Ngũ Giác Đài No. 2: Vũ khí siêu thanh của Trung Quốc có thể là vũ khí hạt nhân ‘được sử dụng đầu tiên’

Andrew Thornebrooke

Trung tướng John E. Hyten, Phó Tư lệnh Không gian của Lực lượng Không quân, diễn thuyết về việc các hoạt động không gian mạng là một chất xúc tác rõ ràng cho sự thay đổi trong nghệ thuật và khoa học của chiến tranh hiện đại như thế nào, tại một bữa tiệc trưa Cyber 1.3 của tổ chức Space Foundation ở khách sạn The Broadmoor, Colorado Springs, Colorado, hôm 08/04. (Ảnh: Ảnh của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ/Duncan Wood)

Theo một quan chức cao cấp thứ hai của Ngũ Giác Đài, việc chế độ Trung Quốc sử dụng hệ thống vũ khí siêu thanh mới có thể cho thấy rằng quốc gia này đang chuyển hướng khỏi cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên trong một cuộc xung đột tiềm tàng.

“Chúng trông giống như một thứ vũ khí [dành cho] việc sử dụng đầu tiên vậy,” theo Phó Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng John Hyten cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CBS. “Đó là liên tưởng của tôi về những vũ khí loại đó.”

Các bình luận của ông Hyten, người sắp nghỉ hưu trong tuần này, đã đề cập đến vụ thử nghiệm một phương tiện lướt siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với hệ thống bắn phá quỹ đạo hồi cuối tháng Bảy, vốn được cho là đã thu hút sự bất ngờ của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ.

Ông Hyten cho biết, “Họ đã phóng một hỏa tiễn tầm xa. Nó đã đi vòng quanh thế giới, [sau đó] thả một phương tiện lướt siêu thanh đã di chuyển một quãng đường dài để về lại Trung Quốc, vốn lao trúng một mục tiêu ở Trung Quốc.”

Hệ thống này rất đáng lo ngại vì các hệ thống cảnh báo sớm hiện tại của Hoa Kỳ được thiết kế để phát hiện hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa truyền thống (ICBM) chứ không phải phương tiện lướt siêu thanh (HGV).

“Chúng tôi chỉ không biết làm thế nào để chúng tôi có thể phòng ngự trước công nghệ đó,” đại sứ giải trừ quân bị Hoa Kỳ Robert Wood cho biết trong một cuộc họp báo hồi tháng Mười.

Đó là bởi vì ICBM hoạt động bằng cách phóng ra khỏi bầu khí quyển và quay trở lại bầu khí quyển theo một quỹ đạo parabol tương đối đơn giản.

Tuy nhiên, phương tiện lướt siêu thanh được bắn vào không gian bằng hỏa tiễn hoặc hỏa tiễn đạn đạo và sau đó được phóng đi để lướt tới mục tiêu dọc theo tầng khí quyển. Chúng bay ở độ cao thấp hơn ICBM và có thể thay đổi mục tiêu và quỹ đạo dự định liên tục trong suốt đoạn đường của mình, [đồng thời] cản trở hiệu quả các hệ thống phòng thủ hiện tại ngay khi vào trong quỹ đạo.

Những lo ngại tương tự rằng việc Bắc Kinh theo đuổi năng lực siêu thanh có thể báo hiệu sự chuyển hướng khỏi chính sách không là bên sử dụng vũ khí hạt nhân lâu đời của Trung Quốc đã được đưa ra trong một báo cáo hồi đầu tuần.

Báo cáo mới này của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ – Trung Quốc cảnh báo rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể ngấm ngầm rời bỏ chính sách “không là bên đầu tiên sử dụng” (“no first use”) lâu nay của mình, quy định rằng loại vũ khí này sẽ chỉ được sử dụng để đáp trả cuộc tấn công đầu tiên của kẻ gây hấn.

Báo cáo này cho biết, một số chỉ báo rằng đây có thể là trường hợp đó, bao gồm các cuộc tranh luận trong quân đội Trung Quốc về khả năng tồn tại của việc sử dụng đầu tiên này, việc nhà cầm quyền này xây dựng [hệ thống] vũ khí hạt nhân mới và việc áp dụng các giao thức cảnh báo khi phóng gần đây, nghĩa là họ sẽ khởi động các cuộc phản công hạt nhân chống lại những kẻ gây hấn bị tình nghi sử dụng hạt nhân trước khi xác minh rằng cuộc tấn công đầu tiên [bằng hạt nhân] đã thực sự xảy ra.

“Lập trường về hạt nhân của Trung Quốc cũng có thể hỗ trợ một chiến lược hạt nhân tham vọng hơn, trong đó hình dung việc hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu tiên như một phương tiện hợp pháp để đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc trong khu vực,” báo cáo này cho biết.

“Nếu chính thức bị gạt ra ngoài lề, một chiến lược như vậy sẽ phù hợp với các cuộc tranh luận trí tuệ quan trọng, từng diễn ra trong quá khứ về cách Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để thắng thế trong các cuộc chiến tranh và liệu nước này có nên loại bỏ chính sách không là bên sử dụng đầu tiên này hay không.”

Hôm 17/11, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đặt nhẹ mối đe dọa do vũ khí siêu thanh gây ra trong một cuộc họp báo, nói rằng quân đội Hoa Kỳ đang tiến bước nhanh nhất có thể và duy trì lợi thế trước Trung Quốc.

“Chúng tôi tiếp tục chuyển động nhanh nhất có thể để phát triển các khả năng,” ông Austin nói. “Và một lần nữa, chúng tôi xem xét đầy đủ các khả năng chứ không chỉ một khả năng cụ thể khi chúng tôi xem xét các địch thủ của mình.”

Ông Austin cho biết: “Tôi tin rằng chúng tôi có năng lực mạnh mẽ về mọi mặt.”

Nhận xét của ông Austin hoàn toàn trái ngược với các báo cáo gần đây về việc năng lực quân sự của Hoa Kỳ đang suy giảm.

Các nhận xét đó cũng trái ngược với những nhận xét khác của ông Hyten hồi cuối tháng Mười, khi ông nói rằng các nỗ lực quân sự của Hoa Kỳ nhằm chống lại Trung Quốc đã bị cản trở bởi một bộ máy quan liêu “tàn bạo” tại Ngũ Giác Đài, khiến các nền tảng vũ khí mất tới 20 năm để phát triển.

Tại thời điểm đó, ông Hyten cho biết Hoa Kỳ từng trong quá trình phát triển một hệ thống [vũ khí] siêu thanh tương tự vào năm 2011, mặc dù ban lãnh đạo không thích rủi ro đã loại bỏ dự án này.

Trong suốt một thập niên kể từ thời điểm đó, Trung Quốc đã tiến hành hàng trăm cuộc thử nghiệm về siêu thanh, ông Hyten nói. Trong khi đó, Hoa Kỳ mới chỉ thực hiện có chín lần.

Ông Hyten nói rằng, “Nhịp độ này [Trung Quốc đang] tiến triển và quỹ đạo mà họ đang đi sẽ vượt qua cả Nga và Hoa Kỳ nếu chúng ta không làm điều gì đó để thay đổi.”

“Chuyện đó sẽ xảy ra.”

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts