cũng là lần đầu tiên tiết lộ bối cảnh gia đình Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ.

Bài báo cho biết, gia đình Trương có 3 thành viên. Người vợ tên là Khang Khiết, quen Trương khi còn là đồng nghiệp tại Công ty Dầu khí Mậu Danh. Con trai ông được điều về một đơn vị quân đội sau khi tốt nghiệp học viện quân sự, và đã lên chức đại đội phó. Tuy nhiên, bài viết không tiết lộ tên của con trai Trương.

Vào ngày 27/12/2012, tờ Đại Công Báo của Hồng Kông đã dẫn lời một người bạn học cũ của Trương và cho biết ông ta có một cô con gái nuôi, do anh trai Trương nhận về làm con thừa tự.

Tờ Apple Daily của Hồng Kông từng đưa tin, con rể của ông Trương là Lí Thánh Bát – con trai của Lí Hiền Nghĩa. Lí Hiền Nghĩa là Ủy viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tại Hồng Kông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tín Nghĩa niêm yết tại Hồng Kông.

Nhờ có quan hệ mật thiết với Trương Cao Lệ, Lí Hiền Nghĩa và con trai ông đã đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu ở Thâm Quyến và kiếm được món tiền khổng lồ. Trong thời gian Trương làm Bí thư Thành ủy Thiên Tân nhiệm kỳ 2007-2012, Lí Thánh Bát đã thỏa sức lộng quyền trong lĩnh vực chính trị và kinh doanh của Thiên Tân.

Trong Hồ sơ Panama được tiết lộ vào tháng 4/2016, con rể của Trương Cao Lệ là Lí Thánh Bát có ba công ty tại nước ngoài và có thẻ căn cước Hồng Kông.

Theo những gì thu thập được từ phóng viên Alexa Olesen thuộc Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế, Lý Thánh Bát sở hữu ba công ty tại thiên đường thuế British Virgin Islands (BVI): Công ty quản lý vốn Zennon, Sino Reliance Networks Corporation và Công ty TNHH đầu tư Glory Top.

Hồ sơ Panama cũng công bố Lí Thánh Bát từng nắm cổ phần của Công ty Changxin Huaxia Network thông qua Tập đoàn Tín Nghĩa (Hồng Kông). Tập đoàn Tín Nghĩa được thành lập vào năm 2001, kết hợp với Công ty TNHH phát triển Trí Tài Bảo, tạo thành Công ty TNHH Huixing System.

Lí Thánh Bát cũng từng là tổng giám đốc của 3 công ty tại BVI. Trong đó một công ty nằm ở Thung lũng xanh Palm Springs.

Theo tờ Minh Báo của Hồng Kông đưa tin ngày 4/5/2016, phóng viên của tờ báo này đã đến thăm nơi ở của vợ chồng Lí Thánh Bát tại Thung lũng xanh Palm Springs vào ngày 2/5. Khi được hỏi về thẻ căn nước Hồng Kông, Trương Hiểu Yến – vợ của Lí cũng là con gái của Trương, đã nói qua cổng sắt rằng “Tôi không cần phải trả lời anh về những điều này.”

Bài viết cho biết, gia tộc nhà họ Lí cũng đang hoạt động sôi nổi trên thị trường bất động sản, nắm giữ ít nhất 21 bất động sản và chi 127 triệu để mua 16 bất động sản ở Thung lũng xanh Palm Springs, Hồng Kông. Trương Hiểu Yến và các thành viên trong gia tộc cũng sở hữu hai công ty, một trong số đó toạ lạc ở vị trí Trung tâm Mong Kok, Hồng Kông. 

Trương thừa nhận Giang là kẻ cầm đầu đường dây thu hoạch tạng sống

Năm 2015, ông Trương khi đó là Ủy viên Thường vụ Cục Chính trị và Phó Thủ tướng Quốc vụ viện ĐCSTQ, đã thừa nhận Giang Trạch Dân là kẻ cầm đầu hạ lệnh thu hoạch tạng từ các tù nhân lương tâm.

Vào ngày 5/7/2021, ông Uông Chí Viễn, Chủ tịch Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã gửi cho Epoch Times đoạn ghi âm cuộc gọi với ông Trương hôm 24/6/2015. Bấy giờ Trương đang trong chuyến thăm chính thức đến Kazakhstan với vai trò là Uỷ viên Ban Thường vụ Cục Chính trị và Phó Thủ tướng của Quốc vụ viện ĐCSTQ.

Ông Uông còn công bố toàn bộ quá trình và nội dung cuộc gọi, cũng như phương pháp thu thập các bằng chứng liên quan.

Nhiều cấp dưới của Trương bị điều tra

Vào tháng 9/2016, Bí thư Thành ủy kiêm Thị trưởng Thiên Tân Hoàng Hưng Quốc đã ngã ngựa.

Trước khi Hoàng Hưng Quốc ngã ngựa, người phụ trách quy hoạch hoá Thiên Tân là Duẫn Hải Lâm luôn được Trương nâng đỡ. Ông được thăng lên làm Phó giám đốc Sở quy hoạch thành phố Thiên Tân và cuối cùng trở thành Phó thị trưởng Thiên Tân. 

Trước đó, vào ngày 28/7/2014, Mã Bạch Ngọc, Giám đốc xây dựng đô thị, cựu Chủ tịch của Tập đoàn đầu tư đô thị Thiên Tân, cựu Phó giám đốc Cục Thủy lợi, đã ngã ngựa.

Tại Sơn Đông, hai Uỷ viên Ban thường vụ của Sơn Đông thân thiết với Trương là Vương Mẫn và Nhan Thế Nguyên, kẻ ngã ngựa kẻ bị cách chức.

Những thân tín của Trương Cao Lệ còn có Cục trưởng Cục Quản lý Nhà nước về An toàn Lao động kiêm cựu Phó thị trưởng Thiên Tân Dương Đống Lương; Ủy viên Thành ủy Thiên Tân kiêm cựu Bí thư Quận ủy Hồng Kiều Trương Tuyền Phân, cựu Giám đốc Ủy ban thường vụ Đại hội nhân dân thành phố Thiên Tân Trương Gia Tinh, cựu Bí thư kiêm Phó giám đốc khu quy hoạch Tân Hải Vương Chính Sơn; Bí thư Đảng kiêm Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Tài nguyên Đất đai Khu mới Tân Hải, Bành Bác.

Cao Tĩnh
Minh Phương biên dịch

Related posts