Ở Trung Quốc, báo chí truyền thông thật sự đã bị bóp chết

Vũ Dương

Nữ nhà báo công dân Trương Triển (ảnh: Youtube/LIVE UPDATE).

Ngày 8/11 là Ngày lễ nhà báo lần thứ 22 của Trung Quốc. Nghề báo là cái nghề được mọi người tôn trọng, nhưng ở đất nước đàn áp tự do báo chí, nghề báo lại là một nghề có rủi ro cao.

Tầm quan trọng của quyền tự do báo chí đối với các chủ đề như hòa bình, chính nghĩa và nhân quyền được các nhà báo lương tâm ra sức bảo vệ, được thể hiện rõ khi những người đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay chính là các nhà báo, gồm nhà báo Philippines Maria Ressa và nhà báo Nga Dmitry Muratov.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã tuyên bố trong một thông điệp chúc mừng mà ông gửi đến hai nhà báo trên rằng: “Nếu một xã hội không có các nhà báo có thể điều tra các hành vi bất hợp pháp và nói lên sự thật trước quyền lực, thì không thể có tự do trong xã hội này”. Ông nhấn mạnh rằng quyền tự do báo chí là điều hết sức cần thiết cho hòa bình, chính nghĩa và nhân quyền.

Nhà báo Nga Muratov là chủ bút tờ báo tiếng Nga Novaya Gazeta. Ông năm nay 59 tuổi. “Các báo cáo dựa trên sự thật và đạo đức nghề nghiệp của tờ báo đã khiến nó trở thành một khía cạnh quan trọng của xã hội Nga mà hiếm có tờ báo khác dám đề cập đến. Tờ Novaya Gazeta  nổi tiếng về việc tường thuật đầy đủ các chủ đề nhạy cảm, chẳng hạn như tình trạng tham nhũng trong chính phủ và các vụ vi phạm nhân quyền. Ủy ban bảo vệ các nhà báo đã gọi báo này là: “tờ báo phê bình thực sự duy nhất có ảnh hưởng khắp nước Nga ngày nay”.

Nhà báo Philippines Maria Ressa năm nay 58 tuổi, bà đã theo nghề báo chí được 36 năm, trong hành động truy quét ma túy của chính phủ Philippines, bà Ressa đã theo sát và đưa tin trong một thời gian dài, vạch trần tội danh “hành quyết phi pháp” của cơ quan pháp luật. Kết quả bà đã bị chính phủ bắt giam nhiều lần, do vậy ngoại giới đã gọi bà là “Người bảo vệ sự thật”.

Ở Trung Quốc, quyền tự do báo chí và các báo cáo chân thực cũng như các cuộc điều tra chuyên sâu của các nhà báo cũng ngày càng bị Chính quyền TQ đàn áp và siết chặt; Trung Quốc là quốc gia bắt giam nhiều nhà báo nhất thế giới trong nhiều năm liên tiếp; “Báo cáo Chỉ số của Tự do Báo chí Thế giới năm 2021″ đã chỉ ra rằng Trung Quốc xếp thứ 177 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí, và hiện vẫn  tiếp tục ở vị trí thứ tư từ dưới đếm lên, trở thành một trong những quốc gia có tự do báo chí yếu kém nhất.

Vào năm 2020, nhiều nhà báo công dân đã đến thành phố Vũ Hán để đưa tin về tình hình dịch bệnh đã bị bắt. Trong số đó, nữ nhà báo Trương Triển bị bắt và giam giữ vào tháng 5/2020, và bị kết án 4 năm tù vào tháng 12/2020 vì tội “gây hấn sinh sự”. Trở thành nhà báo công dân đầu tiên bị kết án vì đã đưa tin về tình hình dịch bệnh.

Vào ngày 8/11 năm nay, vào đúng Ngày Báo chí của Chính quyền Trung Quốc, cô Trương đã được “Giải thưởng Tự do Báo chí” đề cử cho Giải thưởng Dũng cảm dành cho các phóng viên không biên giới” năm 2021. Giải thưởng này được đề cử để ghi nhận lòng dũng cảm vì đã dám đứng lên chiến đấu chống lại các thế lực đen tối của cô Trương. 

Thời điểm đầu năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở thành phố Vũ Hán khiến thành phố này bị phong tỏa toàn diện, với tư cách là một nhà báo công dân, cô Trương Triển đã đến thành phố Vũ Hán để tiến hành phỏng vấn và quay phim tại hiện trường. Cô đã phỏng vấn trực tiếp nhiều công dân Vũ Hán tại các bệnh viện, khu cộng đồng, đồn cảnh sát, nhà thuốc, siêu thị và những nơi khác, quay phim chụp ảnh về tình hình thực tế và truyền đạt thông tin chân thật của thành phố ra thế giới bên ngoài, bao gồm cả chất lượng của rau củ, chi phí xét nghiệm axit nucleic và những rắc rối mà người nhà của bệnh nhân phải nhận chịu từ chính quyền, đặc biệt là cô Trương đã vạch trần hành vi che giấu dịch bệnh và những thiếu sót trong công tác phòng chống dịch của nhà chức trách.

Báo cáo của cô Trương đã được đăng tải trên Youtube và trở thành một trong những nguồn thông tin độc lập chủ yếu về tình hình sinh kế của người dân Vũ Hán trong mùa dịch.

