San Hà (tổng hợp)
Buôn bán thuốc giả đã là tội ác, bán thuốc điều trị ung thư giả cho người bệnh nan y, tội lỗi ấy gấp trăm, ngàn lần…
Thứ trưởng Bô Y tế tiếp tay cho thuốc giả
Thuốc giả trúng thầu
Trong 10 năm qua, ngành y tế ở Việt Nam đã xảy ra một số vụ. Trong số này nổi bật lên vụ án «thuốc giả». Cục Quản lý dược đã cấp phép cho lưu hành nhiều thuốc giả, “để lọt” các thuốc giả này vào danh mục thuốc chữa bệnh của bệnh viện. Đồng thời Quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả nhiều tỉ đồng.
Cục Quản lý dược – cơ quan quản lý nhà nước “gác cửa” cho toàn bộ hệ thống dược phẩm quốc gia, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân – vào lúc đó đã để thuốc giả đến tay người bệnh nan y.
Thuốc giả đã lọt vào các bệnh viện Trung ương gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện Lão khoa trung ương, Bệnh viện Tai mũi họng trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương…. và cơ sở y tế các nơi, riêng năm 2013 VN Pharma và các công ty liên quan đã trúng thầu nhiều tỉ đồng để cung ứng thuốc do Health 2000 sản xuất vào các bệnh viện: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang và nhiều bệnh viện thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Nai, Tiền Giang…
Điều đáng nói là sau khi các thuốc đã trúng thầu và được sử dụng tại các bệnh viện từ năm 2013 thì mãi đến ngày 13-11-2014, Cục Quản lý dược mới báo Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính để xác minh việc thành lập và hoạt động của Công ty Health 2000 Canada.
Như vậy, thời gian các thuốc giả này được lưu hành tại bệnh viện và thị trường thuốc chữa bệnh kéo dài cả năm, ảnh hưởng đến việc điều trị và túi tiền của người bệnh.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường và thuốc giả
Ông Trương Quốc Cường (60 tuổi) là Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) từ năm 2007; từ 2016 đến nay là Thứ trưởng Bộ Y tế. Sai phạm của ông Cường diễn ra trong thời gian ông này giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý dược.
Trong vụ buôn bán thuốc điều trị ung thư H-Capita, ông Trương Quốc Cường đã cấp phép nhập khẩu thuốc theo đơn hàng của VN Pharma, trong khi hồ sơ xin nhập cảng thuốc có dấu hiệu sai phạm trong việc thẩm định, cấp phép nhập cảng.
Trong giai đoạn 2, ông Trương Quốc Cường tiếp tục cho lưu hành nhiều loại thuốc giả mang nhãn mác Health 2000 Canada với trị giá trên 151 tỉ đồng…
Vậy mà đến ngày 3-11-2021, ông Trương Quốc Cường mới bị khởi tố khi đương chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Điều đó cũng có nghĩa là cả trong thời gian dài xảy ra vụ án VN Pharma, ông Cường vẫn cứ lên chức, khi chính ông là người ký nhiều văn bản cho nhập thuốc giả chữa bệnh ung thư!
Bên cạnh đó, sau khi các loại thuốc nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, dù nhận được nhiều tin tức về loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng ông Cường không ra lệnh ngưng lưu hành, thu hồi, tiêu hủy. Từ đó dẫn đến hậu quả sau ngày 21-11-2014, nhiều cơ sở y tế vẫn mua bán, đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện các loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada với tổng trị giá trên 3,7 tỉ đồng.
Ngay cả khi tòa án xét xử vụ án này, Bộ Y tế đã liên tục chứng minh thuốc ung thư giả chỉ là thuốc “kém chất lượng” bằng “công văn khẩn” của Cục Quản lý dược gửi tới Hội đồng xét xử, nhưng bị Viện Kiểm sát bác bỏ.
Dư luận cũng từng đặt nhiều câu hỏi xung quanh sự lớn mạnh bất thường của Công ty VN Pharma và tốc độ chiếm lĩnh thị trường dược phẩm nhanh như vũ bão, chỉ trong vài năm sau khi ra đời với nhiều công ty con, doanh số tăng cả ngàn tỉ đồng.
