Frank Fang
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết tại một hội nghị thượng đỉnh gần đây rằng Trung Quốc sẽ không “bắt nạt” các nước nhỏ hơn, trong bối cảnh các hoạt động quân sự leo thang của họ ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan ngày càng bị giám sát chặt chẽ.
Ông Tập đã đưa ra tuyên bố trên trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 22/11 giữa Trung Quốc và các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên, nhân dịp kỷ niệm 30 năm mối bang giao giữa hai bên. Ông Tập là người chủ trì hội nghị thượng đỉnh này.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Tập nói rằng, “Trung Quốc kiên quyết phản đối chủ nghĩa bá quyền và cường quyền. Trung Quốc theo đuổi việc chung sống lâu dài và hữu nghị với các nước láng giềng.”
“Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ, hay bắt nạt các nước nhỏ hơn,” ông Tập nói thêm. “Trung Quốc đã, đang, và sẽ luôn là láng giềng tốt, bạn tốt và đối tác tốt của ASEAN.”
Những lời này của ông Tập được đưa ra một tuần sau khi các tàu tuần duyên Trung Quốc chặn và sử dụng vòi rồng vào hai tàu tiếp tế của Philippines đang hướng về một bãi cạn do Philippines chiếm đóng trên vùng Biển Đông đang tranh chấp trong một nhiệm vụ tiếp tế.
Vụ việc đã làm dấy lên chỉ trích gay gắt từ phía Manila, yêu cầu các tàu Trung Quốc “hãy nghe cảnh báo và lùi lại.”
Chính phủ Hoa Kỳ cũng chỉ trích Bắc Kinh, và gọi các hành động của Trung Quốc là “nguy hiểm, khiêu khích, và phi lý”, đồng thời cảnh báo rằng một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các tàu của Philippines sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ của Mỹ theo hiệp ước quốc phòng song phương.
Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Điện (còn gọi là Myanmar), Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam là các thành viên thuộc khối ASEAN.
Trung Quốc hiện đang đối đầu với Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam, và Đài Loan trong các tranh chấp lãnh thổ trên các bãi đá ngầm, đảo, và bãi san hô ở Biển Đông. Năm 2016, một phán quyết quốc tế đã bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của chính quyền Trung Quốc đối với khoảng 85% diện tích trong số 2.2 triệu dặm vuông của Biển Đông.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến rằng ông “không bằng lòng” với vụ việc liên quan đến các tàu của Trung Quốc và “vô cùng lo ngại về những diễn biến tương tự khác”, theo Philippine News Agency.
Ông cho rằng, “Điều này không nói lên điều gì tốt về mối bang giao giữa các quốc gia và quan hệ đối tác của chúng ta.”
Ông Duterte nói thêm rằng tranh chấp trên biển cần được giải quyết theo phán quyết quốc tế năm 2016 và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Theo Đài Tiếng nói Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có một bài diễn văn tại hội nghị và nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS như một kim chỉ nam để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Việt Nam cũng đã phải đối mặt với sự xâm lược của chính quyền Trung Quốc trong những năm gần đây. Hồi tháng Bảy năm ngoái, hơn một chục thuyền viên trên một chiếc tàu đánh cá của Việt Nam buộc phải nhảy khỏi tàu sau khi tàu của họ bị một tàu Trung Quốc đâm.
Hồi tháng Bảy năm nay, Việt Nam đã phản đối một bản kế hoạch thăm dò của Trung Quốc ở Biển Đông, nói rằng các hoạt động nghiên cứu trong đề nghị đó “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”.
Sự gây hấn trong khu vực của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Biển Đông. Trong nhiều năm qua, chế độ cộng sản này đã khai triển các chiến thuật đe dọa và cưỡng ép đối với Đài Loan. Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ đưa hòn đảo này về dưới sự cai trị của mình thông qua các hành động quân sự.
Trên thực tế, Đài Loan là một quốc gia độc lập với lực lượng quân đội, chính phủ được bầu cử dân chủ, và hiến pháp của riêng mình.
Gần đây nhất, các phản lực cơ quân sự của Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan trong 18 ngày liên tục kể từ hôm 04/11, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan. Vụ xâm phạm lãnh thổ mới nhất xảy ra hôm 21/11, với sự tham gia của 9 phi cơ quân sự Trung Quốc, bao gồm 6 chiến đấu cơ, 2 oanh tạc cơ, và một phi cơ kiểm soát và cảnh báo sớm trên không.
Đáp lại, Đài Loan đã điều động phi cơ, phát cảnh báo vô tuyến, và khai triển hệ thống hỏa tiễn phòng không để giám sát các phản lực cơ quân sự Trung Quốc.
Hồi tháng Mười, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tham gia một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN. Theo Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Biden đã cam kết tăng cường hợp tác với khu vực này, để bảo vệ trước các mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Thanh Tâm biên dịch