Du Uyên
Sài Gòn lóng rày nóng khờ nóng dại. Tôi đi bộ một đoạn đường mua đồ mà rát hết đôi tay và nửa gương mặt bên ngoài cái khẩu trang. Nhìn những người già, trẻ nhỏ không che chắn kỹ bằng mình, cũng đi bộ ngược chiều với xấp vé số trong tay, thấy thời tiết nóng hơn.
Con người luôn phức tạp và thích tạo ra lý do cho hành động của mình và người khác. Nhờ vậy mà các quán cà phê “mọc” hàng hàng lớp lớp, từ nhỏ đến lớn, từ bài trí căn bản đến độc đáo, điệu đàng… đâu đâu cũng có ở khắp Sài Gòn. Người ta ghé quán đâu phải lúc nào cũng vì muốn uống ly nước. Ðôi khi vì để gặp ai đó: bàn chuyện làm ăn, tán tỉnh nhau… Hoặc để tránh ai/cái gì đó: tránh cái nắng dai dẳng, tránh cơn mưa bất chợt, tránh tiếng rầy của vợ, tránh bữa cơm không ngon với gia đình chồng, tránh gương mặt vị đồng nghiệp khó ưa, tránh ở một mình… Thiệt ra không cần biết vì mục đích gì, nhưng khi chọn quán cà phê để ngồi, bạn đã trực tiếp và gián tiếp giúp được rất nhiều người.
Bình thường thì không nhận ra đâu, nhưng lúc này, khi Sài Gòn thoi thóp thở trở lại sau quãng thời gian bị bóp mũi. Ði dạo sẽ thấy những quán cà phê bị đóng hàng loạt sau dịch do chủ quán không còn sống hoặc không còn tiền/sức để duy trì việc kinh doanh này – kéo theo nhiều nhân viên làm việc ở quán cà phê thất nghiệp theo, các nơi bỏ mối nguyên liệu cho các quán cà phê cũng giảm thu nhập, những người bán vé số/hàng rong cũng mất lượng khách đáng kể. Nền kinh tế và túi của một số lớn người dân (không chỉ ở Sài Gòn) bị “suy dinh dưỡng” một cách âm thầm – Bên những sự “suy dinh dưỡng” của các ngành nghề khác. Cái nóng Sài Gòn càng nóng hơn, vì những cái máy lạnh không dám mở để tiết kiệm điện, vì những chén cơm ít thịt hơn, những vụ cướp nhiều hơn… Những con sông không chỉ để “đựng” nước và sinh vật nữa – vì có rất nhiều người bỏ dép trên cầu và bỏ mạng dưới làn nước đang vô tư chảy về đầu nguồn. Trong các bài báo về người phụ nữ (làm việc tại một công ty may mặc ở Ðà Nẵng và có 3 đứa con nhỏ) đã gieo mình xuống sông Hàn quyên sinh vào ngày 30-10, có đoạn: “Ðáng nói, đây là vụ tự tử thứ 4 liên tiếp tại cầu Thuận Phước (sông Hàn, Ðà Nẵng) chỉ trong vòng 10 ngày (từ 20-10 đến 30-10). Hầu hết nguyên nhân đều được xác định do cuộc sống khó khăn khiến các nạn nhân dẫn đến trầm cảm và nghĩ quẩn.” Rất nhiều người đã ra đi lặng lẽ như vậy, thậm chí không có nổi một dòng chữ trên báo, bên cạnh những cái chết được các trang báo lớn mổ xẻ/phân tích ngày này qua tháng nọ. Ai nói chết là hết đâu?
