Tin thế giới trưa thứ Hai: Uganda có nguy cơ bị Trung Quốc lấy mất sân bay quốc tế

Bắc Kinh bí mật mua 2.79 triệu tấn than của Úc   

(Ảnh: Aly Song / Reuters)

Những ngày qua, nhiều báo chí đưa tin rằng, dữ liệu Hải quan của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đã nhập khẩu 2.79 triệu tấn than từ Úc trong tháng 10. Con số này nói lên điều gì? Nó đã nói lên chính sách kinh tế của Trung Cộng không đạt hiệu quả. Kéo theo hệ quả thiếu than trong mùa đông, giá than tăng vọt. Chính quyền đã yêu cầu các công ty sản xuất than giảm giá nhưng cũng vô ích, nên đành phải “cúi đầu” mua than của Úc để bổ sung.

Vậy 2.79 triệu tấn than mua từ Úc đã đi đâu? Nếu ĐCSTQ đưa số than này cho người dân ở các khu vực có mùa đông lạnh giá như Đông Bắc, Tây Bắc và Hoa Bắc, giúp họ được sưởi ấm và tiết kiệm chi tiêu trong mùa đông, thì 2.79 triệu tấn than này rất đáng mua.

Tuy nhiên, rất nhiều video trên mạng đều cho thấy người dân vùng Đông Bắc nói giá than rất cao, nhiều người không kịp mua vào tháng 9 và giá than đã tăng lên thành 2,000 NDT mỗi tấn vào tháng 10, cao gấp đôi so với năm ngoái. Có người không có tiền nên chỉ có thể đốt lõi ngô, gỗ củi, v.v… đến khi lạnh không chịu nổi nữa mới dám đốt than sưởi ấm. Thậm chí có người còn nói, chi phí sưởi ấm mỗi tháng bằng một tháng lương, 6 tháng mùa đông “ngốn” hết nửa năm tiền lương.

Như vậy là 2.79 triệu tấn than của Úc đã không đến tay những người dân phía Bắc đang cần than nhất. Thay vào đó, chúng được giao cho các doanh nghiệp nhà nước như nhà máy điện để tiết kiệm chi phí mua nguyên liệu. Đó cũng là nguyên nhân vì sao ĐCSTQ âm thầm bí mật mua than chứ không công khai trước công chúng. Đó là vì số than đó không phải để sưởi ấm cho người dân Trung Quốc. Rốt cuộc, việc ĐCSTQ vẫn phải cúi đầu mua than của Úc, chuyện mất mặt như vậy cũng đã làm rồi, tại sao không mua thêm 2.79 triệu tấn than nữa để cung cấp cho người dân phía Bắc giúp họ sưởi ấm vào mùa đông. Nếu làm được [cho dân] như vậy, ngay cả mất mặt cũng rất đáng để làm.

Nhưng Trung Cộng không nghĩ như vậy, thà mất mặt ở nước ngoài còn hơn là để người Trung Quốc biết nó đã thất bại. Nếu người dân Trung Quốc biết được rằng chiến dịch chính trị nhằm đánh bại Úc vào cuối năm 2020 đã thất bại, mới là điều ĐCSTQ không thể chịu đựng được. Cái giá phải trả cho những sai lầm của ĐCSTQ là hóa đơn sưởi ấm của người dân Trung Quốc tăng vọt, nhiều người chật vật chống chọi với mùa đông giá rét. Rốt cuộc người dân vẫn phải chịu hậu quả trực tiếp.

Lí Hạo thực
Minh Phương biên dịch

Uganda có nguy cơ bị Trung Quốc lấy mất sân bay quốc tế

Hải Lam

Sân bay quốc tế Uganda (ảnh: Từ video của africanews)

Tờ Daily Monitor cho biết, Uganda đang tìm cách sửa đổi thỏa thuận cho vay ký kết với Trung Quốc vào năm 2015. Thỏa thuận này có thể khiến Uganda mất quyền kiểm soát sân bay quốc tế duy nhất của họ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối đàm phán lại, theo Epochtimes.

Báo cáo của Daily Monitor cho hay, Uganda đã vay 200 triệu đô la Mỹ từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để mở rộng Sân bay Quốc tế Entebbe. Thời hạn của hợp đồng vay là 20 năm, trong đó có 7 năm ân hạn. Uganda hiện đã phát hiện ra rằng có một số “điều khoản độc hại” trong thỏa thuận cần được đàm phán lại.

