Tin thế giới sáng thứ Ba

Tòa đại sứ Trung Quốc vận động doanh nghiệp Mỹ phản đối các luật tiêu cực về Bắc Kinh

Minh Anh

Theo Reuters đưa tin, trong những tuần gần đây, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã tăng cường vận động giới kinh doanh và quản lý cấp cao của các công ty Mỹ, yêu cầu họ thuyết phục thành viên của Quốc hội nước này từ bỏ hoặc sửa đổi những luật chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Bức thư mà Reuters xem được cho thấy, người gửi thư là Phòng Kinh tế Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Nguồn tin nói với Reuters rằng, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã gửi thư đến những người có ảnh hưởng trong giới kinh doanh Mỹ trên quy mô lớn.

Theo bài báo, Đại sứ quán Trung Quốc cảnh báo các công ty Mỹ rằng, nếu những dự luật liên quan trở thành luật, những công ty Mỹ sẽ mất thu nhập và thị phần tại Trung Quốc. Nguồn tin còn cho biết, những người nhận được thư lo lắng rằng, nếu họ liên lạc với các thành viên của Quốc hội Mỹ về vấn đề liên quan, họ có thể vi phạm các quy định trong “Luật Đăng Ký Đại Diện Nước Ngoài” (FARA).

Nguồn tin nói rằng, không ai mong muốn bị người khác biết chuyện họ đã nhận được một lá thư từ Đại sứ quán Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc đã viết trong thư gửi đi vào tháng 11/2021 rằng, chúng tôi khẩn cầu bạn thúc giục các thành viên Quốc hội (Mỹ) từ bỏ thành kiến ​​và “ngừng thúc đẩy các dự luật tiêu cực liên quan đến Trung Quốc hoặc phát huy vai trò tích cực trong việc xóa bỏ những điều khoản tiêu cực, để tạo điều kiện tốt cho quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước khi vẫn còn kịp”.

“Kết quả mà những dự luật tiêu cực liên quan đến Trung Quốc sẽ không chỉ bảo vệ lợi ích của các công ty Mỹ, làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, mà nó sẽ gây tổn hại đến lợi ích của tất cả các bên”. “Đẩy mạnh việc loại bỏ chuỗi cung ứng của Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn đến việc Trung Quốc giảm nhu cầu đối với các sản phẩm của Mỹ, từ đó tạo thành suy giảm thị phần và doanh thu của các công ty Mỹ tại Trung Quốc”.

Chống lại sự trỗi dậy của ĐCSTQ là một trong những vấn đề hiếm hoi nhận được sự đồng thuận giữa các đảng phái của Quốc hội Mỹ trong những năm gần đây. Tháng 6/2021, Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo Luật Đổi Mới và Cạnh Tranh Hoa Kỳ (U.S. Innovation and Competition Act (USICA)), với 68 phiếu ủng hộ, 32 phiếu phản đối. Đạo luật này có kế hoạch đầu tư khoảng 250 tỷ USD vào các lĩnh vực như sản xuất công nghệ, nghiên cứu kỹ thuật của Mỹ để tăng cường khả năng cạnh tranh của nước này, nhằm chống lại những thách thức của ĐCSTQ.

Tháng 7/2021, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cũng thông qua “Đạo Luật Đảm bảo Sự tham gia và Vị trí Lãnh đạo Toàn cầu của Mỹ (Ensuring American Global Leadership and Engagement Act, gọi tắt là EAGLE). Nguồn tin cho biết, cả hai luật này đều là mục tiêu vận động tẩy chay của ĐCSTQ.

Minh Anh

COP26 đạt thỏa thuận nửa vời về môi trường

Thanh Hà

Ông Alok Sharma, chủ tịch COP26 trong cuộc hoạp báo kết thúc thượng đỉnh về khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotmand, ngày 13/11/2021. AP – Alastair Grant

Trễ hơn so với dự kiến 24 giờ, đêm 13/11/2021 gần 200 nước tham dự hội nghị khí hậu COP26 Glasgow-Anh Quốc thông qua “thỏa ước Glasgow”. Luân Đôn xem đây là một “bước tiến quan trọng” cho dù văn bản không bảo đảm nhiệt độ của trái đất không tăng quá 1,5 °C như mục tiêu đề ra và cũng không đi kèm những biện pháp cụ thể giúp các nước nghèo đối mặt với biển đổi khí hậu.  