Như mới đây, ngày 12-11, một video được nhiều người “reup” khắp cõi mạng, quay lại cảnh một cô gái muốn nhảy cầu tại Sài Gòn tự tử và được nhiều người đàn ông (đang câu cá gần đó) cản lại. Có lẽ vì để cô gái đỡ buồn và suy nghĩ lại, những người đàn ông này đã đùa: “Em nhảy đây làm sao anh câu. Nước văng mạnh quá, cá đâu dám ăn mồi?”, “Có mang theo giấy chứng minh nhân dân không mà nhảy?”… Cô gái khóc nức nở và trả lời (người ngoài cuộc sẽ thấy buồn cười): “Ði tự tử mắc mớ gì đeo chứng minh?”… Cuối cùng, cô gái từ bỏ nơi câu cá của những người đàn ông đó, không biết có còn đi tìm tiếp một chỗ “câu cá” khác để quyên sinh không? Những tưởng câu chuyện dừng lại với cái kết có hậu cho những người xem là một mạng người được cứu kịp và đoạn đối thoại dở khóc dở cười ở trên. Nếu như không có những ác ý về ngoại hình cô gái từ cư dân mạng dưới video trên. Tôi không biết, khi bình tâm lại, cô lướt mạng và thấy các bình luận này, có thêm buồn và thêm “quyết tâm” tự tử không? Sao con người dạo này cứ thích nhìn vào lớp da bên ngoài rồi đánh giá nhau quá? Ðâu ai muốn mình sanh ra mà không “sắc nước hương trời”, nhưng gu thẩm mỹ của tạo hóa khi này khi khác. Tôi đã dành nguyên buổi chiều để vào trang cá nhân của những người chê ngoại hình cô gái xem họ có “nhan sắc” cỡ nào, và tôi cảm thấy, nếu xấu là đáng chết thì họ là những người đáng chết đầu tiên – Bởi họ vừa xấu người vừa xấu nết. Nếu thôi, chứ chết thiệt chắc tôi cũng chết queo, tại nết tôi cũng không được đẹp.
Tương tự, ngày 10-11, tại sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi có một chàng trai 26 tuổi bỏ dép và nón bảo hiểm trên thành cầu rồi nhảy xuống sông định tự sát. Nhưng tới giữa sông, có lẽ vì nước lạnh quá, làm chàng tỉnh táo nghĩ tới gia đình và tương lai dài đằng đẵng phía trước, hoặc nhớ ra là mình biết bơi… Nên chàng thanh niên này bơi vào trụ dưới chân cầu (khúc giữa sông) rồi hoảng loạn kêu cứu. Chàng được đội cứu hộ vớt lên và tin này được đưa lên báo. Dưới hàng triệu các bình luận về câu chuyện này tại các trang báo và mạng xã hội, chắc không tới 1% bình luận chúc mừng chàng thoát chết, có cơ hội sống lần hai. Tất cả đều là cười cợt “tại sao biết bơi mà nhảy sông tự tử?”, “đã làm, tại sao không làm tới nơi tới chốn?”, “sao không bơi vô bờ?”…. Ngoài ra, cư dân mạng còn “hiến kế” 1001 cách chết khác dễ làm hơn cho người biết… bơi. Trong khi, cách đó 2 ngày, ngày 8-11, một phụ nữ khoảng 40 tuổi đã nhảy sông Trà Khúc tự tử. Nhiều người nhìn thấy nhưng không kịp ngăn cản, nạn nhân bị dòng nước cuốn mất tích. Bộ họ muốn chàng trai chết như người phụ nữ trên? Tôi nghĩ là không. Họ chỉ muốn thể hiện tài đùa vô duyên của mình và tưởng vậy là vui. Tôi không biết, khi đọc các bình luận, chàng trai 26 tuổi còn hoảng loạn kia có “hối hận” vì đã không chết không? Và ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự “hối hận” này? Hồi xưa “bút sa là gà chết”, nay “bàn phím sa, con người chết” chứ chẳng chơi. Bản thân tôi, chỉ thắc mắc không biết tại sao đa số người tự tử bằng cách nhảy sông lại thích để lại đôi dép trên bờ?
