Tin thế giới trưa thứ Bảy: Biến thể mới B.1.1.529 xuất hiện ở Phi châu, Âu châu và Á châu

WHO họp khẩn vì biến chủng Covid mới với hơn 30 đột biến

Ảnh minh họa: Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Nam Phi. (Ảnh: Getty Images)

Trước sự nguy hiểm của biến chủng mới gây bệnh Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức cuộc họp khẩn để đánh giá tác động của biến thể đối với vaccine.

WHO đang theo dõi sát sao biến chủng B.1.1.529 và mở cuộc gặp đặc biệt vào ngày 26/11 để thảo luận về tác động tiềm tàng của biến chủng này tới vaccine và phương pháp điều trị, theo CNBC.

“Chúng tôi chưa biết nhiều về biến chủng này. Những gì chúng ta biết là biến chủng này có lượng lớn đột biến. Mối lo ngại là khi có quá nhiều đột biến, nó có thể tác động đến cách thức hoạt động của virus”, tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết hôm 25/11.

Tiến sĩ Van Kerkhove nói thêm nhóm nghiên cứu sẽ xem xét liệu B.1.1.529 có trở thành biến chủng đáng quan tâm hay đáng lo ngại hay không, sau đó WHO sẽ đặt tên cho biến chủng theo bảng chữ cái Hy Lạp.

Châu Phi đã ghi nhận một vài ca nhiễm biến chủng này. Chính phủ Anh hôm 25/11 nói B.1.1.529 là “biến chủng tồi tệ nhất” và áp loạt hạn chế đi lại với 6 nước châu Phi.

Biến chủng mới có 32 đột biến

Trước đó, Nam Phi thông báo đã phát hiện biến thể mới này của virus SARS-CoV-2 với nhiều đột biến, cho rằng đây có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tại nước này tăng mạnh.

Biến chủng B.1.1.529 có 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch. Các đột biến protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm bệnh và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.

Nhà virus học Tulio de Oliveira cho biết biến thể mới này, được gọi là B.1.1.529, “có số lượng đột biến rất cao”. Biến thể này cũng đã được phát hiện ở Botswana và Hồng Kông trong số những du khách đến từ Nam Phi.

Điều mà các nhà khoa học lo ngại là B.1.1.529 có thể tránh được phản ứng miễn dịch của cơ thể và có khả năng lây nhiễm cao.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết biến thể đặt ra “mối quan ngại nghiêm trọng” và có thể là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng “theo cấp số nhân” số ca mắc COVID-19 tại Nam Phi.

Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh còn quá sớm để chính phủ quyết định về khả năng áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn để chống dịch.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi cho biết khi số ca mắc biến chủng mới nổi lên tại Gauteng, nhiều người đã di chuyển từ địa phương này ra khắp các vùng khác và ông dự báo tỷ lệ dương tính sẽ gia tăng trong những ngày tới.

Nam Phi là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại châu Phi với số ca mắc hiện lên tới khoảng 2,95 triệu ca, trong đó 89.657 ca tử vong. Năm ngoái, Nam Phi là nước đầu tiên đã phát hiện biến thể Beta mặc dù cho đến nay số ca mắc COVID-19 chủ yếu do biến thể Delta gây ra.

Mỏ vàng ở Congo bị tấn công, 2 người Trung Quốc thiệt mạng, nhiều người mất tích

Hôm thứ Năm (ngày 25/11), phát ngôn viên của lực lượng quân đội tại khu vực cho biết, một khu trại tại địa điểm khai thác vàng ở miền Đông, Cộng hòa Dân chủ Congo đã bị nhóm vũ trang Hợp tác vì sự phát triển của Congo (CODECO) tấn công, khiến hai người Trung Quốc thiệt mạng. Ảnh chụp các thành viên của CODECO. (Ảnh: Alexis Huguet/AFP)

Một phát ngôn viên của lực lượng quân đội tại khu vực cho biết, một khu trại tại địa điểm khai thác vàng ở miền Đông, Cộng hòa Dân chủ Congo đã bị nhóm vũ trang Hợp tác vì sự phát triển của Congo tấn công, khiến hai người Trung Quốc thiệt mạng, nhiều người khác bị bắt cóc nhưng chưa rõ số lượng cụ thể.