Kết thúc hai tuần lễ đàm phán, chủ tịch hội nghị ông Alok Sharma đã chính thức khép lại hội nghị khí hậu COP26 với “thỏa ước Glasgow” nhằm “thúc đẩy tiến trình chống biến đổi khí hậu”. Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cương vị chủ nhà hài lòng với đồng thuận vừa đạt được. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen “tin tưởng” văn bản này cho phép xây dựng một không gian “an toàn và thình vượng” trên cho nhân loại.

Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres kém lạc quan hơn khi cho rằng “quyết tâm chinh trị tập thể chưa đủ để vượt lên trên những mâu thuẫn sâu sắc” trong lúc tình hình càng lúc càng “cấp bách”.

Về thực chất, văn bản đó ba gồm những gì và vì sao bị đánh giá là một thỏa thuận nửa vời?

Thứ nhất các bên đồng ý về mục tiêu duy trì nhiệt độ của trái đất không tăng quá 1,5°C từ nay đến cuối thế kỷ 21 và « tiếp tục nỗ lực giảm thải khí carbon » gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên các bên để ngỏ khả năng “tùy theo hoàn cảnh của mỗi quốc gia” để đạt được mục tiêu này. Nói cách khác, chỉ tiêu 1,5°C đó không mang tính bắt buộc.

Điểm thứ nhì liên quan đến vấn đề trợ giúp các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu: Thỏa ước Glasgow không đưa ra thêm những cam kết cụ thể ngoại trừ hứa hẹn « các bên tiếp tục đàm phán cho đến năm 2024» trong lúc cam kết về khoản trợ cấp 100 tỷ đô la cho các nền kinh tế đang phát triển kể từ năm 2020, vẫn chưa được thực hiện.

Tại Glasgow, Mỹ là một trong hai quốc gia gây ô nhiễm nhất địa cầu đã dứt khoát từ chối đàm phán về các khoản « đền bù thiệt hại »  cho các nền kinh tế ít gây ô nhiễm nhưng lại là những quốc gia đầu tiên hứng chịu thiên tai do thời tiết khí hậu gây nên. Đại diện của tổ chức phi chính phủ ActionAide International, Teresa Anderson, bày tỏ « thất vọng cực độ » trước thái độ vô trách nhiệm của các nền công nghiệp phát triển gây ô nhiễn nhất trên hành tinh « đối với phần còn lại của nhân loại ».

Một điểm đáng chú ý thứ ba là bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Thái Lan, Lào, Miến Điện và Cam Bốt từ chối ký kết vào thỏa thuận chống nạn phá rừng. Đông Nam Á chiếm 15 % diện tích rừng nhiệt đới của nhân loại. Theo nghiên cứu của tổ chức quan sát Global Forest Watch dataset, được The Diplomat trích dẫn, trong hai thập niên qua, nạn phá rừng đã cướp đi 28 % diện tích rừng của Cam Bốt. Tỷ lệ này như vậy “cao hơn cả so với nạn phá rừng tại Brazil (12%) hay Indonesia (10%)”.

Khủng hoảng nhập cư: Liên Âu chuẩn bị trừng phạt Belarus, Minsk đấu dịu

Thanh Hà

Người nhập cư từ Trung Đông tập trung ở biên giới Belarus – Ba Lan, gần Grodno, Belarus, ngày 08/11/2021. AP – Leonid Shcheglov

Ngày 15/11/2021, ngoại trưởng 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp tại Bruxelles để thảo luận về các biện pháp cụ thể trừng phạt Belarus đẩy người tị nạn Trung Đông sang biên giới Ba Lan. Trước viễn cảnh bị Liên Hiệp Châu Âu thông báo thêm những biện pháp cấm vận, Minsk tỏ thiện chí « nỗ lực » đưa người nhập cư trái phép hồi hương.

Tập đoàn hàng không quốc gia Belavia từ Chủ Nhật 4/11/2021 cho biết cấm hành khách người Syria, Irak, Afghanistan và Yemen từ Dubai sang Belarus. Về phần tổng thống Alexandre Loukachenko, theo hãng tin Belta của Belarus, sáng nay, ông khẳng định chính quyền Minsk nỗ lực tìm kiếm giải pháp để những người nhập cư Trung Đông trở về nguyên quán. Tổng thống Loukachenko quy trách nhiệm cho phía Ba Lan, khai thác lá bài nhập cư để “giải quyết bất đồng nội bộ” giữa Vacxava với các nước còn lại trong khối.