Trong sự lớn mạnh bất thường đó, VN Pharma kiếm tiền bằng mọi giá, kể cả buôn bán thuốc giả, mà lại là thuốc điều trị ung thư. Luật pháp quốc gia nào cũng kết tội rất nặng việc buôn bán hàng giả, đặc biệt là dược phẩm giả.
Tham nhũng trong ngành y tế
Trang thiết bị y tế là lĩnh vực rất nóng có nhiều tai tiếng xảy ra, đặc biệt là giá cả.
Năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng lên, việc mua sắm máy xét nghiệm RT-PCR và các sinh phẩm phục vụ xét nghiệm tăng theo. Nhiều nơi không thể mua đúng giá do Bộ Y tế không công khai giá nhập khẩu và trúng thầu trước đó. Kết quả của việc “mua sắm tù mù” là nhiều nơi mua máy với giá 5-8 tỉ đồng, trong khi giá bình thường chỉ xấp xỉ 2 tỉ.
Cuối năm 2020, Bộ Y tế công khai giá giá trang thiết bị, nhưng cách làm vẫn hết sức “trời ơi” khi cho doanh nghiệp tự công bố giá mà không kiểm tra, xác minh, quản lý. Vì thế doanh nghiệp đưa giá cao và các bệnh viện tốn bộn tiền mua theo giá này.
Có loại máy thở Bộ Y tế công khai hơn 900 triệu đồng nhưng trong những ngày dịch nóng bỏng tại SG và các tỉnh phía Nam giá bán chỉ 425 triệu đồng. Tương tự, mới đây giá nhiều loại xét nghiệm nhanh cũng ở mức cao, khiến nhiều nơi bối rối khi lựa chọn mua hàng.
Liệu có chuyện tham nhũng trong ngành y tế hay không khi đã có nhiều cán bộ y tế, lãnh đạo bệnh viện bị khởi tố, bị kỷ luật liên quan các vụ đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế.
Điển hình là vụ 3 lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai bị khai trừ khỏi Đảng. Trong đó, nguyên giám đốc và nguyên phó giám đốc bệnh viện đang bị bắt giam do liên quan vụ nâng khống giá robot mổ nội soi.
Mới đây nhất, giám đốc đương nhiệm của Bệnh viện Bạch Mai là ông Nguyễn Quang Tuấn liên quan đến mua sắm, đấu thầu vào Bệnh viện Tim Hà Nội, nơi ông làm giám đốc từ năm 2012 – 2020.
“Chỉ định thầu” thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19
Trong những ngày dịch COVID-19 nóng bỏng vừa qua, Cục Quản lý y dược học cổ truyền Bộ Y tế đã tạo văn bản, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký công văn tăng cường chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu.
Trong danh sách đó có 26 sản phẩm: sát khuẩn, thuốc xịt họng, phòng và hỗ trợ điều trị, hỗ trợ nâng cao sức khỏe, đều được ghi rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất, cách dùng.
Ngay sau khi ban hành, công văn này đã bị dư luận phản ứng mạnh.
Trong danh mục đưa ra có sản phẩm mà trước đó Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã cảnh báo. Việc một đơn vị cấp cục của Bộ Y tế đưa vào danh mục với đủ tên sản phẩm trong khi đại dịch đang nóng có thể tạo nên nhu cầu mua, tích trữ các thuốc trong danh mục mà Bộ Y tế đã “hướng dẫn”.
Y đức
Vụ án thuốc giả làm nóng dư luận xã hội chính là ở vấn đề y đức hay nói rộng ra là vấn đề đạo đức. Thuốc chữa bệnh là sản phẩm đặc biệt, liên quan đến sức khỏe con người, nên việc gian dối là tội ác, mà gian dối để thuốc giả đến với những người bị bệnh nan y, tội ác gấp ngàn lần.
Ngành y là ngành dịch vụ đặc biệt vì nó phục vụ con người. Với người bệnh ung thư đang ở ranh giới sự sống – cái chết, một viên thuốc là một niềm hy vọng nhưng họ uống phải “niềm hy vọng giả tạo”.
