“TRÁI TIM LỠ NHỊP” : Những bổng trầm cứu rỗi

Lệ Thu

Đạo diễn Pháp nổi tiếng Jacques Audiard tại Liên hoan phim quốc tế Venise, Ý, lần thứ 75, ngày 02/09/2018. REUTERS/Tony Gentile

Có một sự kết hợp không phải dễ tìm thấy giữa nhạc cổ điển và những chi tiết bạo lực băng nhóm, nhưng cũng không hề làm mất đi những nét duyên dáng và hấp dẫn vốn có, tất cả đã được thể hiện thật xuất sắc trong bộ phim “Trái tim lỡ nhịp” của đạo diễn Jacques Audiard, điện ảnh Pháp. Bộ phim đã đạt được rất nhiều thành tựu trong các liên hoan phim lớn trên thế giới, đặc biệt, giành 8 trong số 10 đề cử giải Cesar năm 2005.

Với cái tên gốc là “De battre mon coeur s’est arrêté”, phim được làm lại từ bộ phim của điện ảnh Mỹ “Fingers” của đạo diễn James Toback, ra mắt lần đầu tiên vào năm 1978. Tuy nhiên, “Trái tim lỡ nhịp” được đánh giá là đã tạo nên một không gian hoàn toàn mới, vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của tác phẩm gốc. Người ta thấy ở đây một câu chuyện đẹp hơn, dày dặn, đa màu sắc hơn và đầy tính nhân văn hơn. Bởi vậy, kịch bản phim đã đạt giải Cesar dành cho “tác phẩm chuyển thể hay nhất”.

Bộ phim dài gần hai tiếng đồng hồ kể về Thomas, một chàng trai đã 28 tuổi, luôn bị dằn vặt giữa công việc buôn bán bất động sản mà cha anh áp đặt với những cách xử lí “bẩn thỉu”, ngoài vòng pháp luật và một đam mê nghệ thuật mơ hồ nằm trong máu, vốn được di truyền từ người mẹ là nghệ sĩ piano đã mất của anh. Một mặt, Thomas vẫn phải duy trì công việc làm ăn của mình đồng thời vẫn hướng tới mong ước sẽ phát huy tài năng thiên bẩm trong một ngày không xa.

Sức mạnh của âm nhạc

Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói công việc của Thomas và các cộng sự đang làm có chút “bẩn thỉu” và giống như một băng nhóm xã hội đen hơn là một công ty bất động sản. Họ thả chuột vào các tòa nhà mà họ đã dòm ngó từ trước với ý định khiến cho giá nhà hạ xuống để thu mua được với giá rẻ rồi sau đó sẽ bán cao kiếm lời. Họ cho người tới đập phá các khu chung cư bỏ hoang, đuổi những người vô gia cư khốn khổ ra ngoài đường, thậm chí đánh đập mọi người một cách tàn nhẫn… Tất cả chỉ để phục vụ cho việc bán chác được thuận lợi và dường như cả Thomas lẫn hai cộng sự của mình đều không mảy may suy nghĩ hay ân hận. Một việc làm không giết chóc ai, không ai phải chết mà họ lại kiếm được rất nhiều tiền. Đêm đêm, họ tự thưởng cho nhau những ly rượu bỏng cháy cổ họng, những cô em chân dài mướt mát và cả những pha choảng nhau sứt đầu mẻ trán để giải trí trong các quán bar.

Cuộc sống vốn dĩ đơn giản và cứ thế diễn ra ngày này qua ngày khác… cho đến khi… cái mã GEN trong máu Thomas trỗi dậy, cái “máu” của một nghệ sĩ dương cầm. Bà Sonia, mẹ của Thomas đã mất gần 10 năm trước, đó cũng là lúc anh ngừng chơi piano để theo nghiệp của cha. Nhưng trong căn hộ của anh vẫn còn cây đàn piano mẹ để lại, vẫn còn cả những băng cát sét thu âm của mẹ và những bản nhạc đã cũ. Cái đêm Thomas vô tình gặp lại ông Fox, người quản lí cũ của mẹ anh, là đêm định mệnh khiến anh trở lại với khát khao âm nhạc, đặc biệt khi ông Fox vẫn trầm trồ về tài năng thiên phú của anh và yêu cầu anh hãy chuẩn bị cho buổi xét tuyển nghệ sĩ mà ông sắp tổ chức.