Từ nhiều ngày qua, trong điều kiện y tế và vệ sinh hết sức tồi tệ, hàng ngàn người nhập cư trái phép cắm trại ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan với mục đích vào được Liên Hiệp Châu Âu qua ngả này. Khoảng một chục người đã tử vong vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Vacxava điều hàng chục ngàn binh lính tăng cường an ninh tại biên giới. Liên Âu lo ngại phải đối mặt với một làn sóng người nhập cư mới. Bruxelles tố cáo Minsk dùng người tị nạn Trung Đông để mặc cả, đòi Liên Hiệp Châu Âu dỡ bỏ các biện pháp cấm vận trừng phạt chính quyền Loukachenko đàn áp đối lập, phủ nhận kết quả bầu cử hồi tháng 8/2020.

Trước cuộc họp chiều nay tại Bruxelles, lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu một lần nữa nhấn mạnh “trước mắt không thể chấp nhận tình trạng nhân đạo tại biên giới Ba Lan và Belarus. Không ai được phép xem người nhập cư như một vũ khí” để mặc cả.

Một cách cụ thể, Liên Âu chuẩn bị những biện pháp nào để trừng phạt chính quyền Minsk? Từ Bruxelles, thông tín viên Jérémy Audouard cho biết:

Liên Hiệp Châu Âu sẽ đánh thẳng vào túi tiền của một số quan chức liên quan đến các đường dây quốc tế đưa người nhập cư này sang châu Âu. Đó sẽ là lãnh đạo nhiều tập đoàn hàng không, của các hãng du lịch đưa người tới tận biên giới Ba Lan. Tài khoản của những người này sẽ bị phong tỏa và họ không được quyền đặt chân vào lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu. Nhiều quan chức trong chế độ Loukachenko có thể cũng nằm trong tầm ngắm.

Ngoại trưởng Belarus trong một cuộc đàm với lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell, báo trước đây là những biện pháp “vô vọng” và “phản tác dụng”.

Nếu Bruxelles đồng ý trừng phạt Minsk thì đây sẽ là đợt trừng phạt thứ 5. Liên Hiệp Châu Âu lo ngại tái phạm sai lầm như với Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015: khai thác lá bài nhập cư để nhận được những khoản tài trợ quan trọng”.

Lo ngại Trung Quốc có vũ khí chiến lược nhờ công nghệ Mỹ?

Thanh Hà

Trung Quốc phô trương tên lửa siêu thanh Đông Phong DF-17 tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội. Ảnh chụp tại Bắc Kinh, ngày 01/10/2019. AP – Ng Han Guan

Vì lý do an ninh, Nhà Trắng ra lệnh cho tập đoàn chip điện tử Intel ngừng dự án “nâng cấp” nhà máy tại Trung Quốc. Hãng tin Bloomberg ngày 13/11/2021 trích dẫn một nguồn tin xin được giấu tên cho biết dự án liên quan đến nhà máy của Intel tại Hàng Châu.

Vẫn theo nguồn tin này, chính quyền Biden đã “mạnh mẽ khuyến khích” Intel từ bỏ kế hoạch đầu tư thêm vào nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn tại Hàng Châu, đồng thời kêu gọi tập đoàn này “đưa trở lại về Mỹ” các hoạt động nói trên. Tuy nhiên theo giới phân tích hồ sơ nhậy cảm này trực tiếp liên quan đến cuộc đọ sức Mỹ-Trung về công nghệ và “an ninh” quốc gia Hoa Kỳ, nhất là kể từ khi lộ tin Bắc Kinh đã tiến hành thử tên lửa siêu thanh.  

