Chuyên gia: Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tại Hoa Kỳ thông qua TikTok và WeChat

Frank Fang

Có thể thấy một chiếc điện thoại di động hiển thị logo của các ứng dụng WeChat và TikTok của Trung Quốc đằng trước một màn hình hiển thị các lá cờ của Hoa Kỳ và Trung Quốc trên một trang internet, ở Bắc Kinh, hôm 22/09/2020 (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Hôm 17/11, một chuyên gia về Trung Quốc nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng chế độ cộng sản tại Bắc Kinh đang sử dụng các ứng dụng phổ biến như WeChat và TikTok để gây ảnh hưởng lên người Mỹ và cộng đồng người Hoa ở ngoại quốc.

“Nhất thiết phải nhớ rằng tất cả các công ty công nghệ Trung Quốc đều chịu sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ]”, bà Vương Á Thu (Wang Yaqiu), một nhà nghiên cứu cao cấp tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York, cho biết trong một phiên điều trần do Ủy ban Điều hành về Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ (CECC).

Bà Vương cho biết hồi tháng Chín, TikTok đã công bố rằng họ đang có 1 tỷ người dùng tích cực trên toàn thế giới, đây không phải là một ứng dụng truyền thông xã hội bình thường và nó khiến người dùng gặp phải rủi ro.

Bà nói, “Không có cách nào để người ngoài nhận biết được loại thông tin nào đang bị cấm hoặc được quảng bá trên TikTok là do ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc”.

“Những gì quý vị thấy trên TikTok không được quyết định nhiều bởi người mà quý vị theo dõi, mà là do thuật toán của công ty này tạo ra.”

“Nếu quý vị tìm kiếm hashtag Tân Cương (#Xinjiang), thì quý vị sẽ tìm thấy nhiều video có người Duy Ngô Nhĩ tươi cười và nhảy múa, nhưng lại không có quá nhiều video về các trại giam, sự kiểm soát và vi phạm nhân quyền,” bà Vương nói thêm. “Tại sao lại có sự việc này? Chúng tôi vẫn chưa biết”.

Hơn 1 triệu người dân tộc thiểu số Hồi giáo, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, và Kyrgyzstan, đang bị giam giữ trong khoảng 1,200 trại giam ở khu vực tây bắc Tân Cương của Trung Quốc, theo báo cáo về Nạn buôn Người năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Bắc Kinh tuyên bố những trại này là “các trung tâm đào tạo nghề”.

Bên trong những trại giam này, những người bị giam giữ được biết đến như là [nạn nhân] của vi phạm nhân quyền, bao gồm triệt sản cưỡng bức, phá thai cưỡng bức, cưỡng bức phụ nữ, tra tấn, lao động cưỡng bức , và trẻ em bị chia cắt khỏi gia đình.

Hồi tháng Một, Hoa Kỳ đã gọi chiến dịch đàn áp ở Tân Cương là một “tội ác diệt chủng” “tội ác chống lại loài người”.

cách trung quốc ảnh hưởng đến mỹ
Toàn cảnh tòa nhà TikTok ở Culver City, California, hôm 17/11/2020. (Ảnh: Valerie Macon/AFP/Getty Images)

Hồi tháng Ba, Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) có trụ sở tại Canberra đã chỉ ra điểm kỳ lạ trong cách xếp hạng video của TikTok, báo cáo mới nhất của họ nói về cách Bắc Kinh sử dụng mạng xã hội của Hoa Kỳ để tuyên truyền về Tân Cương.

Báo cáo này cho thấy một video với chú thích “Duy Ngô Nhĩ Tự do” và có 2,831 lượt thích đã được xếp hạng thứ 129 trên trang hashtag Tân Cương vào tháng Ba. Trong khi đó, ba video về cảnh đẹp của Tân Cương được xếp hạng trong top 10 và mỗi video có ít hơn 600 lượt thích.

“Có rất nhiều điều chúng tôi không biết về những gì mà các công ty công nghệ Trung Quốc đang làm ở Hoa Kỳ, những gì đang bị kiểm duyệt, được quảng bá, và bị cấm cũng như cách dữ liệu được truy cập, sử dụng, và chia sẻ,” bà Vương nói. “Và mức độ mà chính quyền Trung Quốc … bảo họ làm những điều này.”

Hồi tháng 10, Phó Chủ tịch TikTok, ông Michael Beckerman, đã điều trần trước Quốc hội vào thời điểm chính sách quyền riêng tư của công ty này đang được xem xét kỹ lưỡng. Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) đã hỏi ông Beckerman một số câu hỏi về việc liệu ngôn ngữ mơ hồ trong chính sách này có cho phép công ty mẹ của TikTok, công ty ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc, và các chi nhánh của công ty này, truy cập vào dữ liệu người dùng do TikTok thu thập hay không.