Cơ quan Hàng không Dân dụng Uganda (UCAA) nói rằng thỏa thuận nếu không được sửa đổi, sân bay Entebbe và các tài sản khác của chính phủ Uganda sẽ bị Trung Quốc thu giữ và tiếp quản.

UCAA đánh giá rằng, có 13 điều khoản trong thỏa thuận là “không công bằng và làm xói mòn chủ quyền của Uganda.”

Những điều khoản bất lợi này bao gồm ngân sách, kế hoạch tổng thể và chiến lược của UCAA cần phải được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Bắc Kinh phê duyệt, trong khi đây là quyền của ban giám đốc UCAA. Ngoài ra, bất kỳ tranh chấp nào giữa hai bên phải được giải quyết bởi Ủy ban Trọng tài Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc.

Thỏa thuận cũng quy định rằng UCAA sẽ không được sử dụng bất kỳ khoản chi tiêu nào khi chưa có sự chấp thuận của Bắc Kinh.

David Kakuba, cựu giám đốc UCAA đề nghị rằng, “cần khẩn trương rà soát và đàm phán lại hiệp định vay ưu đãi của Chính phủ và các hiệp định khác về nâng cấp và mở rộng dự án Sân bay Quốc tế Entebbe giai đoạn I”.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Uganda đã không thực hiện được việc này khi Trung Quốc từ chối sửa đổi thỏa thuận.

Đài Loan điều máy bay ngăn chặn 27 phi cơ Trung Quốc

Thanh Hải

Hình ảnh 2 máy bay Trung Quốc xâm phạm vùng trời Đài Loan năm 2019. (ảnh: Từ video của RTI English)

Đài Loan ngày 28/11 đã điều máy bay chiến đấu để chặn đầu 27 phi cơ từ đại lục xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của hòn đảo, theo Taiwan News.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết nhóm máy bay chiến đấu của phía Trung Quốc bao gồm các máy bay tiêm kích, 5 máy bay ném bom H-6 có khả năng mang vũ khí hạt nhân, cũng như một máy bay tiếp nhiên liệu Y-20.

Nhóm máy bay Trung Quốc di chuyển về miền Nam Đài Loan để tới eo biển Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines, trước khi quay trở lại đại lục.

Sự xuất hiện của máy bay tiếp dầu trong nhóm máy bay Trung Quốc cho thấy, không quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đã thực hiện động tác tiếp dầu trên không cho các tiêm kích. Đây là kỹ năng mà không quân Trung Quốc đang phát triển để tăng cường khả năng hoạt động xa bờ.

Phản ứng trước hành động của máy bay Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã cử máy bay chiến đấu ngăn chặn. Các hệ thống tên lửa của Đài Loan cũng được khởi động để theo dõi.

Trong khoảng một năm qua, không quân Trung Quốc liên tiếp cho máy bay xâm nhập ADIZ của Đài Loan.

Hôm 1/10, giới chức Đài Loan cho biết gần 150 máy bay chiến đấu Trung Quốc đã xâm nhập ADIZ của hòn đảo chỉ trong 4 ngày.

Vào ngày 26/11, Bắc Kinh cũng đã điều 8 máy bay chiến đấu bay qua ADIZ của Đài Loan vào thời điểm 5 nghị sĩ Quốc hội Mỹ bất ngờ đến thăm hòn đảo.

Bất chấp sức ép từ Bắc Kinh, phái đoàn Litva đã tới Đài Loan

Lục Du

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (hàng trên, ngoài cùng bên trái) (ảnh: 總統府/Flickr).

Phái đoàn các nghị sĩ Latvia đã đến thăm Đài Loan. Chuyến thăm này diễn ra sau khi Trung Quốc hạ cấp độ đại diện của họ tại quốc gia nằm ở vùng Baltic, News đưa tin.

Truyền thông Đài Loan ngày 28/11 cho hay, phái đoàn do nghị sĩ Matas Maldeikis dẫn đầu đã đến thăm Đài Loan để tham dự một diễn đàn liên quan tới dân chủ được tổ chức vào ngày 3 và 4/12. Phái đoàn khởi hành từ Frankfurt, Đức, và đến sân bay quốc tế Đào Viên, Đài Loan, lúc 6:18 sáng cùng ngày.

