Quân đội Trung Cộng mưu toan phá hủy cảng ngoại quốc

Anders Corr

Một thiết bị bay không người lái của quân đội Trung Cộng được giới thiệu trong cuộc diễn hành quân sự trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 03/09/2015. (Ảnh: Rolex Dela Pena/AFP/Getty Images) Bình luận

Các vụ phá nổ tàng hình dưới nước, chiến đấu cơ không người lái, và trí tuệ nhân tạo quân sự hé lộ mối đe dọa về công nghệ của Trung Cộng.

Quân đội Trung Cộng đang tiết lộ về một loạt công nghệ quân sự phức tạp, từ các cuộc tấn công tàng hình dưới nước nhắm vào các cảng ngoại quốc, đến các chiến đấu cơ không người lái và trí tuệ nhân tạo quân sự (AI).

Theo Thời báo Hoàn cầu (Global Times), một hãng thông tấn dân tộc chủ nghĩa cực đoan do Trung Cộng (Đảng Cộng sản Trung Quốc) kiểm soát, quân đội Trung Quốc đang thử nghiệm các vụ nổ tàng hình dưới nước, nhằm mục đích phá hủy các cảng ở ngoại quốc.

Trên một chương trình của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Đại tá Zhao Pengduo, Phó Giám đốc Chương trình Thử nghiệm Phá hủy Quân cảng, tuyên bố: “Nếu chúng ta có thể vận dụng các biện pháp tàng hình, như các vụ nổ dưới nước để phá hủy các cảng, chúng ta có thể tiêu diệt tiềm năng chiến tranh của địch thủ. 

Phòng trường hợp phương Tây bỏ qua, Thời báo Hoàn cầu đã dịch hẳn ra và công bố các bình luận này vào ngày 25/10. Cuộc thử nghiệm này và việc công bố các bình luận trên bằng Anh ngữ, có thể là một cố gắng để chứng minh độ khả tín về mối đe dọa hải quân của Trung Cộng đối với Hoa Kỳ khi căng thẳng gia tăng về các vấn đề Đài Loan, Biển Đông, và quần đảo Senkaku của Nhật Bản. Tất cả những khu vực này đều bị Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của bản thân. Qua đó Trung Cộng tiết lộ ý định không ngay chính của mình.

Các cảm biến khoa học đã được đặt trên một cầu cảng nhỏ để thử nghiệm trước khi bị phá hủy. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin nói rằng “khi vụ nổ xảy ra, gần 1,000 thông tin dữ liệu đã được thu thập, sau đó được phân tích để đánh giá chính xác mức độ hư hại của cầu cảng này… lưu ý rằng điều này sẽ cung cấp hỗ trợ khoa học để tấn công các cảng thù địch trong một cuộc chiến thực sự”.

Thời báo Hoàn cầu trích dẫn ý kiến của một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh cho rằng, “Chiến thuật này có thể đóng một vai trò quan trọng trong nhiều kịch bản chiến đấu, bao gồm cả việc chống lại các cuộc hải chiến của Hoa Kỳ nhằm vào Trung Quốc”.

Vị chuyên gia này tiếp tục, “Vì hiện giờ Hoa Kỳ đã nhận thức được rằng các tàu lớn như hàng không mẫu hạm và các cơ sở quân sự lớn gần Trung Quốc của họ rất dễ bị tấn công, nên họ đang phân tán các lực lượng của mình đến … những địa điểm nhỏ hơn”.

Vị chuyên gia này cho rằng sự phân tán của Hải quân Mỹ sẽ khiến các vấn đề về hậu cần, chỉ huy, và thông tin liên lạc trở nên khó khăn hơn, điều này có thể buộc các tàu của Hoa Kỳ phải dựa vào nhiều cảng trong khu vực, vốn dễ bị Trung Quốc tấn công bằng các vụ nổ tàng hình dưới nước. Rõ ràng chiến lược quân sự của Bắc Kinh là nhằm đánh bại các chuỗi hậu cần gắn liền với cảng mà các lực lượng hải quân Hoa Kỳ và đồng minh dựa vào.

Các thiết bị bay không người lái được hỗ trợ bởi AI có thể trợ giúp cho các vụ nổ tàng hình dưới nước. Cũng đáng lo không kém là một báo cáo mới của Đại học Georgetown, khẳng định rằng quân đội Trung Quốc có thể đang chi tiêu cho AI nhiều hơn Hoa Kỳ.

Một chiếc xe tải chở thiết bị bay không người lái do Trung Quốc sản xuất, ASN-207, tham gia một cuộc diễn hành quân sự ở Bắc Kinh vào ngày 01/10/2009. (Ảnh: Vincent Thian/AP)

Dựa trên các hồ sơ mua sắm quân sự công khai của Trung Cộng, các nhà nghiên cứu tại Đại học Georgetown kết luận rằng quân đội Trung Cộng chi từ 1.6 tỷ đến 2.7 tỷ USD hàng năm cho AI; trong khi năm ngoái Hoa Kỳ chỉ chi từ 800 triệu đến 1.3 tỷ USD. Theo báo cáo, Hoa Kỳ có thể là nguồn cung cấp công nghệ AI chính của quân đội Trung Cộng.

