NS Đỗ Lễ và 3 ca khúc thất tình nổi tiếng: Sang Ngang, Chia Ly và Tình Phụ

Trong làng nhạc miền Nam trước 1975, nhạc sĩ Đỗ Lễ không phải là một tên tuổi quá nổi bật, tuy nhiên công chúng vẫn luôn nhớ tới ông như là tác giả của những ca khúc thất tình nổi tiếng, tiêu biểu nhất là Sang Ngang, Chia Ly và Tình Phụ. Đó là 3 bài hát rất buồn, được nhạc sĩ viết cho những mối tình buồn trong đời mình.

Nhạc sĩ Đỗ Lễ đã viết nhạc từ năm 15 tuổi, nhưng phải đến gần 10 năm sau đó, khi bài hát Sang Ngang ra đời vào năm tác giả được 24 tuổi thì công chúng mới biết đến tên của ông.

Trong giới văn nghệ Sài Gòn trước 1975, hầu như ai cũng biết mối tình si mà Đỗ Lễ dành cho ca sĩ Lệ Thanh vào khoảng đầu thập niên 1960. Khi đó Lệ Thanh đã là một trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất của phòng trà Sài Gòn, còn Đỗ Lễ chỉ là một anh sinh viên đa tình, đêm nào cũng đến trồng cây si ở các phòng trà Anh Vũ tới Bồng Lai, Hòa Bình… hoặc bất kỳ nơi nào có Lệ Thanh trình diễn.

Đỗ Lễ rất yêu tiếng hát của Lệ Thanh, là một ca sĩ được nhận xét là chỉ có sắc vóc trung bình nhưng sở hữu giọng ca nồng nàn với những nốt vuốt độc đáo mà cho tới bây giờ chưa có người thay thế.

Người ca sĩ trình diễn trên sân khấu, ánh mắt nhìn bâng quơ xuống hàng ghế khán giả, không chủ ý nhìn ai, nhưng nhạc sĩ Đỗ Lễ luôn tin rằng nàng ca sĩ đang nhìn mình, hát cho mình nghe, rồi ôm lòng tương tư. Rồi đến một ngày Lệ Thanh giã từ ca hát để đi lấy chồng, bỏ lại tất cả hào quang sân khấu và sự tiếc nuối của khán giả, và người hụt hẫng nhất chính là Đỗ Lễ. Dù chỉ là mối tình đơn phương, nhưng ông đã tưởng tượng rằng hai người đã yêu nhau thắm thiết, rồi người con gái ngoảnh mặt để sang ngang, để rồi sáng tác nên ca khúc gắn liền với sự nghiệp của ông với tựa đề là Sang Ngang:

“Thôi nín đi em, lệ đẫm vai rồi, buồn thương nhớ ơi…

Mai bước sang ngang, lòng thêm nát tan, tình đã dở dang…

Thôi khóc làm gì, đã lỡ duyên thề, thương nhau làm chi.

Nỗi buồn ai hay, khi mình chia tay. Xa cách nhau rồi…”

Nữ danh ca Thanh Lan nhận xét về ca khúc này như sau: “Đỗ Lễ đã đến với khán thính giả yêu nhạc bằng đôi hia bảy dặm, chỉ cần đặt bút viết xuống đôi lời thủ thỉ “Thôi nín đi em, lệ đẫm vai rồi, buồn thương nhớ ơi…”, anh đã trọn vẹn nắm được con tim của tất cả những ai đã từng nếm được hạnh phúc cũng như đau thương của tình yêu đích thực”.

Ngay sau đó, nhạc sĩ Đỗ Lễ còn sáng tác một ca khúc khác, có nội dung gần giống với Sang Ngang, đó là Chia Ly, cũng với tâm trạng của một người phải tiễn người yêu sang ngang:

“Mai lên xe hoa em sầu trong áo cưới

Em lên xe hoa còn thương nhớ một người

Ai gieo đau thương đếm từng đêm ướt gối

Em đã đi rồi, em đã quên người tình xưa”

Tuy nhiên, do một sự nhầm lẫn nào đó mà thời gian sau này, bài hát bị ghi nhầm tên thành Chuyện Buồn Tình Yêu, và tên tác giả cũng bị ghi nhầm thành Mặc Thế Nhân.

Nữ ca sĩ Lệ Thanh theo chồng và mai danh ẩn tích, hoàn toàn không trở lại với ánh đèn sân khấu lần nào nữa, và mối tình đơn phương của nhạc sĩ Đỗ Lễ cũng dần nguôi ngoai theo thời gian. Đỗ Lễ lập gia đình với ca sĩ ít tên tuổi là Hoài Xuân, được xem là người đầu tiên hát ca khúc Sang Ngang. Tuy nhiên cuộc hôn nhân đó chỉ kéo dài 6 năm thì kết thúc. Đó là thời gian mà nhạc sĩ Đỗ Lễ bị lâm vào nỗi buồn đau một lần nữa vì tình yêu, nên đã sáng tác bài Tình Phụ:

Thôi nhé em còn hận tình này,

Bao nhiêu đắng cay, hãy cố quên đi

Đem chôn vùi vào ngày thật buồn

cho anh cô đơn mãi mãi mà thôi…

Nhạc sĩ Đỗ Lễ còn sáng tác rất nhiều ca khúc khác nữa, được ông đưa vào trong 4 băng nhạc tuyển Đỗ Lễ, tuy nhiên 3 bài nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông là Sang Ngang, Chia Ly và Tình Phụ, đều là những bài nhạc thất tình nổi tiếng nhất của nhạc vàng. Ba bài hát này rất buồn, và nỗi buồn đó như là đã vẫn vào cuộc đời của người sáng tác, bởi vì nhạc sĩ Đỗ Lễ đã vĩnh viễn ra đi vào năm 1997 ở tuổi 56, khi ông đã tự kết liễu đời mình vì những nỗi buồn riêng không thể giải tỏa được.

Người tình ở bên cạnh Đỗ Lễ những năm cuối đời là Vương Thị Lam Phương đã nhận xét về ông như sau: “Đỗ Lễ là một người rất ủy mị, con người anh ấy cũng rất yếu đuối, cứ gặp chuyện gì buồn là trở nên suy sụp, rất chán nản và không còn thiết hoạt động gì nữa, theo tôi nghĩ đó chính là điều đưa đến cái ᴄhếƭ của anh ấy!”

Nguồn: nhacvangbolero.com biên soạn

Related posts