Thomas như bị kéo ngược về quá khứ, cũng là lần đầu tiên anh ngồi vào cây đàn sau chừng ấy năm không còn ai vỗ về động viên. Rồi, sau khi bị trường đào tạo âm nhạc từ chối, số phận run rủi cho anh gặp Mao Lin, cô giáo dạy dương cầm người Việt Nam. Oái oăm thay, Mao Lin lại không nói được tiếng Pháp vì cô vừa đặt chân tới Paris. Nhưng cái rào cản ấy chẳng nghĩa lý gì với một người đang nuôi khao khát được làm lại như Thomas. Từ đây, người ta đã đoán biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Âm nhạc đã dần dần xâm chiếm Thomas, vật lộn đấu tranh với con người thô loạn đen tối đầy bạo lực trong anh để vươn lên tìm sức sống.

Ban đầu, Thomas vô cùng căng cứng. Bàn tay chỉ để kí kết hợp đồng. Bàn tay chỉ để cầm bao tải chuột đi thả khắp khu dân cư. Bàn tay chỉ để cầm những vật dụng hữu ích nhất dùng cho việc đánh nhau. Bàn tay trầy xước với máu me và đất cát. Bàn tay ấy giờ đây phải tập làm quen dần trở lại với những phím đàn. Con người quen với những đấm đá. Con người quen với những rượu và thuốc. Con người quen với mưu mô toan tính. Con người ấy giờ phải học cách ngồi thật vững, thật thẳng lưng, học cách Thở và thả lỏng, học cách lắng nghe.

Không dưới một lần Thomas đã cáu bẳn và gay gắt với Mao Lin, thậm chí còn đuổi cô ra khỏi chính căn phòng cô đang dạy anh. Nhưng, không giống với những người vẫn luôn sợ hãi và khinh thường Thomas, Mao Lin vẫn đứng đó, lớn tiếng nói với anh bằng tiếng Việt, rằng cô cần anh tôn trọng mình, rằng cô là một nghệ sĩ và anh phải học cách nói chuyện với cô bằng cách khác. Sự khác biệt về ngôn ngữ không phải rào cản giữa họ bởi âm nhạc đã làm thay việc đó.

Mỗi lần Thomas tới nhà Mao Lin học là một lần anh học cả cách Thở, cách kìm chế cơn giận, chế ngự những bạo lực nóng nảy thô lậu của bản thân… để rồi, âm nhạc len lỏi trở lại vào cơ thể Thomas, dọn sạch trí óc của anh, soi sáng những xúc cảm tưởng như đã chết từ lâu theo cái chết của mẹ anh. Những giây phút ở bên Mao Lin, bên cây piano trở thành những giây phút bình yên hiếm hoi của Thomas.

Trường đoạn trước khi tham gia buổi tuyển nghệ sĩ của ông Fox chính là trường đoạn Thomas nhìn nhận rõ rệt nhất về bản thân mình. Đêm đó, Thomas không tham gia vào cuộc đuổi bắt và đánh đập những người vô gia cư trong tòa nhà mà anh và các bạn đã chọn để mua bán. Anh chỉ đứng đó, nhìn cơn hoảng loạn. Dưới ánh đèn pin lấp loáng, người ta thấy gương mặt Thomas nhợt nhạt bất an và đầy thất vọng như là chính anh đang nhìn thấy sự tồi tệ của mình bấy lâu nay. Sáng hôm sau, Thomas đến gặp ông Fox như hẹn nhưng rồi anh đã không thể tấu lên bản nhạc mà anh và Mao Lin đã thật sự hài lòng. Bản chất của anh là gì? Ai sẽ là người giúp Thomas nhìn ra điều đó?