Reuters đưa tin một lãnh đạo địa phương và một lãnh đạo xã hội dân sự cũng xác nhận hai trường hợp thiệt mạng và cho biết 8 người Trung Quốc khác đã mất tích sau vụ tấn công hôm 24/11. Họ cũng cáo buộc nhóm vũ trang Hợp tác vì sự phát triển của Congo (CODECO) đã phát động cuộc tấn công trên.

Vụ tấn công xảy ra ở Djugu, thuộc tỉnh Ituri, nơi công dân Trung Quốc có hoạt động khai thác vàng phi chính thức.

“Chúng tôi xác nhận các phần tử CODECO đã tấn công một địa điểm trên địa phận Djugu. Họ cũng tấn công một căn cứ của những người anh em Trung Quốc của chúng tôi. Điều đáng buồn là, họ đã sát hại hai người và bắt cóc những người khác”, Trung úy Jules Ngongo, phát ngôn viên của quân đội ở Ituri cho biết.

Liên Hiệp Quốc cho biết, các vụ tấn công của CODECO đã hạ sát chết hàng trăm thường dân tại khu vực Djugu kể từ năm 2017 và buộc hàng nghìn người phải rời bỏ quê hương của họ.

Vào đêm Chủ nhật vừa qua (ngày 21/11), khoảng 20 người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công nhằm vào dân thường di tản ở Djugu. Chính phủ cũng quy trách nhiệm cho CODECO về vụ việc này.

Các tay súng CODECO chủ yếu đến từ bộ tộc Lendu, vốn có mâu thuẫn từ lâu với bộ tộc Hema.

Vụ tấn công hôm 24/11 là vụ thứ hai nhằm vào trại khai thác của Trung Quốc trong vòng một tuần ở khu vực phía Đông đầy bất ổn của Congo. Một quan chức và một phát ngôn viên quân đội Congo cho biết hôm 21/11 rằng các tay súng đã hạ sát một cảnh sát và bắt cóc năm công dân Trung Quốc gần một mỏ vàng ở làng Mukera, Fiz County, Nam Kivu.

Ở phía Đông Congo có nhiều nhóm vũ trang thường xuyên tranh giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại địa phương, bao gồm M23, nhóm vũ trang Mai-Mai và nhóm phiến quân Lực lượng Dân chủ Giải phóng Luanda (FDLR),v.v.

Các công ty Trung Quốc đã bất chấp nguy hiểm hợp tác với Congo và các quốc gia Phi Châu bất ổn khác để tìm kiếm đất hiếm và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.

Ở Pakistan và các quốc gia khác thường xuyên xảy ra các cuộc nổi loạn, công nhân Trung Quốc thường là mục tiêu của các vụ bắt cóc và tấn công.

Hạ Vũ, Lí Duyên
Minh Phương biên dịch

Ukraine: Tổng thống cáo buộc tỷ phú âm mưu đảo chính

Lục Du | DKN 6 giờ trước 26 lượt xem

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (ảnh: Youtube/The Jerusalem Post).

Washingtonpost đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cáo buộc tỷ phú Rinat Akhmetov “cấu kết với người Nga” âm mưu đảo chính vào tháng 12.

Trong cuộc họp báo ngày 26/11, Tổng thống Zelensky nói rằng các quan chức Ukraine đã nhận được thông tin về cuộc đảo chính dự kiến diễn ra ngày 1-2/12.

Zelensky nói: “Chúng tôi có băng ghi âm cuộc họp bàn về đảo chính giữa một số người Nga với Rinat Akhmetov”.

