Mimi Nguyen Ly
Melbourne, Sydney, Brisbane trong số 13 thành phố có kế hoạch ‘biểu tình vì tự do’.
Hôm thứ Bảy (20/11), người Úc đã tập hợp với số lượng lớn trên khắp đất nước để phản đối các lệnh bắt buộc chích vaccine COVID-19 và các hạn chế khác liên quan tới đại dịch virus Trung Cộng trong một làn sóng “biểu tình vì tự do” đã được lên kế hoạch trước.
Ít nhất hàng chục ngàn người ở thành phố Melbourne đã đến công viên Flagstaff Gardens với số lượng lớn để tham gia một cuộc biểu tình. Một người đàn ông tuyên bố, trong khi quay phim cuộc tuần hành ôn hòa này, “Chúng tôi đã tràn ngập toàn bộ khu CBD này (Trung tâm Thành phố Melbourne)”.
Trước đó, đám đông đã tập trung tại nhà quốc hội trước khi họ tiến qua thành phố này. Trong khi vẫy những tấm biểu ngữ “loại bỏ dự luật này” và quốc kỳ Úc, những người biểu tình kêu gọi chấm dứt dự luật về đại dịch gây tranh cãi của chính quyền bang tiểu Victoria, hiện đang bị trì hoãn tại thượng viện.
Đám đông cũng kêu gọi “sa thải ông Dan Andrews”, thủ hiến tiểu bang, và chấm dứt các lệnh bắt buộc chích ngừa hay giấy thông hành vaccine virus Trung Cộng.
Melbourne đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình trong vài tuần qua, với các đám đông tập hợp tại quốc hội Victoria để phản đối dự luật về đại dịch. Dự luật gây tranh cãi này, nếu được thông qua, sẽ đặt ra một khuôn khổ vĩnh viễn cho chính quyền tiểu bang giải quyết các đại dịch trong tương lai.
Trong số nhiều điều khoản, dự luật này sẽ trao quyền lực chưa từng có cho thủ hiến và giám đốc sở y tế, bao gồm cả việc cho phép giám đốc sở y tế đưa ra các mệnh lệnh về đại dịch dành riêng cho “các tầng lớp” người dân dựa trên độ tuổi, vị trí, tình trạng chích ngừa hay nghề nghiệp của họ. Dự luật cũng sẽ trao cho thủ hiến quyền lực để tuyên bố một đại dịch và mỗi một lần sẽ kéo dài trong ba tháng, miễn là cần thiết.
“Tôi chưa bao giờ phản đối bất cứ điều gì trong cuộc đời mình. Với mọi thứ đang diễn ra, tôi có một cậu con trai 12 tuổi, giờ đã bị cách ly khỏi xã hội, điều này khiến tôi nghĩ rằng mình cần phải tạo ra một sự thay đổi,” cô Sarah Rich, người có mặt tại công viên Flagstaff Gardens, nói với The Epoch Times.
Cô cầm một tấm biển có nội dung, “Tôi không phải là một kẻ cực đoan bạo lực, tôi là một người mẹ đang lo lắng”, nhằm ám chỉ sự mô tả sai lệch về những người biểu tình bởi một số phương tiện truyền thông đưa tin về các cuộc biểu tình gần đây ở Melbourne.
“Tôi không phải là một kẻ cực đoan bạo lực, tôi là một người mẹ luôn lo lắng cho các con của mình. Đó là lý do tại sao hầu hết chúng tôi có mặt ở đây — chúng tôi chỉ đang lo âu cho các con của mình thôi,” cô nói. Cô Rich chia sẻ rằng hai đứa con của cô đã lên cơn hoảng loạn và lo lắng do bị cách ly [tại nhà] và [hệ thống] “xã hội hai tầng” đang phân biệt mọi người dựa theo tình trạng chích ngừa.
Ông Dada Paramatmananda, một người tham dự khác, nói rằng người dân ở Melbourne đang thực hiện các quyền tự do dân chủ của họ và xuống đường sau khi các tòa án và các nhà lập pháp không thể trao cho họ các quyền tự do mà họ đang tìm kiếm.
“Như bạn thấy đó, mọi người [ở đây] đều rất ôn hòa, không hề có bạo lực,” ông nói, đồng thời giơ tay chỉ về phía đám đông. “Mọi người đang biểu tình một cách ôn hòa và bảo vệ quyền lợi của họ.”
Sau một cuộc biểu tình ồn ào và ôn hòa, đám đông di chuyển trở lại nhà quốc hội, và sau đó tiếp tục tuần hành qua nhiều đường phố khác nhau ở khu CBD.
Hàng ngàn người đã theo dõi các cuộc biểu tình ở Melbourne qua một nguồn cấp dữ liệu phát trực tiếp của nhà báo độc lập Rukshan Fernando.
Tại Sydney, hàng ngàn người biểu tình đã tụ tập tại Công viên Hyde để kêu gọi tự do trong bối cảnh các lệnh bắt buộc chích vaccine của địa phương vẫn đang tiếp diễn và các hạn chế phong tỏa trước đó. Họ hô vang “tự do” và hát quốc ca cùng nhau, kèm theo âm thanh của kèn túi. Đám đông sau đó đã tuần hành về phía nhà quốc hội của tiểu bang này.
Hôm thứ Sáu (19/11), Nghị sĩ Đảng Thống Nhất Australia Craig Kelly đã thông báo trên Telegram rằng ông sẽ phát các biển báo “Tự do, Tự do, Tự do” trước cuộc biểu tình này.
