Các quỹ có trách nhiệm xã hội đã thu hút được nhiều sự chú ý trong những năm gần đây nhưng hàng triệu người Mỹ vẫn sở hữu cổ phiếu của các công ty gắn liền với chế độ diệt chủng và không biết làm thế nào để tìm ra chúng trong danh mục đầu tư của họ.
Theo những người ủng hộ nhân quyền, các công ty quản lý quỹ không cung cấp đủ minh bạch cho khách hàng về số tài sản mà họ nắm giữ, do đó, hầu hết các nhà đầu tư không biết liệu danh mục đầu tư của họ có không dính líu đến các công ty góp phần đáng kể vào tội ác diệt chủng hoặc tội ác chống lại loài người hay không.
Điều này ngày càng trở thành một vấn đề đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là nắm giữ chứng khoán Trung Quốc thông qua các quỹ ETF (quỹ đầu tư theo chỉ số) được quản lý thụ động.
Hồi tháng Một, Chính phủ cựu Tổng thống Trump đã khẳng định việc chính phủ Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở vùng xa phía tây Tân Cương là một tội ác diệt chủng, một quan điểm được chính phủ của ông Biden tán thành. Cơ quan lập pháp của một số quốc gia cũng đã làm theo, bao gồm Canada, Hà Lan, và Anh Quốc.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và tổ chức Trung Quốc vì hành vi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm khác, bao gồm cả người dân Hồng Kông cũng như các học viên Pháp Luân Công.
Trong khi đó, các quỹ quản lý đầu tư ở Hoa Kỳ và trên thế giới nắm giữ cổ phần của các công ty Trung Quốc hỗ trợ bộ máy quân sự và an ninh của Trung Cộng, đồng thời phụ lực cho các hành vi vi phạm nhân quyền của họ.
Để giải quyết lỗ hổng này, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp vào tháng Sáu, tiếp tục quy định từ thời ông Trump, đó là cấm các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào những công ty Trung Quốc nào có dính líu tới quân đội Bắc Kinh. Cả Tổng thống Biden lẫn cựu Tổng thống Trump đều công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để giải quyết các mối đe dọa an ninh do các công ty này gây ra.
Hôm 09/11, trong một thông báo gia hạn lệnh cấm đầu tư, Tổng thống Biden cho biết rằng: “Tôi đã xác định rằng cần phải tiếp tục tình trạng khẩn cấp quốc gia.”
Ông Biden tiếp tục, “PRC [CHND Trung Hoa] đang ngày càng khai thác nguồn vốn của Hoa Kỳ để trang bị cũng như để làm họ có khả năng phát triển và hiện đại hóa quân đội, tình báo và các bộ máy an ninh khác.”
Theo China Hawks ở Hoa Thịnh Đốn, mặc dù các biện pháp này là hoành tráng, nhưng chính phủ Hoa Kỳ đã phản ứng chậm chạp trước mối đe dọa ngày càng tăng do Trung Cộng gây ra.
Ông Bill Browder, một nhà quản lý quỹ đầu cơ và nhà hoạt động nhân quyền, cho biết tại Diễn đàn Trung Quốc năm nay: “Phản ứng chính sách không mạnh mẽ như người ta mong đợi.”
Ông Browder nói, bởi vì chính phủ Hoa Kỳ “muốn gây xáo trộn càng ít càng tốt vì sợ phản ứng dữ dội về kinh tế.”
Tính đến nay, Bộ Ngân khố đã liệt kê 59 công ty hiện đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giám sát và quốc phòng vào danh sách cấm đầu tư của Hoa Kỳ. Người Mỹ bị cấm đầu tư vào cổ phiếu hoặc trái phiếu của các công ty này.
Danh sách cấm này bao gồm các công ty đáng chú ý như nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei, nhà sản xuất video giám sát Hikvision, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn Semiconductor Manufacturing International Corp., công ty hàng không vũ trụ Aviation Industry Corp của Trung Quốc, và các nhà khai thác di động do nhà nước điều hành như China Mobile và China Telecom.
Trong khi việc từ chối các công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn Hoa Kỳ là một bước quan trọng, thì bản thân danh sách cấm này lại không bao hàm hết được.