Akhmetov là tỷ phú giàu nhất Ukraine với tài sản ròng ước tính hơn 7 tỷ USD. Zelensky nói vị tỷ phú này đang chi hàng tỷ USD cho “nỗ lực thay đổi chế độ”. Tuy nhiên, Zelensky cho rằng Akhmetov sẽ không trực tiếp tham gia đảo chính.

“Tôi tin rằng Akhmetov đang bị lôi kéo vào cuộc chiến chống Ukraine. Đây là một sai lầm lớn vì ông không thể chống lại người dân nước mình”, Zelensky nói và cho biết các mối đe dọa trong nước “cấp bách hơn nhiều nguy cơ xảy ra xung đột quân sự với Nga”.

Truyền thông Ukraine gần đây đã đưa tin về quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Tổng thống Zelensky và tỷ phú Akhmetov.

Ông Zelensky được cho là đang thực hiện chiến dịch “chống tài phiệt” nhằm hạn chế ảnh hưởng chính trị của những người giàu nhất Ukraine.

Akhmetov là tỷ phú trong lĩnh vực khai thác than và sản xuất thép, đồng thời sở hữu một số hãng truyền thông tại Ukraine. Những hãng truyền thông này gần đây đã gia tăng chỉ trích Tổng thống Zelensky và chính quyền của ông.

Dịch Covid: Biến thể mới B.1.1.529 đã xuất hiện ở châu Âu

Thanh Hải

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Ngày 26/11, Bỉ thông báo đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm siêu biến thể B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2. Đây là quốc gia châu Âu đầu tiên ghi nhận ca nhiễm loại biến thể mới, theo Reuters.

Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke cho biết: “Chúng tôi đã xác nhận một ca nhiễm biến thể này”.

B.1.1.529 là biến thể mới nhất được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi ngày 25/11. Loại biến thể có số lượng đột biến rất cao này cũng đã được phát hiện ở Botswana và Hong Kong.

B.1.1.529 khiến các nhà khoa học lo ngại vì nó có thể tránh được phản ứng miễn dịch của cơ thể và có khả năng lây nhiễm cao.

Lo ngại về tác động của siêu biến thể trên, Đan Mạch đã ra lệnh cấm thực hiện các chuyến đi không thiết yếu đến Nam Phi và các nước châu Phi khác nhằm.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias cho biết nước này sẽ quyết định hạn chế các chuyến bay từ Nam Phi và Botswana.

Thông báo trên được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) khuyến cáo một lệnh cấm trên toàn châu Âu đối với người đến và đi Nam Phi do số ca nhiễm biến thể B.1.1.529 tại Nam Phi đang tăng nhanh.

Mỹ hạn chế việc đi lại từ 8 quốc gia châu Phi do lo ngại biến thể COVID-19 mới

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu về nền kinh tế trong một sự kiện tại Thính phòng Tòa án phía Nam tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower vào ngày 23/11/2021 ở Washington, DC. (Ảnh của Alex Wong / Getty Images)

Hoa Kỳ sẽ hạn chế việc đi lại từ Nam Phi và 7 quốc gia châu Phi khác vào thứ Hai, ngày 29/11, trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan của biến thể COVID-19 mới.

Trong một tuyên bố với các hãng tin hôm 26/11, Nhà Trắng cho biết, Hoa Kỳ đang hạn chế việc đi lại từ Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi.

Theo thông cáo gửi đến các hãng tin, Nhà Trắng cho biết: “Tổng thống Biden đã hứa sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để giữ cho người Mỹ an toàn và đánh bại đại dịch, và đây là một bước đi được các chuyên gia y tế của chính phủ Hoa Kỳ và Nhóm ứng phó COVID-19 khuyến nghị”. Nhà Trắng chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ phía The Epoch Times.