Vụ án VN Pharma vẫn chưa khép lại, khi một thứ trưởng Bộ Y tế phải ra tòa, hàng loạt quan chức của Bộ Y tế bị cảnh cáo và đề nghị kỷ luật Đảng, trong đó có cả nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Cái hậu của vụ án vẫn là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, là y đức. Con số 7,5 tỉ đồng mà VN Pharma khai là để chi hoa hồng cho các bệnh viện hay bác sĩ cho thấy một góc rất tối của ngành dược lẫn y đức.
Vụ án còn là hồi chuông cảnh báo tình trạng giá thuốc ngất ngưởng, kém chất lượng diễn ra trong nhiều năm qua.
Y đức không chỉ là thái độ hay trách nhiệm. Nó còn là bản lĩnh trước cám dỗ, trước những thách thức của nghề nghiệp.
Nhiều lần dư luận xã hội lên tiếng về sự xuống cấp của y đức nhưng đây vẫn là vấn đề nóng bỏng làm xói mòn lòng tin của người dân, làm người bệnh càng đớn đau trong bệnh tật.
Sinh viên ngành y nào cũng thuộc nằm lòng lời thề Hippocrates, trong đó có nội dung: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công”. “Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”… Vậy đó, nhưng đồng tiền lăn tròn trên y đức.
Và y đức ngày càng bị xem nhẹ. Mới đây thôi, vụ án nâng giá thiết bị y tế “xã hội hóa” để ăn trên đầu bệnh nhân, rút ruột bảo hiểm y tế xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai là một dẫn chứng. Vị giám đốc liên quan ấy chính là Nguyễn Quốc Anh – là PGS-TS, từng được phong Anh hùng Lao động, là Thầy thuốc nhân dân.
Hay ông Nguyễn Quang Tuấn, đương kim giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng vừa bị khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm về “thổi giá” thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội – nơi trước đó ông Tuấn làm giám đốc.
Trước đó, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở nước ta hồi tháng 4-2020, PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, vào tù vì nâng giá mua máy xét nghiệm PCR.
Đồng tiền đã từng «đè chết» nhiều quan chức cấp cao; đồng tiền «đè chết» nhiều vị trí thức ngành y có học hàm, học vị cao chót vót; kể cả ông Trương Quốc Cường cũng có học vị TS ngành y.
Đó là một sự thật đau lòng nhưng họ phải trả giá, khi mà để y đức lăn trên những đồng tiền tội lỗi.
Thầy giáo xin nghỉ việc vì ‘vấn nạn dối trá’
Trên mạng xã hội xuất hiện lá đơn được cho là của một thầy giáo xin nghỉ việc vì “công tác trong ngành giáo dục nhưng có nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá, tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ”.
Đơn đề nghị của ông Lê Trần Ngọc Sơn, Giáo viên Tiếng Anh, Trường Tiểu học An Lợi, Long Thành, Đồng Nai đề nghị cho thôi việc từ đầu tháng 11.
Lý do nêu trong đơn là “công tác trong ngành giáo dục nhưng có nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá, tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ”.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Long Thành cho rằng, ông Sơn, giáo viên Tiếng Anh của Trường Tiểu học An Lợi xin nghỉ việc trong đó nêu lý do xin nghỉ với nội dung rất phản cảm, không đúng theo quy định của pháp luật.
Ông Sơn thì cho rằng mình là người thẳng tính, ăn nói bỗ bã, thấy đúng thì nói đúng, thấy sai nói sai. Ông khẳng định mình viết đúng sự thật.
Ông Sơn xác nhận lý do ông xin nghỉ là ở Trường Tiểu học An Lợi đã xảy ra nhiều vụ việc, nhưng Ban Giám hiệu không cầu thị sửa đổi. Năm 2019 ông Sơn đã làm đơn tố cáo những sai phạm về tài chính, quy chế thi đua, quy chế chuyên môn…của nhà trường lên huyện, phòng GD-ĐT huyện Long Thành nhưng không được giải quyết rốt ráo. Những người vi phạm hiện vẫn làm Hiệu trưởng, Hiệu phó và gặp ông vẫn thách thức. Mặt khác, ông thấy áp lực, khó chịu nên “thôi thì nghỉ”.
