Tin thế giới trưa thứ Tư

84% người Mỹ nói nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở tình trạng tồi tệ và đổ lỗi cho lạm phát

Tom Ozimek

Một khách hàng mua thịt tại một cửa hàng Safeway ở San Francisco, California hôm 04/10/2021. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images) Hoa Kỳ

Một cuộc thăm dò mới của CBS/YouGov cho thấy gần 2/3 người Mỹ cho biết nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở trong tình trạng tồi tệ – kết quả tồi tệ nhất kể từ những sự trầm sâu của đại dịch mùa hè năm ngoái – trong khi 84% những người đánh giá tiêu cực về nền kinh tế đã đổ lỗi cho lạm phát.

Cuộc thăm dò, được thực hiện từ ngày 15 đến ngày 19/11 trên một mẫu đại diện toàn quốc gồm 2,058 người trưởng thành, cho thấy 64% những người được khảo sát cho biết nền kinh tế đang ở trong tình trạng “khá tồi tệ” hoặc “rất tồi tệ.” Theo CBS, đó là số liệu tồi tệ nhất kể từ mùa hè năm ngoái, khi các vụ phong tỏa vì đại dịch và các vấn đề khác liên quan đến bùng phát dịch đã làm suy giảm tâm lý.

Những lý do hàng đầu trong số những người cho rằng nền kinh tế đang ở trong tình trạng tồi tệ là lạm phát và chi phí tăng (84%), giá khí đốt tăng (74%), thiếu hụt sản phẩm và dịch vụ (71%), và các doanh nghiệp vẫn chưa trở lại bình thường (60%).

Đồng thời, 82% số người được hỏi nói rằng các mặt hàng họ thường mua có giá cao hơn vào đầu tháng 11 so với trước đó.

Lạm phát đã nổi lên như một chủ đề chính của quá trình phục hồi kinh tế trong thời đại đại dịch, làm xói mòn sức mua của người Mỹ, những người có mức lương đã tăng— nhưng với tốc độ chậm hơn so với giá cả.

Theo một cuộc khảo sát của Đại học Michigan, giá tăng cao được cho là nguyên nhân khiến tâm lý người tiêu dùng giảm mạnh, chạm mức thấp nhất một thập kỷ vào tháng 11.

Ông Richard Curtin, giám đốc khảo sát này, cho biết trong một tuyên bố, “Tâm lý người tiêu dùng đã giảm vào đầu tháng 11 xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ do tỷ lệ lạm phát leo thang và niềm tin ngày càng tăng của người tiêu dùng rằng chưa có chính sách hiệu quả nào được khai triển để giảm thiệt hại do lạm phát gia tăng.”

Bên cạnh việc trở thành một vấn đề chính đối với nhiều người Mỹ, giá cả tăng cao cũng trở thành một vấn đề chính trị đối với chính phủ của ông Biden.

Cuộc thăm dò của CBS/YouGov cho thấy 67% người Mỹ không tán thành cách xử lý lạm phát của Tổng thống Joe Biden.

Trong khi đó, giá cả tăng đã thúc đẩy kỳ vọng lạm phát trong tương lai tăng lên. Cuộc khảo sát kỳ vọng lạm phát tiêu dùng gần đây nhất của Fed tại New York cho thấy tại tháng Mười kỳ vọng lạm phát ngắn hạn (cho một năm tới) đã tăng lên 5.7%, mức cao nhất trong lịch sử của chuỗi số liệu này. Kỳ vọng lạm phát trung hạn (ba năm tới) không thay đổi so với mức 4.2% (cho mỗi năm) tại tháng trước, một mức cao kỷ lục.

Sự gia tăng kỳ vọng lạm phát trong tương lai đã khiến các quan chức Fed rơi vào tình thế khó khăn, những người dường như ngày càng lo ngại về khả năng thay đổi kỳ vọng lạm phát, một tình huống mà mọi người bắt đầu thay đổi hành vi chi tiêu của họ dựa trên kỳ vọng tăng giá trong tương lai.

Tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, ông John Williams cho biết lạm phát ở Hoa Kỳ đang trở nên phổ biến hơn và kỳ vọng tăng giá trong tương lai đang tăng lên.

Trong một hội thảo trực tuyến với nhà kinh tế trưởng Philip Lane của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), ông Williams cho biết rằng, “Chúng tôi chắc chắn đã thấy được ​​sự gia tăng lạm phát cơ bản ở Hoa Kỳ mà chúng tôi sẽ nghiên cứu cẩn thận.” 

