Thỏa thuận thương mại RCEP với Trung Quốc là con ngựa thành Troy đối với sự hội nhập chính trị của Á Châu

Hình ảnh Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trên màn hình (phải) khi phát biểu trước những người đồng cấp trong Hội nghị Cấp cao Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 4 tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội, Việt Nam hôm 15/11/2020. (Ảnh: Nhac Nguyen/AFP/Getty Images) Đông Dương

Các đồng minh của Hoa Kỳ có nguy cơ rơi vào tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh một cách không thể cứu vãn.

Bắc Kinh đang thúc đẩy việc nhanh chóng thực hiện thỏa thuận thương mại tự do RCEP vốn sẽ ràng buộc các đồng minh của Hoa Kỳ đã ký kết tham gia — bao gồm Nhật Bản, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, và Philippines – ngày càng gần chặt hơn với Trung Cộng.

Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) đang thúc đẩy để nhanh chóng thực hiện thỏa thuận thương mại tự do “ràng buộc” của Bắc Kinh, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), sẽ có hiệu lực với các nước phê chuẩn từ ngày 01/01/2022.

Mười lăm quốc gia đã ký hiệp định này vào năm 2020. Theo một tuyên bố của MOFCOM được công bố hôm 06/11, 10 quốc gia, bao gồm các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ là Nhật Bản, Úc, và New Zealand, đã phê chuẩn hiệp định trong tháng này, đảm bảo rằng hiệp định sẽ có hiệu lực.

Trung Quốc, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam cũng đã phê chuẩn hiệp định này.

Hàn Quốc và Philippines là hai đồng minh thân cận khác của Hoa Kỳ đã ký hiệp định RCEP, mặc dù họ chưa phê chuẩn.

Theo Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Úc, ngưỡng để RCEP có hiệu lực đã đạt được hôm 02/11, khi Úc và New Zealand phê chuẩn thỏa thuận này. Bộ trưởng, nghị sĩ Dan Tehan, đã quảng bá RCEP như một phương tiện để các doanh nghiệp Úc tiếp cận thị trường ngoại quốc, mà không đề cập rằng họ cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà xuất cảng Trung Quốc và các nhà xuất cảng khác vào thị trường Úc. Trong thông báo, khi đề cập đến “mối lo ngại nghiêm trọng” của Úc về bạo lực đối với dân thường ở Miến Điện (Myanmar), vị này đã không đề cập đến bất kỳ mối quan ngại nào về nạn diệt chủng đang diễn ra ở Trung Quốc, hoặc các mối đe dọa chiến tranh chống lại Hoa Kỳ, Đài Loan, Philippines, và Úc. Đây là hệ quả của hoạt động thương mại hấp dẫn với Trung Quốc: làm ngơ trước sự lạm dụng nhân quyền và phô trương về luật pháp quốc tế.

Việc phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do dưới sự ép buộc do bị đe dọa quân sự, vốn là tình trạng của Úc ngày nay, sẽ khiến thỏa thuận này trở nên vô hiệu.

(Trái-phải) Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton, Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken, và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin chụp ảnh nhóm tại Bộ Ngoại giao ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 16/09/2021. Hoa Kỳ thông báo một liên minh mới với Úc và Anh để tăng cường khả năng quân sự khi đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy, với việc Canberra sẽ có được hạm đội tàu ngầm hạt nhân và tên lửa hành trình của Hoa Kỳ. (Ảnh: Andrew Harnik/POOL/AFP qua Getty Images)

Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc ước tính rằng RCEP sẽ giúp Trung Quốc nhiều hơn các nước khác về lợi nhuận tuyệt đối tính bằng tiền. Ước tính của Học viện được đưa vào một báo cáo công bố hôm 07/11. Theo mô phỏng của Học viện này, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ “mức tăng phúc lợi kinh tế” là 99.6 tỷ USD vào năm 2035, trong đó ASEAN và Nhật Bản được hưởng lợi lần lượt là 67 tỷ USD và 51.2 tỷ USD. Theo báo cáo này, trong tất cả các nước, nhập cảng của Trung Quốc được cho là sẽ tăng nhiều nhất, 10.55%, trong đó xuất cảng của Hàn Quốc tăng nhiều nhất, 7.84%.