Thêm một câu chuyện “tự tử không thành nữa” trong những ngày gần đây nữa, cái “dư chấn” lần này càng bi đát hơn, không chỉ dừng ở miệng đời hay bàn phím. Ngày 4-11, tại Bệnh viện Phục hồi chức năng – điều trị bệnh nghề nghiệp (TP.HCM), một người chồng đã nuôi người vợ bị tai biến hơn 10 năm, hiện đang chăm sóc vợ điều trị di chứng sau khi nhiễm cúm Vũ Hán (bà bị nhồi máu não, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, huyết khối tĩnh mạch chi dưới…) đã phải bỏ cuộc vì mệt mỏi với các chi phí nuôi người bệnh và thương cho những đau đớn vợ phải chịu. Ông chọn chích điện cho vợ mất rồi tự chích điện mình để tự tử theo ngay trong phòng bệnh viện. Thật không may, vợ ông mất và ông còn sống, trở thành “nghi phạm giết người” trên báo. Các báo và nhiều người không hiểu biết đã vịn vào việc người vợ có “bảo hiểm y tế cho người nghèo” để kết tội người chồng, cho rằng ông chồng ác khi muốn giết vợ cho nhẹ gánh. Nhưng nếu hay… bệnh hoặc hay đi chăm bệnh, bạn sẽ biết những chi phí ngoài “bảo hiểm y tế” ở Việt Nam còn rất cao với người thu nhập thấp và trung bình. Ví dụ như những loại thuốc/những dịch vụ không có trong danh mục chi trả của bảo hiểm, phải mua bằng tiền mặt. Ngoài chăm sóc vợ bệnh nằm một chỗ (hơn 10 năm qua và hiện giờ), ông còn phải mưu sinh để lo cơm-áo-gạo-tiền, lo đứa con trai của hai vợ chồng… giữa thành phố lớn như Sài Gòn. Những ngày tháng dịch dã vừa qua, ông đã sống như thế nào, tâm lý ông ra sao? Tất nhiên là tôi không cổ suý cho việc ông giết vợ rồi tự sát. Nhưng tôi nghĩ rằng các nhà báo và các “nhà đạo đức online” hãy suy nghĩ cho mảng tối của đời sống con người, như đang nhìn vào mảng tối của bản thân và đăng bài than thở lên mạng xã hội mỗi ngày vậy. Chứ đừng ngồi mà phán xét.
Rạng sáng ngày 2-11, người dân thấy một chiếc xe máy, đôi dép và một mảnh giấy ghi số điện thoại trên cầu Ðỏ (Ðà Nẵng). Họ báo ngay công an là có người tự tử. Sau khi cảnh sát gọi số điện ghi trên mảnh giấy, thì biết số điện thoại trên là của chồng chủ chiếc xe. Theo báo trong nước, rất nhiều cảnh sát và cứu hộ đã quần thảo khắp nơi để tìm thi thể của người phụ nữ, hơn một giờ đồng hồ, nhưng không thấy gì. Lúc này ai đó mới nảy ra “sáng kiến” là kêu anh chồng… gọi điện cho vợ – Ðầu dây bên kia không ai bắt máy. May quá, lại có người khác đưa ra một “sáng kiến” khác, lấy số lạ gọi người phụ nữ nghi tự tử kia, và cô bắt máy: Cô cho biết là không nhảy cầu, chỉ để hiện trường như vậy nhằm… dọa chồng mình. Vì trước đó, hai vợ chồng cãi nhau, cô viết đơn ly hôn yêu cầu chồng mình ký nhưng anh này không đồng ý. Cô tức giận nên lấy xe đi khỏi nhà và dựng lại hiện trường như trên. Kết quả, họ huề tình nhưng tốn kha khá tiền để trả cho những người đi tìm… xác người vợ.
Tôi thầm nghĩ, nếu kết quả của cuộc cãi nhau ở trên là anh chồng ký vào tờ đơn ly hôn mà người vợ viết. Liệu chị ta có… nhảy thiệt luôn không?