Ông Williams nói rằng sự gia tăng kỳ vọng lạm phát trong ngắn hạn và dài hạn là một sự phát triển “tích cực”, bởi vì kỳ vọng đã đảo ngược một số sự sụt giảm trước đó. Ông Williams nói thêm, đồng thời, các quan chức Fed sẽ không muốn kỳ vọng lạm phát dài hạn tăng đáng kể hơn. 

Đó là khi một số nhà kinh tế nổi tiếng, bao gồm cả các cựu quan chức thời ông Obama, ngày càng gióng lên hồi chuông cảnh báo về lạm phát gia tăng, chạm tới mức 6.2% vào tháng Mười, mức cao nhất hàng năm kể từ năm 1990.

Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’

Chánh Tín biên dịch

Báo cáo của UNDP: Hệ thống ngân hàng Afghanistan đối mặt với khủng hoảng sinh tồn

Naveen Athrappully

Một tay súng Taliban đứng gác dọc một con phố gần Quảng trường Zanbaq ở Kabul, Afghanistan, hôm 23/09/2021. (Ảnh: Wakil Kohsar/AFP/Getty Images) Đông Dương

Hôm thứ Hai, Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng hệ thống ngân hàng của Afghanistan đang trên bờ vực sụp đổ vì người tiêu dùng không thể trả các khoản vay, ít tiền gửi hơn và các vấn đề thanh khoản khác, dẫn đến một cuộc khủng hoảng xã hội trong một nền kinh tế vốn đã mỏng manh.

Trong bản báo cáo dài ba trang, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết rằng, “Hệ thống tài chính và thanh toán ngân hàng của Afghanistan đang gặp nhiều xáo trộn.” Một vụ rút tiền ngân hàng ồ ạt “phải được giải quyết nhanh chóng để cải thiện năng lực sản xuất hạn chế của Afghanistan và ngăn chặn hệ thống ngân hàng này sụp đổ.”

Báo cáo tình hình này đã nêu chi tiết về kịch bản hiện tại của lĩnh vực tài chính ngân hàng ở đất nước bị chiến tranh tàn phá cũng như trước khi Taliban chiếm Kabul hôm 15/08/2021.

Hỗ trợ nhân đạo đang bị cản trở bởi cuộc khủng hoảng thanh khoản mà các ngân hàng Afghanistan phải đối mặt. Người gửi tiền đang thiếu niềm tin trong khi thị trường quốc tế đang né tránh các khoản đầu tư với dự báo của IMP cho giai đoạn 2021-2022 báo cáo nền kinh tế này sụt giảm tới 30%.

Tổng số tiền gửi ngân hàng ước tính mất khoảng 40%, từ 2.9 tỷ USD vào cuối năm 2020 xuống còn 2 tỷ USD vào tháng 09/2021 và ước tính còn 1.8 tỷ USD vào cuối năm. Nợ xấu (NPL) đã tăng từ khoảng 30% vào cuối năm 2020 lên 57% vào tháng Chín.

Trong báo cáo, UNDP cho biết rằng, “Trong điều kiện hiện tại, tỷ lệ nợ xấu có vẻ đang tăng lên, có khả năng dẫn đến sự sụp đổ của các MSME và khu vực ngân hàng.” 

Ông Abdallah Al Dardari, Đại diện thường trú của UNDP tại Afghanistan, nói với Bloomberg rằng hỗ trợ quốc tế từ các tổ chức như LHQ và các tổ chức phi chính phủ khác, bao gồm cả nhập cảng thực phẩm, được thực hiện thông qua một hệ thống ngân hàng đang hoạt động.

Hệ thống kinh tế hiện có kết nối Afghanistan với thế giới bên ngoài. Theo Public Now, “Không có lĩnh vực ngân hàng, thì không có giải pháp nhân đạo nào cho Afghanistan. Chúng ta có thực sự muốn thấy người Afghanistan bị cô lập hoàn toàn không?”

Chỉ có khoảng 500,000 USD bằng tiền Afghanistan đang được lưu thông dẫn đến cuộc khủng hoảng thanh khoản. Ông Al Dardari nói, “Phần còn lại cất ở dưới nệm hoặc dưới gối vì mọi người sợ hãi.”

Chương trình Lương thực Thế giới ước tính một nửa dân số nước này đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Kể từ khi Hoa Kỳ rút quân và sau đó là sự tiếp quản của Taliban, viện trợ quốc tế đã cạn kiệt và các ngân hàng quốc tế đã đóng băng hàng tỷ USD tài sản của Afghanistan. Ông Amir Khan Muttaqi, Bộ trưởng Ngoại giao Taliban, đã tái kêu gọi Hoa Kỳ giải phóng các khoản tiền bị đóng băng trị giá 9 tỷ USD, nếu không sẽ có nguy cơ kích hoạt một cuộc di cư tị nạn hàng loạt.