Không rõ Học viện đã mô hình hóa sự thiệt hại của các doanh nghiệp nhỏ và kém cạnh tranh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương do sự cạnh tranh lớn hơn từ các nhà xuất cảng mạnh nhất trong khu vực, hiện đã mở ra trên tất cả các thị trường RCEP, là tới mức độ nào.

Dường như Học viện cũng đã không tính các tác động của việc Bắc Kinh thường xuyên sử dụng thương mại như một vũ khí chính trị chống lại các quốc gia đòi hỏi sự minh bạch hơn, ví dụ, về nguồn gốc của COVID-19, hoặc về nhân quyền và dân chủ ở Trung Quốc. Ảnh hưởng của việc Bắc Kinh có nhiều tiền hơn để ngược đãi Đài Loan, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư của họ, và Pháp Luân Công có thể không được đưa vào phân tích. Những yếu tố vô hình đó làm mất hiệu lực của bất kỳ kết luận nào rằng việc trao quyền cho Bắc Kinh tham gia hoạt động thương mại tự do nhiều hơn là tốt cho tất cả mọi người. RCEP không phải là một sự cải thiện mà ở đó các bên đều tốt lên.

Một mức độ độc lập về kinh tế quốc gia là rất hữu ích trong trường hợp khẩn cấp – điều này đã trở nên rõ ràng trong đại dịch, khi các quốc gia không thể có đủ thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), máy thở, và vaccine để giữ mạng cho người dân của họ. Các hiệp định thương mại tự do, được vận động bởi các nhà xuất cảng có lợi ích đặc biệt, những người sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, thường không tính đến hậu quả của các trường hợp khẩn cấp trong tương lai khi chỉ nỗ lực giảm thiểu giá cả trong những trường hợp không khẩn cấp. Họ thường không tính đến những tác động tiêu cực của các hiệp định thương mại tự do đối với các doanh nghiệp nhỏ ở địa phương do sự cạnh tranh gia tăng từ các nhà xuất cảng lớn của ngoại quốc. Mất việc làm, và những tác động thứ cấp của chúng – chẳng hạn như thất thu ngân sách của chính phủ và sự phụ thuộc chính trị vào các quốc gia, những nơi có thể là phi tự do và độc tài như Trung Quốc dưới thời Trung Cộng – thường được xem xét một cách thiếu đầy đủ, nếu không nói là không xem xét một chút nào, trong các mô phỏng kinh tế về thương mại quốc tế.

RCEP là nguy hiểm

Khi RCEP có hiệu lực vào ngày 01/01, Bắc Kinh có kế hoạch nhanh chóng giảm thuế quan, và sẽ yêu cầu các nước RCEP khác cũng làm như vậy. Theo tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc “sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ với hải quan của các quốc gia thành viên khác để đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy tắc xuất xứ của hiệp định này.”

Đừng mong đợi về sự trung thực thật sự từ phía Trung Cộng. Họ rất giỏi trong việc đưa ra những lời hứa và sau đó sáng tạo cách thức để thoái thác khỏi các nghĩa vụ của mình, dù đó là việc họ đang ép buộc Hồng Kông về chính trị phi đạo đức, bất chấp lời hứa năm 1984 với Anh là không làm như vậy, hay nỗ lực chiếm toàn bộ Biển Đông, bất chấp lời hứa trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) là tôn trọng các vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác.

Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ cầm một biểu ngữ có ảnh các tù nhân chính trị trong cuộc biểu tình ở quận Wan Chai, Hồng Kông hôm 01/10/2021 (Ảnh: Anthony Kwan/Getty Images)

Điều này cho thấy một mối nguy lớn khác đối với các nước RCEP: Bắc Kinh có thể sử dụng các hàng rào phi thuế quan để bảo vệ các ngành công nghiệp của Trung Quốc, trong khi tự thấy có quyền đòi hỏi những thay đổi đối với luật pháp địa phương ở ngoại quốc để làm thông thương các mặt hàng xuất cảng của mình. Với RCEP, Bắc Kinh đặt được một chân trong nhà quý vị.

