TNS Úc: Tham dự Olympic Bắc Kinh hay không là vấn đề đạo đức

Ngọc Mai

Thượng nghị sĩ Úc Jim Molan (ảnh chụp màn hình Youtube/ BESA Center)

Thêm một Thượng nghị sĩ Úc tham gia vào làn sóng kêu gọi cộng đồng quốc tế tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, được tổ chức vào tháng 2 năm 2022.

Hôm Chủ nhật, Thượng nghị sĩ Jim Molan nói rằng, những người tham dự Thế vận hội Olympic Bắc Kinh sẽ “trao cho Trung Quốc một chiến thắng về tuyên truyền”.

Ông nói với Sky News “Chúng ta phải nhớ rằng, nếu bạn tham dự Thế vận hội, đây là một quyết định đạo đức. Nếu bạn đến Thế vận hội, bạn đang trao cho chính quyền Trung Quốc… một chiến thắng về tuyên truyền mà họ cho là một điều đặc biệt”.

Thượng nghị sĩ tuyên bố thêm sẽ không tham dự Olympics Bắc Kinh dù có được đài thọ.

Ông Molan đề cập đến trường hợp của nhà báo người Úc gốc Trung Quốc Thành Lôi (Cheng Lei). Bà đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc giam giữ, vụ án này vẫn chưa khép lại, và lời khuyên của Bộ Ngoại giao Úc là người Úc có thể bị [ĐCSTQ] giam giữ tùy tiện sau khi nhập cảnh vào Đại Lục.

Lời khuyên du lịch trên trang web của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc có viết “Như đã thông báo trước đó, nhà chức trách [của Trung Quốc] đã bắt giữ người nước ngoài với lý do ‘gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.’ Người Úc có thể có nguy cơ bị giam giữ tùy tiện [ở Trung Quốc]”.

Theo ABC, bà Thành Lôi là người dẫn chương trình truyền hình tại Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) do nhà nước điều hành, đồng thời, bà cũng là một công dân Úc. Bà đã bị bắt tại Trung Quốc vào tháng 8 năm 2020 với tội danh “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” của Trung Quốc. Bà bị giam trong phòng giam không có hệ thống thông gió hoặc ánh sáng mặt trời, đồng thời quyền tự do viết thư và tập thể dục của bà bị hạn chế nghiêm trọng..

Một số nhà lập pháp Úc đã viết thư cho Thủ tướng Scott Morrison vào tháng 8, kêu gọi tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 nhằm phản đối hồ sơ nhân quyền khét tiếng của ĐCSTQ.

Thượng nghị sĩ Eric Abetz từ bang đảo Tasmania cho biết “Nếu có một quốc gia không xứng đáng được tôn trọng, vinh danh và tín nhiệm, thì đó là chế độ độc tài đảng cộng sản ở Trung Quốc, cái chế độ… đã giam giữ một triệu công dân của chính họ trong các trại tập trung, cụ thể là người Duy Ngô Nhĩ,”.

Ông tiếp tục “Có những người theo đạo Cơ đốc tại gia bị bỏ tù. Có những học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù. Có cả người Tây Tạng, người Mông Cổ, người Hong Kong ủng hộ dân chủ, danh sách vẫn tiếp tục – tất cả đều đang bị bức hại.”

Tuy nhiên, Jon Cốts (John Coates), chủ tịch Ủy ban Olympic của Úc, đã bảo vệ cho quyết định cử đội tuyển vận động viên của nước này đến Bắc Kinh. Ông lập luận rằng, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) không có trách nhiệm bảo các chính phủ phải làm gì.

Ông John nói vào tháng 10: “Nhiệm vụ của Ủy ban Olympic Quốc tế là đảm bảo rằng không có hành vi vi phạm nhân quyền đối với việc tiến hành Thế vận hội trong khuôn khổ Ủy ban Olympic quốc gia hoặc trong phong trào Olympic. Chúng tôi không phải là chính phủ của thế giới. Chúng tôi phải tôn trọng chủ quyền của các quốc gia đăng cai Thế vận hội.”

Bình luận từ ông Molan được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ và Anh cân nhắc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Tẩy chay ngoại giao là khi các phái đoàn chính thức của chính phủ không tham dự sự kiện Thế vận hội, còn các vận động viên có thể tự quyết định có tham dự hay không.

Lời kêu gọi tẩy chay quốc tế đối với Thế vận hội Bắc Kinh 2022 càng thêm mạnh mẽ bởi sự mất tích gần đây của ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái sau khi cô này cáo buộc bị cựu Phó Thủ tướng ĐCSTQ Trương Cao Lệ tấn công tình dục.

Related posts