UNDP khuyến nghị một chương trình bảo hiểm tiền gửi, đủ tiền mặt thanh khoản và bảo đảm tín dụng để cứu hệ thống ngân hàng khỏi sự sụp đổ.

UNDP cho biết trong báo cáo, đề cập đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, “Sự phối hợp với các Tổ chức Tài chính Quốc tế, với kinh nghiệm sâu rộng của họ về hệ thống tài chính Afghanistan, sẽ là yếu tố quan trọng đối với quá trình này.” 

Naveen Athrappully
Lưu Đức biên dịch

Anh Quốc đăng cai Hội nghị bộ trưởng ngoại giao và phát triển G7 vào ngày 10-12/12

Aldgra Fredly

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai (hàng thứ 2) tham dự hội nghị thượng đỉnh thương mại G7 tại Mansion House ở London, hôm 22/10/2021. (Ảnh: Henry Nicholls/WPA Pool/Getty Images) Tây Dương

Anh Quốc sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh bộ trưởng ngoại giao và phát triển từ Nhóm Bảy quốc gia công nghiệp phát triển (G7) và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Liverpool vào tháng tới.

Hôm 22/11, Bộ Ngoại giao Anh cho biết hội nghị thượng đỉnh lần này dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 10/12 đến ngày 12/12, nhằm giải quyết các vấn đề bao gồm khả năng phục hồi kinh tế hậu COVID-19, y tế toàn cầu, và nhân quyền.

Đây sẽ là nhóm họp trực tiếp thứ hai trong năm nay của các ngoại trưởng G7, tiếp nối nhóm họp hồi tháng Năm ở London. Hội nghị này được xây dựng dựa trên nhóm họp tháng Năm, bao gồm các đại diện từ Úc, Ấn Độ, Nam Hàn, và Nam Phi.

Trong số các Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN dự kiến tham dự là các đại biểu đến từ các nước như Malaysia, Thái Lan, và Indonesia, đánh dấu việc các nước ASEAN lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 như một minh chứng cho “sự chuyển hướng ngày càng tăng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Anh Quốc”.

Anh đang giữ chức chủ tịch luân phiên của G7 trong năm 2021 và đã đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP) tại Glasgow trong tháng này cũng như hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7 ở Vịnh Carbis hồi tháng Sáu.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết, “Tôi sẽ đón tiếp các bằng hữu và đối tác của chúng ta để thảo luận về cách chúng ta xây dựng mối liên hệ về kinh tế, công nghệ, và an ninh chặt chẽ hơn trên toàn cầu cũng như thực hiện cam kết đối với người dân nước Anh.”

“Tôi muốn chúng ta xây dựng một mạng lưới tự do trên toàn thế giới nhằm nâng cao quyền tự do, nền dân chủ, và kinh doanh, đồng thời khuyến khích các quốc gia có cùng chí hướng hợp tác với nhau từ một vị trí có sức mạnh.”

Tuy nhiên, Myanmar đã bị loại khỏi hội nghị thượng đỉnh bộ trưởng ngoại giao G7 này.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Khối thịnh vượng chung, và Văn phòng Phát triển Amanda Milling, “Anh Quốc đã rõ ràng quan điểm rằng chính quyền quân sự ở Myanmar không được hoan nghênh tham dự trực tiếp.”

Hôm 19/10, bà Milling cho biết, “Chúng tôi ghi nhận quyết định của ASEAN là sẽ không mời Thống tướng Min Aung Hlaing tham dự Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo ASEAN này.”

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử do người đoạt giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi lãnh đạo hôm 01/02, chấm dứt 10 năm thử nghiệm cải cách dân chủ.

Bà Milling tuyên bố rằng chính phủ Anh Quốc “lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, bạo lực chống lại người dân Myanmar, và việc giam giữ các thành viên của chính phủ dân sự và xã hội dân sự, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.”

Reuters đã đưa tin rằng lãnh đạo quân đội Myanmar Min Aung Hlaing cũng bị loại khỏi việc tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc–ASEAN do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì hôm 22/11.

Hai nguồn tin từ chính phủ các quốc gia tham dự cho biết đại sứ Myanmar đã thay mặt cho nước này tham dự cuộc họp với Trung Quốc.