Tổ chức Y tế Thế giới hôm 26/11 đã đặt tên cho chủng biến thể mới của virus Corona Vũ Hán là Omicron và mô tả nó có một lượng lớn đột biến. Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cho biết, biến thể này có thể dẫn đến nguy cơ tái nhiễm ở những người trước đó đã bị nhiễm COVID-19.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu EU, Israel, Anh, Nhật Bản và các quốc gia khác đã thông báo các hạn chế đi lại tương tự như của Mỹ, sẽ được áp dụng đối với các quốc gia phía nam châu Phi.

Trong một tuyên bố, WHO cho biết biến thể này được phát hiện ở Nam Phi hôm 24/11, đã dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm bệnh COVID-19 ở nước này.

Trong tuyên bố của mình, WHO nêu rõ: “Tình hình dịch tễ học ở Nam Phi được xác định bởi 3 đỉnh nổi bật về [số lượng] các ca nhiễm được báo cáo, trong đó gần nhất chủ yếu là biến thể Delta. Trong những tuần gần đây, các ca nhiễm bệnh đã gia tăng mạnh mẽ, trùng hợp với việc phát hiện ra biến thể B.1.1.529”.

Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc không cho biết liệu vaccine COVID-19 thông thường có hiệu quả chống lại biến thể Omicron hay không, mặc dù tuyên bố cho rằng các cá nhân vẫn nên tiêm phòng. Một số nhà khoa học đã nói rằng do số lượng đột biến, chủng biến thể mới của virus này có thể xâm nhập đột phá qua cả vaccine.

Theo Reuters, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng thắt chặt việc đi lại vào ngày 26/11. Tuy nhiên, các quan chức của WHO cho biết, có thể còn quá sớm để đưa ra các lệnh hạn chế đi lại như vậy. Giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO là ông Mike Ryan cho biết hôm thứ Sáu (26/11): “Điều thực sự quan trọng là không có phản ứng [trực tiếp] nào ở đây”.

Các quan chức ở Bỉ cho biết, biến thể Omicron được phát hiện tại nước này có thể là trường hợp đầu tiên được xác nhận ở Liên minh châu Âu cho đến nay. Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Bỉ là ông Frank Vandenbroucke nói rằng, biến thể này được tìm thấy ở một cá nhân đã phát triển các triệu chứng và có kết quả dương tính vào ngày 22/11. “Nó là một biến thể đáng ngờ. Chúng tôi không biết liệu nó có phải là một biến thể rất nguy hiểm hay không”, ông nói với các phóng viên.

Những lo lắng về tác động mà biến thể mới có thể gây ra, bao gồm cả việc phong tỏa theo lệnh bắt buộc từ chính phủ, đã khiến thị trường chứng khoán tăng vọt vào ngày 26/11. Những lo ngại như vậy đặc biệt khiến cổ phiếu của các hãng hàng không và các hãng khác trong lĩnh vực du lịch, và dầu mỏ sụt giảm.

Du Miên, Theo Epoch Times tiếng Anh

Biến thể COVID mới có mặt tại Hong Kong khiến toàn châu Á lo ngại

Biến thể COVID mới đã có mặt ở Hong Kong Ảnh: Getty Images

Nikkei Asia đưa tin, Hong Kong đã phát hiện hai trường hợp của biến thể COVID-19 “bất thường” mới đang gây báo động trên toàn thế giới, ngay khi thành phố chuẩn bị nối lại chuyến du lịch không kiểm dịch với Trung Quốc đại lục. Trước sự việc này, Singapore đưa ra lệnh cấm nhập cảnh từ 7 nước châu Phi; Ấn Độ ra lệnh ‘sàng lọc nghiêm ngặt’.

Tờ Nikkei Asia đưa tin chiều tối ngày 26/11, chủng biến thể mới được phát hiện tại Nam Phi có tên gọi là B.1.1.529 đã xuất hiện tại Hong Kong. Ngày 25/11,  biến thể này được tìm thấy trong hai hành khách đang cách ly tại khách sạn Sân bay Regal. Một người đàn ông đeo khẩu trang có van chặn không khí đi vào nhưng có thể cho phép thoát ra các hơi thở lây nhiễm, được cho là đã lây bệnh cho người thứ hai đang cách ly trong một phòng khác. Cả hai người đều đã được tiêm phòng đầy đủ.