Hồi tháng Sáu, chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Ngân khố cập nhật bản danh sách này. Tuy nhiên, theo các nhà phê bình, Bộ Ngân khố đã không thành công trong việc bổ sung các công ty mới, mặc dù đang có thêm nhiều tổ chức đe dọa đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Ví dụ, có hơn 400 công ty Trung Quốc trong “danh sách tổ chức” của Bộ Thương mại, cấm xuất cảng công nghệ của Hoa Kỳ cho các công ty này mà không có giấy phép. Những tổ chức này được thêm vào do lo ngại về an ninh quốc gia hoặc vì vai trò của họ trong việc tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.
Ông Roger Robinson, cựu chủ tịch Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc của Quốc hội, cho biết tại Diễn đàn Trung Quốc, chỉ chưa đầy 1% trong số các công ty này lọt vào danh sách cấm đầu tư của Bộ Ngân khố.
Vào tháng Sáu, chính phủ đã thêm 5 công ty năng lượng mặt trời có trụ sở tại Trung Quốc vào danh sách tổ chức này vì tham gia vào chiến dịch cưỡng bức lao động của Bắc Kinh chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Hai trong số đó là Hoshine Silicon Industry và Tân Cương Daqo New Energy, được giao dịch công khai và có thể được nắm giữ bởi các quỹ chỉ số và quỹ đầu tư lớn.
Các nhà phê bình cũng đặt câu hỏi về phạm vi của danh sách tổ chức vì có nhiều công ty nhỏ của Trung Quốc không bị phát hiện.
Một báo cáo mới của Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET) tại Đại học Georgetown cho thấy gần 91% các nhà cung cấp thiết bị AI cho quân đội Trung Quốc không có trong danh sách tổ chức này.
Ông Robinson nói: “Chúng ta đang nói về 5,000 công ty Trung Quốc trong danh mục đầu tư của khoảng 150 triệu người Mỹ, đề cập đến tất cả các cổ phiếu Trung Quốc đang giao dịch tại Hoa Kỳ hoặc các sàn giao dịch khác trên thế giới, cũng như các thị trường chứng khoán phi tập trung khác (OTC).
Và ông lưu ý, các nhà đầu tư Mỹ không biết có bao nhiêu công ty trong số này là những kẻ vi phạm nhân quyền hoặc những kẻ vi phạm an ninh quốc gia.
Trong khi đó, Quốc hội Hoa Kỳ đang tiến hành một biện pháp để loại bỏ các công ty Trung Quốc không tuân thủ luật pháp khỏi các sàn giao dịch của Mỹ bắt đầu từ năm 2022. Dự luật này tên là Đạo luật Đẩy nhanh việc Buộc các Công ty Ngoại quốc Chịu Trách nhiệm (Accelerating Holding Foreign Companies Accountable Act), đã được Thượng viện nhất loạt tán thành hồi tháng Sáu và dự kiến sẽ sớm được đưa lên Hạ viện để thông qua.
Dự luật là sự tuân theo Đạo luật Buộc các Công ty Ngoại quốc Chịu Trách nhiệm, đã được Tổng thống Trump ký thành luật vào tháng 12/2020. Theo luật này, các công ty ngoại quốc không tuân thủ các cuộc kiểm toán của Hội đồng Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB’s) trong ba năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ.
Các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ, bao gồm cả PCAOB, đã không thể kiểm tra giấy tờ kiểm toán của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc, vì Bắc Kinh đã từ chối cho phép kiểm tra, với lý do an ninh quốc gia và quyền riêng tư.
Dự luật tiếp theo do Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng Hòa-Louisiana) tài trợ tìm cách gây áp lực nhiều hơn lên các công ty Trung Quốc, yêu cầu họ tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Hoa Kỳ trong vòng hai năm liên tiếp thay vì ba năm.
Ông Chris Iacovella, Giám đốc điều hành Hiệp hội Chứng khoán Hoa Kỳ đại diện cho các công ty dịch vụ tài chính khu vực và nhỏ, cho biết các sàn giao dịch của Hoa Kỳ phải bảo đảm tiền của nhà đầu tư Mỹ không được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động vi phạm nhân quyền cũng như tội ác diệt chủng của Bắc Kinh.
Ông nói, bằng cách thông qua dự luật lưỡng đảng này, “Quốc hội có thể tiếp tục bảo vệ các nhà đầu tư, tính toàn vẹn của thị trường và an ninh quốc gia của chúng ta.”
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Lưu Đức biên dịch