Tệ hơn nữa, RCEP có tính ràng buộc và tại một thời điểm nào đó có thể được giải thích một cách rất rộng bởi Bắc Kinh, quốc gia có lịch sử diễn giải lung tung về luật pháp và chuẩn mực quốc tế để phù hợp với nghị trình [nắm] quyền lực ngày càng cao của Trung Cộng. Vào một thời điểm nào đó, Bắc Kinh có thể cố gắng để chuyển hoá hội nhập kinh tế của các nước RCEP thành hội nhập chính trị – với Trung Cộng dẫn đầu. Trong cách giải thích RCEP của Bắc Kinh đã có nhiều tư tưởng theo những hướng này rồi.

Đây là cách các nhà nước và đế chế được xây dựng từ các chính thể và quốc gia độc lập trước đây. Quốc gia đứng đầu sử dụng chủ nghĩa gia tăng dần áp lực, ve vãn, ép buộc, và đôi khi là dùng bạo lực, để áp đặt các hình thức tập quán, tiêu chuẩn, biện pháp, luật, ngôn ngữ, và thủ tục hành chính có tính ràng buộc và “hợp lý hóa” lên các quốc gia phụ thuộc. Phương pháp xây dựng nhà nước căn bản này đã được các hoàng đế từ Augustus ở La Mã vào thế kỷ 1 trước Công nguyên đến Charlemagne ở Pháp vào thế kỷ 8 áp dụng và hiện đang được Trung Cộng sử dụng, theo một cách rõ ràng, ở Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông, và Đài Loan.

Tuy nhiên, hoàn toàn có khả năng Bắc Kinh có thể vượt ra ngoài các lãnh thổ “của Trung Quốc” khi sức mạnh kinh tế và quân sự của họ ngày càng tăng thông qua sự xâm nhập của các khối thương mại ngày càng rộng lớn. Cuối cùng, Bắc Kinh có thể sử dụng RCEP như một cái cớ để áp đặt quy tắc của mình đối với tất cả các quốc gia dại dột đến mức tham gia vào. Trung Cộng sẽ thực hiện theo vở kịch của mình trong việc chiếm lấy Biển Đông bằng cách lấy cớ về đường chín đoạn, vốn là một nét vẽ nguệch ngoạc có niên đại từ bản phác thảo của một nhà địa lý ít người biết vào những năm 1930. Giờ đây, đó là biện minh của Trung Cộng cho việc chiếm một vùng lãnh thổ trên biển có kích thước bằng Ấn Độ.

RCEP chỉ có lợi cho Trung Quốc

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, “các nghĩa vụ ràng buộc liên quan đến hiệp định” bao gồm “đơn giản hóa thủ tục hải quan, tiêu chuẩn sản phẩm, các biện pháp mở cửa thương mại dịch vụ, cam kết về danh mục cấm và hạn chế đầu tư, thương mại điện tử, cam kết bảo hộ sở hữu trí tuệ toàn diện, các biện pháp và thủ tục hành chính.”

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, RCEP sẽ có lợi cho các công ty Trung Quốc tuân theo chỉ thị của đảng là “đi ra ngoài” và tham gia vào thương mại quốc tế. RCEP “sẽ tăng cường việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành và sử dụng các tiêu chuẩn để cung cấp một động lực mạnh mẽ cho ngành sản xuất Trung Quốc “vươn ra toàn cầu.”

Tại Trung Quốc, Bộ này đã tổ chức “3 khóa đào tạo đặc biệt cấp quốc gia về RCEP, bao gồm tất cả các thành phố cấp tỉnh, các khu thương mại tự do thí điểm và các khu phát triển kinh tế quốc gia. Số lượng người tham gia khóa đào tạo đã vượt quá 66,000 người, và hơn 70% là đại diện doanh nghiệp.”

Theo Bộ này, chính quyền địa phương, hải quan, và các hiệp hội ngành đã tiến hành đào tạo bổ sung, thực hiện thêm “600 khóa đào tạo các loại với hơn 100,000 người tham gia.”

Bộ này tuyên bố rằng RCEP, một khi được thực hiện, sẽ “thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.” Bộ này gọi RCEP là một “bước phát triển lớn mới trong hội nhập kinh tế khu vực Đông Á.”