Hai ca nhiễm biến thể mới ở Hong Kong nằm trong số 11 ca được biết đến trên toàn thế giới vào giữa buổi chiều ngày thứ Sáu ngày 26/11. 9 ca kia ở Botswana và Nam Phi.

The Epoch Times đưa tin, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla vừa công bố một biến thể mới của virus corona, được xác định là  bùng phát ở Nam Phi. Biến thể mới nhất này là phiên bản đột biến nặng nhất được phát hiện cho đến nay – và nó có một danh sách dài các đột biến đến mức được một nhà khoa học mô tả là “khủng khiếp”, trong khi một nhà khoa học khác nói đó là biến thể tồi tệ nhất mà họ từng thấy.

Trong tuần qua, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Nam Phi đã tăng nhanh chóng từ khoảng hơn 200 ca lên hơn 1.200 ca vào thứ Tư. Vào thứ Năm, con số này gần như tăng gấp đôi lên 2.465.

Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi (NICD) không quy đợt bùng phát mới nhất là do biến thể mới, nhưng một số nhà khoa học hàng đầu Nam Phi nghi ngờ đó là nguyên nhân.

Chính quyền Hong Kong cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình, Nikkei Asia cho hay.

Trong một tuyên bố vào tối thứ Năm ngày 25/11, Bộ Y tế Hong Kong cho biết: “Hiện chưa có đầy đủ thông tin khoa học về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng liên quan đến chủng biến thể mới này”. Cơ quan này nhấn mạnh rằng chủng biến thể B.1.1.529 được Tổ chức Y tế Thế giới phân loại là “Các biến thể đang được theo dõi”.

Các chuyên gia nói rằng, B.1.1.529 là phiên bản đột biến nhất cho đến nay, với một “chòm sao đột biến bất thường”. Nghiên cứu sơ bộ ở nước ngoài cho thấy nó có 50 đột biến gen, trong đó có 32 thay đổi đối với protein gai – những phần lồi cho phép vi rút lây nhiễm vào tế bào của chúng ta. Điều đáng lo ngại là các loại vaccine hiện có, được thiết kế dựa trên chủng ban đầu được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc, có thể kém hiệu quả hơn.

Ông Ben Cowling, nhà dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, nói với Nikkei Asia: “Các đột biến có thể cho phép virus đột phá khả năng miễn dịch tự nhiên hoặc miễn dịch vaccine. Số lượng đột biến trên biến thể này là mối quan tâm đặc biệt”.

Ông Cowling nói thêm rằng, hiện còn quá sớm để đánh giá chính xác mức độ truyền nhiễm của chủng biến thể này.

Thị trường chứng khoán châu Á giảm vào thứ Sáu ngày 26/11 sau khi có tin tức về sự xuất hiện của biến thể này tại Hong Kong. Và các quốc gia đã bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế ở biên giới, cũng như cho phép hoạt động du lịch bắt đầu trở lại.

Vương quốc Anh cho biết họ tạm thời cấm các chuyến bay từ sáu quốc gia châu Phi – Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesotho và Eswatini. Singapore hôm thứ Sáu cho biết họ sẽ cấm nhập cảnh đối với du khách từ 6 quốc gia đó cũng như từ Mozambique, trong bốn tuần, bắt đầu từ Chủ nhật ngày 28/11.

Chỉ những công dân Singapore và thường trú nhân mới được phép nhập cảnh Singapore và họ sẽ phải cách ly trong 10 ngày.

“Chúng ta nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để giảm nguy cơ biến thể mới lây lan] đến Singapore”, Bộ Y tế của thành phố nói và nhấn mạnh rằng thành phố chưa tìm thấy bất kỳ trường hợp nào của chủng vi khuẩn này.

Theo truyền thông địa phương, Ấn Độ khuyến cáo tất cả các bang tiến hành “sàng lọc và kiểm tra nghiêm ngặt” đối với du khách đến từ Nam Phi và các nước “có nguy cơ” khác.

Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói với các phóng viên hôm thứ Sáu ngày 26/11 rằng, Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp hạn chế biên giới đối với du khách từ Nam Phi và năm quốc gia lân cận. Những người nhập cảnh Nhật Bản từ những nơi này sẽ phải cách ly 10 ngày trong một cơ sở do chính phủ chỉ định.

Trở lại Hong Kong, biến thể này được phát hiện khi các quan chức y tế hoàn tất kế hoạch mở lại biên giới với thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc đại lục sau hơn 18 tháng. Chính phủ thông báo rằng lãnh thổ sẽ thực hiện một quy tắc y tế, tương tự như trên đất liền, để theo dõi liên lạc.

Giáo sư David Hui, cố vấn chính phủ về COVID-19, nói với các phóng viên hôm thứ Sáu ngày 26/11 rằng: “Miễn là biến thể không lan truyền trong cộng đồng thì nó sẽ không ảnh hưởng đến việc Hong Kong mở cửa trở lại với đại lục”.

Ông Hui nói thêm rằng chính phủ cũng nên xem xét việc cấm các chuyến bay từ sáu quốc gia châu Phi trên, theo Nikkei Asia.

Nguyên Hương

Cựu quan chức thời Trump kêu gọi Biden tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022

Nam Sơn

Bà Nikki Haley (ảnh: Từ video của C-SPAN)

Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã kêu gọi Tổng thống Biden tẩy chay Thế vận hội Mùa đông ở Trung Quốc vào năm tới, bà nói rằng “[chính quyền của] quốc gia này còn nguy hiểm hơn cả Đức Quốc xã”, theo News.

Trong một bình luận hôm thứ Ba (23/11), bà Hayley đặt câu hỏi: “Nếu Hoa Kỳ biết trước việc Đức Quốc xã sau này sẽ trở thành gì, thì nước này có tham gia Thế vận hội Mùa hè Berlin 1936 được không?”

Nữ quan chức thời chính quyền Trump nói: “Đây không phải là một câu hỏi lịch sử, câu trả lời là trực tiếp liên quan đến Thế vận hội mùa đông sẽ được tổ chức tại Trung Quốc vào năm tới”.

Theo Newsmax, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nicky Hayley đã chỉ ra rằng: “ĐCSTQ ngày nay rõ ràng là nguy hiểm hơn Đức Quốc xã năm 1936”. Bà cũng nói: “Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ và thế giới tự do chưa hoàn toàn nắm chắc được kế hoạch của Adolf Hitler”.

Hayley nói rằng mặc dù Churchill đã nhìn thấy những gì sắp xảy ra, nhưng thế giới tự do có đủ “sự lạc quan ngốc nghếch” để mang lại cho Hitler một chiến thắng tuyên truyền tại Đại hội Thể thao Berlin”.

Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc tin rằng việc Hoa Kỳ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sẽ “gửi một thông điệp rõ ràng và không thể nhầm lẫn rằng sự chuyên chế và đe dọa của ĐCSTQ là không thể chấp nhận được và phải chịu hậu quả cho hành động của mình”.

“Chúng ta biết ĐCSTQ là gì. Chúng ta biết ĐCSTQ đang làm gì. Các nhà lãnh đạo của thế giới tự do không nên giao chiến thắng mang tính biểu tượng mạnh mẽ cho chế độ độc ác đó. Một quốc gia tự do nhất trong lịch sử nhân loại, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không nên làm như vậy. Vì vậy Hoa Kỳ phải tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022”, bà Haley nói thêm.