Thanh Tâm biên dịch

Trung Quốc sẵn sàng ký hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân khu vực ASEAN

Nguyên Hương

Trung Quốc sẵn sàng ký hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân khu vực ASEAN

Trong một phản ứng rõ ràng đối với hiệp ước quốc phòng AUKUS mới giữa Australia, Anh và Mỹ, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Hai ngày 22/11 cho biết, Bắc Kinh đã sẵn sàng ký Nghị định thư Hiệp ước phi vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á (SEANWFZ).

Khu vực Cấm Vũ khí Hạt nhân Đông Nam Á, còn được gọi là Hiệp ước Bangkok, được ký kết vào năm 1995 bởi Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á. Hiệp ước quy định rằng các bên ký kết không được “phát triển, sản xuất hay nói cách khác là có được, sở hữu hoặc có quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân, đóng hoặc vận chuyển vũ khí hạt nhân bằng bất kỳ phương tiện nào hoặc thử nghiệm hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân.”

Theo Liên hợp quốc, một nghị định thư cho hiệp ước đã được ban hành cho 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân vào thời điểm đó – Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Mỹ. Trung Quốc sẽ là bên đầu tiên trong số năm bên ký kết, nếu đúng như lời của ông Tập.

“Trung Quốc ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng một khu vực không có vũ khí hạt nhân và chuẩn bị ký Nghị định thư của Hiệp ước về Khu vực cấm vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á càng sớm càng tốt”, ông Tập nói trong lần xuất hiện hiếm hoi trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đặc biệt với các nhà lãnh đạo ASEAN.

Mặc dù vậy, một báo cáo của Lầu Năm Góc vào đầu tháng này cho biết Trung Quốc đang trên đường tăng gấp 5 lần kho vũ khí hạt nhân của mình vào năm 2030 lên ít nhất 1.000 đầu đạn.

Bà Retno Marsudi, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, đã xác nhận bình luận của ông Tập trong một cuộc họp báo trên phương tiện truyền thông. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải “tạo ra một ngôi nhà hòa bình, bằng cách tăng cường đối thoại, chủ nghĩa đa phương, bác bỏ chính trị quyền lực”, bà cho biết và nói thêm rằng “Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng ký Nghị định thư về Hiệp ước SEANWFZ”.

Quyết định của Bắc Kinh có thể được đưa ra trong bối cảnh vì thỏa thuận ba bên AUKUS giữa Hoa Kỳ, Anh và Australia cho phép Australia nhận công nghệ động cơ hạt nhân để cung cấp năng lượng cho hạm đội tàu ngầm mới. Qiuyeets định này của ông Tập sẽ làm gia tăng áp lực đối với Australia, quốc gia mà Trung Quốc có mối quan hệ đối kháng ngày càng gia tăng.

Theo hiệp ước, các tàu ngầm hạt nhân không thuộc định nghĩa về vũ khí hạt nhân – “vũ khí hạt nhân” có nghĩa là bất kỳ thiết bị nổ nào có khả năng giải phóng năng lượng hạt nhân một cách không kiểm soát.

Trung Quốc trước đây đã đề cập đến Hiệp ước Bangkok trong bối cảnh tương tự như AUKUS. Vào tháng 9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với những người đồng cấp Malaysia và Brunei rằng hiệp ước này “có thể phá hoại việc xây dựng một khu vực phi hạt nhân ở Đông Nam Á.”

Nhấn mạnh rằng cả Mỹ và Anh đều chưa ký nghị định thư, ông Vương nói thêm rằng họ đã “chuyển giao công nghệ hạt nhân quân sự cho khu vực dưới nhiều hình thức tiền thuật toán khác nhau”. Điều này đi ngược lại những nỗ lực của các nước ASEAN nhằm xây dựng một khu vực phi hạt nhân, “theo một thông cáo báo chí từ Bắc Kinh.

ASEAN, trong khi đó, vẫn bị chia rẽ về AUKUS.

Malaysia và Indonesia đặc biệt thẳng thắn về thỏa thuận này, cho rằng nó có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 10, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết “thật đáng tiếc khi thiếu sự thống nhất về các vấn đề có thể ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, cụ thể là AUKUS và Khu vực cấm vũ khí hạt nhân Đông Nam Á”.

Đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu giảm mạnh

Hải Lam

Thủ tướng Đức Angela Merkel có buổi gặp mặt với ông Tập Cận Bình tại Berlin (ảnh: Youtube/AFP News Agency).