Việc ông Beckerman từ chối trả lời có hoặc không cho các câu hỏi đã khiến ông Cruz nói rằng giám đốc điều hành TikTok đang “che giấu điều gì đó”. Vị thượng nghị sĩ này nói thêm rằng ông Beckerman đã né tránh các câu hỏi “nhiều hơn bất kỳ nhân chứng nào” mà ông từng thấy tại Thượng viện.

WeChat

Bà Vương cho biết người Trung Quốc đại lục sống ở Hoa Kỳ vẫn phụ thuộc nhiều vào WeChat, là ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến nhất của Trung Quốc. WeChat thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc Tencent.

“Người ta không thể thiếu WeChat trong cuộc sống của họ,” bà Vương nói. “WeChat cung cấp sự tiện lời này để khiến tất cả chúng ta bị hút vào hệ thống đó”.

Bà cho biết ứng dụng này đang được sử dụng cho mọi thứ, từ thông tin và truyền thông đến tổ chức chính trị.

Bà Vương nói rằng, “Sự phụ thuộc nặng nề vào một ứng dụng dành cho mọi thứ này mang lại cho Bắc Kinh vĩ độ rất lớn để định hình quan điểm của cộng đồng người [Trung Quốc] ở hải ngoại theo cách có lợi hơn cho ĐCSTQ.”

“Ứng dụng này cho phép Bắc Kinh biết rất nhiều điều về những người đã rời khỏi Trung Quốc, cho đến những thứ như ai đang gặp ai, vào thời gian và địa điểm nào. Nó cũng cho phép Bắc Kinh có khả năng huy động một lượng nhân khẩu học quy mô lớn ở Hoa Kỳ.”

Hồi tháng 05/2020, Citizen Lab, cơ quan giám sát kỹ thuật số có trụ sở tại Canada đã tiết lộ trong báo cáo của mình rằng WeChat đã giám sát thông tin liên lạc giữa người dùng bên ngoài Trung Quốc để cải thiện thuật toán kiểm duyệt các tài khoản tại Trung Quốc.

Có khoảng 1.2 tỷ người dùng WeChat tích cực hàng tháng trên khắp thế giới. Theo lời khai bằng văn bản của bà Vương (pdf), hiện có khoảng 19 triệu người dùng WeChat tích cực hàng ngày ở Hoa Kỳ.

cách trung quốc ảnh hưởng đến mỹ
Một hình ảnh minh họa cho thấy logo của ứng dụng nhắn tin tức thời WeChat của Trung Quốc trên màn hình của một máy tính bảng, hôm 24/07/2019. (Ảnh: Martin Bureau/AFP/Getty Images)

Bà Vương đã ám chỉ đến một báo cáo gần đây của công ty bảo mật Mandiant Threat Intelligence của Hoa Kỳ để cảnh báo cách thức mà WeChat có thể khai thác một cách tương tự. Báo cáo đó cho thấy rằng các đặc vụ thân Bắc Kinh đã sử dụng hàng chục nền tảng truyền thông xã hội, trong đó có Facebook, Twitter, và YouTube, trong những nỗ lực không thành công để vận động người Hoa Kỳ gốc Á phản đối “bất công về chủng tộc” ở Hoa Kỳ.

Bà Vương nói rằng, “Chúng tôi không biết liệu các kế hoạch tương tự nhắm vào cộng đồng người Trung Quốc ở hải ngoại có đang diễn ra trên WeChat hay không vì rất khó để thực hiện nghiên cứu.”

Hơn nữa, bà Vương còn cảnh báo rằng WeChat có khả năng mở rộng cánh cửa cho chính quyền Trung Quốc thâm nhập vào các phong trào xã hội của Hoa Kỳ, vì cộng đồng người Hoa ở hải ngoại xưa nay vẫn sử dụng WeChat để tổ chức các hoạt động hỗ trợ hành động chống phân biệt đối xử.

Bà cũng cho biết, “Ý tưởng về một phong trào nhân quyền rất quan trọng ở Hoa Kỳ, và việc tổ chức phong trào này lại trên một nền tảng do chính quyền Trung Quốc kiểm soát, và có thể bị chế độ Trung Quốc thao túng, chắc chắn là một vấn đề đáng lo ngại.”

Bên cạnh đó, bà Vương cũng đã bày tỏ mối lo ngại về các cuộc biểu tình chống phân biệt người gốc Á ở thành phố New York vì một số hoạt động này được biết là được tổ chức trên WeChat. Bà đã đưa ra một số khuyến nghị cho các nhà lập pháp, bao gồm cả việc thông qua các dự luật để yêu cầu các công ty công nghệ hoạt động tại Hoa Kỳ phải minh bạch hơn.

“Tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đầu tư vào báo chí và truyền thông Hoa ngữ. Cung cấp thông tin dựa trên thực tế bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng tôi là một trong những cách hiệu quả nhất để chống lại ảnh hưởng xấu của Bắc Kinh.”

Các quan chức của TikTok và Tencent đã không phúc đáp ngay yêu cầu bình luận của The Epoch Times.

Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts