27-11-2021
Bộ Chính trị mới ban hành Quy định về miễn nhiệm, cách chức, từ chức và tạo điều kiện và bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo. Ban Tổ chức Trung ương cũng đang nghiên cứu sửa đổi Quy định 260, ban hành năm 2009, về miễn nhiệm, cách chức từ chức để phù hợp tình hình mới và thực hiện có hiệu quả hơn.
Mặc dù có quy định nhưng hơn 10 năm qua, rất hiếm cán bộ từ chức mà chỉ khi sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng mới cách chức miễn nhiệm. Trường hợp như Bí thư Hội An Nguyễn Sự từ chức là tấm gương sáng nhưng tiếc là gần như là cá biệt.
Vì sao ở ta từ chức khó thế. Không chỉ cấp cao mà ngay tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, bí thư chi bộ cũng ít người từ chức khi đương nhiệm.
1- Cán bộ của ta, nhất là trung cao cấp trở lên hầu hết chỉ có nghề lãnh đạo mà không có chuyên môn nghiệp vụ. Lấy lãnh đạo như một nghề kiếm sống mà kiếm tiền dễ dàng nhất, thuận lợi nhất. Đến nỗi nhiều vị là nhà khoa học, doanh nhân khi được cơ cấu vào lãnh đạo là bỏ ngay nghề mà lao như thiêu thân trong chốn quan trường đủ nói lên nghề làm lãnh đạo hấp dẫn thế nào. Vậy nên nhiều vị nếu từ chức chả biết làm gì, nhất là khối cán bộ trưởng thành từ Đoàn Thanh niên, chỉ giỏi hô khẩu hiệu.
2- Làm lãnh đạo có nhiều ưu đãi. Ta nghĩ ra vô số thứ ưu đãi nên lãnh đạo nào cũng giầu có mà so với lương thì không thể giầu như vậy. Riêng nhà đất đã ghê gớm. Nhiều vị có nhà cao cửa rộng từ địa phương lên Trung ương. Quan địa phương được cấp nhà đất, luân chuyển nơi khác lại được cấp và về trung ương được cấp lần nữa. Đương chức nhiều bổng lộc, về hưu vẫn nhiều ưu đãi kể cả cấp đất khi chết. Thế nên phải quyết giữ ghế lãnh đạo.
3- Công tác cán bộ là của Đảng. Nói Đảng là trừu tượng, thật ra chỉ là nhóm người, hoặc vài người quyết định. Thế nên cất nhắc hay cho thôi lệ thuộc vào những người này. Bổ nhiệm người cùng phe nhóm thì bênh che nhau, ai lại chặt chân tay mình.
4- Thế nên muốn bộ máy mạnh, lãnh đạo giỏi có năng lực, trước tiên cần cải cách đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo dân chủ công khai, tranh cử thật sự. Nghịch lý là, lãnh đạo gần 100 triệu dân lẽ ra phải chọn người từ trong 100 triệu. Nhưng ngay từ đầu đã loại ra 95 triệu mà chỉ chọn trong 5 triệu đảng viên… Mặt khác ngay 5 triệu đảng viên có bao nhiêu được quyền chọn lãnh đạo hay chỉ bỏ phiếu hợp thức.
Nếu có cơ chế và minh bạch và nhân dân có quyền thực sự thì việc miễn nhiệm cách chức, từ chức sẽ dễ dàng. Ở các nước phát triển, nếu một lãnh đạo có câu nói sai, hành động bất nhã đã phải xin từ chức. Ở ta mà làm được như vậy thì rất nhiều vị đã phải từ chức.
Thật hài hước và đau lòng, lo ngại mà đến nỗi có vị lãnh đạo ăn thịt bò dát vàng cũng chả sao, đến nỗi TBT Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ lẩy Kiều bóng gió: Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào… mà không cách chức ngay.
Thế đấy…
______
Tác giả Trần Nhung là cựu TBT báo Cựu Chiến binh Việt Nam.