Trang SCMP đưa tin, đầu tư của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu đã giảm gần 2/3 vào năm ngoái do hậu quả của đại dịch Covid-19 và việc Brussels thắt chặt quy định với người nước ngoài mua các tài sản chiến lược của châu Âu.

Một báo cáo mới từ EU cho thấy tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng đầu tư nước ngoài của khối đã giảm xuống 2,5% vào năm 2020 từ 4% vào năm 2019.

Mặc dù đầu tư tổng thể ở châu Âu sụt giảm trên diện rộng, nhưng sự sụt giảm trong mức đầu tư của Trung Quốc và Nga vào EU rõ ràng hơn. Đây là hai quốc gia có quan hệ căng thẳng với EU và việc hợp tác với hai quốc gia này có thể bị các cơ chế sàng lọc của EU xem xét kỹ lưỡng.

Công cụ sàng lọc của EU được ra mắt vào tháng 3 năm 2019 trong bối cảnh EU lo ngại về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu và các công ty công nghệ.

Trước khi công cụ sàng lọc được thiết lập, Trung Quốc đã mua cổ phần tại một loạt các cảng châu Âu, trong đó có cảng Piraeus ở Hy Lạp, Zeebrugge ở Bỉ và Duisburg ở Đức. Điều đó khiến các quan chức EU phải đề xuất luật vào năm 2017.

Vào năm 2020, đầu tư của Trung Quốc vào EU chiếm 2,45 tỷ euro (tương đương 2,76 tỷ USD) trong tổng số 98 tỷ euro đầu tư vào EU, giảm so với mức 13,4 tỷ euro trong tổng số 335 tỷ euro vào năm 2019.

Hơn 3/4 đầu tư của Trung Quốc vào EU kể từ năm 2013 có liên quan đến kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” của Bắc Kinh. Kế hoạch này nhắm mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về công nghệ trong tương lai.

Đầu tháng này, Tạp chí Phố Wall đưa tin rằng hai công ty nhà nước Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát một nhà sản xuất máy bay không người lái quân sự của Ý vào năm 2018. Điều đang chú ý là các nhà chức trách ở Ý và châu Âu không biết tới chuyện này trong suốt thời gian qua, vì Trung Quốc thao túng nhà sản xuất máy bay Ý thông qua một thực thể trung gian.

Vụ việc đã làm dấy lên lo ngại ở Brussels rằng các thực thể được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn có thể đang lợi dụng các sơ hở để vi phạm các quy tắc sàng lọc.

Valdis Dombrovskis, ủy viên thương mại của EU cho biết: “Chúng tôi muốn bảo đảm rằng các khoản đầu tư vào – và xuất khẩu – các tài sản quan trọng của EU, bao gồm một số công nghệ, hàng hóa và cơ sở hạ tầng nhất định, được giám sát cẩn thận về những rủi ro tiềm ẩn hoặc việc sử dụng sai mục đích. Ý định của chúng tôi là minh bạch: thương mại và đầu tư phải phù hợp với các giá trị của EU và ủng hộ nhân quyền và an ninh quốc tế”.

Nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc tăng cao kỷ lục

Lục Du

Hình minh họa tiền Trung Quốc (ảnh: Từ video của GLLC Languages)

Theo NTD, dữ liệu công bố hôm thứ Ba (23/11) từ ​​Bộ Tài chính Trung Quốc cho thấy, tổng số dư nợ của chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã lên tới 30 nghìn tỷ nhân dân tệ trong 10 tháng đầu năm nay, đây là mức cao kỷ lục.

Dữ liệu cũng cho thấy, gần một nửa số nợ mới được dùng để trả nợ cũ. Ngoài ra, tổng số nợ tiềm ẩn (Contingent Liability) của các chính quyền địa phương đã lên tới hơn một nửa quy mô kinh tế của Trung Quốc.

Chuyên gia tài chính Chen Youcheng nói với RFA rằng các chính quyền địa phương ở Trung Quốc dựa vào bốn nguồn thu: thuế, lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước, phát hành trái phiếu và tiền phạt do chính phủ áp đặt. Tuy nhiên, gần đây, thị trường bất động sản suy giảm và các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid đã ảnh hưởng lớn tới nguồn thu của các địa phương.

Chen nói: Nguồn tài chính từ đất đai mà chính quyền địa phương dựa vào giờ đã sụt giảm. Chính quyền địa phương không còn cách nào, và vay mượn là cách duy nhất có thể để bù đắp cho các khoản thu bị thiếu hụt.