Lithuania kêu gọi Âu Châu tăng cường bang giao tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis tại Hoa Thịnh Đốn, hôm 15/09/2021. (Ảnh: Mandel Ngan/Reteurs)

WASHINGTON — Hôm thứ Tư (24/11), bộ trưởng ngoại giao Gabrielius Landsbergis cho biết Lithuania sẽ thích ứng để giải quyết khó khăn kinh tế “ngắn hạn” mà Trung Quốc gây ra do nước này có các hoạt động tăng cường mối quan hệ với Đài Loan, đồng thời cũng thúc giục Âu Châu chống lại sự “sự áp bức” kinh tế của Bắc Kinh bằng cách để tâm nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chính quyền Trung Quốc đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania hôm Chủ Nhật (21/11) do quốc gia Baltic này cho phép Đài Loan tự trị mở đại sứ quán trên thực tế ở đó. Lithuania có quan hệ chính thức với Trung Quốc mà không phải Đài Loan.

Bắc Kinh coi Đài Loan được quản lý dân chủ như một tỉnh, và các quan chức Lithuania nói rằng chính quyền Trung Quốc cũng đã tìm cách gây khó khăn như cắt đứt các mối liên hệ thương mại để trả đũa quyết định của nước này.

Ông Landsbergis nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn tại Hoa Thịnh Đốn rằng những thiệt hại như vậy sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì Lithuania đang nỗ lực làm cho chuỗi cung ứng của mình bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Trong ngắn hạn, bất kỳ quốc gia nào cũng gặp khó khăn khi các hợp đồng của mình bị cắt giảm,” ông Landsbergis nói. “Nhưng đó là ngắn hạn, vì thị trường sẽ thích ứng. Các công ty sẽ thích ứng”.

Ông Landsbergis cho biết chính quyền Trung Quốc không chỉ đã cắt đứt liên hệ với các công ty Lithuania mà còn tiếp cận các công ty ở các nước thứ ba để dồn ép họ không giao dịch với Lithuania.

“Phần lớn những gì chúng tôi sản xuất là được sản xuất một phần hoặc tại Trung Quốc. Đây là lý do tại sao chúng tôi cần tìm cách tạo ra các chuỗi cung ứng và làm thế nào khiến chúng linh hoạt hơn để có thể chịu được sự áp bức này, cắt các hợp đồng, các biện pháp trừng phạt thứ cấp,” ông Landsbergis nói.

Ông cho biết Lithuania sẽ cung cấp một mô hình cho các quốc gia về cách chống lại kiểu áp lực như vậy, nhưng các quốc gia Âu Châu nói riêng cần phải tham gia nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tăng cường an ninh kinh tế.

“Chúng ta phải hiểu rằng mọi quốc gia hiện nay đều lưu tâm đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Landsbergis cho biết.

Ông nói: “Một số đồng minh NATO của chúng ta đang chịu trách nhiệm lớn trong khu vực này, mang đến những bảo đảm an ninh cho các quốc gia, và điều đó có nghĩa là ít nhất chúng ta cũng phải có một sự am hiểu về những gì đang diễn ra, hoặc có thể đóng một vai trò nào đó trong việc này”.

Trước đó, ông Landsbergis đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman, người đã nhấn mạnh “tình đoàn kết vững chắc của Hoa Kỳ” với đồng minh NATO theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao

Bà Sherman hoan nghênh việc Lithuania, một quốc gia có khoảng 3 triệu dân, mở rộng quan hệ với các nền dân chủ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hoa Thịnh Đốn đã tìm cách tạo thêm chỗ cho Đài Loan trong hệ thống quốc tế, một trong những nhân tố chính khiến mối quan hệ với Bắc Kinh ngày càng trở nên gay gắt. Tuần trước, điều phối viên tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell cho biết những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm mở rộng sự hợp tác với các đối tác và đồng minh của họ trong khu vực đã khiến chính quyền Trung Quốc “nổi đóa”. Bắc Kinh mô tả các hành động này là tư duy Chiến tranh Lạnh.

Michael Martina và Humeyra Pamuk
Cẩm An biên dịch

Related posts