Ông Maldeikis cho biết, “Trong năm qua, sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa Litva và Đài Loan đã đạt được những tiến bộ vượt bậc”.

Thành viên của phái đoàn, Đại biểu Quốc hội Litva Dovalle Sakarien nói, “Tôi kỳ vọng chuyến thăm Đài Loan lần này sẽ mang lại nguồn cảm hứng cho Litva, các nước Baltic gần với Nga như Đài Loan có eo biển với Trung Quốc”.

Sakarien nói thêm rằng ông coi việc được nằm trong danh sách cấm tới Trung Quốc là một niềm tự hào. Ông cho rằng nhiều người có thể sẽ bị thêm vào danh sách đen này của Bắc Kinh sau chuyến thăm Đài Loan, nhưng Litva là một người bạn quan trọng của Đài Loan nên các thành viên của phái đoàn sẽ nỗ lực vì tình hữu nghị giữa hai nước.

Bắc Kinh đang tỏ ra rất tức giận với Litva, quốc gia gần đây đã tăng cường quan hệ với Đài Loan và cho phép mở văn phòng đại diện của Đài Loan tại Litva. Trong cuộc họp video với Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peret Sillarto vào ngày 25, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích mạnh mẽ Litva vì “phản bội lòng tin” của Trung Quốc.

Trong một diễn biến liên quan, với các chính sách mạnh mẽ trước sức ép từ Bắc Kinh, nữ Tổng thống Thái Anh Văn đang nhận được nhiều hơn sự ủng hộ từ người dân Đài Loan. Một cuộc thăm dò dư luận do hãng truyền thông Đài Loan Meiri Dao Electronic News thực hiện vào tháng 11 cho thấy, mức độ tín nhiệm đối với bà Thái là 54,7%, tăng 1,4 điểm phần trăm so với tháng trước.

Cựu trợ lý nói ông Trump chắc chắn đang xem xét tái tranh cử

Nam Sơn

Cựu Tổng thống Donald Trump (ảnh: Youtube/Trump White House Archived).

Sam Nunberg, cựu trợ lý của Tổng thống Trump, cho biết cựu tổng thống “chắc chắn, chắc chắn đang xem xét” tái tranh cử vào năm 2024. Nunberg nói rằng ông tin tưởng ông Trump sẽ trở lại Tòa Bạch Ốc, theo Breitbart.

“Rõ ràng, ông ấy chắc chắn, chắc chắn đang cân nhắc điều đó,” Nunberg nói khi được hỏi liệu ông Trump có tranh cử vào năm 2024 hay không.

Tuy nhiên, ông Nunberg cho rằng ông Trump có thể gặp một số bất lợi khi ra tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo, ví dụ như cựu tổng thống có thể phải đối mặt với các cuộc điều tra nào đó do đối thủ kích hoạt, tương tự như các cuộc điều tra mà vị tổng thống 45 phải trả qua trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình

“Tôi chưa bao giờ thấy ai đó bị tấn công theo cách như ông ấy đã phải hứng chịu. Nhưng nếu bạn nói chuyện với ông ấy, bạn sẽ thấy ông sẽ rất vui khi làm mọi thứ cho đất nước”, Nunberg nói, và cho biết ông Trump là một“ phước lành cho thế giới”.

Nunberg cũng lưu ý rằng người Mỹ đã cho thấy họ chán Tổng thống hiện tại như thế nào trong 10 tháng qua, đặc biệt là sau khi chính quyền Biden rút quân Mỹ khỏi Afghanistan. Ông Nunberg cho rằng người dân Mỹ đang thực sự thấy sự tương phản hoàn toàn giữa ông Biden và ông Trump.

Trong trường hợp ông Trump không tái tranh cử, ông Nunberg nói rằng đảng Cộng hòa cần một người có thể gánh vác. Những nhân vật như cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Thống đốc DeSantis đều có những tính cách khác nhau, nhưng tất cả đều theo đuổi lý tưởng và nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết” của Donald Trump.

Ngầm lên án Bắc Kinh? Mỹ khen ngợi tính minh bạch của Nam Phi về Omicron

Đông Phương

Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc chống lại đại dịch COVID-19 trong một sự kiện tại Bộ Ngoại giao ở Washington vào ngày 5/4/2021. (Alexander Drago / Pool / AFP qua Getty Images)

Hôm thứ Bảy (ngày 27/11), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã khen ngợi Nam Phi vì nhanh chóng xác định được biến thể virus corona mới “Omicron” và chia sẻ thông tin này với thế giới. AFP chỉ ra rằng điều này tương đương với việc chỉ trích chế độ Trung Quốc vì đã che giấu Coronavirus mới ngay từ đầu.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố cho biết, Ngoại trưởng Blinken đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ Quốc tế Nam Phi Naledi Pandor vào thứ Bảy. Ông Blinken đặc biệt ca ngợi việc các nhà khoa học Nam Phi xác định nhanh chóng virus biến thể “Omicron” và khen ngợi sự minh bạch của chính phủ Nam Phi trong việc chia sẻ thông tin về virus, đồng thời nói rằng đây nên trở thành một hình mẫu cho thế giới.

Tuyên bố cho biết, ông Blinken và bà Pandor nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác giữa Hoa Kỳ, Liên minh Châu Phi, Nam Phi và các quốc gia Châu Phi bị ảnh hưởng khác nhằm giúp người dân tiêm vaccine để chống lại COVID-19.

Tuyên bố cũng cho biết, ông Blinken đánh giá cao sự hợp tác lâu dài về y tế công cộng giữa Hoa Kỳ và Nam Phi.

Dịch COVID-19 lần đầu tiên bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc và các nước khác đã lên án Bắc Kinh vì che giấu virus trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát, điều này đã dẫn đến sự lây lan trên toàn cầu.

Vào tháng 4 năm nay, ông Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn với chương trình của NBC rằng, Trung Quốc “đã không làm những gì cần làm trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát COVID, nghĩa là cho phép các chuyên gia quốc tế vào cuộc trong thời gian thực, chia sẻ thông tin trong thời gian thực, và cung cấp tính minh bạch thực sự trong thời gian thực”.

Ông nói thêm rằng, một hậu quả của việc này là virus lây lan nhanh chóng và mất kiểm soát, và kết quả thậm chí còn tồi tệ hơn.

Cho đến nay, có gần 5,2 triệu người trên thế giới đã chết vì COVID-19.

Vào tháng 8 năm nay, cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo nói rằng không thể đưa ra kết luận chính xác về nguồn gốc của virus vì Trung Quốc đã không hỗ trợ cho cuộc điều tra của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ cũng cáo buộc Bắc Kinh đã trì hoãn quá lâu trước khi chia sẻ thông tin quan trọng về dịch bệnh, đồng thời cho rằng việc xử lý một cách minh bạch hơn có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của virus.

Sau khi Mỹ công bố báo cáo, Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh: “Thông tin quan trọng về nguồn gốc của đại dịch này là ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay từ đầu, các quan chức chính phủ Trung Quốc đã cố gắng ngăn cản các nhà điều tra quốc tế và các thành viên của cộng đồng y tế công cộng toàn cầu thu thập những thông tin này”. “Thế giới xứng đáng được biết câu trả lời, và tôi sẽ không ngừng nghỉ cho đến khi nhận được đáp án. Các quốc gia có trách nhiệm sẽ không trốn tránh những trách nhiệm này với phần còn lại của thế giới”.

Đại dịch này là một trong nhiều yếu tố góp phần gây ra căng thẳng nghiêm trọng giữa Mỹ – Trung. Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng xung đột về các vấn đề như thương mại, nhân quyền và Đài Loan.

Các quan chức y tế Mỹ cảnh báo không nên sớm kết luận về biến thể Omicron

Du Miên

Du khách quốc tế mang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) đến Sân bay Tullamarine của Melbourne vào ngày 29/11/2021, khi Úc ghi nhận trường hợp đầu tiên của biến thể Omicron của Covid-19. (WILLIAM WEST / AFP qua Getty Images)

Tiến sĩ Francis Collins – Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ – cho biết, hiện vẫn chưa có dữ liệu nào cho thấy biến thể Omicron mới của virus Corona Vũ Hán gây ra nhiều ca bệnh nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó.

Trong chương trình “State of the Union” của đài CNN hôm 28/11, Giám đốc Collins nói: “Tôi nghĩ rằng [Omicron] dễ lây lan hơn, khi bạn nhìn vào mức độ lây lan nhanh chóng của nó qua nhiều quận ở Nam Phi”. Trước đây, ông từng gợi ý rằng, một phòng thí nghiệm bảo mật cao ở Trung Quốc có thể đã nhận được tài trợ của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (National Institutes of Health – NIH) để thực hiện nghiên cứu tăng cường chức năng về virus.

Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ áp dụng lệnh cấm đi lại đối với 8 quốc gia ở phía nam châu Phi bắt đầu từ ngày 29/11. Trong khi đó, Liên minh châu Âu, Israel, Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác cũng có động thái tương tự do sự lan rộng của biến thể — đã được phát hiện ở Nam Phi và Botswana.

Một bác sĩ hàng đầu của Hiệp hội Y tế Nam Phi đã giúp cảnh báo chính quyền về biến thể mới của virus Corona Vũ Hán. Trao đổi với các phương tiện truyền thông, bà nói rằng, Omicron gây ra các triệu chứng bất thường nhưng ở mức độ nhẹ.

Bác sĩ Angelique Coetzee nói với The Telegraph: “Các triệu chứng của họ rất khác và rất nhẹ so với những người tôi đã điều trị trước đây”.

Bác sĩ Coetzee giải thích: “Nó biểu hiện một bệnh nhẹ với các triệu chứng là đau cơ và mệt mỏi trong một hoặc hai ngày. Cho đến nay, chúng tôi đã phát hiện ra rằng những người bị nhiễm bệnh không bị mất vị giác hoặc khứu giác. Họ có thể bị ho nhẹ. Không có triệu chứng nổi bật. Trong số những người bị nhiễm một số hiện đang được điều trị tại nhà”.

Trong khi đó, quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 28/11 đã chỉ trích lệnh cấm du lịch trên toàn thế giới đối với các nước miền nam châu Phi vì biến thể Omicron COVID-19 mới được phát hiện. Giám đốc khu vực Châu Phi của WHO là ông Matshidiso Moeti đã kêu gọi các quốc gia thực hiện các quy định y tế quốc tế, để tránh sử dụng các biện pháp hạn chế đi lại.

Trong một tuyên bố, ông Moeti cho biết: “Việc hạn chế đi lại có thể đóng một vai trò trong việc giảm nhẹ sự lây lan của COVID-19 nhưng tạo ra gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế. Nếu các hạn chế được thực hiện, chúng không được xâm phạm hoặc xâm hại một cách không cần thiết, và phải dựa trên cơ sở khoa học, theo Quy định Y tế Quốc tế – là công cụ ràng buộc pháp lý của luật pháp quốc tế được hơn 190 quốc gia công nhận”.

Đầu tuần này, WHO đã nhận được câu hỏi về lý do tại sao họ bỏ qua việc đặt tên biến thể mới là “Xi”, theo thứ tự chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp, mà thay vào đó lại chọn đặt tên là Omicron. Các nhà phê bình suy đoán rằng, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đang cố gắng xoa dịu ĐCSTQ và nhà lãnh đạo của nó, Tập Cận Bình, bằng động thái này. Trước đây, cơ quan này đã bị cáo buộc thông đồng với chính quyền Trung Quốc nhắm che giấu mức độ nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.

Nhưng ông Moeti nói rằng, Nam Phi và Botswana đã hành động rất khôn ngoan trong việc tìm ra biến thể mới, mà WHO hôm 26/11 cho rằng có một số đột biến và có thể lây nhiễm nhiều hơn. Không rõ liệu biến thể Omicron có thể dẫn đến bệnh nặng hơn hay liệu nó có thể đột phá qua vaccine hoặc khả năng miễn dịch tự nhiên hay không.

Giám đốc Moeti tuyên bố: “Tốc độ và sự minh bạch của chính phủ Nam Phi và Botswana trong việc thông báo cho thế giới về biến thể mới rất đáng khen ngợi. WHO sát cánh với các quốc gia châu Phi đã can đảm mạnh dạn chia sẻ thông tin y tế công cộng để cứu người, giúp bảo vệ thế giới chống lại sự lây lan của COVID-19”.

Cựu Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Scott Gottlieb lập luận rằng, các nhà phát triển vaccine có “mức độ tin cậy khá tốt” rằng, những người được tiêm chủng đã được tiêm mũi vaccine nhắc lại có thể đối phó với biến thể Omicron. Hiện ông Gottlieb đang giữ một ghế trong ban giám đốc của Pfizer.

Related posts