“Khi chúng ta nhận được tin chính phủ thông qua giấy thông hành vaccine, thì chúng ta không còn tự do nữa,” ông nói với đám đông biểu tình ở Sydney, The Age đưa tin. “Cái ý tưởng rằng quý vị có thể mất việc chỉ vì không chích một mũi vaccine thực nghiệm không hề có dữ liệu an toàn lâu dài là một sự ô nhục và lạm dụng nhân quyền.”
“Trách nhiệm thuộc về ngài Thủ tướng. Ông ấy đã có thể cấm giấy thông hành vaccine ở đất nước này nếu ông muốn,” ông nói thêm. “Thông điệp của tôi hôm nay là một thông điệp hy vọng. Đám đông mà chúng ta nhìn thấy trước mặt chỉ là một số nhỏ những người sẽ theo sát Đảng Lao Động và Đảng Tự do trong cuộc bầu cử tiếp theo.”
Anh Daniel Kim, 28 tuổi, một sinh viên vật lý trị liệu tham gia các cuộc biểu tình ở Sydney, cho biết anh đã bị cấm theo đuổi việc học của mình và phải từ bỏ khóa học đó bởi vì anh đã không chích ngừa.
Anh Kim cũng nói với The Epoch Times rằng anh đã bị mất việc do đợt phong tỏa trong bối cảnh đại dịch virus Trung Cộng. “Tôi đang tìm việc làm nhưng thật khó quá vì tôi chưa chích ngừa,” anh nói.
Ông Harry, một người làm nghề buôn bán ở Sydney, cho biết điều quan trọng là để người dân chất vấn về các chính sách của chính phủ và có một đầu óc sáng suốt.
“Tại sao lại có một dự luật đang chờ được thông qua [ở Victoria] về việc kiểm soát [người dân] trong tương lai, tại sao?” ông hỏi. “Tại sao lại có cuộc thảo luận trong chính phủ New South Wales về việc gia hạn luật khẩn cấp này, tại sao lại có đề nghị kiểm soát trong tương lai? Đó có phải là một câu hỏi hợp lệ không?”
Ông đã đặt câu hỏi về tính hợp lệ của các lệnh bắt buộc đeo khẩu trang, nói rằng, “[khẩu trang 3M dành cho công nhân xây dựng] không thể ngăn silicone ngấm vào phổi của tôi. Làm thế nào, trong một đại dịch lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử, và họ muốn chúng tôi đeo mặt nạ vải, hãy giải thích điều đó cho tôi đi?”
“Tất cả những điều này đều không có lời giải thích hợp lý”, ông nói thêm. “Chúng ta được học ở trường, ở [đại học], tại nơi làm việc, và cha mẹ chúng ta cũng đã dạy rằng chúng ta cần phải đặt câu hỏi, chúng ta cần phải hỏi nhiều thứ.”
Trong khi đó, một số người biểu tình nói rằng họ là những người phản đối chủ nghĩa Phát xít có tổ chức phản đối các cuộc biểu tình đòi tự do ở Sydney và Melbourne. Số lượng những người này ít hơn rất nhiều.
Các thành phố lớn khác tham gia vào các cuộc “biểu tình vì tự do” đã được lên kế hoạch trước bắt đầu vào buổi trưa bao gồm các thành phố Brisbane, Adelaide, Perth, Hobart, và Darwin.
Tại thành phố Adelaide của Nam Úc, hàng ngàn người đã tập trung tại Công viên Rundle. Những người biểu tình đã tuần hành qua khu CBD. Họ bao gồm các nhân viên xã hội, giáo viên, nhân viên chăm sóc sức khỏe, và luật sư, với một số người nói rằng họ đã mất việc làm do các lệnh bắt buộc chích vaccine COVID-19, 9News đưa tin.
Có thể được thấy các đám đông trên các đường phố Brisbane, phía bắc tiểu bang Queensland. Và một đứa trẻ đang cầm một tấm biển ghi là, “hãy để bọn trẻ yên.”
Tại một cuộc biểu tình vì tự do ở Vườn bách thảo của Brisbane, doanh nhân và lãnh đạo của Đảng Liên Hiệp Úc Clive Palmer cho biết ông thà “bỏ công việc kinh doanh” hơn là nghe lời khuyên về vaccine từ thủ hiến của Queensland, theo tờ Brisbane Times đưa tin. Ông cũng nói rằng người dân Úc sẽ không im lặng về vấn đề này.
Tại thành phố Perth, hàng ngàn người Úc đang tụ tập xung quanh tòa nhà của Liên bang Australia. Theo The Age, có ít nhất 10,000 người đã tụ tập tại quảng trường Forrest Place để phản đối các lệnh bắt buộc chích vaccine COVID-19.
Các trung tâm khu vực bao gồm Mt. Gambier, Warrnambool, Cairns, Townsville, Bundaberg, và Gympie, cũng đã lên kế hoạch biểu tình vào thứ Bảy.
Thông tin chi tiết về Cuộc biểu tình Toàn cầu vì Tự do này, bao gồm các video và liên kết đến các buổi phát trực tiếp của sự kiện trong ngày này, chủ yếu được lưu hành thông qua các nhóm trên Telegram.
Cô Mimi Nguyen Ly là một phóng viên tại Úc. Cô phụ trách mảng tin tức thế giới và tập trung vào tin tức tại Hoa Kỳ. Cô có bằng Cử nhân về phương pháp đo thị lực và khoa học thị lực của Đại học New South Wales.
Thanh Tâm biên dịch