Nhà nghiên cứu Ryan Fedasiuk tại Đại học Georgetown, đồng tác giả của báo cáo này, tuyên bố quân đội Trung Cộng đã mua các hệ thống AI “được thiết kế để nhận diện các phương tiện dưới biển, các hoạt động diễn tập chiến tranh Đài Loan, theo dõi các tàu của Hải quân Hoa Kỳ, và khai triển các biện pháp đối phó điện tử.”

AI cũng sẽ rất quan trọng đối với tương lai của không chiến. Các mô phỏng trong vài năm vừa qua đã cho thấy các chiến đấu cơ được AI hỗ trợ thường vượt trội hơn so với các chiến đấu cơ cùng loại chỉ do con người điều khiển.  

Hôm 29/10, tờ Nam Hoa Tảo Báo (SCMP) đưa tin cho hay lực lượng không quân của Trung Quốc có thể thử nghiệm chiến đấu cơ tàng hình hai chỗ đầu tiên trên thế giới trong vòng hai tuần tới. Một phi công sẽ điều khiển chiếc phi cơ này, một phiên bản biến tấu của J-20 Uy Long (Mighty Dragon), và phi công còn lại sẽ vận hành các phi cơ không người lái được AI hỗ trợ để bay cùng nhằm “yểm trợ trung thành” cho J-20 trong trận chiến.

Theo tờ SCMP thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba Trung Quốc, “Các chuyên gia tuyên bố phiên bản biến tấu này cho thấy Trung Quốc đã đánh bại Hoa Kỳ và các đối thủ khác.” Bản tin [của SCMP] cho biết, việc phát triển phiên bản J-20 biến tấu “là một nỗ lực minh chứng rằng khái niệm thống trị trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) của Hoa Kỳ có thể được áp dụng thành công trong công nghệ phi cơ của Trung Quốc”.

Các thông tin trước đó về việc Trung Quốc phát triển hỏa tiễn siêu thanh và lắp đặt hàng trăm hầm chứa hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa ở khu vực Tân Cương càng làm tăng thêm những lo ngại gần đây về các vụ thử nghiệm nổ dưới nước, những tiến bộ trong AI, và sự phát triển chiến đấu cơ tàng hình, vẽ nên một bức tranh u ám về những ý đồ và sự sẵn lòng của Trung Cộng trong việc thực hiện các mục tiêu như xâm lược Đài Loan.

Gần đây, các nhà lập pháp và cơ quan quản lý của Hoa Kỳ đã phản ứng trước hành vi đe dọa ngày càng tăng của Bắc Kinh, chủ yếu qua việc chặn đứng tình trạng Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ để trợ giúp cho tổ hợp công nghiệp-quân sự của mình. Một cách hiệu quả để tiếp cận vấn đề này là kiểm soát chặt chẽ một số công ty công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc.

Ngày 26/10, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã yêu cầu xem xét thu hồi giấy phép hoạt động của một công ty con của China Telecom tại Hoa Kỳ vì lý do an ninh quốc gia.

Ngày 28/10, Thượng viện Hoa Kỳ đã đồng thuận bỏ phiếu thông qua dự luật ngăn cản các cơ quan quản lý Hoa Kỳ cấp giấy phép thiết bị mới cho năm công ty được nêu tên trong “Danh sách Các Thiết bị hoặc Dịch vụ Được Quy định” của FCC. Các công ty này bao gồm Huawei, ZTE, Hytera, Hikvision, và Zhejiang Dahua, tất cả đều bị coi là những mối đe dọa an ninh.

Trước đó, Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua dự luật này, với tỷ lệ 420-4. Được đa số ủng hộ ở lưỡng viện bảo đảm cho dự luật này không thể bị phủ quyết, do đó Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật vào ngày 11/11.

Nhưng cho đến nay, những hạn chế đối với khả năng Bắc Kinh đánh cắp công nghệ Mỹ là hoàn toàn không đủ. Nghiên cứu của Đại học Georgetown cho thấy Bộ Thương mại Hoa Kỳ chỉ hạn chế 22 trong số 273 công ty cung cấp cho quân đội Trung Quốc. Nhà phân tích Fedasiuk đã viết trong một tweet rằng, “Hầu như không có công ty nào bị trừng phạt về mặt tài chính”.

Hoa Kỳ phải nghiêm túc hơn nữa trong việc đánh bại các kế hoạch của Bắc Kinh nhằm đánh cắp công nghệ Mỹ và sử dụng nó để xây dựng sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Cộng để chống lại dân chủ và nhân quyền trên quy mô toàn cầu. Trước khi ngăn chặn được vấn đề rò rỉ công nghệ, trợ cấp nhiều hơn cho công nghệ Mỹ chỉ có thể làm sự tình tệ hơn. Ví dụ, Đạo luật về Cạnh tranh và Đổi mới trị giá 250 tỷ USD của Hoa Kỳ hiện đang bị trì hoãn tại Hạ viện. Đạo luật này bao gồm các khoản trợ cấp công nghệ khổng lồ nhằm mục đích cạnh tranh với Trung Quốc, và cần được sửa đổi để bảo đảm rằng Trung Cộng không được hưởng lợi từ đó nhiều hơn Hoa Kỳ.

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (Tập Trung Quyền Lực) và “No Trespassing” (Không Xâm Phạm), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn).

Yến Nhi biên dịch

Related posts