Cô Trương Triển cho biết trong video cuối cùng đưa tin về tình hình dịch bệnh trên kênh YouTube của mình: “Phương thức quản lý của thành phố chủ yếu dựa vào việc đe dọa và uy hiếp. Đây thực sự là nỗi bi ai của đất nước này”.

Trong thời gian bị giam giữ, cô Trương đã tuyệt thực để phản đối. Theo báo cáo của trang VOA, anh trai của cô Trương cho biết vào tháng 8, cô Trương đã được đưa vào viện khẩn cấp vì sức khỏe của cô đã chuyển biến xấu, khi đó cô cao 177 cm, nhưng thể trọng chưa đến 40 kg. Ông cho biết: “Sức khỏe của Trương Triển đã bị tổn hại không thể phục hồi. Vào tháng 8, bác sĩ nói với tôi rằng tính mạng của em ấy đang gặp nguy hiểm”.  Gần đây, mẹ của cô Trương sau khi thăm cô từ nhà tù trở về cho biết, “Tình hình cô Trương hiện giờ còn tồi tệ hơn”.

Bị chính quyền kết án nặng 4 năm tù về tội “gây hấn kích động”, nhưng cô Trương tin rằng lý do thực sự khiến cô bị bắt chính là “thực hiện quyền tự do ngôn luận”.

Hiện tại, nhiều tổ chức quốc tế và nhiều công dân Trung Quốc đều đang ủng hộ cô Trương và kêu gọi chính quyền ĐCSTQ cho phép cô được điều trị y tế càng sớm càng tốt. Vào tháng 9, 45 tổ chức phi chính phủ đã cùng yêu cầu chính quyền ĐCSTQ trả tự do cho nữ nhà báo công dân Trương Triển. Gần đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã kêu gọi nhà chức trách Trung Quốc trả tự do cho cô Trương càng sớm càng tốt.

Trước hành vi phi nhân tính của ĐCSTQ, nhiều người đã lên tiếng ủng hộ cô Trương, nhưng họ lại bị chính quyền đàn áp. Gần đây, Sử Khánh Mai, một công dân thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, đã dùng tên thật của mình bày tỏ sự ủng hộ đối với cô Trương. Có tin đồn rằng cô đã bị cảnh sát địa phương bắt đi và hiện vẫn không rõ tung tích. Cô Lý Ngọc, một công nhân duy hộ quyền lợi, sống  ở thị trấn Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông, gần đây đã đăng dòng  tweet ” Giải cứu Trương Triển”, và mọi người cũng đã mất liên lạc với cô kể từ đó.

Gần đây, khi luật sư nhân quyền Trung Quốc Tạ Dương đang chuẩn bị đến Thượng Hải để gặp mẹ của Trương Triển, ĐCSTQ đã sử dụng thủ đoạn lưu manh “mã sức khỏe màu đỏ” để ngăn cản ông ra khỏi địa phương. Khi ông Tạ Dương mua vé và chuẩn bị đến Thượng Hải, cảnh sát địa phương đã đến tận nhà ngăn cản ông, họ tuyên bố rằng ông có thể đi đến bất kỳ thành phố nào, ngoại trừ Thượng Hải.

Khi ông Tạ phớt lờ những lời cảnh báo của cảnh sát và đến sân bay để lên máy bay vào sáng hôm sau, ông đột nhiên thấy mã sức khỏe của mình đã chuyển sang màu đỏ, khiến ông không thể lên máy bay. Ông Tạ Dương đã lâu không có đi ra ngoài, địa phương ông cũng không có ca nhiễm nào, thế nên mã sức khỏe của ông lại đột nhiên chuyển sang màu đỏ là điều khó tin. Rõ ràng, điều này được kiểm soát trực tiếp bởi ĐCSTQ, sử dụng mã sức khỏe để duy trì sự ổn định có mục đích.

Cô Trương chẳng qua chỉ phản ánh hiện trạng chân thật của xã hội trong mùa dịch, nhưng đã bị chính quyền ĐCSTQ bắt giữ và kết án, mặc dù cô Trương chỉ còn lại chút hơi tàn, tính mạng nguy trong sớm tối, nhưng chính quyền ĐCSTQ vẫn không đồng ý cho cô đi chữa bệnh, điều này đã cho thấy xã hội dưới sự thống trị của ĐCSTQ, người dân đã không có quyền tự do ngôn luận, càng không có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng. Một người phụ nữ bình thường tay không tấc sắt như vậy, chẳng qua chỉ kiên trì “thực hiện quyền tự do ngôn luận”, đã khiến Chính quyền ĐCSTQ lo sợ đến cực điểm.

Sống dưới sự cai trị của ĐCSTQ, giới truyền thông cần phải nghe lời đảng và trở thành cơ quan ngôn luận của đảng; nếu phóng viên truyền thông không nghe lời đảng thì hậu quả là họ sẽ bị mất việc; còn bất kỳ phóng viên nào muốn suy nghĩ độc lập và đưa tin độc lập ngay lập tức sẽ trở thành “những kẻ bất đồng chính kiến”. Do vậy, có rất nhiều người đã than thở rằng: Ở Trung Quốc, báo chí truyền thông thật sự đã bị bóp chết.

Related posts