Chuyên gia tài chính Gong Shengli cho rằng khó khăn tài chính của các địa phương ở Trung Quốc đang gặp phải có thể là trầm trọng nhất từ trước tới này. Ông nhận định, rất khó để đảo ngược tình hình nợ nần của các địa phương ở Trung Quốc trong ngắn hạn và tình trạng này sẽ còn tiếp tục trong ít nhất 20 năm tới.

Số liệu do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố công khai chỉ là số liệu được cung cấp trong bảng cân đối kế toán của các chính quyền địa phương, các khoản nợ tiềm ẩn lớn hơn không được bao gồm trong đó.

Vào tháng 9 năm nay, ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính Goldman Sachs đã công bố một báo cáo cho biết, tổng số nợ tiềm ẩn của các địa phương ở Trung Quốc đạt 53 nghìn tỷ nhân dân tệ vào cuối năm ngoái, tương đương 52% GDP của Trung Quốc, và con số này cao hơn mức dư nợ chính thức của chính quyền địa phương.

5 điểm bất thường liên quan video Bành Soái nói chuyện với chủ tịch IOC

Phụng Minh

Ảnh trái: Cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc – Trương Cao Lệ/ Ảnh phải: Công chúa quần vợt Trung Quốc – Bành Soái (ảnh: Từ video của Crux).

Chuyên gia các vấn đề thời sự Lý Mộc Dương đã nêu ra 5 điểm bất thường trong sự việc vận động viên quần vợt Bành Soái gọi điện cho chủ tịch IOC (Ủy ban Olympic Quốc tế) Thomas Bach để thông báo mình vẫn “ổn”.

Trong cuộc họp báo vào ngày 22/11, chính quyền Trung Quốc cuối cùng đã trả lời về vấn đề Bành Soái. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói rằng Bành Soái gần đây đã tham dự một sự kiện công cộng.

Trong hai cuộc họp báo trước đó, truyền thông nước ngoài đã liên tục đặt câu hỏi đối với đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vụ việc minh tinh quần vợt Bành Soái cáo buộc Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ hãm hiếp cô và sau đó cô Bành mất tích. Trả lời câu hỏi này, ở cả hai lần, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng vụ việc của cô Bành không phải là vấn đề ngoại giao. Nhưng ở cuộc họp báo lần này, ông Triệu lại tự tin nói về cô Bành và không còn xem đó là vấn đề nằm ngoài ngoại giao.

Theo chuyên gia Lý, trên thực tế, nguồn gốc của cái gọi là “sự tự tin” mà ông Triệu thể hiện không gì khác ngoài cuộc gọi điện video giữa Bành Soái và Chủ tịch IOC Thomas Bach và việc cô Bành đang thường xuyên tham gia các hoạt động khác nhau.

Ngày 21/11, IOC đã đưa ra một thông báo trên trang web cho biết Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, Thomas Bach, và các quan chức khác đã có một cuộc gọi video với Bành Soái và đăng tải hình ảnh chụp cảnh ông Bach đang nói chuyện với nữ vận động viên quần vợt Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia Lý Mộc Dương cho rằng liên quan tới video này, có ít nhất năm điểm bất thường.

Đầu tiên, IOC tuyên bố rằng nhà của Bành Soái ở Bắc Kinh là an toàn và hy vọng rằng “sự riêng tư” của cô ấy sẽ được tôn trọng vào thời điểm này. Hiểu theo nghĩa đen, cái gọi là “sự riêng tư” đó ám chỉ mối quan hệ giữa Bành Soái và Trương Cao Lệ.

Trên thực tế, lời buộc tội của Bành Soái chống lại Trương Cao Lệ lần đầu tiên được cô ấy tiết lộ trên Weibo vào ngày 2 tháng 11, và đó không phải là suy đoán bên ngoài hay thông tin bịa đặt. Vì Bành Soái đã tự mình tiết lộ điều đó nên không có cái gọi là “sự riêng tư” nữa.

Ngoài ra, thế giới bên ngoài thực sự không chỉ quan tâm đến sự an toàn cá nhân của Bành Soái, mà còn quan tâm tới cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xử lý việc ông Trương Cao Lệ như thế nào.

Thứ hai, trong vụ Bành Soái, thực thể quốc tế đầu tiên quan tâm đến Bành Soái là Hiệp hội quần vợt nữ quốc tế WTA. Với tư cách là chủ tịch Hiệp hội quần vợt nữ quốc tế, ông Steve Simon đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về sự an toàn cá nhân của Bành Soái.