“Tôi đã chịu đựng nhiều năm rồi và nay thấy tới thời điểm nghỉ”- ông Sơn nói.
Là một viên chức, ông Sơn cho hay khi gửi đơn xin nghỉ đã nghĩ rằng thế nào nhà trường cũng sẽ mời lên làm việc.
“Nhưng có thể tôi làm đơn và Hiệu trưởng mừng quá nên tập hợp tổ trung tâm và ký đồng ý luôn”.
“Tôi dự tính trước mắt cứ nghỉ ngơi thời gian rồi tính tiếp”- ông Sơn nói.
Về ý kiến trái chiều với lý do ông viết trong đơn, ông Sơn nói: “Trong đơn tôi viết đúng sự thật vì đó là sự thật của trường tôi. Không dạy thì tôi xin nghỉ”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lợi xác nhận đã ký vào đơn. Trong buổi làm việc có đầy đủ các ban ngành, công đoàn, thanh tra nhân dân, thư ký, khối trưởng… để giải quyết hồ sơ nghỉ việc cho thầy Sơn.
Đồng thời, ông Tùng cho hay, có nghe thông tin gia đình thầy Sơn chuẩn bị đi Canada, mọi việc đã sắp xếp xong xuôi chỉ chờ ngày bay. Vợ của thầy Sơn cũng là giáo viên, công tác tại một trường khác đã xin nghỉ việc để đi nước ngoài.
Ông Sơn cũng nói tin ông đi Canada là tầm phào bởi “tiền ở đâu để tôi đi”.
Phòng GD-ĐT huyện Long Thành động viên ông Sơn ở lại làm việc.
Tuy nhiên, ông Sơn cho hay: “Tôi sẽ rút đơn, tiếp tục ở lại trường giảng dạy nếu các cấp có thẩm quyền cụ thể là huyện Long Thành hoặc Huyện ủy huyện Long Thành giải quyết rốt ráo những sai phạm của hiệu trưởng và hiệu phó, đồng thời hiệu trưởng, hiệu phó phải xin lỗi tôi”.
Cán bộ đưa 8 “đạo tặc” trộm cắp hơn 400 triệu đồng của xã
Tòa án tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án 8 bị cáo trong vụ phá két sắt trộm tiền tại trụ sở xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.
Tháng 12-2018 Trần Anh Võ (cán bộ thuộc bộ phận tư pháp, hộ tịch xã Tam Giang) nói cho họ hàng là Hoàng Thập Nhất biết việc thủ quỹ của xã Tam Giang sắp đi nhận tiền lương và phụ cấp tháng 12-2018 nên cả 2 lên kế hoạch trộm số tiền này.
Sau đó, để thực hiện kế hoạch, Nhất rủ thêm 7 kẻ khác cùng tham gia là Kế, Hóa, Thuần, Phước, Nam, Duẫn và H’Ut.. Khoảng tối, Nhất cùng 7 người này mang theo búa, đục, kìm cộng lực, bao tay, xà beng, ba lô… và được Võ đưa đến trụ sở xã Tam Giang. Nhóm đã cắt khóa cửa chính, đột nhập vào trong phòng, đục phá két sắt lấy trộm hơn 400 triệu đồng.
Số tiền trộm cắp được, cả nhóm chia nhau tiêu xài: Võ, Nhất, H’Ut, Thuần, Kế, Hóa mỗi người 50 triệu đồng; Duẫn, Nam và Phước mỗi người 30 triệu đồng; còn lại 10 triệu Nhất giữ để ăn nhậu chung.
Tòa án tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt: Trần Anh Võ, Nguyễn Hữu Hóa, Nguyễn Kim Thuần Thuần mỗi bị cáo 10 năm tù; Trần Đức Kế 9 năm 6 tháng tù; Dương Phương Nam và Trần Đình Thiện Phước mỗi bị cáo 9 năm tù; Đinh Lê Duẫn và H’Út Mlô mỗi bị cáo 7 năm tù cùng về tội trộm cắp tài sản.
Riêng Hoàng Thập bị phạt 7 năm 6 tháng tù và không kháng cáo.
San Hà (tổng hợp)