Theo báo Washignton Post số ra tháng 4/2021 “Trung Quốc trang bị vũ khí tối tân nhờ sử dụng công nghệ và chip của Mỹ”. Bắc Kinh đã cho lắp đặt một hệ thống máy điện tử tối tân và tinh vi tại một căn cứ quân sự bí mật ở khu vực tây nam Trung Quốc. Đây là nơi được dùng để thử nghiệm tên lửa siêu thanh. Loại vũ khí đó trong tương lai “có thể nhắm trúng hàng không mẫu hạm của Đài Loan hay Hoa Kỳ”. Vấn đề đặt ra theo nhật báo Mỹ, hệ thống tin học của Trung Quốc sử dụng chip điện tử tinh vi do tập đoàn Trung Quốc Phytium Technology chế tạo. Nhưng bản thân Phytium chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ nhờ “một phần mềm do một hãng Mỹ sản xuất và bọ điện tử được Trung Quốc dùng để chế tạo tên lửa siêu thanh lại được sản xuất từ một nhà máy của Đài Loan”.

Trong những điều kiện đó giới quan sát Mỹ đặt câu hỏi: Hoa Kỳ liệu có giữ được thế thượng phong trong về công nghệ quốc phòng ?

Mãi đến tháng 4/2024 chính quyền Biden mới đưa Phytium và sáu doanh nghiệp khác của Trung Quốc vào “sổ đen”. Washignton cấm các tập đoàn Mỹ hợp tác, cấmg cung cấp linh kiện và chuyển giao công nghệ với các đối tác này của Trung Quốc. Bộ Thương Mại Mỹ khi đó lưu ý: mục tiêu đề ra nhằm “đề phòng khả năng gián tiếp giúp Trung Quốc hiện đại hóa các phương tiện quân sự, phát triển vũ khí tối tận, kể cả vũ khí nguyên tử và siêu thanh”.

Liên quan đến tập đoàn Phytium của Trung Quốc, tờ Washignton Post lưu ý độc giả trên hai điểm : một là thế trên đe dưới búa của Đài Loan phụ thuộc vào Mỹ về quân sự nhưng lại có một kênh liên hệ mật thiết với Trung Quốc về kinh tế và thương mại. Điểm thứ nhì là trong trường hợp Bắc Kinh thôn tính Đài Loan bằng sức mạnh, do sử dụng vũ khí của Hoa Kỳ, liệu rằng khả năng phòng thủ của Đài Bắc có còn là một “ẩn số” đối với Hoa Lục nữa hay không?

Áo phong tỏa toàn quốc với người chưa tiêm phòng Covid-19

Chi Phương

Ảnh minh họa người dân Áo ở một vườn hoa tại Vienna ngày 14/11/2021 vào lúc chính phủ áp dụng phong tỏa người dân không tiêm chủng. REUTERS – LEONHARD FOEGER

Thủ tướng Áo thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc đối với người chưa trích ngừa covid-19. Lệnh có hiệu lực kể từ hôm nay, 15/11/2021. Đây là biện pháp chưa từng có tại châu Âu, được đưa ra nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và giảm số ca nhiễm mới kỷ lục của quốc gia này.

Hiện nay, Áo ghi nhận hơn 12 000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Cho đến nay, 65 % dân số đã được tiêm đủ hai liều. Tỷ lệ này thấp hơn mức trung bình của châu Âu. Với biện pháp mới này, giới chức Áo hy vọng thuyết phục được những vẫn còn do dự, tiêm vac-xin ngừa Covid-19.

Từ Vienna, thông tín viên Isaure Hiace tường trình:

Biện pháp này được xem như là một bất công đối với người chưa tiêm phòng. Hai người dân thủ đô mà tôi phỏng vấn dưới đây không muốn công khai danh tính :

Bất công, bởi vì những người đã tiêm vac-xin rồi vẫn có thể tiếp tục mang bệnh lây cho người khác, họ vẫn có thể đi chợ Giáng Sinh, hay đi nghỉ dưỡng, họ có thể làm mọi thứ, bây giờ người ta muốn buộc tội những người chưa tiêm là thủ phạm lây lan virus.

Thật không công bằng bởi vì chúng tôi có lý do để không tiêm vac-xin, cá nhân tôi, tôi thấy rằng đi tiêm có thể có nguy cơ để mắc thêm các bệnh khác.

Các phát biểu như trên khiến những người đã tiêm vac-xin như ông Alois, khoảng 50 tuổi, khó chịu.

Đó là điều bình thường vì những người đã chủng ngừa ít nhiều gì cũng góp phần làm cho xã hội trở lại cuộc sống bình thường. Họ có thể lại được hưởng tự do. Những ai chưa sẵn sàng đóng góp cho xã hội thì nên ở nhà.