Việc ông Simon quan tâm tới Bành Soái là điều đương nhiên, vì tổ chức của ông ấy quản lý trực tiếp cô Bành và ông ấy là sếp của cô ấy trên một phương diện nào đó. Theo văn hóa Trung Quốc, người mà Bành Soái nên gọi video đầu tiên đáng ra phải là ông Simon, vì cuộc gọi này một mặt để bày tỏ lòng biết ơn, mặt khác để chứng minh sự an toàn của mình.

Nhưng Bành Soái đã không làm như vậy, và thậm chí còn phớt lờ những mối quan tâm của Simon. Trong khi đó, Ủy ban Olympic quốc tế, bao gồm cả Chủ tịch Ủy ban Olympic Bach, trước khi có cuộc gọi video như truyền thông đưa tin, đã im lặng về vụ Bành Soái, có vẻ như vấn đề của các vận động viên đẳng cấp thế giới không liên quan gì đến họ.

Điều kỳ lạ ở đây là Bành Soái lại “chọn” Chủ tịch IOC Bach, người hờ hững với mình, để gọi video. Và thông qua Bach để lan truyền thông điệp, mong rằng “quyền riêng tư” của mình sẽ được tôn trọng. Làm thế nào để giải thích điều trái với lẽ thường này? Có thể nào Bach đã là người phát ngôn của ĐCSTQ trong Ủy ban Olympic?

Thứ ba, cuộc gọi “video” giữa Bành Soái và Bach rõ ràng là để đáp lại mối quan tâm của cộng đồng quốc tế về việc liệu Bành Soái có an toàn hay không, tức là để “bác bỏ tin đồn”. Tuy nhiên, không tìm thấy tin tức nào về Bành Soái trên các trang web trong nước.

Một cư dân mạng đại lục đã gửi cho chuyên gia Lý Mộc Dương một email vào lúc nửa đêm hôm 22/11, nói rằng “mạng nội bộ không thể tìm thấy ảnh và video gần đây của Bành Soái, cũng như không thể tìm thấy cuộc trò chuyện giữa Bach và Bành Soái.” Vì video là nhằm bác bỏ tin đồn, tại sao chỉ bác bỏ những tin đồn đối với cộng đồng quốc tế? Tại sao không đồng thời bác bỏ những tin đồn này ở nước, mà lại chặn tất cả thông tin về vụ việc?

Người dẫn chương trình CNN, Cooper đã tiết lộ trong một chương trình vào ngày 18 rằng chính quyền TQ đã “cắt tín hiệu của CNN một lần nữa để ngăn chặn việc đưa tin thêm về sự biến mất của Bành Soái”, Cooper nói: “Bất cứ khi nào CNN đưa tin về vụ việc này, chính phủ Trung Quốc sẽ cắt tín hiệu”.

Thứ tư, nói chung, đã là “bác bỏ tin đồn” thì cần đưa ra bằng chứng thuyết phục và mạnh mẽ nhất. Nếu như thế thì video sẽ thuyết phục hơn là hình ảnh. Nhưng điều kỳ lạ là trang web của Ủy ban Olympic chỉ đăng ảnh của cuộc gọi, và không đăng tải thêm video nào mạnh mẽ hơn. Tại sao Ủy ban Olympic Quốc tế không công bố video? Lý do không công bố video là không muốn thế giới bên ngoài biết Bành Soái đã nói gì sao?

Thứ năm, “New York Times” tiết lộ trong báo cáo hôm 22/11 rằng một quan chức Olympic đã giới thiệu rằng trong video với Bach, “một người bạn” của Bành Soái đã hỗ trợ cô giao tiếp bằng tiếng Anh. Tuy nhiên Bành Soái đã thông thạo tiếng Anh khi thường xuyên ra nước ngoài thi đấu trong suốt 15 năm sự nghiệp quần vợt chuyên nghiệp của mình.

Bành Soái đã “thành thạo” ngôn ngữ này, vậy cô ấy có thể giao tiếp tiếng Anh bình thường. Vì một người có thể giao tiếp bình thường, tại sao “một người bạn” lại phải “hỗ trợ” cô ấy? “Người bạn” này của Bành Soái là ai? Cô ấy đã “hỗ trợ” những gì? Tất cả là do “người bạn” này dịch sang cho Bach sao?

Ngoài những điểm bất thường này, mọi người thực sự vẫn đang chú ý đến việc liệu Bành Soái có thực sự an toàn và tự do sau ống kính hay không? Nếu các nhà chức trách không thể đưa ra một lời giải thích hợp lý hơn, nếu không thể chứng minh rằng Bành Soái thực sự an toàn, sự chú ý của thế giới bên ngoài sẽ không giảm.