Tình cha con

Câu trả lời nằm ở cha của anh, Robert. Người đã buộc dây ắt hẳn phải là người tháo dây. Đây có lẽ cũng chính là điều làm nên khác biệt trong “Trái tim lỡ nhịp” bởi nó không chỉ là bộ phim về tình yêu với âm nhạc, về sự mong muốn chuyển biến trong cuộc đời, mà còn về tình cha con. Trở lại với đoạn mở màn, người ta thấy đạo diễn đã mất tới 3 phút đầu chỉ để Sami, một cộng sự của Thomas kể về mối quan hệ giữa hai cha con anh ta.

Theo lời kể thì rõ ràng, mối quan hệ này giống như một vòng tròn lặp, dù thời trẻ họ đã làm gì thì khi về già, những người cha đều cần con cái để nương tựa, giúp đỡ, bỗng coi con như là một người bạn, làm việc gì cũng hỏi ý kiến của con. 3 phút ấy giống lời lý giải cho mối quan hệ của Robert và Thomas từ đầu đến cuối phim. Hơn hai tiếng đồng hồ, Robert chỉ xuất hiện bốn lần nhưng lần nào cũng như một cú giáng mạnh vào Thomas hoặc thay đổi cục diện cuộc đời anh.  

Lần đầu tiên là khi Robert giới thiệu bạn gái mới với Thomas và ngỏ ý sẽ cưới cô ta. Ngay lập tức Thomas phản đối bằng cách nói với Cha rằng cô ả là một cô gái điếm dù anh hoàn toàn chưa chắc chắn. Nhưng sau đó, người ta hiểu Thomas nói vậy vì trong lòng anh vẫn luôn có Mẹ, không thể dễ dàng chấp nhận một người đàn bà nào khác. Rồi mãi về sau này, anh mới biết cha anh đã bỏ cô gái chỉ vì điều anh nói.

Lần thứ hai là khi Thomas đã bắt đầu tập piano với Mao Lin và không muốn đánh nhau nữa thì Robert lại ép con phải đi đòi nợ cho mình khiến Thomas bị bỏng tay.

Lần thứ ba là lúc Robert gọi con trong tuyệt vọng và Thomas tìm thấy cha trên phố với thương tích đầy mình. Thomas vô cùng đau đớn khi thấy cha đã già mà vẫn phải đòi nợ đám xã hội đen khác. Anh tìm tới gã Minskov, kẻ đã hành hung cha mình nhưng lại mắc sai lầm nghiêm trọng khi cố tình gạ gẫm người tình của gã và lại còn vô ý cho gã biết tên Robert. Chính Thomas đã đẩy mọi chuyện đi quá xa với sự háo thắng non nớt của mình, khiến Minskov sau đó đã đột nhập vào nhà và giết cha anh.

Lần thứ tư Thomas gặp cha cũng là lúc đau đớn tột cùng nhất, là bước chuyển mạnh mẽ nhất trong cuộc đời anh. Nhìn thân xác cha nằm đó, Thomas nhận ra mình phải làm gì. Cha anh đã cho anh câu trả lời.

Bộ phim tưởng như đã khép lại cùng một cái kết có hậu. Hai năm sau, Thomas và Mao Lin đến với nhau, Thomas trở thành người đại diện cho cô, sắp xếp và đưa cô tới những buổi công diễn piano trên khắp nước Pháp. Nhưng không thể để khán giả chờ đợi câu trả lời về Minskov, đạo diễn một lần nữa, lại để sự tình cờ đưa đẩy cho Thomas vô tình gặp hắn ngay trước buổi diễn của Mao Lin. Bao nhiêu uất ức dồn nén bấy lâu khiến Thomas túm lấy hắn, vật lộn với hắn và cuối cùng, giật được khẩu súng từ tay hắn, dí thẳng vào đầu hắn. Thế nhưng, cái thiện vẫn chiến thắng. Thomas đã không thể bóp cò. Bởi anh đã nhận ra anh là ai.      

Thomas trở lại khán phòng, nơi Mao Lin đang say sưa đàn. Bàn tay trầy da rớm máu của anh gõ nhẹ trên đùi, đôi mắt mơ màng nhìn ngắm người con gái Việt đã đồng hành cùng anh với biết bao trầm bổng và đã cứu rỗi linh hồn anh ngay trước vũng lầy của tội ác.  

Related posts