Ngày 24/11 vừa qua, Bloomberg đưa tin: Chính sách một con nghiêm ngặt của Trung Quốc được cho là nguyên nhân dẫn đến việc không thống kê được 12 triệu trẻ em trong cuộc điều tra dân số năm 2010 – tương đương với dân số hiện tại của Bỉ – một phần là do các bậc cha mẹ có thể đã trốn khai sinh để tránh bị chính quyền trừng phạt.
Niên giám thống kê mới nhất do chính phủ Trung Quốc công bố cho biết số trẻ em sinh ra trong giai đoạn 2000-2010 là 172,5 triệu, cao hơn nhiều so với con số 160,9 triệu ở độ tuổi đó được ghi nhận trong cuộc điều tra dân số năm 2010.
Trung Quốc chỉ bắt đầu cho phép tất cả các cặp vợ chồng sinh con thứ hai vào năm 2016, sau hơn ba thập kỷ áp dụng chế độ kế hoạch hóa gia đình kiểu Man-thuýt (Malthusian) hay còn gọi là chính sách một con. Theo nhà nhân khẩu học độc lập He Yafu, điều này có nghĩa là một số bậc cha mẹ sẽ không chính thức khai báo đứa con mới sinh nếu họ vi phạm hạn ngạch, cho đến tận khi đứa trẻ tròn sáu tuổi và cần đăng ký đi học.
Dữ liệu cho thấy khoảng 57% trẻ em đăng ký khai sinh muộn là con gái, chỉ ra rằng sự khác biệt giữa hai số liệu thống kê nêu trên có thể một phần liên quan đến việc cha mẹ không khai báo con gái với chính quyền để họ có thể tiếp tục cố gắng sinh con trai, Bloomberg giải thích thêm.
Một yếu tố khác có lẽ góp phần tạo nên sự khác biệt giữa hai con số thống kê là cuộc tổng điều tra năm 2010 được tiến hành vào đầu tháng 11 năm 2010, do đó có thể đã bỏ sót các ca sinh trong hai tháng cuối năm.
Ngoài ra, các cuộc điều tra dân số thường loại trừ những người đã chết hoặc di cư trong những năm điều tra.
Theo Bloomberg, tỷ lệ sinh trong các năm từ 2011 đến 2017 cũng được điều chỉnh tăng trong niên giám thống kê mới nhất, cho thấy vấn đề đánh giá thấp số trẻ em có thể sẽ tiếp diễn sau năm 2010.
Tuy nhiên, có thể sự chênh lệch về đo lường sẽ ít đi trong tương lai vì Trung Quốc hiện đã xóa bỏ các giới hạn về quy mô gia đình một cách hiệu quả.
Thật không may, mặc dù không có hình phạt nào đối với việc vượt quá ba con, nhưng nhiều bậc cha mẹ hiện nay có rất ít động lực để làm như vậy.
Theo The Guardian, ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ chống đối lại tuyên truyền của nhà nước và áp lực của gia đình, trong khi việc cải thiện tiêu chuẩn giáo dục và mức thu nhập đã khiến việc kết hôn và sinh con bị trì hoãn. Ngoài ra, các chuyên gia cho biết, trong nhiều thập kỷ, chính sách một con đã khiến các hộ gia đình một con trở thành hình mẫu quen thuộc.
The Guardian đề cập đến ví dụ của Xu Meiru, một bà mẹ 38 tuổi. Một ngày của cô thường bắt đầu từ 5 giờ sáng, không kết thúc cho đến 11 giờ tối và bận rộn với việc đưa cậu con trai chín tuổi đến trường, giúp cậu làm bài tập, chuẩn bị bữa ăn và kinh doanh quần áo trực tuyến. Đối với cô, ý nghĩ sinh con thứ hai thật mệt mỏi.
“Trung Quốc lẽ ra phải dừng chính sách này từ 28 năm trước. Bây giờ đã quá muộn,” Yi Fuxian, một nhà khoa học cấp cao tại Đại học Wisconsin ở Madison và là một nhà phê bình lâu năm về các chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho biết.
Bloomberg đưa tin rằng số lượng ca sinh được dự đoán sẽ tiếp tục giảm ở Trung Quốc và tổng dân số có thể bắt đầu thu hẹp vào đầu năm nay.
Vào năm 2050, khoảng một phần ba dân số Trung Quốc sẽ là những người trên 60 tuổi, gây áp lực nghiêm trọng cho các dịch vụ nhà nước và những đứa con phải chịu gánh nặng chăm sóc người thân cao tuổi, The Guardian cho biết thêm.