WHO cảnh báo châu Âu sẽ có thêm 700.000 ca tử vong do Covid

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo số ca tử vong do COVID ở châu Âu sẽ lên đến 2,2 triệu người vào tháng 3/2022 trong khi châu lục này đang chứng kiến ​​dịch bệnh tái bùng phát.

Hôm 23/11, WHO cho biết sẽ có thêm khoảng 700.000 người châu Âu có thể tử vong trước ngày 1/3. Hiện nay 1,5 người châu Âu đã không qua khỏi khi chống chọi với dịch bệnh, theo hãng tin Reuters.

Tổ chức này dự kiến sẽ có ​​”căng thẳng cao hoặc rất cao tại các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) ở 49 trong số 53 quốc gia từ nay đến ngày 1/3/2022″.

Hiện nay, nước Áo đã tiến hành phong tỏa trở lại trong tuần này, ngoài ra Đức và Hà Lan đang chuẩn bị công bố các hạn chế mới.

Trong Liên minh châu Âu (EU), 67,7% dân số đã được tiêm chủng đủ (2 mũi vaccine). Nhưng tỷ lệ khác nhau giữa các quốc gia, như Bulgaria là 24,2% còn Bồ Đào Nha là 86,7%. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy khả năng chống dịch Covid-19 của vaccine đang giảm dần, theo WHO.

Mỹ gửi 4,1 triệu liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam

Hãng tin AFP cho biết Mỹ đang gửi hơn 4,1 triệu liều vaccine Pfizer cho Việt Nam, bắt đầu từ ngày 23/11. Như vậy, Mỹ đã tặng cho Việt Nam tổng số 17.589.110 liều vaccine.

Trước đó, ngày 17/11, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thông báo Hoa Kỳ tặng 1 triệu liều vaccine Moderna cho Hà Nội. Còn hôm 6/11, 1,3 triệu liều vaccine COVID-19 của Pfizer do Mỹ tặng thông qua cơ chế COVAX về tới Việt Nam. Một ngày sau đó (7/11), thêm 1,2 triệu liều vaccine Pfizer cũng đã về đến TP. HCM.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Mỹ đã cam kết hỗ trợ Việt Nam hơn 30,2 triệu USD nhằm ứng phó với COVID-19.

Ông Biden lệnh mở kho dự trữ dầu chiến lược nhằm giảm giá nhiên liệu

Tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm 23/11, thông báo ông đã ra lệnh xuất 50 triệu thùng dầu thô từ các kho dự trữ khẩn cấp của nước này để giải quyết tình trạng giá nhiên liệu tăng cao.

Trên trang web chính thức, Nhà Trắng cho biết: “Lệnh xuất này được thực hiện phối hợp với các quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng khác, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh”.

Mỹ đưa ra quyết định trên sau khi Washington không thuyết phục được các nước OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) bơm thêm dầu để đáp ứng nhu cầu gia tăng sau đại dịch Covid-19.

Trong số lượng dầu được xuất ra, 32 triệu thùng sẽ được giao trong vài tháng tới và sẽ quay lại kho dự trữ khi giá nhiên liệu bình ổn. 18 triệu thùng còn lại được tung ra thị trường như một phần của hợp đồng bán dầu tăng cường đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt trước đó.

Nhà Trắng khẳng định, Washington sẵn sàng hành động thêm nếu lượng dầu xuất ra hiện nay không giúp hạ nhiệt thị trường năng lượng.

Nhật Bản và Việt Nam hướng tới phòng thủ mạng chống Trung Quốc

Hãng AP đưa tin hôm 23/11, Nhật Bản và Việt Nam vừa ký một thỏa thuận an ninh mạng nhằm tăng cường quan hệ quân sự trong bối cảnh lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói rằng thỏa thuận không gian mạng nhằm giải quyết “yêu cầu cấp bách” đối với các hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đang thách thức trật tự quốc tế hiện có. Điều này có thể nói đến ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.

Ông Kishi cho biết các cuộc hội đàm với người đồng cấp Việt Nam, Phan Văn Giang, đã đưa “quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước lên một tầm cao mới”.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác phòng thủ mạng với Hoa Kỳ, Australia và các đối tác khác, đồng thời tham gia cuộc tập trận không gian mạng của NATO vào tháng 4 vừa qua. Nhật Bản cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán về an ninh mạng với Việt Nam, Singapore và Indonesia.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết các cuộc tấn công mạng là một phần của mối đe dọa an ninh gia tăng từ Trung Quốc khi nước này trở nên hiếu chiến hơn trong khu vực.

Related posts