Trung Cộng cũng coi RCEP là một phương tiện chuyển giao công nghệ. Bộ này cho rằng hiệp định sẽ “tăng cường hỗ trợ kinh tế và kỹ thuật cho các nền kinh tế đang phát triển và các nền kinh tế kém phát triển nhất để dần dần thu hẹp sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các thành viên, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển khu vực đồng bộ và cân bằng, và thúc đẩy việc thiết lập một mô hình mới về hội nhập kinh tế mở ở khu vực.”

Bắc Kinh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mình thông qua việc tự gọi mình là quốc gia đang phát triển hoặc có thu nhập trung bình và yêu cầu đối xử đặc biệt, chẳng hạn như tại Tổ chức Thương mại Thế giới, Ngân hàng Thế giới và trong các cuộc đàm phán về khí hậu với các nước phát triển. Theo Trung Cộng, các nước giàu có nên thực hiện các hoạt động chuyển giao đắt đỏ – về tín dụng carbon, các khoản vay được trợ cấp và công nghệ – cho thế giới đang phát triển, trong đó Bắc Kinh tự coi mình là nước đi đầu và hưởng lợi nhiều nhất.

Bỏ qua thực tế là Trung Quốc đại lục vẫn nghèo, theo các thước đo quốc tế về sự giàu có bình quân đầu người, vì các chính sách kinh tế cộng sản đã thất bại do Trung Cộng áp đặt. Và bỏ qua việc Bắc Kinh tận dụng tối đa sức lao động rẻ mạt của người dân Trung Quốc để thu lợi từ việc xuất cảng giá rẻ ra thế giới—lợi nhuận được sử dụng để xây dựng quân đội Trung Quốc, lợi nhuận này được sử dụng để đe dọa Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, bao gồm đáng chú ý nhất là Đài Loan, với chiến tranh.

Các thủy thủ hải quân Trung Quốc diễu hành theo đội hình trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập chế độ cộng sản Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1949 ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 01/10/2019. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Bỏ qua tất cả những điều đó, các đồng minh của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Úc, đang trình bày RCEP như một điều hoàn toàn tốt đẹp. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, sau khi RCEP có hiệu lực, “hơn 90% thương mại hàng hóa giữa các thành viên phê duyệt cuối cùng sẽ đạt được mức thuế bằng 0.”

Bộ này lập luận rằng “Với việc thực hiện các quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan, kiểm tra và kiểm dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy tắc hàng hóa khác, việc cắt giảm thuế quan và bãi bỏ hàng rào phi thuế quan sẽ có tác động tăng cường, nâng cao đáng kể quan hệ thương mại giữa các thành viên.”

Hệ thống kinh tế lớn hơn của Bắc Kinh ở Á Châu, thông qua việc áp đặt các quy tắc RCEP, sẽ lớn hơn tổng các bộ phận kinh tế độc lập trước đây của họ.

Theo Bộ này, các hiệp định thương mại dịch vụ RCEP sẽ bao gồm tài chính, viễn thông, giao thông vận tải, du lịch, giáo dục, và hơn thế nữa. Bảo hộ đầu tư được tăng cường sẽ thúc đẩy sự mở rộng đầu tư lẫn nhau của các doanh nghiệp từ các quốc gia khác nhau trong khu vực và, đặc biệt, là các doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo tuyên bố của MOFCOM, “RCEP sẽ củng cố và thúc đẩy sự hợp nhất của các chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong khu vực.”

Những nguy cơ của RCEP

Trong khi chúng ta nên tách rời khỏi Trung Cộng do sự xâm lược quân sự và hành động tàn bạo về nhân quyền của họ, thì Úc, New Zealand và Nhật Bản đang đi theo hướng ngược lại.

Có một nguy cơ là RCEP sẽ được sử dụng cho các mục đích chính trị để ràng buộc các quốc gia và luật pháp trong nước của họ với Trung Quốc, ngay cả khi vào một thời điểm nào đó trong tương lai họ muốn được tự do. Theo Bộ này, RCEP sẽ “tăng cường các chức năng phục vụ của chính phủ địa phương” và “hướng dẫn các chính phủ địa phương thực hiện nghiêm túc các luật, quy định và quy tắc trong nước tương ứng với các nghĩa vụ bắt buộc của hiệp định.”