Đối với một số người khác áp, như bà Özge, việc áp đặt lệnh phong tỏa cho người chưa chủng ngừa vẫn chưa đủ.

Tôi làm việc trong một trung tâm xét nghiệm, tôi thấy rằng số ca nhiễm mới ngày càng tăng. Nhưng tôi nghĩ rằng điều này không phải lúc nào cũng liên quan đến việc bạn có được tiêm phòng hay không vì nhiều người đã chủng ngừa nhưng vẫn bị nhiễm lại. Đây là lý do vì sao tôi nghĩ rằng lệnh phong tỏa với người chưa tiêm phòng có thể cần được mở rộng ra bằng lệnh phong tỏa đối với tất cả mọi người.

Về giả thiết phong tỏa toàn dân, hiện nay, chính phủ Áo vẫn chưa tính đến.”

Khoảng 2 triệu người chưa vac-xin không được phép ra khỏi nhà nếu như không phải làm những việc thiết yếu. Lệnh phong tỏa này được áp dụng trong vòng 10 ngày, đối với những người từ 12 tuổi trở lên. Những ai vị phạm sẽ bị phạt 500 euro.

Châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi một làn sóng dịch mới, nhiều quốc gia đã tái lập các hạn chế, trong đó có Pháp. Kể từ hôm nay, ngày 15/11, tất cả trẻ em tại các trường tiểu học ở Pháp, phải đeo lại khẩu trang.

Thái Lan tiếp tục biểu tình đòi cải cách chế độ quân chủ

Chi Phương

Cảnh sát ngăn chặn cuộc biểu tình đòi cải cách chế độ quân chủ, Bangkok, Thái Lan, ngày 14/11/2021. REUTERS – SOE ZEYA TUN

Hàng trăm người đã xuống đường biểu tình hôm qua, Chủ Nhật 14/11/2021, phản đối quyết định của Tòa Bảo Hiến, vì cơ quan này đã coi lời kêu gọi cải cách hoàng gia đồng nghĩa với nỗ lực lật đổ chế độ quân chủ.

Bất chấp lệnh cấm tụ tập biểu tình, hàng trăm người tập trung tại trung tâm thương mại lớn nhất của Bangkok. Với khẩu hiệu «  Tòa Bảo Hiến tước quyền công dân », « cải cách không có nghĩa là lật đổ ».

Từ Bangkok, thông tín viên Carol Isoux cho biết thêm thông tin:

Ban đầu, người biểu tình muốn đến một nơi mang tính biểu tượng là Tượng đài Dân Chủ ở khu phố cổ thủ đô Bangkok nhưng họ bị cảnh sát ngăn cản. Cuối cùng họ dồn đến trước sứ quán Đức, đất nước mà vua Rama X thường sang sống dài ngày.

Vào cuối ngày, bắt đầu có tiếng súng nổ, theo truyền thông địa phương, ít nhất 1 người biểu tình đã bị đạn bắn thương.

Quyết định của Tòa Bảo Hiến vào thứ Tư tuần trước đã châm lại ngòi nổ, khi cho rằng từ nay, mọi đòi hỏi của công chúng cải cách chế độ quân chủ sẽ bị coi là một ý đồ lật đổ Nhà nước. Qua việc gieo rắc nỗi sợ hãi bị trừng phạt, tòa án muốn chấm dứt phong trào đòi dân chủ đã gây náo động ở Thái Lan từ hơn một năm nay. Các nhà lãnh đạo phong trào có nguy cơ phải đối mặt với án tù chung thân. Họ quyết định đấu tranh thông qua tư pháp để chứng minh rằng yêu cầu cải cách không phải là một ý đồ xóa bỏ chế độ quân chủ.”

Phong trào dân chủ do giới trẻ Thái Lan làm nòng cốt, bắt đầu từ năm 2020, đã kêu gọi hàng chục nghìn người xuống đường đòi cải cách, chống lại ảnh hưởng của quân đội và đòi một bản Hiến Pháp mới. Năm 2021, phong trào đã lắng xuống do đại dịch Covid-19.

Thái Lan là một quốc gia quân chủ lập hiến kể từ khi chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế  vào năm 1932, nhưng quốc gia này đã trải qua nhiều cuộc đảo chính quân sự, gần đây nhất là vào năm 2014.

Related posts