Theo MOFCOM: RCEP sẽ “Đẩy nhanh sự phát triển của các định dạng và mô hình ngoại thương mới, và tạo động lực mới cho sự phát triển ngoại thương. Đồng thời, các chính phủ địa phương được khuyến khích thực hiện đầu tư chính xác vào chuỗi công nghiệp, và tăng cường đảm bảo dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc.”

RCEP rõ ràng có một yếu tố chính trị đối với Bắc Kinh. Đây không chỉ là về thương mại.

Theo Bộ này, “Các quốc gia thành viên của RCEP cùng thúc đẩy hiệp định có hiệu lực như dự kiến, đồng thời gửi các tín hiệu mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, ủng hộ tự do thương mại và bảo vệ hệ thống thương mại đa phương, hệ thống mà sẽ thúc đẩy hơn nữa sự tự tin và quyết tâm của các quốc gia thành viên cùng hợp tác để đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch.”

Tuyên bố của MOFCOM tiếp tục, “Sau khi RCEP được thực hiện đầy đủ, khối này sẽ thúc đẩy gần một phần ba khối lượng kinh tế thế giới hình thành một thị trường quy mô siêu lớn thống nhất. Không gian cho sự phát triển là vô cùng rộng lớn, và khối này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế khu vực và thậm chí toàn cầu.”

Đối với Bắc Kinh, RCEP đặc biệt quan trọng cho sự thâm nhập thị trường ngoại quốc của các hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc, hỗ trợ rõ ràng cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo MOFCOM, thỏa thuận sẽ “phát huy hết tác dụng của các hỗ trợ và dịch vụ do các tổ chức doanh nghiệp ở ngoại quốc của Trung Quốc trong khu vực RCEP cung cấp cho các doanh nghiệp địa phương được Trung Quốc tài trợ để sử dụng thỏa thuận được hiệu quả.”

“Đồng thời, RCEP phát huy hết vai trò của các công ty cung cấp dịch vụ nền tảng triển lãm lớn như Hội chợ Nhập cảng Quốc tế Trung Quốc, Hội chợ Hàng hóa Xuất nhập cảng Trung Quốc, Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc, Hội chợ Thương mại và Đầu tư Quốc tế Trung Quốc, Hội chợ Trung Quốc-ASEAN và các công ty dịch vụ nền tảng triển lãm lớn khác để mở rộng thương mại và đầu tư sang các nước RCEP.”

tập cận bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trên màn ảnh truyền hình tại một trung tâm truyền thông tại lễ khai mạc Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE) ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 04/11/2021. (Ảnh: Andrew Galbraith/Reuters )

Kết luận

RCEP là một phương tiện đắc lực cho sự mở rộng kinh tế và chính trị của Trung Quốc sang 15 quốc gia đã ký hiệp định, gây tổn hại cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ của họ, và với cái giá phải trả là không chỉ về sự độc lập về kinh tế, mà còn ngày càng nặng hơn là, sự độc lập về chính trị của họ. Chịu nguy cơ rủi ro là sự đa dạng về sắc tộc và chính trị của Á Châu, bao gồm các nền dân chủ dễ bị tổn thương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Úc, và New Zealand.

Các quốc gia RCEP càng tiến gần đến Bắc Kinh, các mối quan hệ kinh tế của họ sẽ càng được sử dụng để tác động đến trung tâm chính trị của họ. Các nhà lãnh đạo chính trị ở các nền dân chủ, những người thường phụ thuộc vào các khoản quyên góp từ chiến dịch tranh cử để tái đắc cử, sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương trước những lợi ích đặc biệt mới được củng cố của các nhà xuất cảng sang RCEP nói chung và Trung Quốc nói riêng. Bắc Kinh sẽ sử dụng sự phụ thuộc thương mại đó để thu lợi đến tận cùng.

Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (“Tập Trung Quyền Lực”) và “No Trespassing” (“Không Xâm Phạm”), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (“Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn”).

Bình Hòa biên dịch

Related posts